Định đoạt vận mệnh cả đời ở tuổi 15
Đứng dưới cơn mưa phùn ở Thượng Hải tháng 6.2023, bà Chen Lianting chờ con đầu lòng hoàn thành kỳ thi quan trọng đầu tiên trong đời - kỳ thi tuyển sinh trung học trung khảo. "Trung khảo bây giờ quan trọng hơn nhiều so với cao khảo" - bà chia sẻ.
Các bậc phụ huynh mà Sixth Tone trò chuyện đều đồng thuận rằng, trung khảo thậm chí còn quan trọng hơn cao khảo trên con đường học tập của con cái. "Phụ huynh đánh giá cao tầm quan trọng của kỳ thi này tới mức những đồng nghiệp của tôi có con tham gia kỳ thi năm nay đã nghỉ phép vài ngày để đảm bảo giúp con vượt qua kỳ thi êm đẹp" - Chen Lianting chia sẻ thêm.
Kỳ thi trung khảo ở Trung Quốc thường diễn ra cuối tháng 6 tới đầu tháng 7. Năm ngoái, kỳ thi thu hút sự tham gia của khoảng 15,4 triệu học sinh trung học cơ sở 15 tuổi ở Trung Quốc.
Sixth Tone chỉ ra, một phần nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng về kỳ thi trung khảo là tỉ lệ đỗ khoảng 50%. Khoảng một nửa số học sinh tham gia kỳ thi này sẽ tiếp tục học tại các trường trung học phổ thông và 3 năm sau đó có cơ hội tham gia kỳ thi cao khảo 3, có cơ hội vào các trường đại học chính quy. Trong khi đó, nửa còn lại sẽ học tại các trường trung học dạy nghề hoặc chính thức kết thúc con đường học tập.
Kỳ thi trung khảo có đề thi khác nhau theo từng khu vực nhưng tất cả học sinh tham gia kỳ thi này sẽ thi môn tiếng Trung, toán, ngoại ngữ tự chọn, thường là tiếng Anh và các môn bổ sung như vật lý, hóa học hoặc lịch sử. Dựa trên điểm số ước tính và tham khảo dữ liệu tuyển sinh của những năm trước, học sinh sẽ đăng ký danh sách các trường trung học yêu thích. Tuy nhiên, mỗi học sinh chỉ được nhận vào một trường xếp hạng cao nhất trong danh sách mà học sinh đáp ứng được điểm số đầu vào.
Một phụ huynh họ Zheng ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, cho hay: “Hàng năm, hơn 100 học sinh đạt điểm như nhau (trong một thành phố). Do đó, 1 điểm duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong thứ hạng và cũng có nghĩa là cơ hội vào các trường khác nhau".
Chịu ảnh hưởng của hệ thống khoa cử truyền thống của Trung Quốc, cả trung khảo và cao khảo đều được các gia đình trên khắp nước này coi là những bước quan trọng để vươn lên những nấc thang cao hơn trong xã hội, đặc biệt là với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Dù học sinh tốt nghiệp từ các trường trung học dạy nghề có tỉ lệ có việc làm cực kỳ cao, lên tới 95%, nhưng nhiều công việc trong số này là việc làm cấp thấp, ít có khả năng thăng tiến. Do đó, các bậc cha mẹ thường có quan điểm tiêu cực về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là ở cấp trung học, với những học sinh vào các trường trung học dạy nghề thường bị gắn mác là chasheng, hay “học sinh hư”. Người cha họ Ni tại Thượng Hải cho rằng, việc đi học trường nghề có thể bất lợi cho con trai mình. “Học sinh tốt nghiệp cấp 2 vẫn còn quá trẻ, chưa trưởng thành. Việc đi học ở một trường dạy nghề và tiếp xúc với bạn xấu có thể hủy hoại cuộc đời con tôi. Ngược lại, vào học ở một trường cấp 3 bình thường, dù không tiến bộ trong học tập thì ít nhất cũng không trở thành người xấu” - ông nói.
Từ chối đánh cược tương lai con trẻ
Mong muốn con có cơ hội tốt nhất có thể để tránh phải học nghề, các bậc phụ huynh như bà Chen ở Thượng Hải đã tìm cách để con mình có những thế mạnh vượt trội so với các bạn đồng trang lứa. Năm 2022, trong khi các bạn cùng lớp con trai lớn của bà đang tham gia các khóa học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, bà đã tìm được một trường luyện thi học tại chỗ cho con trai.
Cạnh tranh khốc liệt và kỳ vọng của phụ huynh đang dẫn tới sự căng thẳng tâm lý rất lớn cho học sinh thi trung khảo. Hầu như mỗi ngày trong năm trước kỳ thi trung khảo, học sinh người Thượng Hải, Zheng Jindong - người xếp trong Top 20 học sinh ở trường dành 17 giờ học mỗi ngày để chuẩn bị thi trung khảo. “Đôi khi áp lực đến từ gia đình và giáo viên, đôi khi đến từ chính tôi” - cậu học sinh 15 tuổi chia sẻ. Có lần, Zheng nhờ mẹ mua giúp thuốc ngủ vì mất ngủ. “Tất cả những gì tôi nghĩ đến khi nhắm mắt nằm trên giường là những câu hỏi kiểm tra" - Zheng nói.
Zheng không đơn độc. Theo dữ liệu từ một nghiên cứu do Viện Tâm lý học Trung Quốc thực hiện năm 2022, gần 15% trẻ em ở Trung Quốc từ 10 đến 16 tuổi mắc các mức độ trầm cảm khác nhau. Vào cuối tháng 3.2023, 7 thiếu niên tự sát trong vòng 5 ngày ở Thiên Tân, với một số trong số đó liên quan tới thành tích học tập.
Nhận thức được quan điểm tiêu cực của người dân với các trường trung học dạy nghề, trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra loạt biện pháp nhằm cải thiện nhận thức của công chúng. Từ năm 2022, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu cho phép học sinh các trường dạy nghề thi cao khảo và đăng ký vào các trường đại học chính quy. Giới chức Trung Quốc cũng thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng hơn đến kỹ năng nghề và nâng cấp hệ thống chức danh nghề nghiệp cho lao động có tay nghề cao.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, tư duy truyền thống vẫn đang bám rễ sâu. Một phần nguyên nhân của việc này là do nhận thức chung rằng, tỉ lệ trúng tuyển của trung khảo thấp hơn cao khảo. Trung Quốc mở rộng hệ thống giáo dục đại học kể từ những năm 1980 và tỉ lệ nhập học đại học chung của học sinh thi cao khảo đã tăng đáng kể từ 58,9% năm 2001 lên hơn 90% vào năm 2021. Trong khi đó, tỉ lệ nhập học trung học phổ thông của học sinh thi trung khảo chỉ tăng nhẹ từ 58,25% năm 2001 lên 64,92% năm 2021. Sự tương phản rõ rệt về tỉ lệ nhập học có nghĩa là những người được nhận vào các trường trung học chính quy sau kỳ thi trung khảo gần như đã được nhận vào một cơ sở giáo dục đại học. Học sinh thi trung khảo phải đối mặt với giới hạn độ tuổi và những hạn chế khác trong việc thi lại, trong khi cao khảo cho phép thí sinh thi lại bao nhiêu lần tùy thích.
Trên thực tế, con số 90% nhập học cao khảo bao gồm cả tuyển sinh cả đại học chính quy và cao đẳng nghề. Chỉ riêng các trường đại học thông thường, tỉ lệ nhập học thực tế đã giảm từ 51,51% năm 2001 xuống 44,40% vào năm 2021. Hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đã nỗ lực làm rõ rằng, tỉ lệ trúng tuyển của các trường trung học phổ thông ở trung khảo không thấp hơn tỉ lệ trúng tuyển cao khảo. Tuy nhiên, theo một bài bình luận trên các phương tiện truyền thông địa phương, niềm tin rộng rãi rằng, trung khảo khó vượt qua hơn cao khảo đã “ăn sâu vào tâm trí của người dân”.
Liu Cuicui - bà mẹ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, có con gái chuẩn bị thi trung khảo năm 2024 - thừa nhận, những lo lắng của bà về mức độ quan trọng của kỳ thi trung khảo có lẽ là do tưởng tượng nhiều hơn thực tế. Tuy nhiên, bà thấy nhiều phụ huynh khác ở trường con gái cũng có chung lo lắng như mình. Thậm chí, khi thấy thành tích học tập của con không khả quan, nhiều phụ huynh còn gửi con đến các thành phố nhỏ hơn để giúp con tăng cơ hội vào các trường trung học bình thường thay vì học nghề.
"Không dễ để mọi người thôi thiên kiến về dạy nghề. Chắc chắn cần thời gian để thay đổi điều này. Các bậc làm cha làm mẹ không muốn đặt cược tương lai của con mình vào những điều không chắc chắn như vậy" - bà nói.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/mo-trung-so-danh-con-gi-a33953.html