Rau thơm là những loại rau có mùi vị đặc trưng, chúng tạo nên sự thơm ngon cho món ăn. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “Bầu ăn rau thơm được không?”, đồng thời đưa ra một số lời khuyên để mẹ bầu có một thời kỳ mang thai an toàn nhất.
Lợi ích của rau củ đối với phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai nên ăn đa dạng các loại rau củ để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, bởi điều này không chỉ hỗ trợ mẹ bầu tránh gặp phải tình trạng táo bón khi mang thai mà còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, béo phì, đột quỵ… Dưới đây là những dưỡng chất thiết yếu mà mẹ bầu có thể nạp từ các loại rau củ:
- Canxi: Đây là khoáng chất vô cùng cần thiết cho sự hình thành hệ xương và răng của thai nhi, đồng thời tránh tình trạng loãng xương khi mang thai.
- Vitamin C: Có vai trò quan trọng giúp tăng cường khả năng hấp thu canxi của cơ thể, hình thành hệ xương và răng khỏe mạnh.
- Axit folic: Giúp làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đồng thời tránh tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân.
- Chất xơ: Giúp việc tiêu hóa thức ăn diễn ra hiệu quả hơn, đồng thời giảm tình trạng táo bón khi mang thai.
Bà bầu ăn rau thơm được không?
Bà bầu ăn rau thơm được không? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn rau thơm trong khi mang thai 3 tháng đầu giúp các mẹ bổ sung nhiều vitamin và dinh dưỡng cho bé. Mẹ bầu có thể sử dụng một số loại rau thơm như:
- Tía tô, diếp cá: Đây là 2 loại rau có hương vị đặc trưng, giúp tăng vị cho các món ăn khi sử dụng kèm, đặc biệt là bổ sung vitamin và khoáng chất cho mẹ.
- Rau xà lách: Rau xà lách chứa axit folic giúp ngăn ngừa tình trạng dị tật thai nhi, cũng như hạn chế tình trạng táo bón do loại rau này chứa hàm lượng chất xơ lớn.
Tuy nhiên, có một số loại rau thơm mà mẹ bầu không nên sử dụng trong suốt quá trình mang thai bởi trong loại rau thơm đó chứa chất điều kinh, gây chảy máu và tăng co bóp tử cung, điều này rất dễ gây nên tình trạng sảy thai. Ở phần tiếp theo, Nhà Thuốc Long Châu sẽ liệt kê cụ thể một số loại rau mà mẹ bầu cần tránh trong quá trình mang thai.
Một số loại rau thơm, rau sống mẹ bầu cần tránh trong quá trình mang thai
Giá đỗ
Bầu ăn rau thơm được không? Một trong những loại rau thơm mà mẹ bầu cần tránh ăn phải kể đến đầu tiên đó chính là giá đỗ. Bởi các loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào hạt trước khi hạt bắt đầu phát triển, mà các vi khuẩn này khó có thể rửa sạch được.
Vi khuẩn Listeria là loại vi khuẩn có trong một số loại thực phẩm chưa được khử trùng kỹ, trong đó cũng có giá đỗ. Phụ nữ mang thai dễ mắc vi khuẩn này gấp 20 lần so với người thường, nhất là trong 3 tháng cuối, khi hệ thống miễn dịch của mẹ bầu bị suy giảm. Triệu chứng sau khi tiếp xúc nguồn bệnh bao gồm có đau đầu, sốt, buồn nôn và nôn. Nếu vi khuẩn tấn công tới hệ thần kinh có thể gây co giật, cứng cổ và mất định hướng. Vì vậy để an toàn cho thai nhi, mẹ bầu cần hạn chế ăn giá đỗ.
Rau răm
Trong khoảng thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, phụ nữ mang thai cần hạn chế sử dụng rau răm bởi theo một số nghiên cứu cho thấy, rau răm chứa chất gây thiếu máu, gây tình trạng co thắt tử cung, có thể dẫn đến sảy thai. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể sử dụng vài cọng rau răm để ăn kèm với trứng vịt lộn cũng không vấn đề gì.
Rau bạc hà
Rau bạc hà là loại rau quen thuộc đối với nhiều người, có lá xoăn, mùi thơm, được sử dụng nhiều trong chế biến các loại đồ ăn, đồ uống. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên ăn rau bạc hà. Lý do là vì bạc hà hay kể cả tinh dầu bạc hà đều có khả năng kích thích làm chảy máu kinh nguyệt, co bóp tử cung, từ đó tăng nguy cơ sảy thai.
Rau mùi
Rau mùi là loại rau thơm có rễ cọc, thân nhỏ, mùi hơi hắc và khó ngửi, thường được dùng để ăn với rau xà lách hoặc làm gia vị cho nhiều món ăn Việt Nam quen thuộc. Tuy nhiên, rau mùi được chứng minh là không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu, bởi một số thành phần có trong rau mùi có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến sinh dục nữ.
Ngải cứu
Rất nhiều ý kiến cho rằng ngải cứu là một món ăn an toàn cho thai phụ. Thực tế, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu phụ nữ mang thai 3 tháng đầu ăn quá nhiều ngải cứu có thể gây chảy máu âm đạo, co thắt tử cung, hậu quả là dẫn đến tình trạng sinh non, sảy thai. Tuy nhiên, nếu sử dụng ít (khoảng 1 - 2 lần trong tuần) thì ngải cứu sẽ không gây ra những tác dụng phụ này.
Húng quế
Húng quế chứa hàm lượng tinh dầu rất cao. Bình thường, loại rau này vẫn được sử dụng để giải cảm, điều trị bệnh dạ dày, khó tiêu, chống viêm và chữa đau răng. Tuy nhiên, đối với mẹ bầu, cần hạn chế ăn quá nhiều húng quế bởi loại rau này có thể gây nên tình trạng hạ đường huyết vô cùng nghiêm trọng. Hơn nữa, tinh dầu Eugenol có trong húng quế có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Loại tinh dầu này gây tăng nhịp tim, nóng trong, thở dốc, động kinh, hoa mắt chóng mặt, thậm chí có thể dẫn tới hôn mê.
Tỏi
Tỏi không phải rau thơm, tuy nhiên đây cũng là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Tỏi không chỉ là gia vị cho các món ăn, nó còn được coi như là một loại thuốc kháng sinh tuyệt vời cho sức khỏe.
Tuy nhiên, bà bầu ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra những phản ứng xấu tới sức khỏe như ợ nóng, tức bụng, chảy máu khi mang thai… Vì vậy, mẹ bầu cần hạn chế sử dụng tỏi quá nhiều.
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Bầu ăn rau thơm được không?”, đồng thời đưa ra một số loại rau thơm mà mẹ bầu không nên sử dụng trong suốt thời gian mang thai. Việc có được một thực đơn hợp lý khi mang thai giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, tránh gặp phải những dị tật bất thường khi sinh ra. Chúc mẹ bầu có thời kỳ mang thai khỏe mạnh và đừng quên hãy tiếp tục theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp