Truyện cổ tích với tuyến nhân vật đa dạng từ nàng tiên, ông bụt, những người nghèo khổ nhỏ bé, không có địa vị trong xã hội.
Trong đó, những tác phẩm về những anh hùng có sức mạnh siêu nhiên, sẵn sàng đứng ra bảo vệ kẻ yếu nhằm gửi gắm ước mơ về một vị minh quân tài giỏi.
Dưới đây là những câu chuyện cổ tích viết về những vị anh hùng, với tinh thần dũng cảm nhằm thể hiện ước mơ về bảo vệ người dân yếu thế, đồng thời răn dạy thế hệ sau về đứng tính dũng cảm, bất khuất, kiên cường.
Thạch sach
Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường.
Bà thì nấu nước cho người qua đường uống. Việc làm của gia đình họ Thạch thấu đến trời, Ngọc Hoàng cho Thái tử đầu thai xuống trần làm con nhà họ Thạch.
Thạch bà thụ thai ba năm, chưa sinh con thì Thạch ông mất. Sau đó, Thạch bà sinh một con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Thạch Sanh. Cách ít năm sau, Thạch bà cũng mất, Thạch Sanh sống côi cút một mình trong túp lều tranh dưới gốc đa với một mảnh khố che thân và một cái búa đốn củi.
Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên ông xuống dạy cho chàng các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.Một hôm có anh hàng rượu tên là Lý Thông, đi bán rượu ghé vào gốc đa nghỉ chân, thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, lanh lợi, ở một mình, bèn kết làm anh em và đưa Thạch Sanh về nhà.
Bấy giờ ở trong vùng có một con Trăn Tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân nhiều lần vây đánh không được. Vì nó có phép thần thông biến hóa; nhà vua phải cho lập miếu thờ và mỗi năm nộp mạng một người cho nó. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải nộp mình.
Mẹ con Lý Thông nghe tin hoảng hốt, bàn mưu tính kế đưa Thạch Sanh đi thế mạng. Khi Thạch Sanh đi lấy củi về, Lý Thông đon đả mời chàng uống rượu và nói: “Ðêm nay anh phải đi canh miếu thờ trong rừng, nhưng trót cất mẻ rượu, anh đi sợ hỏng, nhờ em thay anh canh miếu một đêm”.
Thạch Sanh vui vẻ nhận lời và đi ngay. Nửa đêm Trăn Tinh hiện về, giơ vuốt, nhe răng hà hơi, nhả lửa, định xông vào miếu ăn thịt Thạch Sanh.
Thạch Sanh bình tĩnh trổ tài đánh nhau với Trăn Tinh, cuối cùng chàng chém được đầu nó, đốt xác nó thành than, và thấy hiện lên trong miếu một bộ cung tên bằng vàng ngời sáng. Thạch Sanh mừng rỡ giắt búa, đeo cung và xách đầu Trăn Tinh chạy thẳng một mạch về nhà.
Nghe tiếng Thạch Sanh gọi, mẹ con Lý Thông hoảng sợ, cho là oan hồn của Thạch Sanh sau khi bị Trăn Tinh ăn thịt, trở về nhà oán trách, bèn cất lời cầu khấn, van xin: “Sống khôn, thác thiêng em hãy tạm đi, ngày mai mẹ cùng anh sẽ mua sắm vàng hương, cơm canh, cỗ bàn cúng em chu tất!”.
Bấy giờ, Thạch Sanh mới biết rõ tâm địa và mưu kế của mẹ con Lý Thông nhưng chàng không giận, vẫn vui vẻ kể chuyện giết Trăn Tinh cho mẹ con họ Lý nghe. Lý Thông liền nảy ra một mưu thâm độc mới. Nó nói Trăn Tinh là báu vật nhà vua nuôi, ai giết sẽ bị tội lớn. Thạch Sanh lo sợ, Lý Thông bảo Thạch Sanh trốn đi cho an toàn, một mình y sẽ tự lo liệu thu xếp giúp cho.
Sau khi Thạch Sanh từ giã mẹ con Lý Thông trở về gốc đa xưa, Lý Thông đi ngay về Kinh, tâu vua là đã trừ được Trăn Tinh. Nhà vua vui mừng trọng thưởng và phong cho Lý Thông làm Ðô đốc quận công.
Tiếp đó, nhà vua mở hội kén chồng cho con gái là công chúa Quỳnh Nga. Hội kén chồng kéo dài hàng tháng nhưng công chúa không chọn được ai vừa ý đẹp lòng. Một hôm công chúa đang dạo chơi vườn đào thì một con chim đại bàng khổng lồ khác sà xuống cắp đi.
Thấy chim cắp người bay qua, Thạch Sanh giương cung bắn, đại bàng bị trúng tên vào cánh trái, nó dùng mỏ ngậm tên rút ra rồi bay tiếp về hang ổ. Thạch Sanh lần theo vết máu tìm đến cửa hang đại bàng, chàng đánh dấu cửa hang ác điểu rồi trở lại gốc đa.
Nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, tìm được thì sẽ được lấy công chúa, làm phò mã, nối ngôi vua, không tìm được phải chịu tội. Lý Thông vừa mừng, vừa lo, y lập kế mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng dò la tin tức.
Ðến ngày thứ mười, biết tin Lý Thông mở hội, Thạch Sanh đến thăm và kể cho Lý Thông nghe việc bắn chim đại bàng, Lý Thông mừng vui khôn xiết, hậu đãi Thạch Sanh và nhờ chàng dẫn đường đến hang
Ðại bàng cứu công chúa.Thạch Sanh dùng thang dây xuống hang gặp công chúa và đưa thuốc mê cho đại bàng uống.
Công chúa hẹn ước kết duyên cùng Thạch Sanh rồi Thạch Sanh buộc dây đưa nàng lên mặt đất. Lý Thông sai quân lính đưa công chúa lên kiệu rước về cung, còn y nói dối là ở lại đánh nhau với quái vật. Sau đó, Lý Thông dùng đá lấp kín cửa hang và trở về triều đình mạo nhận công trạng.
Không thấy Thạch Sanh trở về, công chúa buồn thương rầu rĩ và bặt câm, không hé môi nói nửa lời. Nhà vua buồn bã, Lý Thông cầu đảo thuốc thang khắp nơi đều vô hiệu, việc tổ chức cưới xin phải đình hoãn.Hết liều thuốc mê, đại bàng tỉnh dậy hóa phép thần thông hãm hại Thạch Sanh, chàng dũng sĩ “mặt đỏ mày xanh”, đã dám cả gan “phá nhà, cướp vợ” của nó.
Thạch Sanh dùng tài võ nghệ và phép thần thông của mình tiêu diệt được đại bàng. Nhìn lên cửa hang kín bưng không còn một khe hở nhỏ, Thạch Sanh dạo khắp hang động của đại bàng và gặp Thái tử con vua Thủy Tề đang bị yêu quái nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh phá tan cũi sắt giải thoát cho Thái tử.
Thái tử mời Thạch Sanh về Thủy Tề gặp vua cha. Vua Thủy Tề cảm ơn và hậu đãi chàng. Trong thời gian lưu lại thủy cung, một hôm Thạch Sanh đang cùng Thái tử dạo chơi thì một con Hồ Tinh xuất hiện, biến thành một cô gái xinh đẹp để cám dỗ, mê hoặc hại chàng.
Thạch Sanh bắt nó phải hiện nguyên hình là một con cáo chín đuôi và hóa phép giam nó lại. Vua Thủy Tề mời Thạch Sanh ở lại thủy cung và sẽ phong chức tước cho chàng, nhưng Thạch Sanh từ chối. Vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn thần và sai sứ giả rẽ nước đưa chàng trở lại trần gian.
Thạch Sanh lại về với gốc đa xưa. Vắng bóng Thạch Sanh cây đa buồn ủ ê, khi Thạch Sanh trở về cây đa lại xanh tươi như cũ. Hồn hai con quái vật bị Thạch Sanh giết (Trăn Tinh và Ðại Bàng) gặp nhau tìm cách hãm hại Thạch Sanh. Chúng vào kho châu báu của nhà vua lấy cắp vàng bạc ném vào gốc đa nơi Thạch Sanh ở.
Quân lính nhà vua bắt Thạch Sanh tống ngục, nhà vua giao cho Lý Thông xử tội. Lý Thông khép Thạch Sanh vào tội tử hình để bịt đầu mối.
Trong lúc bị giam trong ngục, chờ hành hình, Thạch Sanh đem đàn ra gảy. Cây đàn thần vang lên tiếng tơ, tiếng trúc, cung thảm, cung sầu; cung thì kể tội Lý Thông vong ân, bạc nghĩa, cướp công Thạch Sanh; cung thì trách nàng công chúa sai lời hẹn ước dưới hang (tích tịch tình tang, ai đem công Chúa dưới hang mà về?)…
Nghe tiếng đàn, công chúa bừng tỉnh dậy, cười cười, nói nói. Nhà vua vui mừng nghe công chúa nói rõ ngọn ngành. Lập tức nhà vua hạ lệnh tha cho Thạch Sanh và bắt Lý Thông tống ngục. Tiếp đó, vua làm lễ thành hôn cho Thạch Sanh cùng công chúa và truyền ngôi cho Thạch Sanh. Vua giao toàn quyền cho Thạch Sanh xử tội Lý Thông.
Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, cho mẹ con họ Lý về quê quán làm ăn. Nhưng về giữa đường, trời nổi giông gió, mẹ con Lý Thông bạc ác bị sét đánh chết, Lý Thông hóa thành con bọ hung suốt đời chui rúc nơi bẩn thỉu.
Biết tin Thạch Sanh kết duyên với công chúa Quỳnh Nga và lên ngôi trị vì thiên hạ, các hoàng tử, công hầu của mười tám nước chư hầu, những người đã từng kéo đến cầu hôn công chúa không được, vô cùng ghen tức, họ kéo quân đến gây sự với Thạch Sanh và công chúa.
Thạch Sanh cùng công chúa ra tiếp đãi họ một cách tử tế. Tiếng đàn thần của Thạch Sanh phân rõ lẽ thiệt hơn, phải trái, làm cho quân sĩ các nước chư hầu mềm lòng, nản chí. Kẻ nhớ mẹ nhớ cha, người thương con nhớ vợ, ai cũng muốn về và ngại việc binh đao, cuối cùng các nước chư hầu đều thuận lui binh. Thạch Sanh mời họ ăn cơm.
Chàng có niêu cơm thần nhỏ bé nhưng xới bao nhiêu bát, cơm vẫn đầy lên như cũ, khiến cho các nước chư hầu càng thêm kính phục.
Ba chàng dũng sĩ
Ở làng kia, có một người đàn bà rất chăm làm. Từ mờ sáng, khi chim Mơ lang vừa cất tiếng hót thì đã thấy bà rời làng lên nương rồi. Bà cặm cụi làm việc cho đến khi ngôi sao Bắc đẩu lấp lánh trên trời cao mới lại trở về làng.
Một hôm, đang làm rẫy, bà bỗng thấy trong người choáng váng, khó chịu, cổ họng khô cháy như lửa đốt. Bà vội tìm đến chiếc chòi giữa rẫy, nhấc ống nước định uống thì thấy trong ống chẳng còn giọt nước nào. Cơn khát ngày càng hành hạ bà.
Bà đảo mắt nhìn quanh để tìm nước uống, chợt thấy xa xa từ khe núi có một khe nước đang rỏ giọt. Bà mừng rỡ vội vã rảo cẳng chạy tới. Đó là một quả núi giống hình một người đàn ông to lớn, đang cầm chà gạc ngó trời.
Từ trên đỉnh đầu hình người chảy ra những giọt nước trong vắt, mát lạnh. Bà ngửa cổ vừa uống ba ngụm đã thấy cơn khát dịu ngay, cổ họng còn đọng mãi vị thơm ngọt của dòng nước lạ.Từ hôm đó, bà thấy trong người khang khác và bụng ngày một to dần. Bà đã thụ thai.
Nhưng đã chín tháng mười ngày rồi mà bà vẫn chưa đẻ. Một năm, rồi hai năm, ngày sinh vẫn chưa tới. Cho mãi đến năm thứ ba, vào một ngày mặt trăng và mặt trời gặp nhau (nhật thực) tỏa ánh sáng vàng dìu dịu, bà mẹ mới trở dạ. Bà sinh được ba đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh và giống nhau như lột.
Ngày tháng trôi qua, ba đứa trẻ lớn dần lên. Từ đấy, núi rừng có thêm ba chàng trai khỏe mạnh. Cánh tay họ cứng như sắt có thể bẻ gãy cây to như ngắt ngọn cỏ. Cặp chân họ chạy nhanh như gió, một bước nhảy vượt băng một cánh rừng. Mắt họ sáng, nhìn xa hơn mắt chim ưng.
Thấy các con đã khôn lớn, một hôm bà mẹ bảo họ:
- Đất trời mình còn rộng lắm. Các con hãy chia nhau đi các ngả mà làm ăn. Lâu lâu, các con hãy về thăm mẹ nhé!
Ba chàng trai vâng lời, từ biệt mẹ lên đường.
Người em út theo hướng mặt trời mọc mà đi. Đường đi mỗi ngày một xuống thấp và chẳng bao lâu đồng bằng bát ngát, biển khơi mênh mông sóng nước hiện ra.
Người em út ưng miền đất đẹp này lắm và chọn nơi ấy làm chốn ở của mình. Từ đó, ngày tắm nước bể trong xanh, đêm nằm dài trên cát mịn, da dẻ chàng thay đổi dần, trắng trẻo như cục bột. Người ta gọi chàng là Ngọc.
Người em thứ hai cứ theo hướng mặt trời lặn mà đi. Đất dưới chân chàng ngày một cao dần lên, rừng rậm trùng điệp hiện ra và núi non hùng vĩ nhô lên như chào đón chàng. Gặp một khe suối nước chảy óng ánh như màu đồng hun, chàng cởi áo lội qua bờ bên kia.
Dòng nước kỳ lạ ấy đã làm cho người em thứ hai khi từ khe nước bước lên đổi hẳn màu da, trở thành ngăm ngăm đen hệt như màu nước. Thấy đất màu mỡ, chàng bèn dừng lại và dựng trại làm ăn. Từ đó người ta gọi chàng là chàng Lèo.
Còn người anh cả ở giữ quê hương. Chàng dựng lên một chiếc nhà rông cao nhất trời, mái nhà cong vút chấm tới mây, cột nhà dựng san sát như cây rừng. Chàng sống ở đó, trông núi rừng cho suối đánh đàn, cho hoa nhảy múa, cho muôn thú và gió lộng hát ca…
Nhưng bỗng một hôm, một con Xà tinh không biết từ đâu hiện ra, mình nó lớn bằng cả một dãy núi. Nó có cánh để bay vút lên trời, lại có vây để lặn sâu xuống nước. Nhưng lợi hại nhất là ba viên ngọc ước của họ nhà trời mà Xà tinh đã ăn cắp được, đem về cất giấu trong chiếc túi tròn, đeo ở nách bên phải của nó.
Hòn ngọc thứ nhất màu xanh biếc, khi giơ ra thì lập tức giông bão nổi lên, gió gào thét điên cuồng, thổi bật đi cả từng khu rừng một. Hòn ngọc thứ hai màu trắng nhạt, cầm đến nó thì lập tức sóng nước cuồn cuộn trào dâng, cuốn trôi băng cả hàng chục làng. Hòn ngọc thứ ba màu đỏ chói, khi tung lên thì khói lửa rừng rực bốc lên, thiêu rụi hết mọi vật. Xà tinh dùng ba viên ngọc ước này để tàn phá tất cả những miền mà nó đi qua.
Một hôm, Xà tinh mò đến quê hương của ba chàng trai. Nó đi đến đâu, cây rừng nghiêng ngả, gió rú ào ào, khói mây bay mù mịt đến đấy. Người anh cả thấy có chuyện lạ, vội từ trong nhà rông bước ra, một tay cầm chiếc khiên đính lục lạc đồng, một tay cầm con dao nhọn, sắc như nước.
Trông thấy vẻ hùng dũng của người anh cả, Xà tinh cũng có ý chờn. Nó thò tay vào túi, bốc viên ngọc xanh biếc ra, tức thì dông bão ầm ầm nổi lên, cây bật rễ, đá núi bay rào rào.
Thấy Xà tinh bỗng dưng tác oai, tác quái, tàn phá buôn làng quê hương mình, người anh cả nổi giận lao người tới trước mặt nó, vung mạnh tay khiên. Chiếc khiên quay vun vút làm thành một trận gió mạnh, xô bạt cơn dông của Xà tinh đi.
Sau nửa ngày đánh nhau kịch liệt, Xà tinh đuối sức phải thu ngay viên ngọc xanh lại. Nó tức giận gầm lên một tiếng vang trời rồi nhấc viên ngọc màu trắng nhạt ra. Lập tức cả một bể nước ập tới, phủ kín núi rừng.
Lợn lòi, chồn, rắn nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trước sức mạnh ghê gớm của nước lụt, người anh cả thấy hết phương chống cự. Chàng chạy vội lên ngọn núi cao nhất, quờ cây khô, dồn lá héo, chất thành đống lớn, châm lửa đốt lên.
Ngày trước, lúc chia tay lên đường, ba anh em đã hẹn ước với nhau rằng bao giờ có giặc hay gặp nguy nan, người anh cả sẽ dùng ánh lửa đốt trên núi cao để báo hiệu gọi các em về, một ngọn là hiệu gọi em út, hai ngọn là gọi em thứ hai.
Thấy một ngọn lửa nơi quê mẹ bùng cháy, chàng Ngọc lúc đầu ngỡ là ánh sáng mặt trời rọi lên, chẳng để ý tới. Nhưng ánh lửa mỗi lúc một cháy to, ngọn lửa lắc lư như vẫy gọi. Biết là lửa của anh cả gọi mình, chàng Ngọc bèn chạy một mạch như bay về quê hương.
Tới làng cũ, nhìn thấy núi rừng tiêu điều, xơ xác, chàng Ngọc vô cùng căm giận, ngồi bên suối ngày đêm nghĩ cách trừ Xà tinh.
Một buổi sáng, chàng Ngọc từ biệt anh cả đi thẳng vào sào huyệt của yêu quái. Thấy chàng trai trắng trẻo, Xà tinh gầm gừ rồi quát lớn:
- Hỡi con thỏ trắng kia! Mày mang da đến đây cho tao lột phải không?
Chàng Ngọc dũng cảm thét vào mặt nó:
- Ta đến tìm mày để hỏi tội đây. Thần nước ở quê ta, ta còn trị được nữa là vũng nước chân trâu hôi thối của mày!
Xà tinh giận lắm. Hắn bốc ngay viên ngọc trắng nhạt ra. Lập tức sóng ngàn, nước cả hiện ra trắng xóa một vùng. Nhanh như chớp, chàng Ngọc co mạnh tay, dẫm mạnh chân xuống đất. Tức thì, từ trong lòng đất nổi lên một bức thành dài dằng dặc.
Lớp thành đất vững chắc như thép nhô cao lên mãi, vây chặt lấy bể nước rồi khép dần lại. Dòng nước hung dữ cố sức phá vỡ bức thành để tràn ra ngoài nhưng không nổi.
Nước ngày một cạn dần đi. Xà tinh yếu thế vội thu viên ngọc trắng lại và giở viên ngọc đỏ chói ra. Lập tức khói bốc lên mù trời, lửa cháy rừng rực, cây xanh cháy thành than. Nước suối sôi lên ùng ục. Người em út không trị được nạn lửa ghê gớm ấy, đành phải chạy về vùng biển.
Thấy nguy khốn, người anh cả lại lên núi cao, chất hai đống lửa lớn, gọi người em thứ hai về cứu. Trông thấy hiệu lửa, chàng Lèo liền nhắm hướng lửa mà chạy như gió, chẳng quản ngày đêm. Đến quê mẹ, chàng chạy thẳng đến hang Xà tinh và gặp nó đang mài vuốt trước cửa hang.
Chẳng nói, chẳng rằng, chàng Lèo nhằm giữa mặt nó phóng một ngọn lao mạnh như sấm sét. Biết dòng họ dũng sĩ đã lại đến, Xà tinh liền tìm cách thử tài. Lùi lại tránh mũi lao, nó bốc một nắm lá, niệm thần chú rồi tung lên trời. Lập tức một bầy ong vò vẽ hiện ra vù vù xông tới. Chàng Lèo bình tĩnh tháo bông hoa cài trên đầu cắm nhẹ trên đất.
Tức thì khắp một cánh rừng, những bông hoa muôn sắc tỏa ra rồi dệt lại thành một tấm thảm đẹp tuyệt vời. Đàn ong bén mùi mật hoa, sà cả xuống bám đen nghịt. Chúng chui vào bông hoa để hút mật. Bỗng nhiên bông hoa rùng mình khép luôn cánh lại, nhốt chặt đàn ong ma quái ở bên trong.
Thấy phép thuật của mình đã bị hại, Xà tinh gầm lên, bốc viên ngọc đỏ chói ra, thét lớn:
- Đến ngọc này thì mày cũng sẽ phải chạy như hai tên nhãi trước thôi!
Thấy ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao, cháy rừng rực, dữ tợn, chàng Lèo liền cởi ống nước phép đeo trên lưng, trút xuống đất. Những tia nước mát rượi bắn tung ra rồi bỗng dâng cao thành những suối nước khổng lồ bao lấy lửa. Chẳng bao lâu, lửa của Xà tinh đã bị các suối nước làm tắt ngấm hết.
Bị thua, Xà tinh càng điên cuồng gầm thét. Hắn thu viên ngọc đỏ lại rồi vung viên ngọc trắng nhạt ra. Lập tức sóng nước dâng lên cuồn cuộn, mưa xối ào ào như nước chảy trong ống. Nước dâng lên rất nhanh khiến người em thứ hai không tài nào chống nổi, đành phải theo hướng mặt trời lặn mà chạy về núi.
Người anh cả thấy các em mình không trị được Xà tinh thì vô cùng lo lắng. Dâng làng thấy vậy cũng rất lo. Họ liền hợp sức nhau lại, góp công đóng một chiếc thang thật dài, bắc qua sông, bảo người anh cả leo lên hỏi Trời xem có phép gì giúp cho dân làng giết được Xà tinh không. Người anh cả leo thang lên Trời ngay.
Sáng hôm ấy, Trời ngủ dậy muộn, vừa mở mắt Trời đã thấy người anh cả quỳ trước mặt, thưa rõ đầu đuôi câu chuyện và xin Trời giúp cho cách đánh Xà tinh. Suy nghĩ một lát, trời gật gù bảo:
- Con Xà tinh này quả là có lắm phép. Nhưng tài trí của các cháu cũng không kém gì nó lắm đâu. Chỉ vì các cháu chưa biết hợp sức lại mà đánh nên mới trị được phép này, nó lại giở phép khác. Thôi, bây giờ hãy trở về núi cao, đốt lửa gọi hai em cháu về. Rồi cả ba anh em cùng hợp sức đánh thử xem. Nếu vẫn thua, ta sẽ bày cách khác.
Người anh cả vâng lời, trở về núi cao đốt lửa gọi hai em lần nữa. Ba anh em hợp nhau lại cùng với dân làng, chia thành ba ngả kéo thẳng đến sào huyệt Xà tinh.
Đang gục đầu ăn gan trâu trắng, uống rượu đen, chợt thấy ba chàng dũng sĩ đứng chặn ngay trước cửa hang, Xà tinh liền gầm gừ:
- Kìa, ba con thỏ non lại kéo đến nộp mạng rồi. Hãy đợi đấy, ăn uống xong, ta sẽ hỏi tội chúng mày.
Người anh cả đáp lại, giọng to như tiếng cồng vang:
- Yêu quái, hôm nay mày sẽ phải đền tội. Mày đã tàn phá núi rừng này, giết hại dân làng này, giờ đây anh em ta sẽ hợp sức nhau lại trị tội mày.
Xà tinh giận lắm. Nó nhảy ra khỏi hang, giơ viên ngọc xanh ra. Giông bão nổi lên. Nhanh như chớp, người anh cả vung chiếc khiên, giơ đằng đông, núi đằng đông sạt; giơ đằng tây, núi đằng tây đổ. Chiếc khiên quay tròn, cuốn gió thổi bạt cả giông bão của Xà tinh đi.
Xà tinh thua trận đầu, vội giở tiếp ngay viên ngọc trắng ra. Nước lũ ào ào tràn tới. Người em út lao ngay ra giữa dòng nước, giơ cao kiếm dẫm chân mạnh xuống đất. Tức thì lớp lớp thành lũy nổi lên, bủa vây và nhốt chặt dòng nước lại.
Thấy phép màu bị hại, Xà tinh hấp tấp bốc vội viên ngọc đỏ ra. Khói lửa cuộn đến, cháy ngút trời. Nhanh như cắt, người em thứ hai trút ngay ống nước phép xuống đất. Những dòng nước nhỏ, trong chốc lát biến ngay thành trăm ngàn con rồng bằng nước lạnh, uốn khúc, lấp loáng bám lấy bể lửa. Lửa lụi dần rồi tắt ngấm.
Thấy mất trọn cả ba phép lạ, Xà tinh cuống cuồng toan chạy trốn ra bể. Nhưng chàng Ngọc đã lăm lăm thanh kiếm chặn mắt đường. Xà tinh hoảng sợ vội quay đầu chạy lên núi. Nhưng chàng Lèo đã chống ngọn lao đợi sẵn ở đấy.
Bí thế, Xà tinh toan chạy trốn lên trời, nhưng người anh cả đã nhảy vọt tới, vung con dao sắc như nước xả tới tấp vào mình nó. Xà tinh gào thét giãy giụa chuyển cả rừng, rung cả đất. Cuối cùng kiệt sức, nó lăn ra chết, hóa thành dãy núi Róc Ron lởm chởm, nứt nẻ, lồi lõm, cằn cỗi màu chết chóc.
Từ đó, núi rừng Tây Nguyên trở lại cảnh thanh bình ngày trước. Nương đầy lúa, rẫy đầy khoai, sông đầy cá, bờ suối khoe sắc hoa vàng hoa đỏ. Ba chàng dũng sĩ lại chia tay nhau, kẻ xuống hướng đông, kẻ lên phía tây làm ăn. Người anh cả ở lại rừng, dựng nhà rông cao to hơn xưa để giữ gìn quê mẹ.
Hàng năm, người em út dưới biển gánh muối lên cho hai anh em, người em thứ hai cõng chiêng, mền lên cho anh cả. Còn anh cả thì chia cho các em gỗ quý, mật ong, thịt rừng, nếp thơm.
Cho đến nay, đồng bào Tây Nguyên còn truyền tụng rằng: người anh cả có tài múa khiên bạt gió, đó là người Tây Nguyên. Chàng Ngọc, người em út ở gần sông gần bể nên thạo nghề đắp đê ngăn nước, là người Việt.
Còn người em thứ hai - chàng Lèo ở xứ nóng bức, có gió Lào, hay bị hỏa hoạn nên có tài chống lửa, đó là người Lào. Ba anh em xưa là con một mẹ.
Truyện kể Yết Kiêu
Ngày xưa có một người tên là Yết Kiêu ở làng Hạ Bì làm nghề đánh cá. Một hôm, ông ta đi dọc theo bờ biển về làng bỗng thấy trên bãi có hai con trâu đang ghì sừng húc nhau dưới bóng trăng khuya. Sẵn đòn ống, ông cầm xông lại phang mạnh mấy cái vào mình chúng nó.
Tự dưng hai con trâu chạy xuống biển rồi biến mất. Ông rất kinh ngạc đoán biết là trâu thần. Khi nhìn lại đòn ống thì thấy có mấy cái lông trâu dính vào đấy. Ông mừng quá bỏ vào miệng nuốt đi.
Từ đó sức khỏe của Yết Kiêu vượt hẳn mọi người, không một ai dám đương địch. Đặc biệt là có tài lội nước. Mỗi lần ông lặn xuống biển bắt cá, người ta cứ tưởng như ông đi trên đất liền. Nhiều khi ông sống ở dưới nước luôn sáu bảy ngày mới lên.
Hồi ấy có quân giặc ở nước ngoài sang cướp nước ta. Chúng cho một trăm chiếc tàu lớn tiến vào cửa biển Vạn Ninh vây bọc, bắt tất cả thuyền bè, đốt phá chài lưới.
Đi đến đâu, chúng cướp của giết người gây tang tóc khắp mọi vùng duyên hải. Chiến thuyền nhà vua ra đối địch bị giặc đánh đắm mất cả. Nhà vua rất lo sợ, sai rao trong thiên hạ ai có cách gì lui được giặc dữ sẽ phong cho quyền cao chức trọng.
Yết Kiêu bèn tìm đến tâu vua rằng: - “Tôi tuy tài hèn sức yếu nhưng cũng quyết cho lũ chúng nó vào bụng cá”. Vua hỏi: - “Nhà ngươi cần bao nhiêu người’? bao nhiêu thuyền bè?” - “Tâu bệ hạ - ông đáp - chỉ một mình tôi cũng có thể đương được với chúng nó”. Nhà vua mừng lắm, liền phong cho ông làm Đô thống cầm thủy quân đánh giặc.
Ông đến Vạn Ninh cho quân sĩ nghỉ ngơi, chỉ bảo họ sắm cho mình một cái khoan, một cái búa. Đoạn, một mình ông lặn xuống đáy biển đi ra chỗ tàu giặc. Ông tìm đến đáy tàu vừa khoan, vừa đục. Ông làm rất lẹ và im lặng, tàu giặc cứ đắm hết chiếc này đến chiếc khác.
Trong một hôm, chúng bị đắm luôn một lúc hơn hai mươi chiếc. Thấy thế, quân giặc hoảng loạn cả lên. Chúng sai những tên quân có tài bơi lặn lặn xuống nước do thám.
Mấy tên quân đó tìm mãi mới thấy Yết Kiêu đang khoan một chiếc tàu. Bọn chúng xông lại nhưng chúng đâu có phải là địch thủ của ông, cho nên cuối cùng ông không để cho một đứa nào trở về.
Quân giặc vô cùng sợ hãi. Mãi về sau tên tướng giặc đem một cái ống dòm thủy tinh có phép nhìn được thấu qua nước đến đáy biển. Chúng thấy ông đi lại thoăn thoắt như đi trên bộ. Chúng bèn đem cái vó bằng sắt nhân lúc ông đang mải đục một chiếc tàu, buông xuống chụp lấy ông. Nhờ thế chúng bắt sống được Yết Kiêu. Lập tức chúng tra khảo ông:
- “Trong nước mày những người lặn như mày có bao nhiêu người?”. Ông bảo chúng: - “Không kể những người đi lại dưới nước suốt 10 ngày không lên, còn như hạng ta thì một trăm chiếc tàu của chúng bay cũng không thể chở hết.
Hiện giờ ở dưới đó hết lớp này xuống lại lớp kia lên không mấy khi vắng người”. Nghe nói thế, bọn giặc kinh sợ cuối cùng chúng dỗ dành: - “Mày muốn tốt phải đưa chúng tao đi bắt sẽ có hậu thưởng, bằng không thì sẽ giết chết”. - “Được, theo ta, ta chỉ cho!”.
Quân giặc tưởng thật, bắt ông cùng với mười tên quân đem vó sắt ngồi trên thuyền nhỏ ra biển dò tìm. Thừa lúc chúng vô ý, ông nhảy tòm xuống nước trốn đi.
Chúng nó trông nhau ngơ ngác. Bấy giờ quân giặc đã bị thiệt hại khá nặng, lại nghe Yết Kiêu nói nước Nam có nhiều người tài lặn nên cuối cùng chúng đành phải quay tàu trở về không dám quấy nhiễu nữa.
Nhà vua mừng quá, khen ngợi Yết Kiêu vô cùng, phong ông làm đại vương. Sau khi ông mất, mọi người nhớ ơn lập đền thờ ở cửa Vạn Ninh và ở nhiều cửa biển khác.
Yết Kiêu với tài bơi lội “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích về các nhân vật anh hùng
Những câu chuyện cổ tích ca ngợi về hình tượng người dũng sĩ, mang trong mình sức mạnh phi thường, trừ gian diệt bạo.
Đề cao những người có tấm lòng lương thiện cao cả, là nhân vật điển hình cho phe thiện, thể hiện khát khao chiến thắng cái ác của nhân dân ta đồng thời thể hiện niềm tin cao cả vào sự chiến thắng cuối cùng của cái đẹp. Những ai làm chuyện xấu sẽ nhận hình phạt xứng đáng.
Những câu chuyện cổ tích ca ngợi về hình tượng người dũng sĩ, mang trong mình sức mạnh phi thường, trừ gian diệt bạo.