Mưa rơi ướt nhẹp dân chơi

Xem hình tượng dân chơi là bức tranh ngân sách cho dễ mường tượng. Bức tranh ngân sách đang rất xấu, vậy mà Mr. Bim đọc báo toàn thấy dân chơi mỗi lần hóa vàng tiền ngân sách toàn lên đến con số ngàn tỷ.

Thật không khác gì truyện cười dân gian, "Nhà nghèo quá còn mỗi con vịt mà nuôi còn không nổi, thôi thì làm thịt ăn nốt".

1. Báo CAND Online (www.cand.com.vn) có bài viết rất hay nhan đề, "Nợ đọng xây dựng Nông thôn mới: "Vung tay quá trán" xây dựng Nông thôn mới: Thích đẹp nên nhanh xẹp!".

Theo đó, "5 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Từ một chính sách nhân văn, người dân đã có cơ hội cải thiện đời sống văn hóa, kinh tế.

Song, trong thực thi, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích, áp lực về đích bằng mọi giá đã dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tổng nợ đọng chương trình này của cả nước đã lên đến hơn 11 nghìn tỷ đồng. Vấn đề cần bàn lúc này là lấy tiền đâu trả nợ vẫn đang khiến các địa phương đau đầu.

Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhất là những xã đã về đích NTM, đều thấy số nợ đọng vượt ngưỡng kiểm soát của địa phương. Có những xã nghèo nợ tới 20 tỷ đồng, thậm chí có xã nợ kỷ lục lên tới hơn 40 tỷ đồng.

Thừa Thiên-Huế là một tỉnh nghèo, trong quá trình xây dựng NTM cũng xảy ra nợ đọng. Đặc biệt, huyện Quảng Điền có tới 90% số xã nợ đọng. Khảo sát tại xã Quảng Thành, nơi được chọn làm điểm của huyện đã để xảy ra nợ đọng hơn 3 tỷ đồng. Nhiều người dân cho biết, đời sống kinh tế khó khăn nên phải vay mượn tiền đóng góp. Các công trình nhà văn hóa, trụ sở làm việc ra đời, nhưng cùng với đó là vốn được cấp, cùng tiền nhân dân đóng góp cũng không đủ để trang trải. Cũng ở huyện Quảng Điền, xã Quảng Thọ tính đến nay mới đạt 13/19 tiêu chí, nhưng đã nợ lên tới gần 7 tỷ đồng…".

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dân chơi hào hứng nhào vào cuộc chơi xây dựng nông thôn mới, có thể là do ham thành tích, có thể là do con gà tức nhau tiếng gáy, có thể là do thấy người ta có nông thôn mới mình không có thì chịu không được.

Nhưng quan trọng nhất theo thiển ý của Mr. Bim thì chính là tư duy, "Phải bày mâm thì mới có thứ để động đũa". Cha chung thì làm gì có ai khóc, nên còn được quyền bày mâm thì cứ bày, còn được ngồi vào mâm thì cứ ăn.

Sống là dân chơi, chết thành con ma phong lưu, ai cáu hay oán thì mặc kệ. Sợ gì mưa rơi.

2. Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, "Tổng chi phí cho các hội lên tới 68.000 tỉ đồng".

Theo đó, "Đó là chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, tại hội thảo của Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật VN liên quan Luật về hội.

Hiện nay VN có hàng loạt hội đoàn như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Luật gia, Liên minh các hợp tác xã VN…

Theo ông Hoàng Ngọc Giao, Hiến pháp quy định công dân VN có quyền lập hội. Và thực tế, dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Giao cho biết tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng.

Theo ông Giao, con số trên là cao hơn dự toán ngân sách năm 2016 dành cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ), cao gần gấp đôi ngân sách dành cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế… Đặc biệt, ông Hoàng Ngọc Giao cho biết nghiên cứu trên đã nêu nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng.

"Kinh phí trên là tính cả chi phí cơ hội, như Tổng liên đoàn Lao động VN có hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn…" - ông Giao nói.

Trong khi đó, theo tờ trình Luật về hội của Chính phủ gửi lên Quốc hội thì Chính phủ cho biết tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế. Theo ông Hoàng Ngọc Giao, quyền lập hội theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước chưa được quy định cụ thể theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động".

Dân chơi thường có câu, "..hết thời về Hội". Hội thì hay rồi, bởi không phải Hội nào cũng có đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung hay không nhưng ngân sách năm nào cũng vẫn cứ nhận rất liền tay, quyền lợi đủ cả.

Nhẽ ra đã là Hội thì nên tự thu tự chi, giảm nhẹ gánh nặng ngân sách thì mới là dân chơi. Đằng này, đã hội hội hè hè còn cứ đòi chia phần sữa ngân sách. Trong lúc chẳng thấy làm được việc có ích gì ngoài pha chè nóng ban sớm, hút thuốc lá vặt ban chiều.

3. Chuyên trang VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin trang Zing dẫn lại, "Hà Nội xin thêm xe công, Bộ Tài Chính không đồng ý".

Theo đó, "UBND TP Hà Nội cho rằng công việc của các sở, ban, ngành nhiều nên bố trí 2 ôtô hiện nay là không đủ phục vụ, do đó đơn vị này xin gấp đôi.

Trả lời cho kiến nghị tăng gấp đôi định mức xe công với các sở, ban, ngành đưa ra trước đó, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định các đơn vị vẫn phải thực hiện theo quyết định của Thủ tướng về xe công.

Đây là câu trả lời được Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu lên tại cuộc họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng, hiện Quyết định 32/2015/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng ban hành nên tất cả các cơ quan đều phải thực hiện theo quy định. Khẳng định đó chỉ là "đề nghị của các tỉnh," Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, các đơn vị của Bộ sẽ tổng hợp.

"Những gì hợp lý về chính sách sẽ nghiên cứu, tiếp thu, điều gì chưa hợp lý sẽ điều chỉnh lại", Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Trước đó, trong hội nghị sơ kết ngành tài chính tổ chức, ông Nguyễn Doãn Toản Phó chủ tịch UBND Hà Nội đã lên tiếng kêu khó vì định mức mỗi sở, ban, ngành chỉ được trang bị tối đa 2 xe ôtô.

Theo ông Toản, địa bàn Hà Nội rộng với khối lượng công việc lớn, các sở, ban, ngành qua đó phải đi cơ sở nhiều để xử lý công việc nên số lượng 2 xe là không đủ. Ông Toản cũng kiến nghị với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ mong có "cơ chế đặc thù," mỗi sở, ban, ngành có thể được trang bị 4 xe, gấp đôi so với quy định hiện tại.

Đây cũng là ý kiến được ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam tỏ ý đồng tình".

Dân chơi thì thích đi xe công, xe công vừa oai vừa được nhiều ưu tiên. Xe công đi chùa, xe công đi tham quan, xe công đi đám hiếu hỉ, xe công đi đền xin ấn thăng quan.

Vì sao dân chơi thích xe công như vậy? Vì xe công ngoài chuyện oai và ưu tiên thì còn thể hiện đẳng cấp của dân chơi. Xe công tưởng là của công nhưng khi phân về cho dân chơi thì đã hóa thành của riêng rồi. Của riêng dân chơi xài mà của công phải chịu thì dại đâu mà không phá.

Mr. Bim cứ tưởng thân làm lãnh đạo trong lúc khó khăn này phải biết cùng Chính phủ thắt lưng buộc bụng, chịu khó phấn đấu để tương lai được hy vọng thì hóa ra dân chơi cũng chỉ biết khư khư lo cho cá nhân mình thôi.

Từ chuyện xe công mới lộ ra nhiều chuyện, không mấy dân chơi cứ học tập theo gương của ông dân chơi xứ Hậu Giang đi. Mượn xe Lexus 570 của em vợ có giá vài tỷ vặt rồi chuyển sang biển số xanh chạy cho oai.

Hoan hô dân chơi, hoan hô xe công.

4. Báo Người Lao Động đưa tin, "Bớt xén tiền hỗ trợ ngư dân sau vụ cá chết".

Theo đó, "Mỗi hộ dân được hưởng 300.000 đồng từ chủ trương hỗ trợ ngư dân và người nuôi trồng thủy sản của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình sau thảm họa cá chết. Tuy nhiên khi nhận tiền về, lãnh đạo thôn đã bớt xén lại mỗi hộ 50.000 đồng với lý do để "làm sân hội trường thôn".

Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã tổ chức đi kiểm tra và phát hiện sự việc như trên nên đã chỉ đạo thôn Cồn Nâm thu hồi số tiền chia sai để phát lại cho đối tượng có trong danh sách hỗ trợ.

Trước đó, theo chủ trương hỗ trợ ngư dân và người nuôi trồng thủy hải sản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình (MTTQ) sau đợt cá chết hàng loạt, Ủy ban MTTQ thị xã Ba Đồn quyết định hỗ trợ cho 73 hộ dân thôn Cồn Nâm (xã Quảng Minh) mỗi hộ 300.000 đồng. Nhưng sau khi nhận tiền về, lãnh đạo thôn này lại tự ý chia đều số tiền đó ra cho tất cả 105 hộ dân trong thôn và tự ý trích lại mỗi hộ 50.000 đồng".

Mr.Bim tính bình luận gì đó, nhưng thật lòng đọc tin này buồn quá, dân chơi kiểu này thì mạt hạng rồi, không biết phải nói sao cho trọn.

Số tiền thì không đáng, tuy nhiên cái tư duy ông trùm của dân chơi cơ sở mới là kinh hoàng.

Tin khuyết mãi: Trang VnExpress đưa tin, "Bộ Văn hóa đề nghị trục xuất hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép".

Điều này làm Mr. Bim nhớ đến một đoạn điệp khúc trong bài "Thà như giọt mưa" của cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, hát rằng "...có còn hơn không, có còn hơn không, có còn hơn không, có còn hơn không".

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/uoc-nhep-a35185.html