Blog PhamTon năm thứ mười, kỳ 2 tháng 10 năm 2018
TSKH Đặng Thị Kim Chi
Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là phần cuối của bài cùng nhan đề in trong sách Đặng Vũ Hỷ, cuộc đời và sự nghiệp của Trường Đại học Y Hà Nội, nhà xuất bản Y Học, 2009.
—o0o—
Nhiều buổi tối, tôi thấy ba còn miệt mài bên những chồng sách, vừa đọc, vừa viết. Tôi hỏi:
- Sao ba không đi ngủ đi? Con mà là giáo sư như ba thì con chẳng cần học làm gì nữa.
Ông cười rất lâu và trả lời:
- Con cái yêu quí, nếu nghĩ như vậy thì chắc con sẽ không bao giờ thành giáo sư được. Việc học là suốt cả cuộc đời con ạ, hãy luôn cố gắng học cho giỏi con nhé.
Tôi ghi nhớ lời ba và luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi và luôn biết rằng ba rất quan tâm tới việc học hành của tôi.
Những năm sau này, có lúc do ảnh hưởng của bạn bè, tôi đã định theo học một lớp vận động viên chuyên nghiệp. Ngay cả sau khi tốt nghiệp phổ thông, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, tôi đã chọn học ngành Hóa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà không chọn ngành y như ba tôi mong muốn. Ba tôi biết tất cả những điều đó nhưng không bao giờ ngăn cản.
- Tùy con lựa chọn, nhưng dù làm nghề nào cũng phải luôn cố gắng là người có lương tâm, có đạo đức - Ba tôi nói với tôi như vậy khi tiễn tôi lên đường đi tới nơi sơ tán của Trường Đại học Bách khoa để nhập học.
Những ngày tháng ba tôi lâm bệnh là những kỷ niệm buồn trong đời tôi. Ông đã lặng lẽ và kiên cường vật lộn với bệnh tật, chấp nhận đủ mọi biện pháp điều trị kể cả Đông y và Tây y với hy vọng trở về với công việc giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, tiếp tục nghiên cứu các đề tài còn dang dở, đến với những người bệnh đang chờ đợi và tin tưởng vào ông. Hơn thế nữa, ông mong muốn xây dựng khoa Da liễu của Bệnh viện Bạch Mai trở thành một viện nghiên cứu đầu ngành. Nhưng số phận đã không cho phép ba tôi thực hiện những mong ước đó. Tôi không ngờ ngày tiễn ba tôi lên đường đi sang Quảng Châu, Trung Quốc chữa bệnh với bao hy vọng lại là lần cuối cùng tôi được nắm tay ba, nhìn vào đôi mắt hiền từ của ông. Ba đã ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về ngôi nhà nhỏ bên cạnh Hồ Gươm cổ kính ở Hà Nội với bao nhiêu kỷ niệm êm ấm của gia đình.
Ba tôi đã đi xa từ lâu rồi. Ông đã không bao giờ được nhìn thấy Viện Da liễu Quốc gia cùng các thế hệ học trò xuất sắc của ông trưởng thành và phát triển như ngày nay. Ngay cả giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt đầu tiên mà Nhà nước dành cho ông vì những cống hiến cho nền y học cách mạng Việt Nam cũng là truy tặng. Anh em chúng tôi đều đã trưởng thành nhưng tất cả những gì ông đã làm, những gì ông đã dạy bảo mãi mãi là tấm gương đối với chúng tôi. Những lúc mệt mỏi, tưởng như nản lòng trước khó khăn, tôi lại nhớ tới lời ba “Việc học là suốt cả cuộc đời, con ạ. Hãy luôn cố gắng”, và thế là tôi lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Ngay từ những năm còn trẻ, tôi đã được đào tạo và đi sâu vào nghiên cứu bảo vệ môi trường. Tôi yêu quý công việc của mình vì tôi nghĩ đó là nghề bảo vệ sự bền vững cho cuộc sống, giống như công việc chăm sóc chữa bệnh cho con người mà ba tôi từ lúc tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ, được công nhận chức danh phó giáo sư, rồi giáo sư, tôi luôn như thấy có ba bên cạnh với nụ cười hiền từ và có đôi mắt vui vui, động viên tôi “Hãy cố gắng và luôn có gắng con nhé, con gái bé bỏng của ba”.
Tôi thường nhắc lại những kỷ niệm đẹp về ông ngoại với các con, cháu mình. Tôi mong muốn những thế hệ sau trong gia đình sẽ nhớ tới ông như một tấm gương về lòng yêu quê hương, yêu con người, yêu nghề nghiệp, về tinh thần ham học hỏi và luôn cố gắng trong mọi việc.
Đ.T.K.C.
Đặng Nguyệt Bính
Trong bài Tưởng nhớ Ba tôi, bác sĩ Đặng Nguyệt Bính, chị của GS Đặng Thị Kim Chi viết: “Tôi còn nhớ vào đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ba tôi làm Trưởng Ty Y tế tỉnh Ninh Bình. Tháng ba năm 1949, mẹ tôi sinh bé út, mình ông lo đỡ đẻ. Trong những điều kiện thiếu thốn thời tản cư, ông đã chuẩn bị hết sức cẩn thận. Công việc đang tiến hành thì có một bác đến hỏi ba tôi, khi được biết ông đang đỡ đẻ, bà liền cho biết mình là một nữ hộ sinh được điều về bệnh viện, và đã chạy ngay vào giúp ông. Em gái tôi ra đời hôm đó nay là giáo sư tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi. (Trích trong sách Đặng Vũ Hỷ cuộc đời và sự nghiệp của NXB Y học, Hà Nội 2009)
GS.TS ĐẶNG THỊ KIM CHI BỊ THƯƠNG DO TAI NẠN GIAO THÔNG
Nhân chuyến công tác ở Miền Nam, ngày 18/9/2018, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã đến thăm vợ chồng người anh họ ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó về Hà Nội, bà lại về thăm quê chồng. Không may, tại đây bà bị một xe máy đâm phải khi vừa mở cửa xe hơi bước xuống.
Sau khi sơ cứu tại bệnh viện địa phương, bà được chuyển về bệnh viện Việt Đức mổ gấp. Hiện bà đã về điều trị tại nhà riêng, cạnh đường Đặng Vũ Hỷ, mang tên thân phụ bà.
Các anh họ bà là nhà giáo nhân dân Tôn Thất Thân, Tiến sĩ Tôn Thất Đại và vợ cùng hai con gái tiến sĩ Đại là nhà giáo Ánh Ngọc và và kiến trúc sư kiến trúc cảnh quan Tôn Ánh Hồng cùng nhiều bạn bè đã đến thăm, được bà tiếp đón niềm nở với tinh thần sáng suốt, tâm trạng bình tĩnh, can đảm trước tai nạn làm bà mất nhiều thời giờ là thứ tài sản mà càng ngày bà càng quí hơn.
Chúng tôi chúc bà có những ngày thư thái nhìn lại những việc mình đã làm và từ đó tìm ra những việc mình nên làm trong thời gian còn lại. Tin là bà đủ bản lĩnh để vượt qua tai nạn làm bà mất nhiều thời giờ này và sẽ tiếp tục có những công trình nữa cống hiến cho nhân dân, đất nước như bà hằng mong.
B.P.T.