Ngày 9/11, Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, vừa nhận được đơn trình báo của người dân về hình thức giả mạo dịch vụ "gái gọi" qua mạng để lừa đảo.
Mất gần nửa tỷ đồng vì dịch vụ "gái gọi"
Theo Phòng cảnh sát hình sự, các tài khoản facebook giới thiệu dịch vụ "gái gọi" trên mạng ngày càng nhiều với những hình ảnh hotgirl khêu gợi, bắt mắt. Nếu các nạn nhân tò mò chạm vào tài khoản facebook sẽ tự động gửi tin nhắn mời chào. Sau đó, tài khoản này dẫn dụ nạn nhân đến nhóm telegram (toàn chim mồi) và yêu cầu làm nhiệm vụ để được cấp thẻ VIP của "CLB gọi đào" 63 tỉnh thành.
Một nạn nhân (SN 1990, trú tại Nghệ An) trình báo, bị dẫn dụ vào một nhóm trên ứng dụng Telegram. Trong quá trình sử dụng, có người xưng tên là Nguyễn Ngọc Lan Hương (TP Vũng Tàu) tương tác, trao đổi và cho số điện thoại để tiện trong việc sử dụng dịch vụ.
Do cả tin nên nạn nhân trực tiếp liên hệ với số điện thoại trên để đặt "gái gọi". Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đối tượng lừa đảo đưa nạn nhân vào nhóm thực hiện các nhiệm vụ để được cấp thẻ VIP.
Nạn nhân lần lượt thực hiện 6 nhiệm vụ mà đối tượng đưa ra để nhận tiền hoa hồng chuyển qua tài khoản. Sau khi hoàn thành 6 nhiệm vụ, chuyển khoản tổng cộng số tiền 560 triệu đồng cho đối tượng nạn nhân mới nghi vấn bị lừa đảo nên yêu cầu đối tượng này chuyển lại số tiền trên. Oái oăm, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển thêm 450 triệu đồng nữa để hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng mới được hoàn tiền.
Chiêu trò ma mãnh thao túng 'khách hàng'
Theo Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, các nạn nhân của chiều trò này chủ yếu là nam giới. Các đối tượng lừa đảo sẽ tạo ra một sự tương tác giữa nạn nhân và bọn chúng bằng cách sử dụng tài khoản nick ảo để gửi tin nhắn bằng phần mềm tự động qua mesenger của các nạn nhân nhằm mục đích "câu mồi".
Khi bị hại tương tác lại, đối tượng giới thiệu về các "dịch vụ vui vẻ" và hỏi yêu cầu của khách hàng về ngoại hình, độ tuổi. Sau đó, chúng sẽ hỏi vị trí của nạn nhân để tiện cho việc điều "hàng" gần đó đến phục vụ các "thượng đế".
"Các đối tượng gửi loạt ảnh các cô gái xinh tươi với lời quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn như giọng nói ngọt ngào, tận tụy như người yêu, kỹ năng điêu luyện... Nạn nhân gửi lại ảnh để chọn người, lập tức đối tượng yêu cầu mở thẻ VIP hẹn hò của câu lạc bộ để chống bom hàng. Chi phí thẻ là 150 nghìn đồng, hạn sử dụng của thẻ trong vòng một năm và có thể sử dụng dịch vụ ở 63 tỉnh, thành trong cả nước", Trung tá Hà Huy Đức nói.
Khi nạn nhân đồng ý làm thẻ VIP, các đối tượng sẽ cho vào nhóm câu lạc bộ thiên đường mỹ nhân. Đồng thời, cấp cho nạn nhân vào một đường link dành cho các thành viên chờ cấp thẻ nhằm thao túng tâm lý.
Trong nhóm này có các thành viên và trưởng nhóm (kẻ chim mồi) sẽ đưa ra các bình luận tốt về những "dịch vụ vui vẻ" này. Tiếp đến, bước cuối cùng để cấp thẻ VIP là nạn nhân phải bình chọn và đánh giá về cô gái đã chọn nhằm mục đích để câu lạc bộ chi trả mức lương hợp lý cho các cô gái.
Mỗi lần bình chọn, nạn nhân sẽ nhận được 20% hoa hồng. Sau khi click vào đường link do đối tượng gửi, nạn nhân sẽ được đưa vào trang Wed có các mục nộp tiền và rút tiền. Nếu nạn nhân nộp 100 nghìn đồng tham gia bình chọn sẽ được rút về 120 nghìn đồng, 500 nghìn được rút về 600 nghìn đồng, số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp về tài khoản.
Ở nhiệm vụ lần 2, nạn nhân bắt đầu tham gia với mức tiền bình chọn cao hơn và sẽ được chi trả hoa hồng trực tiếp và đầy đủ về tài khoản. Qua những lần bình chọn này, nạn nhân sẽ hoàn toàn tin tưởng các đối tượng lừa đảo. Ở nhiệm vụ lần 3, các đối tượng sẽ đưa ra mức tiền bình chọn cao hơn như mức 1 là 20 triệu và mức 2 là 40 triệu đồng. Đây là bước quyết định để nạn nhân nhận được thẻ VIP. "Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền lần 3 đối tượng sẽ nhắn là nạn nhân thao tác sai nên thẻ bị khóa, phải làm nhiệm vụ thứ 4 mới được cấp thẻ và hoàn số tiền ban đầu", Trung tá Đức nói rõ về thủ đoạn.
Ở nhiệm vụ thứ 4 này, các đối tượng sẽ cho nạn nhân vào nhóm 5 người đều làm nhiệm vụ sai nhưng thực chất cả 4 người kia đều là "chim mồi" của bọn lừa đảo. Hơn nữa, đối tượng sẽ đe dọa nếu các nạn nhân không tiếp tục làm nhiệm vụ, sẽ dọa tung nội dung nhắn tin nhạy cảm lên mạng xã hội, dọa gửi cho vợ... làm cho mọi người hoảng loạn phải tiếp tục vay tiền nạp cho chúng. Cứ như thế, bằng cách thao túng tâm lý của nạn nhân và tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.
Nhiệm vụ sau số tiền cũng sẽ cao hơn và yêu cầu là tất cả những người trong nhóm đều phải hoàn thành nhiệm vụ mới đạt yêu cầu. Với hình thức này, nhiều nạn nhân sẽ lần lượt bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm tài sản cơ quan công an khuyến cáo các tổ chức và người dân cần nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Khi phát hiện vụ việc nhanh chóng cung cấp thông tin cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/gai-to-cc-a42738.html