Lê hấp đường phèn trị ho là một món ăn cũng như bài thuốc dân gian đang được nhiều người truyền tai nhau để khắc phục triệu chứng khó chịu của bệnh đường hô hấp. Cách thực hiện khá đơn giản, nguyên liệu dễ kiếm cùng với hiệu quả tốt thì chắc hẳn người bệnh không nên bỏ qua phương thuốc này. Cùng tham khảo bài chia sẻ dưới đây để biết ngay công thức thực hiện bài thuốc trị ho này.
Trị ho bằng bài thuốc lê hấp đường phèn có được không?
Lê chưng đường phèn trị ho là bài thuốc dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc,… trong đó có cả Việt Nam. Bài thuốc trị bệnh này đã và đang được lưu truyền rộng rãi hiện nay nhờ bản chất lành tính, an toàn, hiệu quả và không gây tác dụng phụ khi áp dụng lâu dài. Đặc biệt hơn, trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể sử dụng được để kiểm soát và cải thiện cơn ho. Vậy trên thực tế, công dụng của bài thuốc lê hấp đường phèn trị ho có tốt như lời đồn?
Trong một số tài liệu y học cổ truyền cho biết, lê là loại quả có vị ngọt, tính mát. Nhờ đó, chúng có tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, tiêu đờm, giảm ho, bổ ấm và sinh tân dịch hiệu quả. Song, một số tài liệu nghiên cứu khoa học mới đây còn cho biết, trong quả lê có chứa hàm lượng lớn các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Điển hình như phốt pho, canxi, chất xơ, axit main và chất chống oxy hóa. Những dưỡng chất này sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện các chức năng liên quan đến đường hô hấp, đồng thời nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Mặt khác, đường phèn là nguyên liệu có vị ngọt thanh, tính mát, có tác dụng bổ trung ích khí và hòa vị nhuận phế. Với bản chất này, đường phèn được sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị viêm khí phế quản, hoa mắt, chóng mặt, ho khan ít đờm, ho dai dẳng không khỏi, đau rát cổ họng và khí huyết hư.
Từ công dụng riêng biệt của quả lê và đường phèn, khi kết hợp hai nguyên liệu này sẽ tạo ra bộ đôi hoàn chỉnh trong việc kiểm soát cơn ho và khắc phục tình trạng này. Hơn thế nữa, bài thuốc này còn có tác dụng thanh nhiệt, thanh tâm nhuận phổi, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị triệu chứng đau rát cổ họng, hỗ trợ làm loãng đờm bị ứ đọng ở vòm họng và bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được còn phụ thuộc vào từng cơ địa và tình trạng bệnh lý ở mỗi đối tượng. Do đó, người bệnh cần có sự kiên trì nhất định để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chia sẻ công thức làm lê hấp đường phèn trị ho hiệu quả ngay tại nhà
Bài thuốc trị ho từ lê và đường phèn khá đơn giản, không quá cầu kỳ hay phức tạp, bạn có thể thực hiện ngay tại nhà để trị ho. Nếu chưa biết chính xác công thức thực hiện, hãy tham khảo ngay các bước thực hiện được chia sẻ dưới đây:
Những nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 quả lê tươi
- Một lượng đường phèn vừa đủ (có thể thay thế bằng mật ong)
Cách thực hiện:
- Đem quả lê rửa sạch phần vỏ ngoài để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn bám quanh;
- Sau đó, dùng dao cắt ngang phần cuống đến ⅓ quả;
- Dùng thìa để nạo bớt phần lõi bên trong quả lê;
- Cho vài viên đường phèn vào bên trong rồi đậy bằng nắp của lê vừa cắt ban đầu;
- Đặt quả lê có chứa đường phèn vào trong chén sứ. Tiếp đến, cho chén sứ vào trong nồi chưng cách thủy;
- Tiến hành hấp lên trên ngọn lửa nhỏ cho đến khi lê chín mềm và đường phèn tan hết;
- Vớt lê ra khỏi chén sứ. Người bệnh có thể dùng khi hỗn hợp đã nguội, nên dùng cả nước lẫn cái;
- Kiên trì sử dụng mỗi ngày sẽ giúp bệnh triệu chứng đau rát cổ họng, ho, khàn tiếng thuyên giảm dần.
Bên cạnh việc sử dụng quả lê và đường phèn để trị ho, người bệnh có thể bổ sung thêm nhiều nguyên liệu khác để gia tăng công dụng trị bệnh. Đó có thể là những vị thuốc nam hay vị thuốc Đông y có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh ho được một số tài liệu ghi nhận. Nhờ có những sự kết hợp đó mà thời gian hồi phục sức khỏe được rút ngắn, người bệnh sớm trở lại với công việc và đời sống thường ngày. Một số công thức trị ho từ lê và đường phèn khác, người bệnh có thể tham khảo thêm:
# Lê chưng đường phèn và kỷ tử
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có:
- 1 quả lê tươi
- 1.5 thìa canh đường phèn
- 1 thìa canh kỷ tử
Cách thực hiện:
- Đem quả lê và kỷ rửa rửa sạch với vòi nước để loại bỏ bụi bẩn. Đối với quả lê sau khi rửa sạch cần giữ nguyên vỏ, dùng cao cắt ngang khoảng ¼ chiều cao của quả lê. Tiếp đến, dùng thìa nạo lấy một lớp thịt bên trong để tạo thành cái nồi. Lưu ý, cần thận trọng khi nạo, tránh làm lê vỡ và chảy mất nước;
- Cho ½ kỷ tử đã được làm sạch cùng với ½ đường phèn được chuẩn bị vào trong quả lê đã được nạo. Có thể dùng tăm xỉa để ghim phần nắp quả lê;
- Cho quả lê vào trong chén sứ. Tiếp đến, cho lượng kỷ tử và phần đường phèn còn lại vào;
- Đem hỗn hợp chưng cách thủy trong khoảng 30 - 40 phút. Nên điều chỉnh ngọn lửa ở mức thấp, tránh để ngọn lửa quá to;
- Sau khi lê chín tới, vớt lê ra và bỏ trong chén nhỏ. Đợi hỗn hợp nguội dần rồi sử dụng cả nước lẫn cái để trị ho;
- Phần lê còn lại có thể bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh để sử dụng cho ngày hôm sau.
# Lê hầm táo tàu, kỷ tử và đường phèn
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có:
- 2 quả lê tươi
- 1,5 thìa canh đường phèn
- 1 thìa canh kỷ tử
- 6 - 8 táo tàu khô
Cách thực hiện:
- Quả lê cần rửa sạch lớp bỏ bên ngoài, sau đó gọt bỏ vỏ và cắt thành từng lát mỏng hoặc dạng hạt lựu đều được;
- Đối với kỷ tử và táo tàu, đem xả dưới vòi nước để làm sạch bụi, rồi vớt ra để ráo nước;
- Cho hết các nguyên liệu vừa sơ chế vào trong nồi cùng với đường phèn là 1.5 cốc nước. Bắc nồi lên bếp và đun trên ngọn lửa lớn, sau đó chỉnh lửa nhỏ khi nước đã sôi. Lưu ý, bạn nên canh chừng để nước không bị trào ra ngoài;
- Tiếp tục đun thêm 10 - 15 phút cho các nguyên liệu chín mềm;
- Tắt bếp, trình bày ra chén nhỏ và thưởng thức khi nguội. Dùng cả nước lẫn cái để gia tăng công hiệu;
- Trong trường hợp không sử dụng hết hỗn hợp, bạn có thể chờ hỗn hợp nguội hết rồi cất trong ngăn mát của tủ lạnh để dùng dần. Thời gian bảo quản ngắn, chỉ từ 1 - 2 ngày.
Dùng lê hấp đường phèn trị ho cần lưu ý những gì?
Mặc dù bài thuốc chữa ho bằng lê hấp đường phèn được đánh giá cao về hiệu quả cũng như sự an toàn, nhưng trong quá trình sử dụng, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh mất thời gian và phòng tác dụng phụ xảy ra:
- Trẻ nhỏ trên 12 tháng tuổi và phụ nữ mang thai bị ho hoàn toàn có thể dùng được bài thuốc trị ho từ lê và đường phèn. Tuy nhiên, một số trường hợp cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng;
- Các đối tượng có tiền sử bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần có trong quả lê tuyệt đối không áp dụng bài thuốc này để trị bệnh;
- Trong tài liệu nghiên cứu cho biết, lê là quả có tính hàn cao nên các đối tượng bị tiêu chảy hoặc đau bụng do lạnh không nên sử dụng;
- Bài thuốc trị ho từ quả lê hấp đường phèn chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, phù hợp với các trường hợp ho khan và ho có đờm. Đối với trường hợp bị ho do nhiễm khuẩn, người bệnh nên điều trị bằng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm;
- Hiệu quả nhanh hay chậm của bài thuốc trị ho từ quả lê và đường phèn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, các trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ hoặc vừa mới khởi phát khi sử dụng sẽ nhanh chóng cải thiện cơn ho, tình trạng đau rát cổ họng. Ngược lại, các trường hợp ho ở mức độ nặng (dấu hiệu của một số bệnh lý khác), bài thuốc này có thể không phát huy công dụng, lúc này, người bệnh nên tìm đến phương pháp điều trị khác;
- Người bệnh cần kiên trì sử dụng mỗi ngày, không nên quá nôn nóng dẫn đến lạm dụng. Điều này có thể gây ra phản ứng ngược gây hại cho sức khỏe;
- Ngoài việc sử dụng bài thuốc lê hấp đường phèn, người bệnh cần uống nhiều nước ấm để làm loãng dịch đờm trong cổ họng, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất và có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Đồng thời, tìm gặp bác sĩ chuyên khoa nếu bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm trong nhiều ngày liền.
Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề trị ho bằng lê hấp đường phèn của dân gian và một số lưu ý khi sử dụng. Với công thức dễ làm, nguyên liệu dễ kiếm, bạn có thể áp dụng và thực hiện ngay tại nhà để khắc phục triệu chứng khó chịu của bệnh ho. Áp dụng đúng cách và kiên trì sẽ giúp cơn ho được kiểm soát một cách tốt nhất. Song, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa nếu sau khoảng thời gian áp dụng không đạt được kết quả khả quan.