Cây mặt quỷ còn gọi là Nhàu tán, Đơn mặt quỷ, Cây gạch, Dây đất, có tên khoa học Morinda umbellata L., họ cà phê (Rubiaceae). Cây thường được dùng làm thuốc chữa mụn nhọt, dị ứng hiệu quả. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về loài cây này ngay dưới đây của Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Thiên Hương.
Mô tả dược liệu
- Cây mọc toả ra hay leo, tới 10 m.
- Lá hình trái xoan ngược rộng, thuôn, bầu dục, hay hình dải ngọn giáo, thót lại ở gốc, tù nhọn hay có đuôi và nhọn mũi ở đầu, dài 2 - 12,5 cm rộng tới 4 cm, nhẵn hay có lông ở mặt dưới, gân phụ 4 - 6 cặp, cuống dài 1cm, lá kèm hình tam giác, cao 2 - 5 mm.
- Hoa xếp thành đầu đường kính khoảng 6 mm ở ngọn nhánh hay xếp hình tán. Hoa trắng, tràng có ống có lông ở vùng cổ, thuỳ 4 thon.
- Quả gồm những hạch dính nhau, rộng 8-10 mm, gần hình cầu, dẹp, có bề mặt sù xì, với nhân cao 4 mm, dày 2 mm. Mỗi hạch chứa 1 hạt.
Bộ phận dùng, bào chế
Bộ phận dùng của cây mặt quỷ
Trông Đông y, người ta dùng rễ và lá để làm thuốc.
Bào chế
- Lá và thân cây có thể thu hái quanh năm, riêng lá có thể dùng tươi đắp ngoài da.
- Rễ thường được thu hái vào mùa xuân hay mùa thu. Sau khi đào về đem rửa sạch rồi loại bỏ rễ con, ngâm nước ấm rồi cắt ngắn và phơi khô.
- Thường dùng không chế biến gì khác. Nhưng tuỳ bệnh lý mà có thể sao hơi vàng hoặc tẩm rượu sao.
Thành phần hoá học của cây mặt quỷ
Rễ cây mặt quỷ có các dẫn xuất anthraquinone và glucosid.
Tính chất dược lý
- Chiết xuất từ lá có tính kháng khuẩn đối với Bacillus megaterium, B. subtilis, E. coli, K. pneumonia, M. luteus, P. aeruginosa, S. typhi, S. flexneri, S. aureus.
- Nghiên cứu đánh giá các chiết xuất dung môi khác nhau của lá cây mặt quỷ có tác dụng ổn định tế bào mast và chống phản vệ. Các chất chiết xuất từ lá methanolic, n-hexan và chloroform cho thấy chống lại sự thoái hóa tế bào mast ở màng bụng.
- Nghiên cứu gây sốc phản vệ ở chân động vật, sau đó được điều trị bằng chiết xuất ethanolic và n-hexan của lá cho thấy sự giảm phù nề đáng kể do giảm nồng độ albumin. Các hợp chất phenolic và flavonoid trong lá đã góp phần vào tác dụng ức chế sự phân hủy tế bào mast do kháng nguyên gây ra và chống phản vệ.
Công dụng, liều dùng
Y học cổ truyền
- Cây mặt quỷ có vị cay ngọt, ấm
- Công dụng: Tả hỏa, thanh nhiệt, ích thận, cường gân cốt.
- Chủ trị các bệnh lý phong tê thấp, mụn nhọt, lỵ, tẩy giun sán. Trong y học dân gian Việt Nam, dùng chữa mụn nhọt, kiết lỵ và các bệnh ngoài da. Bộ phận trên mặt đất dùng chữa sốt, ho, đau bụng, thấp khớp, viêm gan cấp tính.
Y học hiện đại
- Rễ dùng làm thuốc tẩy mạnh tại Mỹ.
- Lá, phối hợp với một số dược liệu, dùng làm thuốc sắc chữa tiêu chảy, kiết lỵ, ăn không tiêu, giang mai, lậu.
- Ở vùng Tây Ghats của bang Kerala (Ấn Độ), cây được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đau nhức cơ.
Ngoài ra, quả của còn được dùng nấu trong món cà ri Ấn Độ, thân cây dùng làm dây thừng thô ở Sri Lanka.
Liều dùng
8-20 gam dùng dạng thuốc sắc.
Bài thuốc kinh nghiệm từ cây mặt quỷ
Mẩn ngứa
- Chuẩn bị: 1 nắm lá cây mặt quỷ.
- Thực hiện: Dược liệu trên đem rửa sạch rồi giã nát. Sau đó xoa nhẹ lên vùng da bị mẩn ngứa. Có thể kết hợp với sắc thân rễ dược liệu để uống với liều 10 - 15 g mỗi ngày.
6.2 Đau nhức xương khớp từ cây mặt quỷ
- Bài thuốc 1: 10 g cây mặt quỷ, 10g vỏ cây xà cừ cùng 15 g rễ cây đinh lăng. sắc với 600 ml nước. Sắc trên lửa nhỏ thu lấy 200 ml thuốc. Lọc bỏ bã chia đều thành 2 lần uống sau bữa trưa và bữa tối. Mỗi liệu trình duy trì liên tục trong 10 ngày.
- Bài thuốc 2: 12 - 20 g cây mặt quỷ. Cho vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã, uống thay trà hằng ngày. Tuyệt đối không sử dụng nước sắc qua ngày.
- Bài thuốc 3: 10 g cây mặt quỷ, 10g rễ cây chổi sể đồng, 10g rễ cỏ xước cùng 10 g vỏ xà cừ. Các vị thuốc sắc lấy nước, bỏ bã, uống ngày 1 thang.
Xem thêm: Giảm đau : Trong các bệnh cơ xương khớp
Dùng cây mặt quỷ chữa giun sán, lỵ
- Chuẩn bị: 10 - 16 g vỏ rễ.
- Thực hiện: rửa sạch cho vào ấm, thêm 1 lít nước. Sắc lấy 300 ml thuốc, bỏ bã chia đều làm 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.
Như vậy, cây mặt quỷ là một vị thuốc chữa mụn nhọt, dị ứng, giun sán, lỵ, đau nhức xương khớp hiệu quả khi phối hợp với các dược liệu khác. Tuy nhiên quý độc giả không nên tự ý phối hợp bài thuốc khi chưa tham vấn ý kiến bác sĩ, để hạn chế tác dụng không mong muốn.