Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc đảm bảo an toàn thông tin đang ngày càng trở thành một nội dung quan trọng. Vậy, An toàn thông tin mạng là gì? Nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin mạng như thế nào? Mời bạn hãy cùng EBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
An toàn thông tin mạng là một khái niệm quan trọng trong thời đại số
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, An toàn thông tin mạng là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoạt trái phép, với mục đích đảm bảo tính nguyên vẹn, bảo mật và khả dụng của thông tin.
Bên cạnh đó, An toàn thông tin theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 64/2007/NĐ-CP bao gồm các hoạt động quản lý, nghiệp vụ và kỹ thuật với hệ thống thông tin nhằm mục đích bảo vệ, khôi phục các hệ thống, dịch vụ và nội dung thông tin với các nguy cơ tự của tự nhiên hoặc do con người gây ra.
Việc bảo vệ thông tin, tài sản và con người trong hệ thống thông tin giúp đảm bảo cho hệ thống thực hiện đúng chức năng, phục vụ đúng đối tượng một cách sẵn sàng, chính xác và tin cậy. An toàn, thông tin bao gồm các nội dung bảo vệ, bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu, an toàn máy tính và an toàn mạng. Trong đó “Mạng” là môi trường trong đó thông tin sẽ được truyền đi, thu thập và xử lý, lưu trữ, trao đổi thông qua mạng viễn thông và mạng máy tính.
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thực hiện các biện pháp như: phân loại và mã hóa thông tin, xây dựng quy định sử dụng và truy cập thông tin, bảo vệ hệ thống thông tin, ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Ngoài ra, cần tuân thủ các nguyên tắc và nghiêm cấm các hành vi vi phạm an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Điều 4 của Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 quy định về nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin mạng như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin mạng. Các hoạt động an toàn thông tin mạng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.
- Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của các tổ chức, cá nhân khác.
- Khi phát sinh sự cố an toàn thông tin mạng, việc xử lý sự cố phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không làm xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình, thông tin riêng của tổ chức.
- Các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhanh chóng và hiệu quả.
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao an toàn thông tin mạng
Để đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp của bạn, bạn có thể tham khảo một số giải pháp sau đây:
1) Bảo vệ thông tin về mặt vật lý: bạn nên lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy, điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, nguồn điện dự phòng, bảo trì thiết bị và sao lưu dữ liệu thường xuyên. Bạn cũng nên áp dụng các chính sách quản lý truy cập vật lý để chỉ những người được ủy quyền mới có thể vào các khu vực quan trọng như phòng máy chủ, hệ thống mạng, điện lưới.
2) Bảo vệ trước nguy cơ mất thông tin: bạn nên đào tạo cho nhân viên các kỹ thuật an toàn, cách nhận biết và phòng tránh các phần mềm độc hại. Bạn cũng nên xây dựng các chính sách để kiểm soát việc sử dụng các thiết bị lưu trữ bên ngoài, cài đặt các phần mềm riêng, tải về các tệp từ mạng. Bạn nên yêu cầu nhân viên quét virus cho các thiết bị và tệp trước khi sử dụng. Bạn cũng nên xây dựng chính sách giới hạn quyền để kiểm soát truy cập vào hệ thống.
3) Bảo vệ trước nguy cơ bị tấn công bởi phần mềm độc hại: bạn nên sử dụng các phần mềm diệt virus, chống spyware, malware, ransomware và cập nhật chúng thường xuyên. Bạn cũng nên sử dụng các công cụ quét lỗ hổng bảo mật và khắc phục chúng kịp thời.
4) Bảo vệ trong trường hợp tấn công lỗ hổng bảo mật: bạn nên mã hóa dữ liệu để giảm các cuộc tấn công mạng. Bạn có thể sử dụng các phương pháp mã hóa khác nhau như mã hóa đĩa cứng, mã hóa tệp, mã hóa email, mã hóa kết nối mạng. Bạn cũng nên sử dụng các giao thức bảo mật như HTTPS, SSL, TLS khi truyền tải dữ liệu qua mạng.
5) Bảo vệ thông tin trước nguy cơ tấn công bằng cách phá mật khẩu: bạn nên sử dụng mật khẩu mạnh, bảo mật 2 lớp và thay đổi mật khẩu thường xuyên. Một mật khẩu mạnh là một chuỗi ký tự gồm chữ cái hoa, chữ cái thường, số và ký tự đặc biệt. Bạn không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau. Bạn cũng nên sử dụng các ứng dụng quản lý mật khẩu để lưu trữ và sinh ra các mật khẩu an toàn.
6) Bảo vệ thông tin trước nguy cơ tấn công qua Email: bạn nên cẩn thận khi nhận và gửi email. Bạn không nên mở các email có nguồn gốc không rõ ràng hoặc có tiêu đề, nội dung khả nghi. Bạn không nên nhấp vào các liên kết hoặc tải về các tệp đính kèm trong các email này. Bạn cũng nên kiểm tra địa chỉ email của người gửi và xác minh tính xác thực của email trước khi trả lời hoặc chuyển tiếp.
7) Bảo vệ trước nguy cơ mất an toàn thông tin trong quá trình lưu thông và truyền tin: bạn nên chia nhỏ mạng nội bộ thành các mạng con để giảm thiểu rủi ro khi có sự cố xảy ra. Bạn cũng nên sử dụng tường lửa (firewall) để kiểm soát lưu lượng truy cập vào và ra khỏi mạng. Bạn nên hạn chế sử dụng các mạng Wi-Fi công cộng hoặc không bảo mật. Nếu phải sử dụng, bạn nên sử dụng các ứng dụng VPN để mã hóa kết nối.
8) Sử dụng các giải pháp bảo mật thông tin từ công ty chuyên nghiệp: bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các công ty cung cấp các giải pháp bảo mật thông tin chuyên nghiệp. Các công ty này có thể giúp bạn đánh giá, thiết kế, triển khai và quản lý các hệ thống bảo mật cho doanh nghiệp của bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm về tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC về an toàn thông tin mà EBH đang vận hành cho Doanh nghiệp tại đây.
Những biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng
Theo quy định tại Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, để bảo đảm an toàn thông tin mạng Luật nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Các hành vi ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập để gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép, làm sai lệch thông tin trái pháp luật.
- Hành vi gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin, hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người dùng.
- Hành vi tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật, làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin, tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.
- Hành vi phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.
- Hành vi thu nhập, sử dụng, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, lợi dụng sơ hở, lỗ hổng trong hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
- Hành vi xâm nhập trái phép mật mã, thông tin bảo mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tiết lộ thông tin về sản phẩm, mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm, sử dụng và kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.
An toàn thông tin mạng không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là nhu cầu và lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Dưới đây là một số giải pháp phòng chống vi phạm Pháp luật trên không gian mạng gồm:
1) Giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích và nguy hại từ không gian mạng. Lãnh thổ không gian mạng là một bộ phận hợp thành lãnh thổ quốc gia, xác định biên giới mạng và thực thi chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
2) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng. Trong đó, có các hình thức giao dục phong phú cần kết hợp linh hoạt với nhau như: phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan địa phương về chuyên đề, phổ biến pháp luật, an toàn an ninh mạng, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin, góp ý xây dựng chương trình giáo dục an toàn thông tin mạng của các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, tham gia biên soạn các tài liệu liên quan đến an toàn thông tin.
3) Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ để nhận diện nhanh chóng âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng.
4) Nhận diện hoạt động tấn công trên không gian mạng rất đa dạng và ngày càng tinh vi: đánh sập website của trang thông tin chính phủ, cơ quan doanh nghiệp của nhà nước, trường học,... giả mạo website lừa đảo, truy cập trái phép vào máy tính cá nhân nhằm đánh cắp thông tin tài khoản và mật khẩu, hình ảnh, video, file…; tấn công bằng mã độc…
5) Nâng cao ý thức tự phòng tránh, tự vệ và sử dụng biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả nếu có.
6) Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân với việc bảo vệ không gian mạng quốc gia. Ngoài ra, cần tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng, cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng.
7) Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Cơ quan chuyên trách an ninh mạng, các lãnh đạo địa phương, cơ quan ban ngành, nhà trường trong việc giáo dục nâng cao ý thức của mỗi công dân.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến vấn đề an ninh mạng và các biện pháp giúp bảo vệ an toàn thông tin mạng. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng những giải pháp trên sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp của bạn. Nếu bạn có thắc mắc gì khác, hãy liên hệ với EBH. EBH luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Nguyệt Nga - EBH
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/an-toan-thong-tin-mang-la-gi-a43121.html