Trước sự bão hoà nguồn nhân lực của nhiều ngành khác thì Công nghệ sinh học lại mở rộng cơ hội nghề nghiệp, từ các bệnh viện, phòng thí nghiệm cho đến doanh nghiệp, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Với xu thế phát triển ngày càng cao của khoa học công nghệ thì triển vọng của ngành Công nghệ Sinh học là rất lớn. Nó được xem là cánh tay đắc lực trong lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao... Không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học còn là ngành học của sức khỏe, khoa học thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Trường đầu tư hệ thống phòng sáng mô bào, phục vụ thí nghiệm tế bào thực vật nuôi cấy mô
(ngoài các doanh nghiệp thì hiện nay hiếm có đơn vị đào tạo nào được trang bị hệ thống phòng này)
Tương lai vững vàng, nghề nghiệp phong phú ...
Công nghệ sinh học là một lựa chọn lý tưởng cho các bạn trẻ trong nền kinh tế năng động, hiện đại và đang hội nhập nhanh chóng của Việt Nam. Hiện nay, ngành này là một trong bốn hướng công nghệ được Chính phủ định hướng phát triển dài hạn. Sinh viên được đào tạo đúng hướng sẽ làm chủ nhiều cơ hội nghề nghiệp lý tưởng
Cơ hội làm việc tại bệnh viện: Ngày nay, việc khám, chữa bệnh cần phải dựa trên các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại để giúp đưa ra các kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Ngành Công nghệ Sinh học mang đến cho sinh viên cơ hội trở thành kĩ thuật viên phòng xét nghiệm, chuyên viên nghiên cứu hoặc chuyên viên quản lý các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học phân tử tại các bệnh viện, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Tham gia các dự án lớn đến tự khởi nghiệp trong 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và môi trường: Nhờ kiến thức chuyên sâu về công nghệ sinh học, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự mình kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như rau sạch, nông sản có giá trị thương phẩm cao (nấm linh chi, nấm bào ngư xám...) và dịch vụ trồng rau thủy canh hay giá thể.
Sinh viên làm nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm Vi sinh
Nếu yêu thích lĩnh vực môi trường, sinh viên có thể theo 2 định hướng: quản lý môi trường và xử lý môi trường. Công tác trong lĩnh vực quản lý môi trường mang đến cơ hội làm việc ở những công trình lớn, nơi cần những chuyên viên quản lý và theo dõi các chỉ số về độ ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước. Đi theo lĩnh vực xử lý môi trường, sinh viên sẽ có thể làm việc cho các doanh nghiệp hoặc tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh các chế phẩm xử lý môi trường.
Bạn được đầu tư như thế nào?
Trong 10 năm trở lại đây, Trường Đại học Lạc Hồng không ngừng định hướng phát triển chương trình đào tạo đa ngành theo hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội. Cùng nằm trong định hướng này, ngành Công nghệ Sinh học thuộc Khoa Kỹ thuật Hoá học và Môi trường được đẩy mạnh đầu tư từ Chương trình đào tạo, từ đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, từ trang thiết bị phù hợp và hiện đại. Không ngừng ở đó, cuối năm 2013, nhà trường khánh thành Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng rồi đưa toàn bộ phòng thí nghiệm của ngành Công nghệ sinh học về đây. Tại đây, nhà trường đã đầu tư cả chục tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm liên hợp và lắp đặt các trang thiết bị ngoại nhập, phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và học thực hành của sinh viên. Đó là điều kiện cần để nâng tầm nghiên cứu và ứng dụng thực hành của giảng viên lẫn sinh viên. Là Ngành đòi hỏi sự tìm tòi và tiếp cận với nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài, do đó cùng với việc tích lũy kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn phải trau dồi ngoại ngữ. Đáp ứng nhu cầu phát triển trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, nhà trường lồng ghép chương trình anh văn TOEIC xuyên suốt khoá học và thực hiện đề án đào tạo English Central miễn phí cho sinh viên.
Một số trang thiết bị tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử
Bên cạnh đó, Khoa còn áp dụng các phương pháp đào tạo theo hướng ứng dụng cao, gắn liền với nhu cầu phát triển thực tế, đáp ứng tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp. Cụ thể như đưa giảng viên và sinh viên tham gia khảo sát thực tế tại các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các nhà máy để sinh viên hiểu sâu hơn về lý thuyết được học ở trường. Mỗi học kỳ, Khoa đều tổ chức các hội thảo chuyên đề liên quan trực tiếp đến ngành học. Qua đó, các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành tiếp xúc, trao đổi và cập nhật cho sinh viên về những xu hướng mới của ngành nghề. Ngoài ra, sinh viên được trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp, các cựu sinh viên thành đạt, mở ra cơ hội nghề nghiệp và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm làm nghề sau khi ra trường...
Khoa có đội ngũ giảng viên được đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài. Ngoài tham gia giảng dạy, các giảng viên còn làm nghiên cứu khoa học, với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc được ứng dụng vào thực tiễn và đăng tải trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm ấy cũng đã hướng dẫn các sinh viên thành công trong nhiều giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam, Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai... Đầu tháng 09/2015, dưới sự định hướng và giới thiệu của giảng viên, sinh viên Lương Thị Thanh Tuyền xuất sắc hoàn thành báo cáo khoa học tại hội đồng đánh giá quốc gia Pháp, đặc biệt nhận học bổng Thạc sĩ tại Paris khi chưa tốt nghiệp.
Một góc khu vực nghiên cứu đề tài Mô hình trồng hoa cúc thuỷ sinh của sinh viên
(cũng trong năm nay, nhà trường sẽ đầu tư thêm hệ thống nhà lưới)
Công nghệ sinh học đã và đang ngày càng cần thiết và thực sự có ý nghĩa lớn đối với đời sống con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, các quốc gia phát triển luôn ưu tiên đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và những kế hoạch mang tính ứng dụng cao. Với xu thế phát triển của khoa học công nghệ thì triển vọng của ngành này là rất lớn. Nắm bắt xu thế này, Ngành Công nghệ sinh học được Đại học Lạc Hồng không ngừng đầu tư phát triển. Chính vì thế, chúng tôi tự tin rằng, sinh viên tốt nghiệp Ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Lạc Hồng sẽ có một tương lai vững vàng.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/cong-nghe-sinh-hoc-duoc-cho-la-nganh-hoc-cua-tuong-lai-vi-a34176.html