Nếu có bằng ô tô có cần bằng xe máy không?
Theo các chuyên gia tư vấn xe của Oto.com.vn, căn cứ vào khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về bằng lái xe khi tham gia giao thông hiện nay tại Việt Nam:
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Theo Luật Giao thông đường bộ, giấy phép lái xe (bằng lái xe) là loại giấy tờ chứng nhận người sở hữu có đủ điều kiện và khả năng điều khiển một loại phương tiện xe cơ giới nào đó. Luật này cũng quy định người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông bắt buộc phải có bằng lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Có nghĩa là khi điều khiển xe mô tô, người lái phải có bằng xe máy. Nếu lái xe hơi, tài xế phải có bằng lái ô tô. Và tất nhiên không thể dùng bằng ô tô để thay thế cho bằng lái xe máy và ngược lại.
Bằng ô tô không thể thay thế bằng lái xe máy (Ảnh minh họa)
Nếu đã có bằng lái xe ô tô nhưng chưa có bằng xe máy, người điều khiển phương tiện có thể thi lấy bằng lái xe mô tô. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Luật Giao thông đường bộ quy định người đã có bằng ô tô được bỏ qua phần thi luật và chỉ cần thi phần thực hành để lấy bằng xe máy.
Như vậy, thắc mắc về việc khi tham gia giao thông liệu đã có bằng ô tô có cần bằng xe máy nữa không của nhiều người đã được giải đáp rõ ràng. Từ đó, người điều khiển phương tiện sẽ chủ động hơn khi lưu thông trên đường, tránh mất tiền oan vì vi phạm Luật Giao thông.
Hơi khác 1 chút so với Luật Giao thông tại Việt Nam, ở một số địa phương tại Mỹ và Pháp, lái xe đã có bằng ô tô được chấp nhận điều khiển xe mô tô 2 bánh dưới 125 phân khối mà không cần phải thi riêng để lấy bằng xe máy.
Không có bằng lái xe máy, người điều khiển phương tiện bị phạt bao nhiêu?
Phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng nếu điều khiển xe máy nhưng không có bằng lái
Điểm a khoản 5 và điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Những loại giấy phép lái xe được sử dụng ở Việt Nam
Dưới đây, Oto.com.vn sẽ cập nhật một số loại bằng lái xe cơ giới đang được sử dụng tại Việt Nam hiện nay để độc giả nắm rõ hơn:
- Giấy phép lái xe hạng A1: Sử dụng cho những loại xe 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50-174cc.
- Giấy phép lái xe hạng A2: Sử dụng cho các phương tiện xe 2 bánh có dung tích trên 175cc, và được sử dụng cho tất cả những loại phương tiện được quy định trong hạng A1.
- Giấy phép lái xe hạng A3: Người có bằng lái hạng A3 được phép điều khiển các loại phương tiện như xe mô tô 3 bánh, xe lam 3 bánh, xích lô có gắn máy và cả những phương tiện có trong bằng lái A1.
- Giấy phép lái xe hạng A4: Sử dụng cho những loại xe cơ giới dạng máy kéo có tải trọng dưới 1 tấn.
- Giấy phép lái xe hạng B1: Được sử dụng cho xe ô tô từ 4 - 9 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 3,5 tấn. Lưu ý: Giấy phép hạng B1 không được sử dụng cho mục đích hành nghề lái xe.
- Giấy phép lái xe hạng B2: Bằng B2 được sử dụng cho xe từ 4-9 chỗ ngồi và tải trọng dưới 3,5 tấn. Khác với bằng B1, bằng B2 được sử dụng cho mục đích hành nghề lái xe.
- Giấy phép lái xe hạng B11: Loại giấy phép lái xe này có thể sử dụng cho các dòng ô tô 4-9 chỗ ngồi, tải dưới 3,5 tấn nhưng chỉ là dòng xe số tự động.
- Giấy phép lái xe hạng C: Người có bằng C có thể lái xe ô tô tải, ô tô tải chuyên dụng có thiết kế từ 3,5 tấn trở lên và cả những phương tiện quy định trong bằng lái hạng B2, B1 cùng B11.
- Giấy phép lái xe hạng D: Được phép điều khiển xe ô tô chở khách từ 10-30 chỗ ngồi cùng tất cả phương tiện quy định trong bằng lái xe C, B2, B1 và B11.
- Giấy phép lái xe hạng E: Có thể sử dụng đề điều khiển ô tô chở khách trên 30 chỗ ngồi và những loại phương tiện có trong bằng lái D, C, B2, B1 và B11.
- Giấy phép lái xe hạng F: Cấp cho người đã có bằng lái B2, C, D, E, giấy phép lái xe này dùng để điều khiển các loại phương tiện tương ứng như container, ro mooc, đầu kéo, ô tô chỗ khách có nối toa.
Có thể bạn quan tâm:
- Không có bằng lái xe phạt bao nhiêu? Có bị tạm giữ phương tiện?
- Thêm quy định mới siết chặt hoạt động đào tạo và thi sát hạch lái xe ô tô