Chỉ số Bovis được phát minh bởi nhà vật lý học, cảm xạ học người Pháp André Bovis (1871 -1947), được dùng để đo năng lượng sinh học của con người, động thực vật hoặc đất đá trong tự nhiên.
Trong ngành địa y học, người ta quan tâm đến “chỉ số Bovis của đất” là chủ yếu, với ranh giới quan trọng nhất cần lưu ý là 6.500 Bovis, bởi các giá trị nhỏ hơn 6.500 thì là đất xấu và lớn hơn 6.500 là đất tốt với con người sống trên miếng đất đó.
Nói cách khác, các nhà địa y học quan niệm “chỉ số Bovis của đất” là khả năng thích nghi của con người trên một miếng đất nào đó. Nguyên nhân, các chủng loại sinh vật nhất định từ khi sinh ra đến ngày nay đã trải qua hàng tỷ năm, trong suốt quá trình tiến hóa đó đến ngày hôm nay, chúng đã thích nghi với rất rất nhiều các dạng sóng điện từ trường. Cho đến thời điểm hiện tại, có loài thì thích nghi và muốn sinh sống ở vị trí đất này, trong khi có loài khác lại thích ở vị trí đất khác. Chẳng hạn, loài người thì nên sống trên những khu đất có giá trị Bovis > 6.500 và vi khuẩn, virut, nấm mốc thì ngược lại.
Vậy với trường hợp cụ thể là một ngôi nhà, một miếng đất, thì chỉ số Bovis sẽ thay đổi như thế nào? Chúng tôi cho rằng, có 5 tiêu chuẩn cần phải xem xét từng bước một khi đánh giá một miếng đất.
Thứ nhất là tiêu chuẩn phóng xạ. Con người rất khó thích nghi được với những nơi có độ phóng xạ cao. Những nơi có đá gốc, có hàm lượng phóng xạ cao là những nơi có chỉ số Bovis rất thấp. Ở đồng bằng, tuy các chỉ số phóng xạ hầu hết là chấp nhận được, nhưng bao giờ đất sét, mùn ở vùng đầm lầy, ao hồ cũng có độ phóng xạ cao hơn là cát, do đó chúng tôi quan tâm rất nhiều đến các miếng đất liền thổ, có thành phần cát nhiều.
Thư hai là tiêu chuẩn về rối loạn điện từ trường do nước ngầm, đứt gãy, hang động. Chỉ số Bovis sẽ bị xuống thấp rất nhanh tại những vị trí ở dưới là mạch nước ngầm, mạch đứt gãy, bởi các dạng mạch này là tuyến tính, theo dòng hoặc vũng, nên chỉ số Bovis cũng sẽ thay đổi theo hình dạng như vậy.
Thứ ba là tiêu chuẩn về rối loạn điện từ do mạng lưới điện từ trường trái đất (Hartmann và Curry). Chỉ số Bovis bị thấp đi tại các nút giao của các mạng này, tạo thành các ô vuông đường kính 20x20cm với mạng Hartmann và đường kính 30x30cm với mạng Curry.
Thứ thư là tiêu chuẩn về các hoạt động nhân sinh. Trước đó, khu đất này đã có các hoạt động do con người như đào giếng, là nghĩa địa cũ… đều ảnh hưởng đến chỉ số Bovis.
Cuối cùng là tiêu chuẩn về không khí. Một ngôi nhà quá bí khí, hoặc có nồng độ khí Radon quá cao đều là cái có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nồng độ khí là chỉ tiêu khá lưu động và có thể thay đổi được do sinh hoạt. Do đó, đây là yếu tố phụ trong khi tính toán chỉ số Bovis.
Nói chung, chỉ số Bovis của đất liên quan rất chặt chẽ với đặc điểm địa chất bên dưới. Hình thù của các thể địa chất bên dưới thế nào, thì các chỉ số Bovis cũng thay đổi như vậy.
Thực tế, khi người viết tiến hành đo đạc cho hàng trăm ngôi nhà ở miền Bắc, thì hầu như không có nhà nào là tốt 100% và nhà nào là xấu 100%, nó là sự xen kẽ giữa các vị trí tốt và xấu. Quan trọng là khi chúng ta hiểu thì sẽ bố trí vị trí ngủ, làm việc, các hoạt động sinh hoạt quan trọng khác vào những chỗ tốt và những chỗ còn lại thì ta có thể kê tủ, làm phòng vệ sinh, làm kho chứa đồ…
Hiện nay, nhiều người sử dụng cảm xạ để đo chỉ số Bovis, tuy nhiên khi họ chưa có thời gian luyện tập đủ lâu, không vô thức được và không có đủ các kiến thức khoa học về địa chất trang bị cho mình, nên hầu hết các kết quả đó là không chính xác hoặc chỉ nêu được độ chính xác không đầy đủ, không tìm ra được diện phân bố chuẩn.
Bản thân người viết cũng quan niệm, chỉ số Bovis là một chỉ số tương đối, nó phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kiến thức của người đo. Tuy nhiên, trong thời đại mà con người ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe như tác hại của sóng bức xạ điện từ trường, do các hóa chất trong ăn uống và sinh hoạt, thì việc nghiên cứu nhiều hơn về lĩnh vực trên sẽ là một hướng bổ trợ hiệu quả kết hợp rất tốt với y học truyền thống nhằm tăng cường sức khỏe cho cộng đồng.