Phiên dịch là một nghề mà người dịch sử dụng khả năng thông thạo hai ngôn ngữ để chuyển đổi nội dung từ một ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ đích. Bài viết này Ms. Uptatlent sẽ giúp bạn hiểu tất tần tật thông tin về phiên dịch. MỤC LỤC: 1- Phiên dịch là gì? 2- Biên dịch là gì? 3- Phân biệt biên dịch và phiên dịch 4- 06 hình thức phiên dịch 5- Định hướng trở thành phiên dịch 5.1- Ngành phiên dịch thi khối nào? 5.2- Học phiên dịch ở đâu? 5.3- Làm phiên dịch cần bằng cấp, chứng chỉ gì? 5.4- Tố chất phù hợp với ngành phiên dịch 6- Phương pháp học phiên dịch hiệu quả 7- Khó khăn của nghề phiên dịch 8- Xu hướng mới trong lĩnh vực phiên dịch 9- Cơ hội việc làm ngành biên dịch và phiên dịch
1- Phiên dịch là gì?
1.1- Khái niệm phiên dịch
Phiên dịch là việc diễn giải lời nói của người này cho người khác bằng một thứ ngôn ngữ khác. Người thực hiện việc này được gọi là phiên dịch viên.
Quá trình phiên dịch chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Phiên dịch viên sau khi nghe ngôn ngữ nguồn sẽ phải ngay lập tức diễn giải lại bằng ngôn ngữ đích.
Phiên dịch viên phải có khả năng dịch xuôi và dịch ngược ngay tại chỗ mà không cần tra từ điển hoặc sử dụng các tài liệu tham khảo khác. Vì vậy họ sẽ không thể dịch được nếu không hiểu được nội dung, ý nghĩa của câu nói và họ cũng không thể giải thích cho người khác khi có điều gì đó họ không thực sự hiểu rõ.
1.2- Mô tả công việc phiên dịch
Phiên dịch viên tại các công ty khác nhau sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, họ thường phải làm những công việc chính sau:
+ Phiên dịch tại các buổi hội thảo, hội nghị, sự kiện, phỏng vấn, cuộc họp,… của công ty. Đây đều là những tình huống mà phiên dịch viên nào cũng có thể trải qua. Tình tình thực tế sẽ phụ thuộc công ty họ làm việc.
+ Phiên dịch và soạn thảo các loại tài liệu, văn bản, hồ sơ. Phiên dịch viên có nhiệm vụ tiếp nhận và phiên dịch các tài liệu, văn bản phục vụ cho các hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Chẳng hạn, hợp đồng kinh doanh, thông tin sản phẩm, thông tin đối tác,… Họ sẽ phải phối hợp cùng các bộ phận khác để đảm bảo chuyển ngữ chính xác nhất nội dung các tài liệu.
+ Kiểm tra và xác thực tính chính xác của các văn bản, tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong công ty. Số lượng tài liệu trong các doanh nghiệp có làm ăn với đối tác nước ngoài hoặc các công ty, tập đoàn đa quốc gia vô cùng lớn. Trong đó, có rất nhiều tài liệu quan trọng, liên quan đến việc hợp tác làm ăn của công ty như tài liệu khách hàng, thoả thuận hợp tác, báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh,… Nhiệm vụ của phiên dịch viên là phải “biên tập lại” các tài liệu này. Tức là họ sẽ phải kiểm tra lại ngữ pháp, chính tả, bố cục, cách hành văn,… Để đảm bảo độ chính cao nhất cho các tài liệu, phiên dịch viên sẽ phải kết hợp với các bộ phận khác trong công việc.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ với đối tác nước ngoài. Phiên dịch viên là người am hiểu rõ ngôn ngữ của đối tác nước ngoài nên họ thường được giao trách nhiệm liên lạc, hỏi han, chăm sóc khách hàng và phát triển mối quan hệ với các đối tác nước ngoài. Bởi vậy, trong một số doanh nghiệp phiên dịch viên được tuyển dụng để đảm nhận vai trò của một trợ lý hoặc thư ký cho một vị trí quản lý cấp cao nào đó.
+ Lập báo cáo các nhiệm vụ công việc đã thực hiện. Nếu cấp trên là người nước ngoài, phiên dịch viên sẽ phải thực hiện báo cáo song ngữ.
1.3- Mức lương của phiên dịch viên
Hiện tại mức lương của phiên dịch viên tại Việt Nam hiện khá cao. Mức lương trung bình vào khoảng 15 - 20 triệu/tháng. Mức lương này sẽ phụ thuộc vào quy mô của từng doanh nghiệp.
Với các phiên dịch viên làm việc tại công ty có quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, mức lương thường từ 10 - 12 triệu/tháng.
2- Biên dịch là gì?
2.1- Khái niệm
Biên dịch là hoạt động chuyển ngữ các văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà vẫn đảm bảo không làm thay đổi ý nghĩa của văn bản gốc. Công tác biên dịch đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng ngôn ngữ xuất sắc và am hiểu văn hoá của quốc gia sử dụng loại ngôn ngữ đó. Bên cạnh đó họ còn phải có kỹ năng viết tốt để chuyển ngữ mượt mà, thu hút.
Thông thường người dịch sẽ phải nắm bắt nội dung, văn phong và hình thức của văn bản gốc sau đó mới tiến hành biên dịch và hiệu đính nội dung bằng ngôn ngữ đích. Điều này nhằm đảm bảo văn bản được giữ nguyên ý nghĩa, văn phong và hình thức như ban đầu.
Trên thực tế, không phải biên dịch viên nào cũng có thể dịch xuôi lẫn ngược tốt. Rất nhiều dịch giả chỉ giỏi dịch xuôi hoặc dịch ngược.
2.2- Mô tả công việc biên dịch viên
Tuỳ thuộc vào yêu cầu công việc và đặc điểm của từng doanh nghiệp mà công việc cụ thể của biên dịch viên sẽ rất khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết biên dịch viên nào cũng phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Biên dịch, xử lý các tài liệu song ngữ theo yêu cầu của cấp trên. Đây là nhiệm vụ cơ bản của biên dịch viên. Họ sẽ phải chuyển ngữ nội dung các tài liệu từ ngôn ngữ nào đó sang tiếng Việt, hoặc dịch các tài liệu, văn bản tiếng Việt sang ngôn ngữ khác để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Soạn thảo các văn bản song ngữ như là các thông báo nội bộ, các thoả thuận, giao dịch với đối tác nước ngoài,… Việc soạn thảo cần đảm bảo tính chính xác để các hoạt động trong công ty diễn ra suôn sẻ, hiệu quả.
+ Tìm kiếm các tài liệu, thông tin được viết bằng tiếng nước ngoài và biên dịch lại để cung cấp thêm các tài liệu nghiên cứu, tài liệu làm việc cho nhân viên trong công ty.
+ Chuẩn bị các tài liệu song ngữ cần thiết cho các buổi thuyết trình, tọa đàm của công ty theo như các tiêu chí cấp trên yêu cầu.
+ Kiểm tra, đánh giá các bản dịch chuyên ngành nhằm đảm bảo nội dung bản dịch sát nội dung gốc nhất.
+ Quản lý các tài liệu, văn bản biên dịch sao cho hợp lý. Đồng thời cần biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian làm việc cho khoa học để hoàn thành các bản dịch đúng thời hạn.
+ Thực hiện các công việc hành chính khác như sắp xếp, lưu trữ các tài liệu, văn bản của công ty,…
2.3- Mức lương của biên dịch viên
Hiện tại mức lương trung bình của biên dịch viên khoảng 15 triệu/tháng. Khoảng lương phổ biến dao động từ 10 - 25 triệu/tháng.
3- Phân biệt biên dịch và phiên dịch
Phiên dịch và biên dịch là hai khía cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực dịch thuật. Điểm chung giữa chúng là đều có nhiệm vụ truyền tải các nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Do đó, nhiều người thường sử dụng hai khái niệm này thay thế cho nhau, dẫn đến có những hiểu lầm nhất định về phiên dịch và biên dịch. Qua khái niệm phiên dịch và biên dịch ở trên có lẽ bạn cũng thấy được điểm khác nhau giữa hai vị trí công việc này. Tuy nhiên, Uptalent sẽ tóm lược 5 điểm khác biệt chính giữa biên dịch và phiên dịch để bạn có thể phân biệt hai khái niệm này tốt hơn.
Thứ nhất, phương thức truyền đạt
Với biên dịch nội dung được truyền tải dưới dạng viết. Trong khi đó nội dung phiên dịch được thể hiện ở dạng nói, ngay tại thời gian thực.
Thứ hai, thời gian thực hiện
Biên dịch sẽ có thời gian thực hiện lâu hơn. Người dịch sẽ đọc văn bản, sau đó tiến hành chuyển ngữ và kiểm tra, đối chiếu với bản gốc trước khi phát hành.
Với phiên dịch, công việc mang tính chất tức thời. Người dịch sẽ phải thực hiện việc chuyển ngữ nhanh. Họ không hề có thời gian kiểm tra lại để chỉnh sửa bản dịch như biên dịch.
Thứ ba, công cụ hỗ trợ
Biên dịch viên có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ trong quá trình dịch thuật như từ điển, công cụ kiểm tra chính tả và các tài liệu hỗ trợ khác.
Phiên dịch viên không có thời gian sử dụng công cụ hỗ trợ. Họ phải dịch trực tiếp tại thời điểm nói, theo tốc độ người nói và ngay khi ngôn ngữ nguồn tạm dừng.
Thứ tư, độ chính xác
Biên dịch có độ chính xác cao hơn phiên dịch. Bởi vì người dịch có thời gian đọc, nghiên cứu văn bản cần dịch và họ có thể sử dụng nhiều công cụ khác hỗ trợ cho việc dịch.
Trong khi đó, phiên dịch viên không có thời gian để suy nghĩ và lựa chọn ngôn từ. Họ cũng không có sự hỗ trợ của các công cụ. Nên độ chính xác không cao như biên dịch.
Thứ năm, số người tham gia công việc
Với biên dịch, bạn có thể làm việc theo nhóm và chia sẻ công việc để thực hiện việc chuyển ngữ nhanh hơn. Còn với phiên dịch bạn chỉ có thể làm việc độc lập, không thể làm việc theo nhóm.
4- 06 Hình thức phiên dịch phổ biến
Ngành phiên dịch có nhiều hình thức phiên dịch khác nhau. Dưới đây là 6 hình thức phiên dịch phổ biến:
4.1- Phiên dịch song song
Dịch song song còn được gọi là dịch đồng thời, dịch cabin. Trong tiếng Anh được gọi là “simultaneous interpreting”.
Hình thức phiên dịch này đòi hỏi kỹ năng rất cao. Người phiên dịch sẽ ngồi trong một cabin, nghe người nói nói qua tai nghe và dịch song song lại cho người nghe qua micro. Nói dễ hiểu là trong dịch song song, người phiên dịch và người nói gần như nói đồng thời để người nghe tiếp nhận thông tin ngay lập tức.
Trong hình thức dịch song song, phiên dịch viên sẽ không có nhiều thời gian để suy nghĩ và chuyển ngữ. Vì vậy, họ bắt buộc phải thành thạo 2 ngôn ngữ ở mức độ cao nhất và có khả năng ứng biến linh hoạt.
Hình thức dịch song song này phù hợp với những tình huống có tính chất quan trọng, số lượng người tham gia lớn, ví dụ như các buổi hội nghị, hội thảo, sự kiện lớn,… của cơ quan chính phủ hay các tổ chức, công ty lớn.
4.2- Phiên dịch nối tiếp
Phiên dịch nối tiếp hay còn gọi là dịch đuổi, có tên tiếng Anh là “consecutive interpreting”. Đây là hình thức mà phiên dịch viên sẽ thực hiện việc chuyển ngữ sau khi người nói truyền đạt thông tin xong.
Trong phiên dịch nối tiếp, người dịch có thể trao đổi với người nói hoặc đề nghị họ nhắc lại để nắm chính xác thông tin cần truyền đạt. Trong một số trường hợp, phiên dịch viên có thể bàn bạc với người nói để thống nhất cách dịch một câu nói nào đó.
Phiên dịch nối tiếp hiện là hình thức được sử dụng phổ biến nhất. Hình thức này thường được sử dụng trong các buổi gặp, sự kiện diễn ra trong không gian nhỏ hẹp, ít người tham dự, ví dụ như các buổi họp báo, phỏng vấn, thuyết trình, dịch hộ tống,…
Nhược điểm của phiên dịch nối tiếp là khá tốn thời gian. Bởi vì ngoài thời gian để người nói trình bày còn phải mất thêm một khoảng thời gian để phiên dịch viên chuyển ngữ (thường mất từ 1 - 5 phút).
4.3- Phiên dịch tiếp sức
Phiên dịch tiếp sức có tên tiếng Anh là “relay interpreting”. Hình thức phiên dịch này tương tự như dịch song song, nhưng thay vì chỉ dịch một ngôn ngữ thì phải dịch nhiều hơn hai ngôn ngữ.
Loại hình phiên dịch này thường được sử dụng trong các buổi họp, hội nghị quốc tế có sự tham dự của nhiều quốc gia khác nhau.
Thực tế, dịch tiếp sức không quá phức tạp. Tuy nhiên, nó lại dễ xảy ra việc không hiểu ý nhau dẫn tới sử dụng sai từ, cụm từ trong ngôn ngữ đích.
4.4- Phiên dịch thầm
Phiên dịch thầm được gọi là “whispering interpreting”. Đây là hình thức dịch tương tự như dịch song song, tuy nhiên người dịch sẽ chỉ làm công việc chuyển ngữ cho một nhóm nhỏ và nói thầm vào tai người nghe.
Hình thức phiên dịch thầm rất phù hợp với những buổi dịch yêu cầu sự bí mật, ví dụ như các buổi trao đổi bí mật quân sự, bí mật kinh doanh,…
4.5- Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu
Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu có tên tiếng Anh là “sign language interpreting”. Đây là hình thức phiên dịch mà ngôn ngữ nói sẽ được chuyển thành ngôn ngữ ký hiệu và ngược lại.
Hình thức phiên dịch này được sử dụng trong trường hợp người tham gia buổi dịch là người khiếm thính. Khi đó, người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu sẽ chuyển đổi những gì người nói truyền đạt thành ngôn ngữ ký hiệu và chuyển ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính thành tiếng nói.
4.6- Phiên dịch tiếp cận
Phiên dịch tiếp cận còn có tên gọi là “liaison interpreting”. Hình thức này thường được sử dụng trong các cuộc họp, buổi gặp gỡ nhỏ giữa hai bên tham gia sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau.
Trong hình thức này, chỉ có một phiên dịch viên chịu trách nhiệm chuyển đổi ngôn ngữ. Tức là, phiên dịch viên sẽ dịch từ ngôn ngữ của người này sang ngôn ngữ của người kia và ngược lại.
5- Định hướng Trở thành phiên dịch
5.1- Ngành phiên dịch thi khối nào?
Hiện tại, ngành phiên dịch tại nước ta chưa được đào tạo như một ngành riêng, cũng chưa có trường nào tổ chức thi riêng ngành này.
Nếu muốn trở thành phiên dịch viên, bạn sẽ phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, sau đó lấy tổng điểm theo tổ hợp môn để xét tuyển vào các trường có đào tạo ngành ngôn ngữ, đông phương học, sư phạm ngôn ngữ hay quan hệ quốc tế.
Dưới đây là tổ môn xét tuyển các ngành ngôn ngữ phổ biến:
+ Ngôn ngữ Anh
A01: Toán, Lý, Anh.
D01: Toán, Văn, Anh.
D09: Toán, Sử, Anh.
D10: Toán, Địa, Anh.
D14: Văn, Sử, Anh.
D15: Văn, Địa, Anh.
+ Ngôn ngữ Trung
A01: Toán, Lý, Anh.
C00: Văn, Sử, Địa.
D01: Toán, Văn, Anh.
D04: Toán, Văn, Trung.
D15: Văn, Địa, Anh.
+ Ngôn ngữ Nhật
A01: Toán, Lý, Anh.
D01: Toán, Văn, Anh.
D06: Toán, Văn, Nhật.
D14: Văn, Sử, Anh.
D15: Văn, Địa, Anh.
+ Ngôn ngữ Hàn
A01: Toán, Lý, Anh.
C00: Văn, Sử, Địa.
D01: Toán, Văn, Anh.
D14: Văn, Sử, Anh.
D15: Văn, Địa, Anh.
D78: Văn, KHXH, Anh.
D96: Toán, KHXH, Anh.
+ Ngôn ngữ Pháp
A01: Toán, Lý, Anh.
D01: Toán, Văn, Anh.
D03: Toán, Văn, Pháp.
+ Ngôn ngữ Đức
D01: Toán, Văn, Anh.
D05: Toán, Văn, Đức.
D78: Văn, KHXH, Anh.
D90: Toán, KHXH, Anh.
+ Ngôn ngữ Nga
D01: Toán, Văn, Anh.
D02: Toán, Văn, Nga.
5.2- Học phiên dịch ở đâu?
Tại Việt Nam, hiện có nhiều trường đang đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ. Dưới đây là một số trường nổi tiếng trong việc đào tạo ngành này mà bạn có thể tham khảo:
- Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
- Trường Đại học Hà Nội.
- Trường Đại học Ngoại Thương.
- Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Huế.
- Trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng.
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM.
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
- Đại học Sài Gòn.
- Đại học Nông Lâm TP.HCM.
5.3- Làm phiên dịch cần bằng cấp, chứng chỉ gì?
Để theo nghề phiên dịch, cách tốt nhất là bạn nên lấy được bằng cấp chuyên ngành ngôn ngữ tại các trường Đại học. Nhà tuyển dụng không yêu cầu bắt buộc phải có bằng cử nhân để làm phiên dịch viên. Nhưng, hầu hết trong tin đăng tuyển dụng các công ty đều yêu cầu ứng viên có bằng cử nhân.
Bên cạnh bằng cử nhân ngành ngôn ngữ, bạn cũng có thể theo học các khoá biên phiên dịch tại trung tâm ngoại ngữ để lấy chứng chỉ.
Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, JLPT, TOPIK, HSK,… để được chứng nhận năng lực phiên dịch của bản thân.
5.4- Tố chất phù hợp với ngành phiên dịch
Một người muốn trở thành phiên dịch cần có đầy đủ kiến thức về ngôn ngữ, kiến thức tổng quát, hiểu biết về văn hoá, thành thạo kỹ thuật dịch và phải sở hữu nhiều tố chất riêng.
Dưới đây là những tố chất cần có ở một phiên dịch viên:
+ Trí nhớ tốt: Điều này giúp phiên dịch viên ghi nhớ đầy đủ, chính xác những thông tin người nói muốn truyền đạt.
+ Bình tĩnh, kiên nhẫn: Khi phiên dịch, bạn không còn là mình nữa mà phải đặt bản thân vào vị trí của người nói. Bạn phải biết cách gạt bỏ đi những tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp người nói có ý tức giận thì bạn vẫn phải dịch sao cho thể hiện rõ được sự tức giận đó.
+ Có đạo đức nghề nghiệp: Người làm nghề phiên dịch cần tuân thủ các quy chuẩn đạo đức và quy tắc riêng. Đạo đức nghề nghiệp của phiên dịch viên ở đây chủ yếu hướng đến sự trung thành với ý tưởng của văn bản gốc, không tự ý thêm thắt, bình luận, nhận xét hay thể hiện thái độ cá nhân khi dịch.
+ Sức khỏe tốt: Nghề phiên dịch thường phải di chuyển đến nhiều nơi và phải làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, bạn cần có sức khoẻ tốt.
+ Kiên trì, chăm chỉ, ham học hỏi: Muốn dịch tốt, phiên dịch viên phải có lượng kiến thức phong phú, đa dạng. Bằng sự kiên trì, chăm chỉ và ham học hỏi, bạn sẽ tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức hữu ích.
+ Nhanh nhẹn, nhạy cảm và tự tin: Điều này sẽ giúp bạn phản ứng linh hoạt và xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trong buổi dịch tốt hơn.
+ Chu đáo, cẩn trọng: Để có chuyển ngữ hoàn hảo nhất, bạn cần chuẩn bị trước các nội dung, thông tin về lĩnh vực sẽ được đề cập đến trong buổi dịch.
6- Phương pháp học phiên dịch hiệu quả
Không phải ai theo học phiên dịch đều sẽ giỏi. Quan trọng là bạn phải có phương pháp học hiệu quả. Sau đây là một số gợi ý bạn có thể tham khảo.
- Thứ nhất, kiên trì học ngoại ngữ mỗi ngày: Để thành thạo một ngôn ngữ nào đó, bạn bắt buộc phải học tập thường xuyên. Bạn nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện nghe, luyện đọc hay luyện dịch. Với kế hoạch học tập cụ thể, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng làm chủ ngôn ngữ mình đang học.
- Thứ hai, luyện dịch tất cả những thứ bạn bắt gặp: Đây được gọi là phương pháp dịch thầm. Phương pháp này khá đơn giản, bạn chỉ việc dịch những gì được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt qua ngôn ngữ còn lại.
- Thứ ba, thành thạo tiếng Việt: Không chỉ học tiếng Anh, bạn còn phải rèn luyện tiếng Việt mỗi ngày để có vốn từ phong phú và cách hành văn mượt mà hơn.
- Thứ tư, sử dụng nhiều phương pháp học khác nhau: Bạn nên kết hợp nhiều phương pháp học khác nhau như đọc báo, tạp chí, sách, nghe đài, xem phim, tham gia câu lạc bộ,… để không cảm thấy nhàm chán khi học ngoại ngữ. Thậm chí điều này còn giúp bạn cảm thấy hứng thú và có thêm động lực học tập.
- Thứ năm, kiên trì với mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra: Để đạt được kết quả học ngoại ngữ như mong đợi, bạn cần kiên trì thực hiện kế hoạch học tập mỗi ngày.
7- Khó khăn của phiên dịch viên
Nghề phiên dịch mang lại cho bạn nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và bản thân. Tuy nhiên, song song với cơ hội thì nghề này cũng tồn tại nhiều khó khăn, thử thách.
- Thứ nhất, nghề phiên dịch có tính kỷ luật cao: Nghề phiên dịch đề cao tính đạo đức nghề nghiệp. Bạn sẽ phải tuyệt đối trung thành với ý tưởng, nội dung của ngôn ngữ gốc. Bất cứ sai phạm khi chuyển ngữ nào cũng có thể gây ra hiểu lầm và những hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, bạn phải cẩn trọng và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của nghề phiên dịch.
- Thứ hai, áp lực lớn: Đôi khi, phiên dịch viên phải dịch một đoạn dài hay cả bài thuyết trình. Khi đó, rất khó để ghi nhớ và truyền tải một cách chính xác. Nếu bạn không tập trung lắng nghe và xử lý linh hoạt thì điều này chính là áp cực lớn. Bên cạnh đó, việc phải thường xuyên đi lại cũng là áp lực không nhỏ với phiên dịch viên.
- Thứ ba, tính cạnh tranh và đào thải cao: Ngày nay, không ít người giỏi hai thứ tiếng. Bởi vậy, bạn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và đào thải của ngành khá lớn.
- Thứ tư, phải liên tục cập nhật kiến thức: Nghề phiên dịch không chỉ đòi hỏi kiến thức về ngôn ngữ mà còn yêu cầu lượng kiến thức lớn về về văn hoá, phong tục cùng nhiều lĩnh vực khác. Do đó, bạn bắt buộc phải học tập liên tục để trau dồi, tích luỹ kiến thức thuộc đa dạng lĩnh vực.
8- Xu hướng mới trong lĩnh vực phiên dịch
Nền kinh tế và xã hội đang không ngừng phát triển. Vì vậy, ngành phiên dịch cũng phải bắt kịp các xu hướng mới để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Sau đây là những xu hướng mới của ngành phiên dịch trong những năm tới:
8.1- Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phần mềm dịch thuật
Trước đây các bản dịch máy còn khá thô, chất lượng bản dịch cũng không thể đáp ứng được yêu cầu dịch thuật chuyên nghiệp. Thế nhưng, với sự phát triển của công nghệ AI, các bản dịch đã trở nên chất lượng, mượt mà hơn.
Không những thế, việc ứng dụng AI vào phần mềm dịch thuật còn giúp cắt ngắn thời gian dịch, giá thành cũng rẻ hơn.
8.2- Dịch thuật media
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, kinh doanh, giải trí của toàn xã hội, dịch vụ dịch thuật media đã ra đời với nhiều mảng dịch thuật khác nhau, bao gồm dịch phụ đề video, dịch podcast và bản địa hoá trong lồng tiếng, thuyết minh.
Dịch thuật media đã mở ra cơ hội lớn giúp các thương hiệu, doanh nghiệp và nhà sáng tạo nội dung tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh, giải trí đa phương tiện trên môi trường trực tuyến.
8.3- Bản địa hoá chiến lược SEO
Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm mọi thứ qua internet bằng ngôn ngữ của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cung cấp cho đối tượng mục tiêu của mình những nội dung được bản địa hoá tốt nhất để họ tìm thấy bạn.
Nói cách khác, bản địa hoá nội dung trở thành yếu tố quan trọng của quá trình SEO đa ngôn ngữ. Tuỳ thuộc vào từng thị trường khác nhau mà nhà marketing sẽ phải xây dựng bộ từ khóa cho phù hợp.
8.4- Bản địa hoá SMS, email marketing
Các chiến dịch SMS, email marketing là một phần không thể thiếu trong kinh doanh. Để có thể giao tiếp hiệu quả, thuận lợi với khách hàng, đối tác, các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng các công nghệ tiên tiến và kết hợp với những dịch giả chuyên nghiệp nhằm bản địa hoá tối đa các nội dung, thông điệp muốn truyền tải.
9- Cơ hội việc làm ngành biên dịch và phiên dịch
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành biên dịch và phiên dịch trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, rất nhiều cơ hội việc làm rộng mở dành cho những người theo đuổi lĩnh vực này.
Bạn có thể chọn làm việc tại các tổ chức quốc tế, công ty đa quốc gia, công ty du lịch, tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, công ty dịch thuật và rất nhiều tổ chức, đơn vị kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm việc tại các cơ quan phụ trách đối ngoại thuộc các bộ, ban ngành trong chính phủ.
Ngoài công việc chính thức, những người làm trong ngành biên dịch và phiên dịch còn có nhiều cơ hội làm thêm bên ngoài. Do đó mức thu nhập của họ rất cao.
Hiện tại mức thu nhập bình quân khi phiên dịch tại các hội nghị, hội thảo vào khoảng 200 - 400 USD/ngày. Tuy nhiên để có mức thu nhập như vậy đòi hỏi người làm phiên dịch phải đầu tư thời gian và công sức rất lớn.
Tóm lại, bạn có thể hiểu đơn giản biên dịch sẽ liên quan đến dịch tài liệu và được thể hiện dưới dạng văn bản. Còn phiên dịch liên quan đến các hoạt động truyền tải ngôn ngữ dưới dạng nói.
Trong bối cảnh hiện tại thì cả biên dịch và phiên dịch đều là những nghề nghiệp có cơ hội việc làm rất tốt. Chỉ cần bạn có đam mê, tình yêu với ngôn ngữ và vốn hiểu biết sâu rộng chắc chắn đây sẽ là những lựa chọn nghề nghiệp lý tưởng dành cho bạn.
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet