Dán decal lên xe máy là dùng 1 lớp decal (nilon), hoặc chất liệu keo tương tự để dán lên lớp sơn mới của vỏ xe. Mục đích đi theo cũng đa dạng, như che đi chỗ trầy xước.
Mục đích chính của lớp tem dán xe máy là bảo vệ lớp sơn gốc của xe, che đi phần vết trầy xước trước đó hoặc giúp trang trí, làm đẹp cho xe. Hiện trên thị trường có rất nhiều mẫu mã đa dạng về các loại tem để dán decal xe máy.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà) cho biết, điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Do đó, vẫn có thể dán decal xe máy, nhưng phải đảm bảo không thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo được phê duyệt" - ông Hải nói.
Cụ thể, nếu việc dán decal xe máy chỉ dừng lại ở tem trong, dán tem logo, tem xương cá, tem vành... thì không bị phạt. Nếu dán decal thay đổi màu toàn bộ thì sẽ bị xử lý theo chế tài căn cứ tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Theo đó, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.
Mức phạt tiền khi tự ý thay đổi màu sơn của xe máy không đúng với giấy phép đăng ký xe có thể lên đến 200.000 đồng đối với chủ xe là cá nhân và 400.000 đồng đối với chủ xe là tổ chức.
Nếu có nhu cầu thay đổi màu sắc nguyên bản, chủ xe phải đến cơ quan quản lý làm thủ tục đổi màu sơn xe. Dán decal xe máy cũng phải trùng với màu sơn đăng ký, có thể bằng tem trong hoặc nilon không màu.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/dan-decal-doi-mau-xe-may-a32152.html