- Anh là thầy giáo dạy văn hả?- Không, mình là copywriter. - Haha, là nghề gì chời. Anh muốn xăm ở đâu?- Bắp tay…- Thôi, chỗ đó thường lắm. Ai cũng xăm đó, nhàm. Xăm xích xuống dưới, nó mới lạ nè.- Chỗ đó lộ quá.- Không sao anh. Người ta nhìn riết SẼ QUEN MẮT. Mà anh muốn cái bảng chữ cái này hướng nào? - Là sao em?- Hướng về anh, anh nhìn xuống tay là đọc được. Hay ngược lại, hướng về phía người khác, họ dễ đọc.- Hay nhỉ… Anh chưa nghĩ tới. Thôi, hướng ra đi, cho người ta thấy nó thoải mái hơn.

Hình xăm đầu đời hồ dễ mấy ai quên. Mình ghi khắc những câu nói với bạn thợ xăm cùng những cơn nhói đau từ tê đến tái.
Trong lúc vật lộn với poster bầy rồng, mình đã có ý tưởng làm một dự án thiệt “dữ” có liên quan đến hình xăm. Chưa ám ảnh gì đâu, như một cái app mở lên trong não đôi lần rồi quên ngay. Mình không làm nhiều thứ cùng lúc được (còn làm job công ty nữa mừ) nên qua Tết thì rục rịch liền vụ án này.
Hình xăm trong mắt mình lúc đó là bệ phóng thần kì giúp mình lập tức trở thành creative trong mắt nhân loại. Khi đi phỏng vấn, người ta nhìn mình từ trên xuống dưới xong thì nghĩ thằng này hợp làm account hơn. Sau 3 buổi họp, khách hàng ngạc nhiên khi biết cái thằng mặc đồ lúa nhất bên phía agency, ngồi tuốt trong góc bàn họp không phải là account intern mà là copywriter intern! Ai cũng khuyên là creative chủ yếu ở cái chất thôi em nhưng điều đó nằm trong tai trái mình vài giây rồi văng qua bên tai kia.
Ngoài lý do phù phiếm đó ra thì mình thấy hình xăm… đẹp thiệt! Những lúc ai đó mặc đồ khoe hình này hình nọ mình thấy như họ biến da thịt thành phòng triển lãm. Trong sổ mình còn dòng chữ “gần mực thì cool” mới ghê, hồi đó mình trẩu phát sợ. Nói chứ câu nay làm slogan cho tiệm xăm cũng được bộ.
Mình mê nhưng vẫn chưa dính tí mực nào vì đơn giản là không nghĩ ra cái hình nào đủ làm mình hăng máu đạp cửa phòng xăm.
Một ngày đẹp trời, bác CD lọ mọ hỏi đám lính trẻ của mình bây biết tiệm xăm nào uy tín không. Bác cũng gần 50, từ Ấn sang Việt Nam, lại là hình xăm đầu đời nữa nên hỏi dân bản địa cho chắc. Như một người đã xăm mình chân chính, bạn art hỏi bác ngay là tiệm xăm thì dễ rồi, mà có chắc chưa? Bác CD trả lời một câu mà mình rất muốn trao ngay giải Grammy:
Tao được một anh thợ xăm nổi tiếng ở Mumbai dặn là muốn xăm hình nào thì dán cái hình đó trước bàn làm việc. Sau 6 tháng nhìn nó mà chưa chán thì… dứt!
Trước đó mình nghĩ nào là dự án 04 này sẽ là phim ngắn, truyện ngắn, 3D animation, TVC chế (parody) cho tiệm xăm… Nhưng thú thiệt là thấy nó “to” quá, thiếu trải nghiệm nữa nên nhắm làm khó mà hay. Cái câu nói trên cho mình một ý manh nha:
Làm một bộ hình “khung”, gồm các bộ phận cơ thể để người ta có thể vẽ, ướm những hình ảnh hoặc câu chữ họ muốn xăm lên đó.
Ngâm thêm một ngày nữa thì nó “phình” lên thành:
Sổ cho người khoái hình xăm. Phần nội dung chính vẫn là các hình khung.
Tim nhiều ngăn cũng không nhiều bằng đầu. Mình còn mê sổ nữa, niềm đam mê đó có trút hết trong quyển Ý Tưởng Này. Lạ lắm, chỉ khi “phối” 2 cái sự yêu thích vào nhau, một cái có nhiều trải nghiệm, cái kia tuyệt nhiên chưa hề, thì mình mới thấy tự tin. Cái cảm giác “nắm” được dự án trọn vẹn về mặt ý tưởng, chỉ còn lăn vào thực thi thôi.
Bố cục
Phần chính, các hình khung thì khá đơn giản. Mình hỏi nhanh vài anh chị art trong công ty là họ sẽ chia cơ thể người ra làm mấy khúc. Một chị cựu Kiến Trúc đã giúp mình “phân xác” khá gọn: cổ và gáy, ngực, lưng, tay (cánh và cẳng) và chân (đùi và cẳng). Bạn art director của mình gợi ý là để bạn ấy vẽ vài bức tranh (artwork) để truyền cảm hứng cho người xài sổ hơn. Ví dụ trước khi đến phần ngực thì sẽ có một trang hình màu có nhân vật xăm ở ngực. Một gợi ý mình khá ưng.
Phần phụ, các trang chèn vào giữa các bộ phận. Phần này mình chế ra để có chỗ khoe chữ. Mỗi trang là một câu “xác quyết” hay tư tưởng bay bổng gì đó về xăm. Có lẽ những trang này là tiền đề cho dự án Chữ Ơi Hình Nè sau này mình làm trong 2 năm (2020 - 2021). Ngoài ra là một đoạn viết ở trang mở đầu để lấy khí thế và giới thiệu công năng của quyển sổ này.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm thương đau của dự án 03 Quần Long, mình xử lý… cái tên trước!
Ban đầu mình tính để là The Tattoo Notebook nhưng nếu dừng ở đây thì dễ dãi quá. Hôm đó, không hiểu sao, mình quay qua hỏi chị senior copywriter người Philippine: Em đang tìm một từ diễn tả nỗi đau nhưng không phải pain, chị biết từ nào không? Chị là một trong những copywriter viết rất tinh tế, lại dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nữa nên mình mới hỏi. Cái mình không ngờ là chị kêu mình chờ 2 phút, chị mở web và… tra từ đồng nghĩa! Mình vừa bất ngờ vừa thấy hơi xấu hổ, có vậy mà cũng không làm. Chị cho một từ mà mình rất thích:
Indelible
Không thể gột rửa. Chị nói từ này hay, ít ai dùng nhưng nói ra vẫn hiểu. Mình có google thì đúng là có kha khá tiệm xăm trên thế giới dùng từ này cho tên hoặc slogan. Vậy là xong cái tên cuốn sổ:
INDELIBLE - A TATTOO NOTEBOOK
Từ đó về sau, không bao giờ mình hỏi ai về từ đồng nghĩa, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt. Không hiểu nữa, sự việc chỉ diễn ra có 5 phút nhưng để lại dấu ấn khá đậm trong mình. Sao vậy ta…
Giờ là đến phần mình đối diện với vốn kiến thức hạn hẹp về xăm của mình. Mình nghiên cứu bằng hai phương pháp: google và kéo người đi cà phê. Lần này google được vì bài viết về xăm thì ngập tràn, mỗi ngày đọc vài chục trang và bài tiếng Việt cực kì ít. Song song, mình lao vào…
Những cuộc chuyện trò.
Với linh cảm phụ nam, mình chỉ khều khều mấy anh chị xăm mình trong công ty để hỏi chuyện mà thôi. Chắc hình xăm là cái gì đó riêng tư quá, không đơn giản như những câu chuyện về Sài Gòn. Mình không thoải mái khi hỏi thăm người lạ, mất công họ thoải mái lại với mình. Trong công ty, người xăm cỡ lá mít (cung hoàng đạo nhỏ tí trên cổ tay, con mắt sau gáy, hoa văn ở eo…) thì nhiều chứ người xăm kín mít chỉ có 2 tụ: người nước ngoài và Việt Kiều. Sau 1 tháng “bắn tỉa” từng người, mình muốn đi thi Ietls liền luôn vì trình Speaking lên quá. Trong Ý Tưởng Này cũng có một trang viết về hình xăm, thiệt ra là lấy từ đợt làm dự án này. Không muốn bị trùng nên chỉ chia sẻ những câu chuyện chưa có dịp kể, ai muốn đọc phần còn lại thì mua sách nhá.
Chị planner Việt Kiều Pháp. Chị lạnh lạnh nhưng ai dè dễ bắt chuyện hơn mình nghĩ. Trên người chị đã bít hết 70% rồi, 30% còn lại chị chờ ra mắt ba mẹ bạn trai, chốt hàng xong xuôi hết đã. Không hổ danh là planner. Chị hay mặc áo dài tay, kéo xuống là thấy rất bình thường, kéo lên là rồng bay phượng múa. Lúc mới về Việt Nam, đi coi nhà, chị lỡ kéo lên nên không bà chủ nhà nào dám tiếp, có người còn chửi thẳng mặt “thứ như cô tui nhìn là biết đồ không đàng hoàng rồi!”. Chị tâm sự mình chỉ coi phim hài, trinh thám, không coi phim tình cảm lâm li, vì chị thấy không có phim nào bằng đời chị. Ba bỏ mẹ, mẹ tái giá và không hạnh phúc, chị gái bạo bệnh rồi mất sớm. Lớn lên, chị về Việt Nam để bằng mọi giá gặp lại ba mình. Từ nhỏ đến lớn, mỗi ngày mẹ đều đay nghiến chị về người ba bội bạc. Gặm nhấm những lời cay độc đó hàng chục năm, chị muốn đứng trước mặt ba và xem ba sẽ nói gì với mình. Vừa đến Hà Nội, gặp được ba thì hay tin mẹ qua đời. Cứ thế, biến cố xâm chiếm (chị dùng từ “invade”) thịt da, mỗi lần đau quá, chị đi xăm để hình xăm “đỡ” phụ mình. Chị kể tỉnh queo, mình thì quéo. Kết thúc buổi ăn trưa, chị để lại một câu:
“Chắc một ngày nào đó em sẽ xăm thôi, chị chúc em có những hình xăm đến từ kỉ niệm đẹp.”
Từ đó về sau, mình luôn khuyên can bạn bè khi họ muốn xăm khi buồn.
Anh art director Tây Xù Brazil. Ngược với cuộc trò chuyện trên, bữa trưa hôm đó mình chỉ ăn được phân nửa, phân nửa phun ra vì anh kể chuyện mắc cười quá. Ra là vậy, sau gần chục năm làm nghề thì anh nhận ra chính nghĩa đời mình là làm thợ xăm. Trong 3 năm ở Việt Nam, anh đã 2 lần “khởi nghiệp” mà đều tan nát. Lần 1, anh thuê mặt bằng tầm 4m2 và hứa với gia chủ là chỉ làm đến 11 giờ đêm là hết mức. Đời không như những vũ điệu Samba, khách của anh đa phần là khách Tây và chẳng hiểu vì sao hay khoái xăm đêm. Chắc đi chơi rồi ghé xăm luôn hay sao á. 11 giờ đêm mới là lúc anh bận rộn nhất. Vấn đề lớn hơn là tiếng ồn. Nếu bạn chưa đi xăm, bạn sẽ không biết là máy xăm sẽ phát ra tiếng “rè rè” liên tục. Tiếng không quá to như tiếng xè xè nhưng đêm khuya thanh vắng thì nó nhức não hơn. Hai bác chủ nhà lớn tuổi rồi, đêm đã khó vô giấc mà còn được xăm trong giấc mơ như vầy nữa nên hai bên chửi lộn nhau mỗi ngày. À, bọn mình gọi anh là anh Xù không chỉ vì kiểu tóc mà còn là tính tình nữa. Thiệt ra mình cũng chưa hình dung một gã Brazil chửi lộn với hai người cao tuổi không biết tiếng Anh thế nào, nhưng tóm lại là tạch.
Hiệp 2, anh đứng dậy từ nơi mình ngã xuống, anh đầu tư hơn, thuê nguyên một căn, cũng nho nhỏ thôi nhưng không ở chung chủ. Mọi thứ êm đẹp, một tháng anh chỉ cần một cái lưng (full back) và một cặp tay (a full sleeve) là đủ trả tiền nhà và các chi phí khác. Đó là “đơn vị tiền tệ” anh dùng khi nói về chi phí. Mình thấy thiệt là thú vị, anh nhìn chiếc xe máy và trong đầu hình dung nó bằng mấy cái lưng haha! Mình đang ngại ngại hỏi lý do vì sao đang thỏa chí tang bồng thì lại ngồi nguyên con ở đây làm layout cho nước ngọt, tã, thực phẩm chức năng thì may quá anh nói luôn. Qua nơi mới, khách nữ đến đông hơn nam. Một điều anh hơi bị ngạc nhiên là một anh nam, dù to cao vạm vỡ thì thiệt ra lúc xăm cũng la bể nhà! Nữ thì không, xăm lâu, có thể họ rơi chút nước mắt, nhưng vẫn xăm tiếp! Một cái lưng nam, có khi xăm 2 tuần mới xong vì “ôi tao đau quá man”, xăm như trả góp! Nữ thì có khi 1 tuần là xong. Thật ra chỉ cần 1 ngày nhưng nguyên tắc của anh là hình lớn thì nên chia ra, nghỉ vài bữa, để coi da có phản ứng gì hay không. Phòng xăm của anh cũng là nơi đầu tiên khách phải kí tá mấy tờ giấy liên quan đến sức khỏe, tình trạng da, khoản này mình khá nể. Một ngày không đẹp trời lắm, một cô khách cũ quay lại thăm anh. Cả 2 quyết định thăm khám hình xăm của nhau. Sau đó, chưa đầy 48 giờ thì bạn gái anh phát hiện. Anh đang quen một cô người Việt gốc Hoa khá dễ thương. Anh kể hôm đó mưa tầm tã, đang đi bộ đến studio thì thấy người ta bu đông quá, tưởng ai bị tai nạn. Ai dè đó là… trước cửa phòng xăm của anh! Đồ đạc, máy móc bị cô này liệng ra đường hết, mực miếc đổ tung tóe. Hai người cãi nhau dưới cơn mưa tàn nhẫn của Sài Gòn, giữa muôn ngàn cặp mắt ngơ ngác của người dân. Cảnh tượng một MV với anh Brazil giằng co với một cô gái Trung Hoa trong màn mưa, mình có thể hiểu, nhưng mình từ chối. Anh nói biết vậy ngày xưa thuê ở khu dân cư nào đó rộng rãi hơn để cô ấy ném đồ cho thẳng tay, không vướng. Cười xỉu.
Hai giờ trưa rồi, mình gọi thanh toán để còn đi về công ty, mình đã no chuyện. Trong lúc chờ tính tiền, anh Xù bỗng cho mình một lời khuyên nghiêm túc lạ thường:
Anh rất thích quyển sổ này. Anh nghĩ em làm ra đi, anh mua 20 cuốn, ai xăm anh sẽ tặng họ. Hứa luôn. Anh chỉ muốn nói một điều, bản thân hình xăm, dù ở nước nào đi nữa, nó cũng là vấn đề nhạy cảm. Khi em xăm, một cánh cửa mới trong em sẽ mở ra. Điều tốt, điều xấu sẽ theo đó mà vào. Anh rất thích xăm, nhưng anh không bao giờ cổ xúy ai cả. Đó là quyết định rất cá nhân. Anh mong trong quyển sổ này không có những nội dung kiểu như hãy xăm đi nào, hình xăm là thứ cool nhất… OK?
Anh là vậy, lúc nào cũng ầm ào khùng khùng, nhưng anh sẽ nghiêm túc đến kì lạ khi nói về xăm. Chuyện về đam mê này của ảnh chắc cũng ít ai trong công ty biết, mình thích khi được thấy một góc nhìn khác về con người mà ai cũng nói là tửng tửng, xàm.
Hai “lời cuối” của hai con người này tuy không trực tiếp giúp mình viết nên câu nào hoành tráng nhưng nó đã đánh thức một khái niệm rất quan trọng với mình:
Giới hạn - ranh giới của ý tưởng.
Mình tạm gọi là ranh giới đạo đức, cụm từ nghe không hay lắm nhưng nó rõ nghĩa với mình. Lúc bắt đầu dự án, mình chỉ chăm chăm muốn cho thế giới này biết hình xăm ngầu lòi như thế nào, dù da thịt còn trắng trơn. Để làm chi, để mọi người phải thốt lên “Aaaa, thằng Xơn ngầu quớ, đúng là rì ây tiệp!”. Và chỉ vậy thôi. Sau những trải lòng mình nghe được, mình không thể nghĩ như trước nữa. Lằn ranh sáng tạo đã được vạch ra trong tâm trí, quyển sổ này dĩ nhiên vẫn phải hay và đẹp, nhưng nó không khiêu khích ai, không dụ khị, tô vẽ bức tranh lộng lẫy cho ai đó mê thích, như cái cách quảng cáo vẫn làm hàng ngày.
Lằn ranh này mong manh và trừu tượng nhưng nó cũng đã trở thành một phần trong mọi sáng tác sau này của mình. Dù mình có thích quảng cáo cách mấy đi nữa, mình không bao giờ viết như thể nó là cái ngành hoàn hảo để mấy bạn hiểu lầm. Chỉ tiếc là phàm người ta chỉ muốn thấy những gì mình muốn thấy.
Lạ thật, điều đầu tiên về đạo đức (ethic) của ngành lại đến từ một dự án mình tự tạo ra. Lúc này mình đã làm nghề được 3 năm, sang agency thứ 2 rồi nhưng chưa bao giờ nghe có ai nói về điều đó. Ngay sau dự án sổ này, đội của mình có nhận đề bài làm ý tưởng cho thẻ tín dụng. Ý tưởng của mình không xuất sắc (bằng chứng là mình đã không nhớ!) nhưng tuyệt nhiên mình không bao giờ đưa ra mấy cái ý như “búng tay là có”, “hiện thực hóa mọi ước mơ”, “sống ngay đi, đừng chần chừ”…. vì mình biết nó… tầm bậy! Thẻ credit gì chứ, rồi cũng phải trả thôi.
Cả hai anh chị đều đã rời Việt Nam, chúc ở phương trời nào đi nữa, những hình xăm trên người sẽ luôn là thần hộ mệnh cho anh chị. Hai người không thể ngờ là đã để lại một bài học quan trọng đến thế nào cho một cậu copywriter ở Việt Nam đâu.
Nãy giờ chữ nhiều qua rồi, cho coi hình nè!
Hình khung
Mỗi bộ phận sẽ được lặp lại trong 10 trang liên tiếp.
Hình nghệ
Nói là vẽ artwork nhưng thiệt sự cũng không biết vẽ từ đâu, từ cái gì. Mình gợi ý bạn art là hình tattoo nào giờ ngầu và hơi Tây rồi, hay mình vẽ những hình ảnh thiệt là Việt Nam đi. Kết quả trên cả mong đợi:
Hai hình này mình và bạn cực thích, bạn art sau đó mang đi in áo thun luôn!
Điên thiệt haha!
Chữ nghĩa
Tên.

Đoạn mở đầu. Thời đó trình tiếng Anh có nhiêu đây thôi, đừng chê tội nghiệp.

Câu lên tinh thần này nọ lọ chai. Câu gốc: If your tattoo does not tell a story, it is just there for display.

Mình còn nhiều câu yêu thích lắm, mà chỉ thiết kế thử một câu như trên thôi. Gọi là “thử” vì còn phải…
Sản xuất
10 năm về trước, làm sổ đã không phổ biến, làm sổ mà lắm trang khác nhau như thế này thì nói trắng ra là không ai thèm nhận! Mình thậm chí còn nhờ anh producer hỏi giùm mà không nhà in nào rảnh để làm, mình nhớ là có bên báo giá gần 20 chẹo.
Sự thật này làm mình rất rất là buồn nhưng phải chấp nhận. Chỉ được nhìn nó trên máy tính thôi vậy. Mình có thể đầu tư thêm chút để chụp, làm thêm các mock up, motion này nọ để lung linh hơn nhưng thiệt sự là mắc tiền quá. Xem lại ngày tháng trên máy, là năm 2012 đó các bạn! Từ sản xuất đến các creative ở những phân ngành khác chưa nhung nhúc như bây giờ.
Đây là dự án đầu tiên mình:
- Thực sự làm CHO MÌNH. Mình thấy bản thân “lớn” lên cùng với nó, dù tổng thời gian làm cũng chỉ 3 tháng.
- Chịu thua ở khâu sản xuất. Thề với lòng sau này có tiền sẽ làm ra thành phẩm. Thề làm chi để rồi thất hứa không biết, tại đắm đuối mấy ý tưởng khác. Lúc đó “thề” nhưng sau này… nghĩ lại!
- Bật ý thức về ranh giới đúng sai. Ý tưởng của mình sẽ đến với nhiều người, mình đừng vì chỉ muốn nó bay bổng mà gieo vào đầu người ta điều gì đó không phải.
6 tháng sau dự án này, mình có hình xăm đầu tiên. Hai ngày trước sinh nhật 25 tuổi. Mình khá hài lòng khi thấy dự án này đã có sự tròn trịa của nó. Chưa “nhúng mực” nên viết còn hơi non, nhưng không “trẩu” hay “gồng”.
Khi dạy đến bài Insight, học viên thường hỏi: Anh Xơn ơi, vậy muốn sáng tạo được thì mình phải có trải nghiệm với sản phẩm hả anh? Câu trả lời dĩ nhiên là không, có nhiều thương hiệu nữ tính ngoài kia được hoạch định và kiến tạo bởi mấy gã thẳng đuột, và ngược lại. Rồi không lẽ muốn có idea tuyên truyền cho HIV thì mình buộc phải… Với người học, mình thường ca cho họ một bài kèm nhảy múa thêm mấy ví dụ.
Và ước gì có cơ hội kể cho họ nghe về dự án 04 này.
