Tại tỉnh Vĩnh Long, phong trào luyện tập và biểu diễn múa Lân duy trì và phát triển trong nhiều năm qua góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống.
Mang may mắn đến mọi nhà
Múa Lân Sư Rồng trong các dịp lễ hội hay Tết cổ truyền của dân tộc là một trong những loại hình nghệ thuật văn hóa lâu đời được người dân giữ gìn và phát huy. Tết đến, nếu chỉ có mai vàng, bánh mứt mà không có tiếng trống Lân Sư Rồng thì ngày tết như chưa trọn vẹn. Có múa Lân là có không khí rộn rã của mùa Xuân.
Việc phục vụ Xuân của các đoàn Lân Sư Rồng thường bắt đầu vào cao điểm từ khoảng giáp Tết cho đến hết tháng giêng. Một bài múa thành công ngoài sự rộn rã vui tươi còn phải có ý nghĩa chúc phồn vinh, may mắn, an khang thịnh vượng. Theo đó, các đoàn sẽ múa các bài trống hội, chào mừng, khai trương, múa rồng… với ý nghĩa xua đuổi tà khí, mang đến điềm lành, mong cầu may mắn và bình an cho gia chủ. Múa Lân Sư Rông mang lại không khí lễ hội tươi vui, tưng bừng và tiếng cười rộn rã trong năm mới.
Anh Cao Văn Tâm - Trưởng đoàn Lân Sư Rồng Chùa bà Thiên Hậu (Phường 1, thành phố Vĩnh Long) cho biết, theo thông lệ mỗi năm, đoàn sẽ tổ chức nghi thức "khai quang, điểm nhãn" cho Lân để chuẩn bị chương trình phục vụ dịp Tết. Trong đó, những chú Lân khi mới được các nghệ nhân chế tạo bao giờ cũng được chừa lại hai con mắt để sau khi tới chùa hoặc thắp hương cúng trước bàn thờ sư tổ mới được dùng rượu Châu Sa vẽ mắt “điểm nhãn” và “khai quang“.
“Con Lân mới làm về nó không có chủ, con Lân của đoàn nào thì chịu sự quản lý của đoàn đó, nên mình thực hiện nghi thức này để cho con Lân có người dẫn dắt, từ đó đem những màn biểu diễn đẹp mắt mang niềm vui, may mắn và cầu chúc cho mọi người một năm mới ăn nên làm ra”, anh Cao Văn Tâm cho biết.
Các tiết mục múa Lân Sư Rồng đặc sắc trong ngày Tết thường là long song hỷ, gồm 2 con Lân biểu diễn, thể hiện sự hài hòa, trời đất dung hợp với ý nghĩa “thiên thời địa lợi nhân hòa”; múa tam tinh là màn kết hợp của 3 con Lân đại diện cho 3 vị Phúc Lộc Thọ mang theo điều cầu nguyện tốt lành, an yên trong năm mới. Đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục múa mai hoa thung, hái lộc. Lân sẽ trèo lên cột và biểu diễn, cột càng cao thì độ khó, độ nguy hiểm càng nhiều hơn. Mỗi tiết mục múa Lân Sư Rồng đều đòi hỏi sự dẻo dai, kỹ thuật nên cần thời gian tập luyện rất công phu. Ngày Tết, khi mọi người sum vầy, các thành viên đội lân vẫn miệt mài với những màn trình diễn hấp dẫn, mang đến những tiếng cười giòn giã cho các em thiếu nhi và niềm tin, kỳ vọng vào năm mới vạn sự tốt lành cho người dân.
Anh Trương Thành An - thành viên đoàn Lân Sư Rồng Chùa bà Thiên Hậu chia sẻ: “Mình múa Lân đến nay cũng 11 năm rồi. Lúc nhỏ nghe tiếng trống múa Lân mỗi dịp Tết thì thích lắm nên theo đuổi học tập để múa. Ban đầu tập luyện cũng vất vả hay bị thương nhưng vì đam mê nên cố gắng để ngày càng hoàn thiện các kỹ thuật múa. Mỗi dịp lễ Tết tham gia múa Lân được bà con cỗ vũ thì mình cũng phấn khởi. Những tràng vỗ tay khích lệ của khán giả là động lực và niềm vui để các thành viên đoàn cố gắng nhiều hơn nữa”.
Nâng tầm nghệ thuật múa Lân Sư Rồng
Tại tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, phong trào tập luyện, biểu diễn và thi múa Lân Sư Rồng được những đội lân duy trì, phát triển. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, bên cạnh việc biểu diễn chúc Tết cho người dân, các đoàn còn tham gia thi đấu để giới thiệu đến người dân những tiết mục múa Lân Sư Rồng hấp dẫn, đầu tư công phu, thể hiện trình độ biểu diễn ngày càng cao.
Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Vĩnh Long tổ chức giải Vô địch Lân Sư Rồng với sự tham gia của 18 câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh. Với sự chuyên nghiệp và đầu tư công phu, giải đấu luôn nhận được sự quan tâm và cỗ vũ của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Tại hội thi, các đội đã trình bày những tiết mục múa Rồng, múa Lân địa bửu và biểu diễn Lân lên mai hoa thung với những kỹ thuật có độ khó cao, kèm theo đó là những câu chuyện trong mỗi tiết mục. Mỗi bài dự thi đã mang đến màn trình diễn chất lượng, khiến nhiều khán giả trầm trồ thán phục.
Anh Nguyễn Chung Việt, thành viên đội lân Hào Nhựt (Phường 1, thành phố vĩnh Long) cho biết, đoàn lân thành lập được 11 năm với hầu hết các thành là những bạn trẻ từ 12 đến 24 tuổi. Để có được những tiết mục dự thi chất lượng, các thành viên đã có thời gian dài miệt mài luyện tập, học hỏi. Trong thời gian qua, đoàn tham gia nhiều giải đấu tại địa phương và các tỉnh, thành phố và đã giành được nhiều kết quả khả quan. Những giải đấu với sự tham gia của nhiều đoàn đã giúp các thành viên được cọ xát, học hỏi nhiều kinh nghiệm và nhất là thêm yêu và gắn bó với bộ môn này.
“Múa lân địa bửu đòi hỏi phải có động tác, bộ pháo chắc chắn, múa lân trên mai hoa thung thì 2 người phải hiểu ý với nhau, kỹ thuật vững mới không bị chấn thương, còn múa rồng thì 9 người kết hợp với nhau phải có sự ăn ý, hòa làm 1 nên đòi hỏi tính tập thể mới có thể múa tốt. Thời gian đầu tập luyện thì rất khó khăn, đặc biệt đòi hỏi thể lực cao, nên với các em nhỏ thì rất khó, phải rèn luyện nhiều mới thành thục”, anh Nguyễn Chung Việt chia sẻ.
Đến xem hội thi múa Lân Sư Rồng, em Nguyễn Công Triết (Phường 4, thành phố Vĩnh Long) hào hứng chia sẻ: “Bình thường em rất thích múa lân nên có xem và tìm hiểu kỹ thuật. Hôm nay đến với hội thi đã được xem các đội trình diễn rất sôi động, được đầu tư bày bản, công phu nên thấy rất hấp dẫn. Năm mới được xem múa lân như vầy thì thấy rất vui tươi, rộn ràng”.
Ông Nguyễn Phan Tánh Anh - Tổng trọng tài giải Vô địch Lân Sư Rồng tỉnh Vĩnh Long năm 2024 nhận định, đến với cuộc thi năm nay, các đội đã trang bị và tập luyện rất chỉn chu, thể hiện được hình thái và cốt truyện của các bài thi đấu. Trình độ của các vận động viên đã có sự phát triển về tấn, pháp cũng như là kết cấu bài dự thi, cũng có câu chuyện và đầu tư nhiều hơn cho bài biểu diễn.
Theo ông Nguyễn Phan Tánh Anh, biểu diễn Lân Sư Rồng là loại hình nghệ thuật dân gian đang được các đoàn bảo tồn và phát triển. Để biểu diễn một tiết mục hay và đẹp mắt thì đòi hỏi vận động viên phải thể hiện được hình thái và hỉ, nộ, ái, ố của con Lân, vận động viên phải thể hiện được các động tác có kỹ thuật linh hoạt và độ khó cao. Việc biểu diễn và thi đấu mỗi dịp lễ, Tết là cơ hội để các đội cọ xát, học hỏi kỹ thuật để ngày càng chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, các vận động viên biểu diễn Lân Sư Rồng là người truyền tải được nét đẹp văn hóa, qua những bài múa đặc sắc như song Lân chúc xuân, lân hái lộc trên cây cao... đã góp phần mang đến niềm vui và niềm tin thịnh vượng cho người dân trong năm mới.