Giá tiêu tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại do phải mua giá cao, bán giá thấp trong khi các nhà nhập khẩu được hưởng lợi nhiều hơn.
Doanh nghiệp xuất khẩu lỗ vì giá tiêu tăng
Giá tiêu những ngày gần đây quay trở lại đà tăng sau khoảng hai tháng điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 27/8, giá tiêu giao dịch ở mức 144.000 đồng/kg, phục hồi từ mức đáy hai tháng thiết lập hồi giữa tháng 8 là 137.000 đồng/kg.
Nhìn bức tranh rộng hơn, giá tiêu đã có đợt tăng phi mã trong năm nay khi mức hiện tại cao gấp đôi so với đầu năm. Đỉnh điểm hồi tháng 6, giá tiêu đạt gần đỉnh 8 năm ở mức 180.000 đồng/kg.
Câu chuyện về giá tăng cao luôn có ảnh hưởng hai mặt, sẽ có một nhóm hưởng lợi và nhóm chịu thiệt. Chia sẻ tại hội nghị sơ kết của Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị (VPSA) hồi đầu tháng 8, ông Hồ Trí Nhuận, Giám đốc Công ty Gohan, cho biết khách hàng nhập khẩu là người được hưởng lợi nhiều nhất trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại lớn.
“Thời điểm tháng 5, 6, lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến. Đây cũng là lúc giá tiêu đạt đỉnh 170.000 - 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá xuất khẩu chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp buộc phải mua giá cao, bán giá thấp. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu bán với giá 140.000 đồng/kg ở nước sở tại”, ông Nhuận chia sẻ.
Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ đến từ nguồn cung suy giảm (ảnh hưởng bởi thời tiết và xu hướng chuyển đổi cây trồng của người dân), mà còn bắt nguồn từ giới đầu cơ.
Theo ông Nhuận, nhiều người “ôm” tiêu từ đầu năm và đã chốt lời nhưng sau đó, họ lại mua với giá đỉnh. Tổng thể thị trường, người lỗ nhiều hơn người có lời. Người có lời thì chỉ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng người lỗ thì lên tới 30.000 - 40.000 đồng/kg.
“Thị trường biến động quá sốc, không đơn giản là vì cung - cầu mà còn do đầu cơ. Tình trạng đầu cơ năm nay quá khủng khiếp. Những doanh nghiệp lớn top đầu cũng phải chịu đau thương khá nặng”, ông nói.
Trao đổi với chúng tôi ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn, cho biết áp lực của doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất lớn.
“Giá xuất khẩu trung bình của doanh nghiệp thấp hơn so với giá thu mua từ thị trường trong nước. Tuy nhiên, nông dân lúc nào cũng nghĩ doanh nghiệp lãi lớn. Thực tế, với bối cảnh thị trường biến động mạnh hiện tại, doanh nghiệp nào cũng phải cố gắng để duy trì tồn tại chứ đừng nói là phát triển”, ông Huy nói.
Nông dân không nên đầu cơ
Để giải quyết một phần nghịch lý thị trường hiện tại, ông Lê Đức Huy cho rằng điều quan trọng là các thành phần tham gia thị trường cần giảm tư duy đầu cơ. Với người sản xuất thì cần cung ứng sản phẩm ra thị trường, chỉ giữ lại một phần; tránh tình trạng, người sản xuất lại đi vay mượn để đi đầu cơ, găm hàng. Điều này trái với quy luật thị trường.
Theo ông, người nông dân nên có tư duy của doanh nhân và cần biết điều tiết trong việc bán hàng.
“Người dân không nên đầu cơ, găm hàng khi vẫn còn vay nợ. Bởi, nếu mà đầu cơ mà còn chịu sức ép lãi vay thì thường không mang lại hiệu quả. Do đó, khi canh tác xong, bà con nên bán ra để bù lại chi phí, hạn chế việc mua lại để đầu cơ”, ông Huy nói.
Ông cho biết thêm, thời gian vừa qua, có hiện tượng người dân mua đầu cơ ở mức giá 170.000 đồng/kg. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bà con không có năng lực về tài chính, dẫn tới đến một lúc nào đó đà bán tháo sẽ diễn ra, gây áp lực lên giá.
Với doanh nghiệp trung gian nên làm tốt vai trò của mình là người kết nối, lưu thông, tránh đầu cơ trục lợi: Khi người dân cần tiền thì mua được giá tốt, còn khi doanh nghiệp xuất khẩu cần hàng thì cung ứng được đầy đủ. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm tốt vai trò hài hoà lợi ích của các bên.
“Mỗi người đều có trách nhiệm của riêng mình. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng để làm điều này rất khó. Thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng. Mỗi doanh nghiệp lại có một tư duy và chiến lược khác nhau và họ luôn tin là mình đúng”, ông nhận định.