Nếu cần kể tên hai loài cây trong nhà được trồng phổ biến nhất thì đó chính là cây vạn niên thanh và cây ngọc ngân. Vạn niên thanh có nhiều loại, trong đó có loại vạn niên thanh lá đốm có “ngoại hình” khá giống cây ngọc ngân nên dễ gây nhầm lẫn. Bài viết này sẽ giúp bạn biết cách phân biệt vạn niên thanh và cây ngọc ngân một cách dễ dàng hơn.
Cây vạn niên thanh là cây gì? Cây ngọc ngân là cây gì?
Cả hai loài thực vật này đều là cây cảnh thuộc họ ráy, đặc điểm sinh trưởng ưa bóng râm. Chúng dễ trồng, dễ chăm sóc, sức sống bền bỉ lại có tính thẩm mỹ cao nên rất thích hợp để trồng trong nhà hay văn phòng làm việc. Trong đó:
Cây vạn niên thanh (tên khoa học là Rohdea japonica Rosh) là thực vật lá mầm, thuộc loài thân thảo, sống nhiều năm. Có đến hơn 50 loại vạn niên khác nhau nhưng hai loại phổ biến nhất là vạn niên thanh thân leo và vạn niên thanh lá đốm. Ngoài ra, trên thị trường có các loại khác như vạn niên thanh lá đỏ, vạn niên thanh mép vàng,…
Cây ngọc ngân hay còn gọi là cây valentine có tên khoa học là Aglaonema Oblongifolium. Loài thực vật này được lao tại từ cây phú quý vào năm 1982. Cây ngọc ngân có ít loài hơn, hiện nay hai loại phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp là ngọc ngân đốm trắng và ngọc ngân đốm đỏ.
Phân biệt cây vạn niên thanh và cây ngọc ngân
Có thể thấy, cây vạn niên thanh và cây ngọc ngân đốm trắng có khá nhiều điểm tương đồng về hình dáng bên ngoài. Không khó hiểu khi nhiều người nhầm lẫn và không phân biệt được 2 loài cây cảnh này. Chúng ta có thể điểm nhanh vài nét khác biệt của vạn niên thanh và ngọc ngân như:
Phân biệt về đặc điểm hình dáng
Về hình dáng, cây vạn niên thanh đốm trắng và ngọc ngân đốm trắng có chiều cao, thân, cành, lá khá giống nhau. Thân cây cao từ 20 - 60cm. Thân dày khoảng 1,5cm. Rễ cây ngắn, to và là loại rễ chùm. Cuống lá bọc quanh thân, mỗi gốc cây thường có từ 5 - 6 nhánh cây. Lá vạn niên thanh và lá ngọc ngân đều có hình trứng nhọn ở đầu. Tuy nhiên, lá cây ngọc ngân thường nhọn hơn và hẹp chiều ngang hơn.
Xét về màu sắc, lá cây vạn niên thanh có sắc xanh đậm hơn, xanh quanh năm, tỷ lệ màu xanh nhiều hơn màu trắng. Lá cây ngọc ngân có sắc trắng nhiều hơn, màu xanh nhạt hơn. Cả 2 loài thực vật này đều có hoa nhưng chúng rất hiếm khi nở hoa. Hoa của 2 loài cây cảnh đều có hình trụ, màu trắng hoặc xanh nhạt.
Phân biệt về công dụng đối với sức khỏe
Vạn niên thanh và ngọc ngân được yêu thích không chỉ bởi tính thẩm mỹ và sức sống bền bỉ. Hai loài cây cảnh này còn mang đến những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Cụ thể là:
Công dụng của cây vạn niên thanh với sức khỏe
Cây vạn niên thanh có tác dụng gì với sức khỏe? Từ xa xưa, y học cổ truyền đã sử dụng cây vạn niên thanh trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Đông y gọi vạn niên thanh là cây xung thiên thất, kim thế đại, ngưu thất vĩ, bạch hà xa và nhiều tên gọi khác,... có vị đắng, tính hàn. Tất cả các bộ phận của cây vạn niên thanh đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, nhưng chủ yếu là thân và rễ.
Người ta có thể chỉ dùng cây vạn niên thanh hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác để làm thành bài thuốc chữa các bệnh như: Cảm nắng, đau bụng, lợi tiểu, trị bệnh trĩ, rong kinh ở nữ giới, liệt dương ở nam giới, trị rắn cắn, chữa bệnh tim, bệnh bạch hầu,... Thêm một lưu ý, dù vạn niên thanh có thể chữa bệnh, nhưng bạn không được tự ý áp dụng các bài thuốc từ vạn niên thanh khi chưa có sự tư vấn từ thầy thuốc.
Ngoài công dụng chữa bệnh, cây vạn niên thanh còn có khả năng thanh lọc không khí. Nó có thể hấp thụ bớt và triệt tiêu bức xạ từ các thiết bị điện tử trong phòng. Các sóng điện từ từ tủ lạnh, tivi, mạng wifi, điện thoại cực kỳ có hại có sức khỏe. Đây là lý do nhiều gia đình trồng cây vạn niên thanh như một cách để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Cây vạn niên thanh góp phần tạo nên không gian sống và làm việc trong lành, sạch sẽ.
Công dụng của cây ngọc ngân với sức khỏe
Cây vạn niên thanh và cây ngọc ngân có điểm giống nhau là đều giúp thanh lọc không khí. Cây ngọc ngân được đánh giá là một trong những loại cây cảnh lọc không khí tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống. Cây ngọc ngân mang đến không gian xanh mát, giúp chúng ta thư giãn tinh thần. Trồng và chăm sóc cây giống như một thú vui giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi. Tuy nhiên, loài cây cảnh này lại không có tác dụng chữa bệnh giống như cây vạn niên thanh.
Độc tính của cây ngọc ngân và vạn niên thanh
Cả vạn niên thanh và ngọc ngân đều là cây thuộc họ ráy, tương tự như khoai ngứa, cây ráy, khoai sọ, khoai môn,... Loài thực vật họ ráy nói chung không có độc, nhưng nhựa của chúng có chứa chất Calcium Oxalate - đây là chất gây kết tủa và hình thành sỏi thận. Khi trồng cây vạn niên thanh và cây ngọc ngân, nếu không may trẻ em ăn phải lá cây, trong miệng sẽ có cảm giác ngứa râm ran đến bỏng rát tùy nồng độ Calcium Oxalate.
Calcium Oxalate tồn tại dưới dạng những tinh thể siêu nhỏ hình kim. Khi tiếp xúc với da hoặc niêm mạc miệng, cảm giác sẽ giống như bị những mảnh thủy tinh sắc nhọn đâm phải nên chúng ta mới có cảm giác bỏng rát. Cảm giác này tương tự như khi ăn phải khoai ngứa hay ăn khoai sọ, khoai môn bị ngứa họng.
Trong hầu hết trường hợp, Calcium Oxalate không gây nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta có thể trung hòa nó bằng nước muối loãng khi nhựa cây dính vào da hoặc niêm mạc miệng. Tuy nhiên, vẫn có số hiếm trường hợp quá mẫn với thành phần này có thể bị dị ứng, sưng nề hay khó thở. Một số lời đồn về việc chất độc trong cây vạn niên thanh có thể gây chết người là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Vì vậy, nếu yêu thích hai loại cây này, bạn vẫn có thể trồng chúng không nhà hay ở nơi làm việc.
Có thể thấy, cây vạn niên thanh và cây ngọc ngân có rất nhiều điểm tương đồng. Chỉ khác là cây vạn niên thanh ngoài là cây cảnh còn là một loại dược liệu. Dù bạn trồng vạn niên thanh hay cây ngọc ngân, bạn cũng nên để xa tầm tay trẻ em. Nếu các bé không may ăn phải lá cây, bạn nên cho bé súc miệng nước muối và đưa đến cơ sở y tế nếu có triệu chứng dị ứng nặng nhé!
Xem thêm: Cây vạn niên thanh có độc không?