Năm 1996, sau khi du học từ châu Âu trở về, nghệ sĩ Trần Vương Thạch công tác tại nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) cho tới khi về hưu. Trong 10 năm giữ vai trò giám đốc nhà hát, ông đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nơi đây từ một đơn vị có nhân sự và hoạt động non mỏng trở thành nơi thu hút tài năng và có nhiều chương trình biểu diễn gây tiếng vang. Đến tuổi nghỉ ngơi, ông vẫn miệt mài thực hiện một công trình nghiên cứu - tập sách 3 chương về lý thuyết âm nhạc Việt Nam.
Nhưng trên hết, ông là một nghệ sĩ luôn dành tình yêu tha thiết cho âm nhạc và đang tận hưởng niềm hạnh phúc trong những lần ngược xuôi Nam - Bắc để tập và diễn với các dàn nhạc khác nhau.
Thang âm của nhạc Việt Nam không giống hoà âm của nhạc châu Âu
Phóng viên: Về hưu là không còn gánh nặng quản lý, cảm giác của ông ra sao khi có nhiều thời gian cho sân khấu trong vai trò nghệ sĩ biểu diễn?
Nghệ sĩ Trần Vương Thạch: Tôi rất hạnh phúc vì đây là lúc thực hiện được đam mê chỉ huy dàn nhạc mà những năm quản lý, tôi không làm được nhiều. Ngoài ra, tôi còn dàn dựng, làm việc với các bạn trẻ, các dàn nhạc trong nước cũng như quốc tế. Ở tuổi này, tôi đã chắt lọc được kinh nghiệm từ nghề nghiệp và cuộc sống nên có thể làm tốt hơn việc chỉ huy - một công việc đòi hỏi sự từng trải. Tôi còn đang thực hiện một công trình nghiên cứu - tập sách 3 chương về lý thuyết âm nhạc Việt Nam.
* Nghe có vẻ thú vị! Ông có thể nói rõ hơn về công trình của mình?
- Hiện nay, chúng ta phát triển âm nhạc dựa trên lý thuyết và kỹ thuật của châu Âu chứ chưa có cái của riêng mình, khó ai có thể trả lời được bản sắc âm nhạc Việt Nam là gì. Vì vậy, phần tôi muốn đóng góp là tìm kiếm và hình thành lý thuyết cho âm nhạc Việt Nam. Điều này quan trọng cực kỳ, vì xưa nay, những nhận xét - thậm chí là phán xét hay dở, đúng sai, cao thấp - về âm nhạc Việt Nam, từ dân ca truyền thống, cung đình đến sân khấu cải lương, tuồng, chèo chứ không riêng ca khúc đều dựa trên tư duy, lý thuyết âm nhạc châu Âu. Trong khi đó, âm nhạc truyền thống hay dân ca Việt Nam chẳng hạn, hoàn toàn khác biệt so với âm nhạc châu Âu…
Tôi làm việc này trong vai trò một nghệ sĩ âm nhạc và vì trách nhiệm của một nghệ sĩ Việt Nam. Tôi đã bắt tay làm cách đây vài chục năm rồi, bắt đầu bằng việc tìm tài liệu khi du học nhưng bây giờ mới có đủ thời gian để làm. Với những biến thiên của lịch sử, các nền văn hóa thường ảnh hưởng lẫn nhau. Nhìn lại để thấy những gì trong âm nhạc Việt Nam đã bị ảnh hưởng và những gì còn giữ được sẽ cho thấy cái khác biệt, sẽ tìm ra định nghĩa về bản sắc âm nhạc Việt. Tôi đang nóng lòng và trăn trở nên phải chứng minh điều mình thấy bằng lý thuyết vững chắc thì mới có cơ sở để nói chuyện về sự tương đồng và khác biệt với thế giới. Công trình này đòi hỏi nhiều năm cuộc đời tôi. Nhưng, mảnh đất ít người khai thác, bị bỏ mất mới là điều tôi muốn nghiên cứu.
* Cái khác biệt đó chắc là thú vị, thưa ông?
- Rất thú vị! Ngắn gọn như vậy: nếu âm nhạc của châu Âu là hòa âm - nền tảng cơ bản được nhiều nước áp dụng - thì âm nhạc Việt Nam không có kỹ thuật hòa âm xếp nốt để tạo ra âm nhạc giao hưởng, mà được hình thành và áp dụng bằng phương tiện khác. Hiện nay, hầu hết người sáng tác nhạc Việt Nam đều đặt hòa âm vào, những bản giao hưởng nổi tiếng của Việt Nam dù tôi rất thích thì vẫn là sáng tác trên nền tảng âm nhạc châu Âu. Câu hỏi đặt ra là: Cách này nên không? Chúng ta có nên tìm cách khác để hình thành âm nhạc Việt Nam khác biệt so với âm nhạc giao hưởng, có thể khai phá được con đường mới không giống châu Âu? Việc đặt câu hỏi để phản biện chính mình khiến tôi phải tìm kiếm câu trả lời nên tôi cảm thấy rất hào hứng.
* Khi đã tìm được con đường thì nhạc cụ truyền thống các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng có thể chơi với dàn nhạc của châu Âu trong một buổi hòa nhạc?
- Được chứ, hiện nay ta vẫn làm buổi hòa nhạc cho đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc… Sự kết hợp này rất hấp dẫn, cho người nghe nhiều màu sắc, mang tính đa sắc tộc nhưng vì âm nhạc vẫn nằm trong chuỗi của tổ chức hòa âm châu Âu, bản sắc của từng dân tộc vẫn bị mất. Tôi ủng hộ điều này vì đây là con đường để ta đến với thế giới và thế giới đến với ta. Song, điều tôi muốn nói là thang âm nằm trong ngôn ngữ âm nhạc, tôi không ủng hộ phát triển âm nhạc Việt Nam trên cơ sở âm nhạc châu Âu. Khi nói đến âm nhạc Ấn Độ, cả thế giới biết đến cây đàn sitar. Nó tạo nên đặc thù của âm nhạc Ấn Độ và đã nổi tiếng khắp thế giới mà không cần so sánh với guitar hay loại nhạc cụ tương tự nào.
Nhạc cụ của chúng ta chẳng hề kém cỏi. Chúng mang thang âm rất đặc thù của Việt Nam nhưng luôn bị sửa lại: xếp lại phím vì không có 12 cung như châu Âu. Điều đó đã phá bản sắc của nhạc cụ này. Hoặc sáo cũng phải khoét lỗ theo thang âm piano. Thậm chí có lúc tôi nghe nói đến mà đau lòng khi cồng chiêng cổ của Tây Nguyên bị mài đẽo lại để phù hợp thang âm châu Âu. Người ta nói đây là cải cách theo thời đại mới.
Công việc của một người khi lên sân khấu không được phát ra âm thanh
* Trở lại với vị trí nhạc trưởng, cá tính của một vị chỉ huy được thể hiện như thế nào trong một buổi hòa nhạc?
- Cá tính của nhạc trưởng có được từ nền tảng của sự học hành và khổ luyện. Để có cá tính, người chỉ huy phải hiểu tường tận về các loại nhạc cụ như nhạc công của dàn nhạc. Đây là nền tảng để xử lý kỹ thuật hòa tấu dàn nhạc. Hiểu được tư duy sáng tác của tác giả trong tác phẩm mình chỉ huy đòi hỏi tổng hòa sự hiểu biết: hòa âm, phức điệu, ký xướng âm, lịch sử âm nhạc, âm, thẩm mỹ âm nhạc, kể cả hội họa, điêu khắc thời đại của nhà soạn nhạc đã sống và sáng tác. Ví dụ vừa rồi dựng tác phẩm Scheherazade, tôi phải đọc lại Nghìn lẻ một đêm để nhớ lại bối cảnh và không khí của những câu chuyện trong đó. Đặc thù của âm nhạc là nghệ thuật của thời gian, vì vậy, người chỉ huy với kiến thức của mình sẽ dẫn dắt dàn nhạc, tất cả bè phối hợp với nhau sao cho ngay từ nốt đầu tiên, hợp âm đầu tiên, những biến thiên, xung đột sẽ xuất hiện để tạo ra cảm xúc cho người nghe.
* Theo ông, tác phẩm âm nhạc cổ điển có cho người chỉ huy sự sáng tạo lớn không, ngoài tổng phổ?
- Có chứ, mỗi người chỉ huy khi đọc tổng phổ sẽ có những cảm nhận khác biệt. Sắc màu của mỗi người đậm nhạt khác nhau nên cùng một tác phẩm nhưng người này có thể chơi nhanh hơn còn người kia chơi chậm hơn. Khi tác phẩm đến với khán giả, mỗi người sẽ cảm nhận sự rung động để nghĩ ngợi, nhớ đến một câu chuyện đã qua hay ngộ ra một điều gì đó. Người chỉ huy làm việc với dàn nhạc là làm việc với con người, như một xã hội thu nhỏ, nên phải tâm lý, cùng nhau dựng nên một tác phẩm âm thanh cho dù người chỉ huy không được quyền phát ra bất kỳ âm thanh nào. Qua động tác và ánh mắt của người chỉ huy, nhạc công sẽ nhận được tín hiệu để tạo ra âm thanh.
* Nhắc đến nghệ sĩ Vương Thạch, người yêu nhạc nhớ ngay một nhạc trưởng hay một giám đốc nhà hát, ít ai biết ông còn là người viết rất nhiều nhạc nền cho các tác phẩm phim, kịch, múa. Ông thấy việc sáng tác như thế nào?
- Một trong những niềm đam mê của tôi là phối khí sáng tác. Tôi hòa âm cho phim Đất phương Nam; về vở cải lương Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga thì viết phần nhạc Tây, khi biểu diễn còn đem cả dàn nhạc giao hưởng vào. Đây là một thử thách của tôi và nhờ làm việc này, tôi mới thấy sự khác biệt giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc châu Âu. Khi cải lương hát lên, chỉ có dàn nhạc ta mới đệm được chứ không phải dàn giao hưởng.
*Lúc xưa, ông đến với âm nhạc như thế nào?
- Để từ từ tôi nhớ (cười) vì âm nhạc gắn với tôi đã gần nửa thế kỷ, thân quen quá nên quên luôn. Bố tôi yêu âm nhạc nên dù không phải là người trong nghề, ông vẫn cho anh em tôi học ở nhạc viện: người guitar, người piano, người violon… Từ đó, tôi thích âm nhạc nhưng hết trung học phổ thông lại đứng trước ngã ba, vừa muốn trở thành bác sĩ vừa muốn học nhạc tiếp nên cân nhắc giữa việc thi y khoa hay tiếp tục học ở nhạc viện.
Học violon hay y khoa đều rất nặng nên tôi chỉ có thể chọn một. Khi học violon, tôi vẫn nghĩ tại sao mình học bài bản nhưng không chơi được như những nghệ sĩ ở châu Âu, tại sao dàn nhạc ở ta chơi không hay như họ. Vậy là tôi quyết định học chỉ huy dàn nhạc để tìm câu trả lời và thấy vẫn chưa trả lời được nên tôi đi châu Âu, gọi là tới tận… hang ổ (cười). Tôi nhờ gia đình người bác sống ở Bỉ bảo lãnh để có thể du học tự túc và học suốt 6 năm tại Nhạc viện Hoàng gia Liège (Bỉ) và Nhạc viện Maastricht (Hà Lan). Nói chung, tại sao, như thế nào, bằng cách nào… là những câu hỏi về âm nhạc luôn thường trực trong đầu tôi nên tôi đã học rất nhiều thứ trong lĩnh vực âm nhạc để giải tỏa những thắc mắc đó.
* Bây giờ, ông có còn chơi violon?
- Tôi thích lắm nhưng hết thời gian để chơi violon rồi. Ngoài thời gian tập và biểu diễn với nhiều dàn nhạc khác nhau, tôi tập trung viết sách và dành cho việc chơi bóng bàn. Tôi mê bóng bàn lắm. Hồi trẻ, suýt nữa tôi thành kiện tướng. Chơi thể thao là cách giữ sức khỏe để được làm việc nhiều hơn. Việc chỉ huy một đêm nhạc lấy đi nhiều năng lượng của nghệ sĩ lắm, vừa tinh thần vừa thể lực, nên thường sau một đêm diễn, phải mất 2 ngày tôi mới hồi phục.
Vẫn trăn trở về một nhà hát cho nghệ sĩ và công chúng
* Ông đã nhận nhiều vai trò khác nhau, vừa là nghệ sĩ vừa là người quản lý nhà hát, cá nhân ông thích mình trong hình ảnh nào?
- Dĩ nhiên là hình ảnh một nghệ sĩ được bay bổng trên sân khấu. Đó là ước mơ lớn mà tôi đã đạt được. Tôi vẫn tiếp tục chỉ huy cho tới khi không đứng nổi nữa để được sống với hạnh phúc của một nghệ sĩ. Hiện tại còn là lúc tôi có thời gian để dựng những tác phẩm lớn mà mình chưa có dịp làm. Nghề chỉ huy không thể đi tắt đón đầu. Để trở thành một nhạc trưởng đẳng cấp đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm sống. Trước đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm như bây giờ và còn phải quản lý nhà hát.
* Nhưng vẫn phải nhắc đến vị trí giám đốc HBSO vì những đóng góp của ông. Khi trao nhà hát lại cho người tiếp theo, ông tự hào nhất điều gì?
- Ngay sau ngày tôi thôi nhiệm vụ, bộ máy nhà hát vẫn chạy tốt. Khi còn làm việc, tôi nghĩ phải xây dựng sao để người kế tiếp vẫn điều hành được và nhà hát cứ thế chạy tiếp chứ không phải loay hoay tìm con đường khác. Ví dụ, chương trình Giai điệu mùa thu gần nhất dù tôi không nhúng tay vào, các bạn vẫn làm rất tốt. Việc thực hiện Giai điệu mùa thu, không đơn giản như khán giả nhìn vào. Bên cạnh đó, có những điều chưa làm được, điển hình là việc xây nhà hát dù tôi đã hết sức, hết lòng.
Những người làm nghề mong mỏi chính quyền thành phố có sự đầu tư lớn hơn nữa. Đây là bộ môn nghệ thuật cần sự đầu tư tài chính lớn nên đừng đòi hỏi nhà hát phải tự chủ mà phải có sự chung tay. Các đoàn trên thế giới cũng sống nhờ chính sách quốc gia và các quỹ tài trợ cho nghệ thuật. Tự chủ, theo tôi, là phải sống bằng chính nghệ thuật, nghĩa là lấy nghệ thuật nuôi nhà hát chứ không phải ngược lại, xây nhà hát rồi cho thuê để kiếm tiền nuôi sống các đêm diễn.
* Khi có những ồn ào về việc xây dựng nhà hát, tâm trạng ông thế nào?
- Tôi chỉ buồn vì những lời bình phẩm không khách quan chứ không hề bị chao đảo. Tôi biết việc mình làm, xác tín chuyện đó là đúng nên khi được thành phố hay bất cứ nơi đâu đặt câu hỏi, tôi đều phát biểu nhất quán rằng: “Nếu chúng ta xây dựng được nhà hát đúng chuẩn thì ta sẽ đạt đến một đẳng cấp mới trong việc phát triển văn hóa TPHCM”. Tôi đấu tranh cho việc xây dựng nhà hát vì cái chung của thành phố chứ không phải xây dựng nhà hát cho tôi.
Nếu mục tiêu của chúng ta chỉ là những dự án làm ra tiền thì sẽ không bao giờ có mục tiêu giáo dục để xây dựng thẩm mỹ, đạo đức con người mà âm nhạc có thể góp phần lớn vào. Xây nhà hát cũng kiếm được tiền chứ, như nhà hát trái sầu riêng (Singapore) hay nhà hát con sò (Úc) là những biểu tượng văn hóa thu hút du khách đến với đất nước họ bởi du lịch đâu chỉ là ăn uống, mua sắm và nghỉ dưỡng mà còn là trải nghiệm văn hóa. Chúng ta phải nhìn thấy được những thứ đằng sau một nhà hát.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Lam Hạnh (thực hiện)- Ảnh: Nhân vật cung cấp