Thông tin tổng quát về Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc nước ta, diện tích khoảng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo lô nhô tạo nên những cảnh sắc kỳ thú.

Vị trí địa lý

Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là vùng biển đảo được xác định trong tọa độ từ 106°56’ đến 107°37’ kinh độ Đông và 20°43’ đến 21°09’ vĩ độ Bắc với diện tích 1.553km² gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên), trong đó 90% là đảo đá vôi. Phía Bắc và Tây Bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ thị xã Quảng Yên, qua thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, đến hết phần biển đảo huyện Vân Đồn; phía Đông Nam và phía Nam giáp bờ Tây Vịnh Bắc Bộ, phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Vịnh Hạ Long bao gồm cả vịnh Bái Tử Long. Vịnh Bái Tử Long có giá trị tương đồng với khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử.

Khu Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng.

Tiềm năng vịnh Hạ Long

Sự ưu ái của điều kiện tự nhiên đã mang đến cho vịnh Hạ Long nhiều cảnh quan độc đáo và hấp dẫn, có ý nghĩa về mặt sinh thái, môi trường và phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch.

Tiềm năng du lịch

Với những giá trị ngoại hạng về cảnh quan, địa chất - địa mạo, sự phong phú, giàu có về sinh thái, lịch sử văn hóa, vịnh Hạ Long là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện nay, có nhiều loại hình cho khách du lịch lựa chọn:

Du lịch tham quan ngắm cảnh: Du khách ngồi trên tàu du lịch hoặc thuyền nan chiêm ngưỡng những hòn đảo phủ đầy màu xanh của thảm thực vật, nhiều hình dáng lô xô trên mặt nước khơi dậy trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, nên thơ hay khám phá những hang động đẹp lộng lẫy, huyền bí, những hệ sinh thái đặc sắc… Quả thực, đó là một khoảng thời gian trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ.

Du lịch văn hóa: Du khách có cơ hội tham quan các di chỉ khảo cổ - bằng chứng về cuộc sống của người Việt cổ cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm tại một số hang động, được tận mắt nhìn thấy những con ốc nước ngọt đã tồn tại hàng ngàn năm giữa biển khơi, minh chứng cho quá trình biển xâm lấn lục địa, trải nghiệm các nét văn hóa biển độc đáo của người dân chài Hạ Long như các điệu hát giao duyên, hò biển, những tập tục, tín ngưỡng, lễ hội của ngư dân Hạ Long.

Du lịch sinh thái: Sẽ là một trải nghiệm khó quên cho du khách khi chèo thuyền nan tham quan một số hang động ngập nước (hang nền Karst), tham gia trải nghiệm trồng rừng ngập mặn, tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của quần thể thực vật đặc hữu trên vịnh Hạ Long.

Du lịch giải trí, mua sắm: Trọn vẹn hơn cho chuyến tham quan Hạ Long khi du khách được thư giãn, tắm nắng trong không gian yên bình của vịnh, thỏa thích bơi lội dưới làn nước trong xanh, mua hải sản, các sản phẩm OCOP tại điểm du lịch vụng Cặp Táo hay tham quan khu nuôi trồng, chế tác ngọc trai và chọn cho mình những món đồ lưu niệm được tạo nên bởi tinh túy, chắt lọc từ biển của ngọc trai vịnh Hạ Long., bổ sung được làm gì ở Vụng Cặp Táo (công ty cổ phần Đại Yên)

Nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long: Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị của vịnh Hạ Long. Du khách sẽ có cơ hội nghỉ đêm trên các du thuyền sang trọng, thưởng thức không gian yên tĩnh, lãng mạn giữa sóng nước mênh mông, trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt diệu của hoàng hôn, bình minh trên biển, hít thở không khí trong lành, sảng khoái, chèo thuyền kayak hay ngồi thuyền nan khám phá vịnh Hạ Long, tham gia đánh bắt hải sản cùng ngư dân.

Vịnh Hạ Long - một di sản thế giới đã được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho nhân loại với những giá trị ngoại hạng toàn cầu. Nơi đây đã được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới như: Indochine, Người cộng sự, hay gần đây nhất là Kong Skull Island …

Vịnh Hạ Long cũng là địa chỉ đón khách du lịch tàu biển quốc tế. Nhiều hãng tàu biển cao cấp đến với Hạ Long như Silver Shadow, Seabourn Sojourn, Nautica, Insignia, Seven Seas Voyager, Austral, Norwegian Star, Magellan… Mỗi chuyến tàu biển đưa hàng nghìn du khách quốc tế đến với Hạ Long. Thông thường, mùa du lịch tàu biển quốc tế kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, nhưng thường tập trung cao điểm vào tháng 11 và tháng 12. Sự có mặt của các hãng tàu biển quốc tế đưa khách đến Hạ Long làm cho bức tranh du lịch của Quảng Ninh nói chung, vịnh Hạ Long nói riêng trở nên sôi động hơn, khẳng định sự hấp dẫn của vịnh Hạ Long đối với loại hình du lịch tàu biển.

Trực thăng ngắm cảnh Vịnh Hạ Long: Ngoài thưởng thức cảnh đẹp Vịnh Hạ Long thường chỉ quan sát, ngắm nhìn từ các tàu du lịch tham quan Vịnh. Với các góc nhìn, quan sát từ mặt biển đã thấy Vịnh Hạ Long thật đẹp và kỳ ảo với hàng ngàn đảo đá hình thù đa dạng, nhấp nhô trên nền nước biển trong xanh. Tuy nhiên, nếu nhìn từ mặt biển thì góc nhìn khá bị hạn chế, không bao quát được không gian rộng lớn, đặc biệt khó thưởng thức được các vụng, áng, bãi cát, thảm thực vật trên Vịnh. Hơn nữa cũng khó hình dung được sự hùng vĩ, sự “sắp đặt” của bàn tay tạo hóa đối với hệ thống các đảo đá trên Vịnh, cùng không gian rộng lớn, toàn cảnh của Di sản - Kỳ quan Vịnh Hạ Long… Vì vậy, với dịch vụ ngắm nhìn Vịnh Hạ Long từ trên máy bay trực thăng sẽ cho du khách thỏa sức ngắm nhìn kỳ quan của thế giới với góc nhìn rộng lớn, bao quát hơn, qua đó sẽ thấy được vẻ đẹp có một không hai của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Trên trực thăng ngắm cảnh Vịnh Hạ Long

Tiềm năng giao thông cảng biển

Vịnh Hạ Long là vùng vịnh kín, ít sóng và gió, là một trong những cửa ngõ giao thông chính của miền Bắc Việt Nam. Hệ thống luồng lạch tự nhiên dầy đặc và cửa sông ít bị bồi lắng là điều kiện lý tưởng để xây dựng hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu.

Cảng Cái Lân là cảng nước sâu nhất miền Bắc, nằm ở phía Bắc thành phố Hạ Long, gần Cửa Lục. Cảng Cái Lân với vị trí thuận lợi nằm trong vùng vịnh kín, nước sâu, luồng vào cảng ít bị sa bồi, mớn nước sâu hơn - 10m và khu nước trước bến sâu - 13m. Cảng có 7 cầu cảng, cho phép tiếp nhận tàu có tải trọng trên 70.000 tấn.

Tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản

Vùng biển vịnh Hạ Long có khí hậu ôn hòa, diện tích bãi triều lớn, nước trong, ngư trường ven bờ và ngoài khơi có trữ lượng hải sản cao và đa dạng, cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác phù hợp cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Hiện nay, việc nuôi cá lồng bè và các loại hải sản trên vịnh Hạ Long đang được triển khai theo quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản, phải tuân thủ theo quy định hiện hành, đảm bảo an ninh, an toàn, không gây hại đến cảnh quan, môi trường Di sản.

Điều kiện thiên nhiên Vịnh Hạ Long

Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo toàn cầu, trong khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển … Các hệ sinh thái đó được phân bố trong một khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ nước biển trung bình từ 19 - 25 độ C, là môi trường sống rất thuận lợi đối với các loài sinh vật. Kết quả nghiên cứu những năm qua cho thấy trong vùng Vịnh Hạ Long có mặt trên 300 loài cá, 545 loài động vật đáy biển, 154 loại san hô, 35 loài sinh vật phù du, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 31 loài thực vật vùng ngập mặn … Các hệ sinh thái đó đã tạo nên giá trị đa dạng sinh học tương đối nổi bật của Vịnh Hạ Long.

Địa hình

Vịnh Hạ Long là dạng địa hình đảo xen lẫn các trũng biển, các vùng bãi triều có sú vẹt mọc và các đảo đá vôi vách dựng đứng rất tương phản nhau. Các đảo đá chủ yếu là đảo đá vôi (trên 90%), có độ cao khác nhau (từ 50 đến 200 m). Ngoài ra, vịnh Hạ Long có một số đảo đất, có người, động vật sinh sống, có thảm thực vật trù phú. Địa hình đáy biển vịnh Hạ Long tương đối bằng phẳng với độ sâu trung bình 5 -10m, một số luồng lạch có độ sâu trung bình từ 15 - 29m.

Khí hậu

Vịnh Hạ Long có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, chia làm 2 mùa chính (mùa Đông: từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 15oC - 20oC; mùa Hè: từ tháng 5 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình 26oC - 27oC) và 2 mùa chuyển tiếp (mùa Xuân vào tháng 4, mùa Thu vào tháng 10); nhiệt độ trung bình năm 18oC - 19oC; lượng mưa trung bình năm từ 2.000 mm - 2.200 mm.

Thủy văn

Thủy văn sông: các sông có ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long là sông Trới, sông Mỹ, sông Mãn, sông Diễn Vọng, sông Vũ Oai và một phần sông Lạch Huyện. Các sông này đổ vào vịnh Hạ Long qua Cửa Lục.Hải văn:

Độ mặn của nước biển: Mùa mưa đạt 21 - 22 ‰, mùa khô đạt 32 - 33 ‰.

Nguồn gốc tên gọi

Hạ Long có nghĩa là “Rồng xuống”. Từ trước thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long chưa được ghi chép trong thư tịch cổ của Việt Nam, chủ yếu được biết đến với tên gọi Giao Châu, Lục Thủy, An Bang, An Quảng, Hải Đông, Hoa Phong, Nghiêu Phong …. Đến cuối thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Pháp vẽ về vịnh Bắc Bộ và trên một số bài báo bằng chữ tiếng Pháp, chữ tiếng Việt.

Trên tờ “Tin tức Hải Phòng” xuất bản bằng tiếng Pháp đã đưa tin: “Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long”. Câu chuyện được tóm tắt như sau: Năm 1898, viên thiếu úy La-gơ-rê-din, thuyền trưởng tàu A-va-lăng-sơ và rất nhiều thủy thủ đã gặp một đôi rắn biển khổng lồ trên vịnh Hạ Long. Người Châu Âu liên tưởng con vật này giống con Rồng trong trí tưởng tượng của người Châu Á. Chính vì sự xuất hiện con vật lạ giống hình con Rồng mà vùng biển này được mang tên là vịnh Hạ Long (theo sách Văn hóa nghệ thuật Quảng Ninh, từ một góc nhìn, Quảng Ninh, 2002)

Đi thuyền trên Vịnh Hạ Long

“ Hạ Long” còn được gắn với truyền thuyết nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”, gắn với truyền thuyết đàn rồng xuống giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Chuyện được kể rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn Rồng cũng hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới - nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ Rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn Rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ngày nay)”.

Những danh hiệu mà Vịnh Hạ Long đã đạt được

Các danh hiệu của vịnh Hạ Long đã được công nhận trong thời gian qua

Các danh hiệu Quốc gia

Di tích danh thắng cấp quốc gia: Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1.553 km2.

Di tích quốc gia đặc biệt: Ngày 12/08/2009, vịnh Hạ Long được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 1 năm 2009)

Khu du lịch hàng đầu Việt Nam: Ngày 08/7/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng danh hiệu Khu du lịch hàng đầu Việt Nam 2017 cho vịnh Hạ Long.

Các danh hiệu quốc tế

Di sản Thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long 02 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Lần thứ nhất: Ngày 17/12/1994, Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ theo tiêu chí (vii) của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.

Lần thứ hai: Ngày 02/12/2000, tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 24 ở thành phố Cairns, Queensland, Australia, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chí (viii) về giá trị địa chất - địa mạo.

Vịnh đẹp nhất thế giới: Vịnh Hạ Long là một trong ba thành viên sáng lập và tham gia Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới từ tháng 3/1997.

Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới: Ngày 27/4/2012, tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội, Việt Nam), tổ chức New Open World đã trao tặng danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới cho vịnh Hạ Long.

Một số điểm tham quan lý tưởng trên Vịnh Hạ Long:

Hòn Gà Chọi

Hòn Gà Chọi hay còn gọi là Hòn Trống Mái, nằm ở phía tây nam của vịnh Hạ Long, cách biển Bãi Cháy khoảng 5km. Từ Bến tàu Bãi Cháy đi về phía Tây Nam, sau khi đi qua Hòn Chó Đá, Đỉnh Lư Hương thì quý khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn hình ảnh của Hòn Gà Chọi với hình dáng như hai con gà khổng lồ (một trống - một mái) với chiều cao khoảng 10m đang giương cánh đá nhau trên mặt biển mênh mông.

Nhìn từ xa với dáng đứng chênh vênh và chiếc chân tí xíu đỡ tấm thân khổng lồ tưởng chừng chỉ cần một cơn sóng vỗ mạnh, cả khối đá nặng ấy có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng hai hòn đá đó đã hiên ngang đứng giữa đất trời hàng trăm triệu năm nay rồi và dường như nhờ có đôi chân nhỏ đó mà khiến cho nó trở nên hấp dẫn hơn. Với những giá trị ngoại hạng về mặt mỹ thuật và ý nghĩa của nó nên Hòn Gà Chọi đã trở thành một biểu tượng của Vịnh Hạ Long và Du lịch Hạ Long Việt Nam…

Hang Đầu Gỗ

Giữa non nước mây trời Hạ Long tuyệt mỹ, một cái hang mang tên rất mộc mạc dân dã: hang Đầu Gỗ. Hang nằm trên đảo Đầu Gỗ. Từ phía xa nhìn lại, cửa hang có màu xanh lam hình một con sứa biển, qua 90 bậc đá xây ta tới cửa hang. Vòm hang cao khoảng 25m, từ trên cao ấy hàng trăm nhũ đá khổng lồ rủ xuống như một dòng thác kỳ lạ.

Hang được chia làm ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang là một bức “tranh sơn dầu” khổng lồ, mô tả phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu tạo nên nhiều hình thù kỳ lạ tuỳ theo trí tưởng tượng phong phú của mỗi người: những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ…, phía dưới là một chú rùa đang bơi giữa bể nước mênh mông. Đứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ.

Sở dĩ gọi là hang Đầu Gỗ, theo truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, tạo nên một trận thuỷ chiến vang lừng trong lịch sử. Sau đó còn rất nhiều mẩu gỗ sót lại vì vậy hang mang tên là hang Đầu Gỗ.

Lại có tên gọi là hang Giấu Gỗ vì theo truyền thuyết đây chính là nơi Trần Hưng Đạo cho giấu các cọc gỗ lim để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên - Mông.

Năm 1917, vua Khải Định lên thăm hang Đầu Gỗ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá, ông đã cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Đầu Gỗ. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn ở phía bên phải cửa hang.

Hang Sửng Sốt

Nằm ở khu vực trung tâm của Di sản Thế giới vịnh Hạ Long, hang Sửng Sốt trong đảo Bồ Hòn. Đây là một hang rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long và đây cũng là nơi tập trung nhiều đảo đá có hình dáng đặc sắc không nơi nào có được. Đường lên hang Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo, du khách vừa có được cái thú của người leo núi, vừa có cái háo hức như đang đi lên trời.

Hang được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn đầu như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ bằng một lớp “thảm nhung” óng mượt, vô số những “chùm đèn” treo bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá… tất cả dường như đang rung rinh xao động giữa cõi thực và mơ. Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kỳ ở ngăn đầu, ta bước vào ngăn thứ hai bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, hang mở ra một khung cảnh mới hoàn toàn khác lạ, ngăn hang rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người. Đi vào trong cảnh trí còn lắm điều kỳ lạ, như cây đa cổ thụ tán lá sum suê, chú gấu biển, khủng long… Tới đỉnh cao nhất của hang, bất ngờ một khu “vườn thượng uyển” mở ra trước mắt ta, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, muôn loài cây cỏ cùng nhiều loài chim muông sinh sống. Từng đàn khỉ vẫn thường kéo nhau xuống đây tìm hoa quả làm náo động cả một vùng.

Từ bến tàu leo lên khoảng 50 bậc đá dựng đứng rồi lại đi xuống chừng mươi bậc đá nữa là đến cửa hang với chiều cao khoảng 25m. Động rộng khoảng 10.000m2 với hàng ngàn măng đá, nhũ đá. Trong hang có một hệ thống đường đi lát đá dọc từ cửahang vào đến lối ra dài hơn 500m. Hai bên lối đi là những cột đèn đường thấp vừa là cột giới chỉ đường vừa là vật trang trí, chiếu sáng. Hệ thống đèn chiếu sáng với những kiểu đèn trang nhã, ánh sáng dịu mắt càng tôn thêm vẻ đẹp của hang.

Trong hang Sửng Sốt, trần hang cao 30m có in hình các vết lõm nhỏ đều đặn và mịn màng như được trang trí bằng chất xốp, trông tựa như trần của nhà hát lớn, rất tráng lệ. Gần cửa nổi lên những khối đá khổng lồ chất cao từ mặt đất tới gần trần hang. Đây là một trong những hang động karst điển hình, có giá trị khoa học cao.

Ngay cạnh lối ra vào là nhũ đá có hình con ngựa và một thanh gươm dài. Truyền thuyết xưa kể rằng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã giúp dân chúng ở đây đánh đuổi yêu ma, khi dẹp xong loạn Thánh Gióng bay về trời, để lại thanh gươm và con ngựa quý để trấn an dân chúng, xua đuổi yêu quái. Hiện nay trong hang còn nhiều hình ảnh tự nhiên dường như là những dấu tích của trận chiến ác liệt đó, vết chân ngựa Gióng trở thành những ao hồ nhỏ xinh xinh cùng nhiều tảng đá to lớn vỡ vụn…

Hang Trinh Nữ

Hang Trinh Nữ nằm trên dãy đảo Bồ Hòn cùng với hệ thống động Sửng Sốt , hồ Động Tiên, Hang Luồn … cách Bãi Cháy 15km về phía Nam. Với người dân đánh cá, họ coi hang Trinh Nữ là ngôi nhà thân yêu của họ, còn những đôi trai gái yêu nhau lại coi đây là biểu tượng, nơi thề nguyện của tình yêu.

Bước vào hang Trinh Nữ, ngay giữa lòng hang là bức tượng người con gái bằng đá, nằm xoã mái tóc dài, mắt hướng ra khơi xa đang mỏi mòn chờ mong và tuyệt vọng.

Động Tam Cung

Động nằm ở trung tâm vịnh Hạ Long, cách động Sửng Sốt 5km về hướng đông bắc. Động được chia làm ba ngăn, luồn lách qua từng khe đá. Trong động có nhiều nhũ đá đẹp. ở cả ba ngăn động, nhũ đá tạo ra những hình thù tự nhiên sống động như tiên ông với chòm râu bạc phơ, ba ông tam đa trầm mặc, nụ hoa quỳnh trắng muốt, rồi nào là hình sư tử, hải cẩu, tượng thuỷ thần… Động Tam Cung nằm trên đảo Mây Đèn - một hòn đảo nằm gần như tách biệt với các đảo khác. Hòn Mây Đèn vách đá dựng đứng chênh vênh, rừng cây xanh tốt.

Vào ngăn thứ nhất, bất chợt ta dừng bước lặng nghe đâu đó vang lại những âm thanh như tiếng đàn T’rưng hoặc đàn đá thánh thót. Chưa hết ngạc nhiên, du khách bỗng gặp một “ông tiên” đang chống gậy leo núi, chòm râu trắng phơ bay trong gió. Và đây nữa, ba “ông tam đa” đang đứng trầm mặc trên vách động nhìn cảnh trần xuôi ngược. Từ trần động một nhũ đá giống hệt nụ hoa quỳnh trắng muốt đang chúm chím nở giữa rừng hoa nhũ đá.

Từ ngăn thứ nhất đến ngăn thứ hai qua một khe cửa nhỏ, bước đi gập ghềnh, nơi đây như là một bảo tàng tự nhiên sống động, nào là sư tử đá, hải cẩu, tượng thuỷ thần… Và chính giữa ngăn thứ hai là một dòng suối tiên quanh năm nước ngọt tràn trề, hai bên vách động là những bức rèm đá buông rủ từ trần xuống thướt tha, tất cả dường như đang lay động.

Đến ngăn trong cùng du khách sẽ được xem một bức phù điêu hoành tráng trên đó chạm trổ những hình thù kỳ dị nhưng lại rất công phu, tầng tầng lớp lớp trong một chỉnh thể chung cân đối, hài hoà, những bông hoa, gậy trúc xinh xắn, những bức rèm đá tự nhiên, những chú voi hiền từ đang ngủ…

Động Mê Cung

Cách bãi tắm Ti Tốp 2km về phía tây nam là động Mê Cung. Động nằm trên hòn Lờm Bò ở độ cao 25m so với mực nước biển. Nhìn từ xa, cửa động như một mái nhà ăn sâu vào sườn đảo. Qua một khe cửa nhỏ chỉ vừa một người qua, lòng động mở ra nhiều ngăn, tuy nhỏ hẹp nhưng lại hết sức tinh xảo, những nhũ đá mang hình những pho tượng, hoa văn tuyệt đẹp, nhũ đá từng chùm muôn màu rủ xuống từ trần động, những sư tử đá, gấu đá đang vờn nhau, những bức rèm đá chảy dài trên vách động… Một luồng ánh sáng nhạt từ xa hắt lại, đó là con đường dẫn ra cửa động. Ra khỏi cửa động, leo tiếp vài bậc đá sắc nhọn lởm chởm, nhìn xuống dưới là một hồ nước bị núi vây kín rất tròn và rộng, bốn mùa nước xanh biếc phẳng lặng như mặt gương, trong đó là thế giới của các loài sinh vật quần tụ như cá, tôm, mực, rong, tảo, san hô, cua… Bên cạnh là một khu đất có nhiều cây cổ thụ mà người dân thường gọi là khu “vườn thượng uyển”, đẹp đến mê hồn.

Qua những bậc đá cheo leo, một mái đá rộng nhô ra, khô ráo thoáng mát, lớp ốc suối Melina dày trải trên cửa động làm nền. Xưa kia lớp ốc này dày tới 1,2 m được kết tầng bán hoá thạch ở phía ngoài. Gần đây còn phát hiện ra một bộ xương thú đã hoá thạch trong động. Động Mê Cung được các nhà khảo cổ học xác định là một trong những di chỉ thuộc nền văn hoá tiền Hạ Long sơ kỳ đá mới, cách ngày nay từ 7.000 đến 10.000 năm.

Đi vào trong động, du khách tưởng như đang bước vào cung điện của một hoàng đế Ba Tư và những tiếng rì rầm đâu đây lại khiến cho du khách tưởng như đó chính là giọng nàng Sêhêharát đang kể câu chuyện nghìn lẻ một đêm cho vị quân vương của mình. Trên đảo là các loài cây cổ thụ già nua soi bóng nước… Đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim, thú như khỉ, voọc, sơn dương, kỳ đà…

Động Thiên Cung

Động nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách cảng tàu du lịch 4km, trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25m so với mực nước biển. Đường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên cây che phủ um tùm. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra khoảng không bên trên một mặt bằng hình tứ giác với chiều dài hơn 130m. Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên. Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó nổi lên những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, đường nét mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau truốt tỉ mỉ.

Ra khỏi động Thiên Cung, ta sẽ có cảm giác như vừa được xem một “bảo tàng mỹ thuật” vô cùng độc đáo, công phu, kỳ thú mà tất cả đều do bàn tay thần tình của tạo hoá làm nên, vượt khỏi tài trí và sức tưởng tượng của con người.

Trung tâm động là bốn cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được “chạm nổi” nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành… Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá tự nhiên lộng lẫy. Đâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Đó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Nhìn lên vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong cảnh bồng lai vậy.

Tới ngăn động cuối cùng, những luồng ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một khe nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Theo truyền thuyết, đây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.

Động Kim Quy

Động Kim Quy nằm trên hòn Dầm Nam, có đỉnh núi cao 187m. Phía trước là hòn Dầm Bắc, phía sau là đảo Soi Sim. Động dài 100m, rộng từ 5-10m trải dài theo hướng Bắc Nam. Một con đường nhỏ dẫn lên phía trên cao, nơi đây bốn mùa nước chảy róc rách, những nhũ đá đang được hình thành trắng nõn và mềm mại từ trần động buông rủ xuống. Và kìa, phía ngăn động trong cùng, trận địa cọc Bạch Đằng xuất hiện, có đến hơn 30 chiếc cọc gỗ lim của Trần Hưng Đạo đã dùng cắm xuống dòng sông Bạch Đằng lại hiện hữu ở nơi đây, những thớ gỗ lim nứt nẻ màu nâu xám tưởng chừng như sắp đổ gẫy, nhưng kỳ thực chúng vô cùng vững chắc. Đó là những măng đá đấy, chúng được phân bố khắp nơi, dày đặc chi chít nhưng có hàng lối rõ ràng, chúng nhẵn bóng và cao chừng 30-40cm, trông hệt như bãi cọc bằng gỗ thật.

Hang Bồ Nâu

Cách hòn Trống Mái khoảng 2-3km về phía đông nam có một hang rất đẹp được gọi là hang Bồ Nâu. Hang Bồ Nâu có dạng hàm ếch, rộng khoảng 200m2, đáy hang rộng, phẳng nhưng không sâu, vách có nhiều nhũ đá. Trên trần của hang có vết nứt nên ánh sáng có thể lọt qua đó vào hang. Tạo cho du khách một cảm xúc khác lạ khi vào trong hang.

Điều khiến du khách thấy lạ khi tới đây là cửa hang có ba phiến đá hình dáng giống như ông tiên đang chụm đầu lại với nhau trong tư thế hai người đang đánh cờ và một người làm trọng tài.

Hang Bồ Nâu được thiên nhiên ban tặng cho hình dáng rất kỳ lạ. Đáy của hang thắt lại, phía trước hang là một hòn đảo nên ánh sáng trong hang không bao giờ chói chang. Hang Bồ Nâu là một trong những hang động đẹp ở vịnh Hạ Long, là một điểm đáng để du khách tới đây tham quan.

Hang Luồn

Do độ cao của hang chỉ giới hạn trong khoảng 2,5-4m vì vậy muốn tham quan Hang Luồn thì quý khách phải chuyển sang các thuyền nan nhỏ, mỗi chiếc chở được chừng 10 đến 15 người. Cả đi vào và đi ra mất chừng 20 phút. Những hang kiểu này ở vịnh Hạ Long có không nhiều, nhưng có lẽ điều đặc sắc hấp dẫn, lôi cuốn du khách ở đây lại là cảnh sắc thiên nhiên. Đó là sự kết hợp đan xen, hài hoà giữa dáng núi, sắc nước mây trời đến từng cây cỏ, dường như không thể tìm thấy ở đây một khiếm khuyết nào của tạo hoá.

Đảo Ti Tốp

Nằm ở khu vực trung tâm di sản, kỳ quan thiên thế giới Vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 7-8km về phía Đông Nam, đảo Ti Tốp được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất được khá nhiều du khách lựa chọn trong hành trình tham quan Vịnh của mình.

Trước đây, theo cách gọi dân gian, đảo Ti-tốp có tên là đảo Hồng Thập Tự hay đảo Nghĩa Địa. Ngày 22-1-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng chí Ti-tốp đáp máy bay từ Hà Nội đi Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh). Người muốn trực tiếp giới thiệu và cùng dạo chơi với người anh hùng phi công vũ trụ, cùng chiêm ngưỡng cảnh đẹp huyền thoại của vịnh Hạ Long. Bác đã đặt tên cho hòn đảo này là đảo Ti-tốp.

Đảo Ti Tốp

Khác với nhiều điểm du lịch khác trên Vịnh Hạ Long, ngoài phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sơn thuỷ hữu tình, đảo Ti Tốp còn sở hữu một bãi tắm tuyệt đẹp, gọi là bãi tắm Ti Tốp. Đến đây, du khách có thể leo lên đỉnh núi để ngắm toàn cảnh hòn đảo xinh đẹp này. Từ trên cao nhìn xuống, bãi tắm Ti Tốp có hình dáng như một vầng trăng ôm trọn lấy chân đảo. Cát ở bãi tắm liên tục được nước thuỷ triều lên xuống rửa sạch, trắng tinh, nước biển trong xanh bốn mùa.

Bãi tắm Ba Trái Đào

Là một trong những bãi tắm đẹp nổi tiếng trên Vịnh Hạ Long, bãi tắm Ba Trái Đào nằm cách Cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 22km về phía Đông Nam, gần đảo Cát Bà. Đây là một bãi tắm tuyệt đẹp, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, sơn thuỷ hữu tình.

Sở dĩ bãi tắm có tên gọi Ba Trái Đào là vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung trắng mịn, ôm trọn lấy những quả núi có hình trái đào… Ba Trái Đào là ba ngọn núi nhỏ, cao khoảng hơn 20m, trông xa hệt như ba trái đào tiên. Địa danh này gắn liền với một truyền thuyết về tình yêu lãng mạn giữa nàng tiên út xinh đẹp, nết na với chàng trai đánh cá nghèo khổ.

Thêm nữa, phía trên núi đá là các loại thực vật phong phú, trong đó có các loài hoa dại với màu sắc rực rỡ, tạo nên một bức tranh phong cảnh thiên nhiên sống động. Nhưng không phải lúc nào đến đây, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng và được đắm mình ở bãi tắm tuyệt đẹp này. Bởi vì khi thuỷ triều lên cao sẽ nhấn chìm toàn bộ khu vực bãi cát, thường một ngày trung bình bãi tắm này chỉ tắm được khoảng 2-3 giờ. Chính vì thế, muốn tắm biển, trước khi đến khu vực này, du khách nhớ tìm hiểu kỹ lịch con nước…

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/tim-hieu-ve-vinh-ha-long-a33457.html