Đau núm vú (nipple pain) xảy ra phổ biến ở phụ nữ mang thai, sau sinh hoặc trong giai đoạn rụng trứng. Bệnh gây đau, ngứa, tiết dịch nhưng thường lành tính. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh chủ quan, bởi đau núm vú có thể là triệu chứng của ung thư vú. Vậy đau đầu ti (núm vú) ở nữ giới là dấu hiệu gì? Nguyên nhân và chẩn đoán ra sao?
Đau đầu ti (núm vú) là gì?
Đau đầu ti (núm vú) là tình trạng núm vú căng, đau nhức, thường gặp ở phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc trong thời kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân gây đau núm vú đến từ phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, nội tiết tố thay đổi khi mang thai hoặc đang cho con bú. Ở một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của ung thư vú.
Đau núm vú dấu hiệu của bệnh gì?
Phần lớn, đau đầu vú là do nội tiết tố thay đổi, mang thai, dị ứng hoặc ma sát từ quần áo. Ở một số ít trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Khi núm vú xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm [1]:
- Cơn đau dai dẳng hoặc không biến mất.
- Có dịch tiết ra từ núm vú.
- Cảm nhận có khối u trong vú.
- Cơn đau kèm sốt.
Nguyên nhân đau đầu ti ở phụ nữ
1. Thai kỳ
Đau núm vú là tình trạng thường gặp khi cơ thể có những thay đổi trong giai đoạn thai kỳ. Khi mang thai, nội tiết tố estrogen và progesterone thay đổi làm tăng lưu lượng máu, kích thích mô ngực và tuyến vú giãn nở, núm vú cũng trở nên to, sẫm màu và nhạy cảm hơn.
Mỗi người sẽ có biểu hiện đau núm vú khác nhau. Tình trạng này sẽ tự hết, tuy nhiên nếu thấy những dấu hiệu bất thường xuất hiện kèm theo, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân.
2. Chu kỳ kinh nguyệt
Trong hầu hết các trường hợp, đau ti thường xảy ra trước ngày hành kinh. Nguyên nhân đến từ hormone estrogen và progesterone thay đổi gây căng tức ngực, đau núm vú
Tương tự, những thay đổi khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, tuổi dậy thì, sử dụng thuốc tránh thai cũng là nguyên nhân khiến nội tiết tố thay đổi, gây đau nhức núm vú.
3. Do cho con bú
Cho con bú không đúng cách là nguyên nhân gây hầu hết các trường hợp đau hoặc nhức núm vú. Núm vú trong trường hợp này có thể nứt, kích ứng, cơn đau kèm tiết dịch hoặc chảy máu. Tình trạng đau đầu vú thường sẽ giảm khi ngừng cho con bú. Trường hợp cơn đau vẫn tiếp tục sau khi trẻ cai sữa, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và cải thiện triệu chứng.
Ở một số trường hợp, nếu sử dụng máy hút sữa, đau đầu ti có thể do tấm chắn vú dùng không đúng cách hoặc kích cỡ không chính xác. Theo đó, tấm chắn vú là 1 miếng nhựa vừa với quầng vú và núm vú. Điều chỉnh lực hút và sử dụng tấm chắn núm vú vừa vặn sẽ giúp cải thiện sự khó chịu. Ngoài ra, khi trẻ mọc răng, các con có thể thay đổi cách ngậm, thậm chí cắn núm vú, đây cũng là nguyên nhân gây đau núm vú.
4. Trầy xước do ma sát với áo ngực
Tình trạng này phổ biến ở người thường xuyên hoạt động thể dục thể thao như chạy bộ. Ma sát do áo ngực không vừa vặn có thể khiến núm vú khô, đỏ, đau hoặc nứt nẻ dẫn dến tình trạng đau đầu ti.
Khi tập thể dục, nên che núm vú bằng miếng bảo vệ hoặc gạc không thấm nước, đồng thời nên lựa chọn áo ngực phù hợp, kết hợp bôi thuốc mỡ để ngăn nứt nẻ núm vú.
5. Nhiễm trùng
Đau ti cũng có thể xuất hiện ở vùng da hở do núm vú nứt tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Nguyên nhân khiến nứt núm vú có thể đến từ việc cho con bú hoặc chấn thương. Bên cạnh đó, tình trạng này còn xuất phát từ những nguyên nhân như:
Bệnh viêm vú
Viêm vú là tình trạng vú sưng, đỏ, nóng, đau, xảy ra do ống dẫn sữa bị tắc, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Viêm vú xảy ra phổ biến ở phụ nữ cho con bú.
Nhiễm nấm núm vú
Nhiễm nấm núm vú có thể là nguyên nhân gây đau núm vú. Tình trạng này gây đau nhức, núm vú khô, bong vảy, nóng rát khi cho con bú. Trẻ có thể bị tưa miệng ở lưỡi, má hoặc cổ họng do nhiễm nấm men từ núm vú của mẹ.
Viêm nang lông
Các nang lông bị tắc xung quanh núm vú có thể nhiễm trùng, gây đau nhức núm vú.
6. Dị ứng
Đau đầu ti do núm vú phản ứng với các chất kích thích, chẳng hạn như xà phòng, nước hoa, kem dưỡng da là nguyên nhân phổ biến gây ngứa hoặc đau nhức núm vú. Nếu cơn đau kèm theo mụn nước, mảng vảy hoặc mẩn đỏ trên vùng núm vú, đó có thể là viêm da. Viêm da gồm 2 dạng là viêm da tiếp xúc và viêm da dị ứng. Cả 2 đều có thể ảnh hưởng đến núm vú.
7. Bệnh Paget
Paget là loại ung thư hiếm gặp liên quan đến núm vú, chiếm khoảng 4% ở người mắc ung thư vú. Loại ung thư này ảnh hưởng đến da của núm vú và quầng vú. Paget có thể đi kèm với ung thư vú xâm lấn ở ống dẫn sữa của cùng 1 bên vú. [2]
Paget hiếm khi ảnh hưởng đến cả 2 bên vú. Bệnh tương tự như chàm ở núm vú, với các triệu chứng như:
- Núm vú ngứa, sau đó chuyển sang nóng rát.
- Da khô, bong tróc hoặc đóng vảy ở núm vú hoặc quầng vú.
- Da phát ban, có thể đỏ, nổi lên, đóng vảy, thô hoặc chảy máu.
- Gây viêm và đau nhức.
- Đóng vảy và rỉ dịch.
- Tiết dịch núm vú kèm theo máu hoặc chất màu xanh giống mủ.
- Núm vú bị thụt vào trong hoặc phẳng.
- Có khối u vú sờ thấy dưới da.
8. Ung thư vú
Ung thư vú là 1 trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư da. Các triệu chứng ở núm vú có thể liên quan đến ung thư, gồm:
- Vùng da trên vú hoặc núm vú thay đổi: lúm đồng tiền, nhăn nheo, có vảy, viêm.
- Da trên vú hoặc núm vú đỏ.
- Dịch tiết ra từ núm vú có lẫn máu hoặc chất lỏng trong suốt.
- Núm vú thụt vào trong.
Dù đau đầu ti do ung thư là tình trạng hiếm gặp nhưng người bệnh không nên chủ quan, cần đến gặp bác sĩ khi núm vú xuất hiện những dấu hiệu bất thường.
9. Tổn thương núm vú khi quan hệ tình dục
Điều này có thể gây đau đầu ti và kích ứng. Tình trạng này chỉ mang tính tạm thời, nguyên nhân đến từ việc các cặp đôi có màn dạo đầu quá thô bạo.
10. Xỏ khuyên núm vú
Xỏ khuyên có thể gây đau và kích ứng núm vú. Ở một số trường hợp, xỏ khuyên còn gây nhiễm trùng, sưng tấy hoặc núm vú tiết dịch. [3]
Dấu hiệu đau đầu ti (núm vú) phổ biến
Dấu hiệu đau đầu ti (núm vú) ở mỗi người sẽ khác nhau, với những biểu hiện gồm:
- Đầu đầu vú đỏ hoặc sưng tấy.
- Núm vú nhạy cảm, đau nhức.
- Có cảm giác ngứa hoặc nóng rát núm vú.
Chẩn đoán đau núm vú thế nào?
Khi núm vú có triệu chứng đau nhức kéo dài vài ngày, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm nguyên nhân. Bác sĩ sẽ hỏi những thông tin về thời điểm cơn đau bắt đầu, người bệnh có đang trong chu kỳ kinh nguyệt, có mặc áo ngực chật hoặc từng chấn thương núm vú trước đó không. Trường hợp chưa xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm để kiểm tra vú.
Phương pháp điều trị đau đầu ti
Tùy vào nguyên nhân gây đau đầu vú, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị đau núm vú gồm:
- Thuốc: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống hoặc thuốc mỡ để cải thiện triệu chứng đau vú. Trường hợp đau do thay đổi nội tiết tố liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, có thể điều trị bằng thuốc giảm đau acetaminophen hoặc ibuprofen. Cơn đau sẽ giảm sau 24 - 48 giờ. Thuốc kháng sinh được sử dụng nếu cơn đau do nhiễm trùng gây tưa miệng hoặc viêm vú.
- Đau núm vú do mặc áo ngực không vừa vặn, người bệnh có thể thay áo mới hoặc đặt 1 miếng băng, thoa thuốc mỡ lên núm vú nhằm làm giảm sự cọ xát.
- Trường hợp đang cho con bú hoặc hút sữa bằng máy hút, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cho con bú đúng cách, đồng thời đảm bảo dụng cụ hút sữa vừa khít. Ngoài ra, có thể giảm đau núm vú bằng thuốc mỡ lanolin, chườm lạnh. Kem chống viêm tại chỗ giúp giảm viêm, đau do phản ứng dị ứng. Tương tự, thuốc kháng histamine đường uống cũng giúp giảm các triệu chứng do dị ứng gây ra.
- Trường hợp núm vú bị đau do mắc ung thư hoặc các bệnh về tuyến vú khác, việc điều trị có thể theo chẩn đoán mức độ ung thư vú.
Phòng ngừa và chăm sóc đầu ti bị đau
Tình trạng đau đầu ti phần lớn là lành tính, chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Với các chị em đang cho con bú, có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sau [2]:
- Nhẹ nhàng vắt 1 vài giọt sữa và xoa lên núm vú nhằm làm mềm núm trước khi cho con bú.
- Đảm bảo núm vú không còn sữa thừa sau khi cho bé bú. Đồng thời, thay miếng lót ngực thường xuyên để giữ núm vú luôn khô ráo.
- Mặc áo ngực bằng cotton, vừa vặn, thoải mái để áo không cọ vào núm vú.
- Thoa thuốc mỡ, chẳng hạn như lanolin lên núm vú.
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ để làm sạch bầu ngực và núm vú.
- Thay đổi vị trí mỗi khi cho con bú.
Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong khẩu phần ăn, bổ sung thực phẩm chế biến từ rau xanh, đa dạng các loại trái cây và uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. Đồng thời, kết hợp luyện tập thể dục thể thao, giữ tinh thần thoải mái tránh căng thẳng.
Đau đầu ti nên khám chữa ở đâu uy tín?
Có nhiều nguyên nhân gây đau núm vú, từ những thay đổi của hormone nội tiết đến mức độ nguy hiểm như ung thư vú. Khi núm vú có các triệu chứng bất thường, cơn đau dữ dội, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thăm khám vú và điều trị sớm.
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.
Ngoài ra, khoa còn làm chủ những kỹ thuật tiến bộ nhất cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: hệ thống máy nhũ ảnh kỹ thuật số 3D (DBT) Mammomat Inspiration; máy siêu âm GE Logiq E10S, với đầu dò có hỗ trợ siêu âm đàn hồi vú, khảo sát vi mạch và hỗ trợ định hướng sinh thiết dưới siêu âm; máy MRI 3 tesla thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix… giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.
Đau đầu ti (núm vú) gây khó chịu, đau nhức, nếu biết rõ nguyên nhân và chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ cải thiện. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về đau đầu vú ở nữ giới là dấu hiệu gì? Nguyên nhân và chẩn đoán ra sao. Khi cơn đau không cải thiện, thậm chí tiến triển nặng hơn, người bệnh nên đến khám tại khoa Ngoại Vú để điều trị đúng cách, hiệu quả.