Không giống như tại Việt Nam, đối với các trường đại học quốc tế thì điểm số trong các kỳ thi chưa đủ để mời học sinh đến trường theo học. Các yếu tố như tính cách, tính nhân văn, tiềm năng phát triển, khả năng lãnh đạo, những đóng góp cho cộng đồng… là vấn đề được quan tâm nhiều hơn cả.
Chính vì vậy nên bài luận Personal Statement đóng vai trò then chốt trong hồ sơ du học của mỗi bạn. Điều này cũng kéo theo những khó khăn khi viết luận Personal Statement, sao cho tạo được ấn tượng với hội đồng tuyển sinh
Xem thêm
- Những lỗi thường gặp khi viết Personal statement cho hồ sơ du học và xin học bổng
- Hướng dẫn viết bài luận xin học bổng - SOP là gì
- 7 nguyên tắc vàng để viết được một SOP chinh phục học bổng
- Những chủ đề cần tránh khi viết SOP xin học bổng
Personal statement - bài luận cá nhân là gì?
Bài luận cá nhân (personal statement, letter motivation, statement of purposes,…) là 1 bài văn ngắn khoảng 500-1000 từ, trình bày về bản thân và lý do tại sao bạn muốn xin học (hoặc xin học bổng). Đây là một phần không thể thiếu của bất kỳ loại hồ sơ xin du học nào.
Nhiệm vụ chính của bạn khi viết bài luận này chính là việc thể hiện cá tính, “bản sắc” của bản thân và thuyết phục hội đồng xét tuyển rằng bạn xứng đáng có được cơ hội tham gia vào khóa học đó/ nhận học bổng đó.
Tầm quan trọng của Personal Statement
Nhiều ứng viên cho rằng thành tích học tập, những thành tựu đã đạt được và bề dày kinh nghiệm làm việc, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ mang tính quyết định trong việc ứng tuyển vào các trường đại học. Điều này chỉ đúng nếu thành tựu của ứng viên nổi bật hơn nhiều so với các ứng viên khác.
Thế nhưng nếu sự chênh lệnh về thành tựu giữa các ứng viên không nhiều, hoặc có thể là như nhau, thì tiêu chí quyết định sẽ là gì? Lúc này, Personal statement sẽ là một yếu tố quyết định sự khác biệt giữa những bộ hồ sơ tương đồng, giữa việc được chấp nhận hoặc từ chối.
Personal Statement sẽ giúp thí sinh thể hiện được khả năng viết, khả năng hiểu rõ bản thân, cũng như việc nhìn nhận thế giới xung quanh của bản thân. Từ đó sẽ giúp Hội đồng tuyển sinh hiểu rõ động lực học tập của ứng viên, xem xét xem liệu chương trình học này có phù hợp với tính cách và khả năng của thí sinh hay không. Hội đồng sẽ ưu tiên những bạn thích hợp và có khả năng cao đạt được thành công trong lĩnh vực đã chọn sau khi tốt nghiệp.
Do đó, nếu một bộ hồ sơ có điểm GPA cao, IELTS tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá, nhưng bài Personal Statement lại lủng củng, thiếu logic sẽ làm Hội đồng xét tuyển hoài nghi về khả năng đạt được những thành tích trên. Vì thế, nó có thể sẽ không được đánh giá cao bằng một bộ hồ sơ có GPA và IELTS không quá cao, nhưng có một bài Personal Statement thật đặc sắc và ấn tượng.
Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, đây là phần quan trọng nhất để quyết định ‘sức nặng’ của bộ hồ sơ. Một “profile” với thành tích khủng nhưng bài luận lỏng lẻo thiếu thuyết phục sẽ không được đánh giá cao bằng một profile khá nhưng đi kèm với một bài luận tốt.
Cách viết 1 bài Personal Statement
Để bắt đầu, bạn cần hiểu thế nào là bài tự luận giới thiệu bản thân. Một cách khái quát, bài luận phải trả lời được các câu hỏi sau:
- Why: Tại sao bạn lại muốn đi du học? Tại sao chọn trường này? Khóa học này?
- What: Khóa học này sẽ đem lại cho bạn những gì? Kỳ vọng của bạn ra sao?
- How: Bạn sẽ ứng dụng những điều bạn học như thế nào sau khi kết thúc khóa học?
Đối với các bạn xin học bổng, các bạn còn cần phải thể hiện thêm: Tại sao bạn phù hợp với khóa học? Thành tích, Kinh nghiệm, Đam mê sở thích hay một động lực đặc biệt nào đó…
Tiềm năng phát triển/Hướng nghiên cứu của bạn sau khi kết thúc khóa học (Điều này đặc biệt quan trọng với các học bổng thạc sỹ và học bổng nghiên cứu).
Thể hiện được sự logic, gắn kết giữa thành tích học tập, hoạt động xã hội, kinh nghiệm làm việc cho tới động lực và hướng phát triển trong tương lai. Ví dụ như bạn học chuyên ngành Kinh tế cấp đại học và muốn xin học bổng về Marketing thì phải thể hiện tại sao lại có sự chuyển lĩnh vực học lên cao. Tất cả những động lực kể cả động lực cá nhận đều được đánh giá, xem xét và cân nhắc.
Để có một Personal Statement ấn tượng, bạn hãy nói đến đam mê và kế hoạch trong tương lai của bản thân. Bạn nên nói về những hoạt động bạn từng làm để “hiện thực hóa” đam mê đó. Tuy nhiên, chỉ nên nói về những hoạt động mà nó liên quan đến ngành học bạn muốn apply vào, tránh trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nghĩa là bạn có đam mê cháy bỏng trở thành một doanh nhân tài ba, kinh doanh thành công, bạn đã từng mở quầy bán nước chanh, thu hồi vốn siêu nhanh và lãi rất lớn. Và bạn hiện tại muốn apply vào chuyên ngành Computer Science? Nhưng những điều này không hề liên quan đến nhau. Nếu bạn đưa cái sự không ăn khớp với nhau đó vào, chỉ khiến Personal Statement của bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp. Hãy lựa chọn từ ngữ một cách khôn ngoan cho bài viết của bạn.
Bạn cũng nên đề cập đến những kỹ năng mềm mà bạn đã đạt được để chứng minh cho nhà trường thấy việc bạn đã chuẩn bị và sẵn sàng như thế nào cho khóa học này. Các kỹ năng mềm mà bạn có được có thể là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian và tự chăm sóc bản thân. Và đương nhiên, nếu chỉ liệt kê thôi chưa đủ. Hãy đính kèm theo mỗi kỹ năng những ví dụ cụ thể và sinh động về cách bạn đã có được kỹ năng mềm đó như thế nào, hoặc là kể về lần bạn đã phát huy được kỹ năng mềm đó, như vậy thì bài Personal Statement của bạn sẽ dễ thuyết phục được ban tuyển sinh của các trường đại học uy tín.
Các lưu ý khi viết 1 bài Personal Statement
Viết một bản nháp trước và tắt chế độ tự đếm kí tự
Một du học sinh từng chia sẻ: “Khi bắt đầu viết, mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu vừa bật chế độ đếm kí tự và vừa viết để không bị vượt quá 4000 kí tự. Nhưng sau khi đã tới 3500 kí tự, mình bắt đầu tá hỏa lên vì mình mới viết được nửa bài. Do đó, mình tắt chế độ đếm kí tự đi và tiếp tục viết. Cuối cùng, mình đã sử dụng tới 7000 kí tự nhưng lại trình bày hết được những ý tưởng mà mình cần, và mình chỉ cần phải xóa đi vài từ và rút gọn lại. Điều đó dễ hơn là phải ép tất cả những ý tưởng của mình vào một bài luận không vượt quá 4000 kí tự. Cuối cùng, Personal statement của mình chỉ có 3999 kí tự.”
Dành nhiều thời gian
Một lưu ý cho các bạn đó là đừng hấp tấp. Một bản Personal statement hoàn hảo không thể được hoàn thiện trong một vài giờ đồng hồ, hay thâm chí là vài ngày. Bạn nên dành ít nhất một tháng để hoàn thiện và nộp cho trường.
Sử dụng từ ngữ và cách biểu đạt phù hợp
Bạn nên sử dụng các từ ngữ và cách diễn đạt phù hợp. Quá nhiều từ ngữ hoa mĩ có thể làm bản statement của bạn trở nên thái quá và khó đọc.
Tập trung vào thế mạnh của mình
Bạn nên viết về những kinh nghiệm, kiến thức và kế hoạch trong tương lai của bạn.
Nghĩ một câu mở đầu thật ấn tượng
Mở đầu bằng 1 câu nói hài hước, thú vị hay bất ngờ sẽ giúp bạn có được ấn tượng tốt. Nhưng đừng tỏ ra hài hước một cách gượng ép. Câu mở đầu hoàn hảo sẽ đến với bạn trong một khoảnh khắc ngẫu nhiên, khi mà bạn đã làm bản Personal Statement của mình hàng giờ. Vì thế hãy cứ đợi và đừng nghĩ quá nhiều về nó.
Luôn trung thực
Hãy luôn là chính mình và thể hiện bản thân mình tốt nhất có thể
Nhờ ai đó soát lại bài viết của mình
Bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè… - bạn càng cho nhiều người xem thì sẽ nhận được càng nhiều lời nhận xét và bản PS của bạn sẽ càng được cải thiện.
Đọc to nhiều lần
Mẹo này có thể sẽ giúp bạn nhận ra rằng không có mối liên kết nào giữa các đoạn văn, điều mà khi viết bạn không nhận ra được. Đọc to bản Personal Statement của mình trước mặt người thân, bạn bè sẽ giúp bạn cải thiện được bản Personal Statement của mình.
Một khi đã nộp cho trường rồi thì đừng đọc lại
Không nên đọc lại bản Personal Statement của mình trong vài tháng kể từ khi bạn gửi cho trường. Bạn có thể cảm thấy là nó không hay như bạn từng nghĩ, tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, hãy là chính mình và hãy viết một cách trung thực nhất về trải nghiệm của bạn. Sử dụng giọng văn của riêng mình để thể hiện đó là chính bạn và mong muốn học tại ngôi trường bạn yêu thích.