Gà chọi là tên gọi chung cho các giống gà dùng cho mục đích thi đấu chọi gà. Các giống gà chọi này thường có sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp.
Theo trang Huinongwang chuyên về nông nghiệp của Trung Quốc, quốc gia này là một trong những nước có nghề nuôi gà chọi lâu đời trên thế giới, có nhiều giống gà chọi tốt. Trong đó, gà chọi Trung Nguyên (gà chọi ở vùng đồng bằng miền Trung của Trung Quốc) là nổi tiếng nhất.
Giống gà chọi số 1 Trung Quốc
Gà chọi Trung Nguyên là một trong 4 giống gà chọi lớn ở Trung Quốc và có lịch sử hàng nghìn năm. Gà chọi Trung Nguyên chủ yếu được nuôi ở đồng bằng sông Hoàng Hà thuộc miền Trung của Trung Quốc. Trong đó, tỉnh Hà Nam là nơi nuôi gà chọi nhiều nhất.
Gà chọi Trung Nguyên có ngoại hình đẹp, mào nhỏ, yếm thịt dưới cổ gần như không còn. (Ảnh: Huinongwang).
Gà chọi Trung Nguyên có ngoại hình đẹp, mào nhỏ, yếm thịt dưới cổ gần như không còn. Trọng lượng trung bình vào khoảng 3,5kg; gà mái nhẹ cân hơn, khoảng 2 - 3kg. Gà chọi Trung Nguyên có tính di truyền ổn định.
Ưu điểm lớn nhất của gà chọi Trung Nguyên là tinh thần chiến đấu ngoan cường. Gà chọi Trung Nguyên rất hung dữ, chúng bắt đầu đánh nhau ngay sau khi nở, đặc biệt là trong thời gian 20 ngày đến 2 tháng tuổi. Hiện tượng này gây khó khăn cho việc nuôi gà chọi Trung Nguyên, do tỷ lệ gà chọi bị thương cao.
Gà chọi Trung Nguyên được nuôi làm cảnh hoặc để thi đấu. Với đặc tính nhanh nhẹn, chính xác, tàn nhẫn và hung dữ, đa số gà trống chọi Trung Nguyên trưởng thành sẽ đánh nhau đến chết mà không chịu thua.
Thực tế, gà chọi Trung Nguyên vốn được gây giống từ những chú gà chọi cung đình được tuồn ra ngoài dân gian từ thời phong kiến. Chúng có dáng vẻ oai vệ, dũng mãnh, lại có bản tính chiến đấu ngoan cường nên được dân chơi gà chọi Trung Quốc vô cùng yêu thích.
Nhưng gà chọi Việt Nam còn mạnh hơn
Theo trang Huinongwang, mặc dù gà chọi Việt Nam không khỏe bằng gà chọi Trung Nguyên, nhưng do đặc điểm cổ rất dài, khung xương cao và chân thon, gà chọi Việt Nam có nhiều kỹ năng "hiểm" khi chọi như "đá hầu", "cưa đè hai mang", "chạy kiệu"... mà nhiều giống gà chọi khác không có được.
Theo một số trang tin nông nghiệp của nước ta, gà chọi Việt Nam thường được phân làm hai loại chính là gà đòn và gà cựa. Gà đòn được nuôi chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung; gà cựa được nuôi nhiều ở miền Nam.
Gà chọi (gà nòi) miền Bắc. (Ảnh: Mactech)
Gà đòn có trọng lượng khoảng 2,8 - 4kg, dùng đòn chân để đánh gà đối phương đến khi thắng. Gà nòi đòn là giống gà trụi cổ và là giống gà cổ xưa; chân cao, khung xương lớn, dùng để đá chân trơn hoặc bịt cựa. Đây là giống gà tổ tiên của dòng gà chọi. Gà đòn có thể trạng khá lớn so với các dòng gà khác, gan lỳ và dũng mãnh; tuy không nhanh nhẹn như dòng gà nòi cựa, nhưng đòn đá rất mạnh.
Theo trang Farmvina, Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất có giống gà nòi đòn trụi cổ, dáng vẻ bặm trợn thường thấy. Trong những thập niên gần đây, gà nòi Việt Nam đã được xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc...
Gà cựa chủ yếu được nuôi ở khu vực phía Nam. Gà đem đi chọi có cựa nguyên hoặc là cựa bằng kim loại được gắn vào chân. Gà cựa thường có trọng lượng khoảng 3kg. Đá gà cựa là một hình thức sát phạt. Người ta thường mua cựa sắt tra vào chân gà hoặc chuốt cựa gà thật bén. Chơi gà cựa thiên về ăn thua, không chiêm ngưỡng được tài nghệ của gà.
Nguồn gốc và sự phân bố các loại gà chọi Việt Nam
Nghệ thuật đá gà ở Việt Nam là một truyền thống văn hóa lâu đời đã được ghi chép cách đây ít nhất 700 năm.
Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc gà nòi Việt Nam. Có quan điểm cho rằng, những giống gà nòi Việt Nam đã được thuần hóa cách đây 8000 năm tại Đông Nam Á trong một khu vực rộng lớn bao gồm Thái Lan và Việt Nam, nơi mà ngày nay loại gà rừng đỏ đang sinh sống.
Qua quá trình chọn lọc và lai tạo giống, ở Việt Nam đã xuất hiện một số giống gà chọi nổi tiếng được những người đá gà yêu chuộng.
- Miền Bắc có gà Thổ Hà (Bắc Giang), Đồ Sơn (Hải Phòng), Nghi Tàm, Nghĩa Đô, Vân Hồ (Hà Nội). Ngoài ra, tại rất nhiều địa phương khác như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La và Đô Lương (Nghệ An) cũng có các dòng gà nòi riêng.
- Miền Trung có nhiều lò gà tên tuổi: Ninh Thuận có gà Phan Rang; Khánh Hòa có gà Vạn Giã, Gò Dúi; Quảng Ngãi có gà Sông Vệ, Sa Huỳnh; đặc biệt ở Bình Định nổi tiếng với gà đòn, thế.
- Miền Nam có gà Chợ Lách (Bến Tre), gà Cao Lãnh (Đồng Tháp), gà Châu Đốc (An Giang), gà Bà Điểm. Tuy nhiên ở miền Nam chủ yếu đá gà cựa.
Gà cựa miền Nam. (Ảnh: Mactech)
Theo một số người chơi gà chọi, để tạo ra gà chọi tốt thì vấn đề quan trọng là phải biết chọn gà mái chất lượng, đi kèm với gà trống tuyệt hảo để lai tạo. Gà mái phải có ngoại hình khỏe mạnh, hung hăng để di truyền tính mạnh mẽ sang đàn con. Còn gà trống thì phải có thể chất tốt, gan lỳ, chịu đòn và tránh đòn nhanh lẹ.
- Chó Pitbull tử chiến nảy lửa với cá sấu và cái kết không ngờ
- Cận cảnh quả dâu tây nặng nhất thế giới, gấp 24 lần mức trung bình
- Phép tính để tiết kiệm tiền mua rượu và những ứng dụng to lớn vào khoa học