Sinh viên khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trong lễ khai giảng năm nay
LÝ NGUYÊN
Chiều 17.12, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm đào tạo ngành báo chí và 15 năm thành lập khoa báo chí và truyền thông.
Năm 1991, ban chủ nhiệm khoa ngữ văn do giáo sư Nguyễn Lộc làm Trưởng khoa đã giao cho tiến sĩ Huỳnh Như Phương cùng các cộng sự xây dựng đề án đào tạo ngành báo chí. Hơn một năm sau, bộ môn báo chí trực thuộc khoa ngữ văn ra đời.
Lễ khai giảng lớp báo chí hệ mở rộng đầu tiên và duy nhất được tổ chức vào năm 1992, với 289 sinh viên. Đến năm 2007, ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành quyết định thành lập khoa báo chí và truyền thông. Kể từ ngày bắt đầu nhận lĩnh trách nhiệm đào tạo chuyên ngành báo chí bậc ĐH đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 2.000 cử nhân chuyên ngành báo chí.
Trong 15 năm kể từ lúc thành lập đến nay, bên cạnh các hệ đào tạo sẵn có, khoa báo chí và truyền thông còn phát triển thêm các hệ: báo chí chính quy chất lượng cao, báo chí 2+2 liên kết với ĐH Deakin (Úc), truyền thông đa phương tiện, cao học báo chí học.
Đáng chú ý là vào năm 2015, khoa báo chí và truyền thông đạt chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA. Khoa cũng là đơn vị đầu tiên trong nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO của Mỹ.
GS-TS Huỳnh Như Phương là một trong những người xây dựng đề án đào tạo ngành báo chí tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
NGỌC LONG
Từ những khóa tuyển sinh chính quy đầu tiên cho đến nay, tiến sĩ Triệu Thanh Lê, Trưởng khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết báo chí luôn là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao. Sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí tìm được việc làm nhanh chóng sau khi ra trường và được các cơ quan tuyển dụng đánh giá tốt về năng lực làm việc, theo bà Lê.
Lý giải về những thành tựu đạt được trong công tác đào tạo trong 30 năm qua, tiến sĩ Triệu Thanh Lê cho rằng có nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, tiến sĩ Lê lưu ý: "Yếu tố đầu tiên đó là bối cảnh xã hội tạo ra những thuận lợi trong công tác đào tạo. Nhu cầu của xã hội đối với nghề báo và truyền thông luôn cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng là khoảng trên 90%. Vì vậy số lượng hồ sơ nộp thi vào ngành báo chí rất nhiều, thường cao gấp 10 so với khả năng tiếp nhận, thậm chí có năm cao gấp 20 lần”.
Từ đó, tiến sĩ Lê nhìn nhận: “Nhu cầu học cũng như là nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động đã khiến cho ngành báo chí có nguồn tuyển sinh rất tốt”.
Phát biểu tại buổi lễ, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ trong suốt 30 năm qua, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí của trường và điểm trúng tuyển luôn nằm trong tốp đầu so với các chương trình đào tạo khoa học xã hội và nhân văn khác.
Theo tiến sĩ Hạ, chi tiết đó cho thấy một số điều. Thứ nhất, nghề báo là nghề có thiên chức, có đạo đức nghề nghiệp. Những đặc thù công việc trong nỗ lực khám phá, truy tầm, xác minh, kiểm chứng và chuyển tải các sự thật quan trọng, có ý nghĩa đến đông đảo công chúng của nghề báo luôn có sức cuốn hút đặc biệt đối với xã hội, nhất là với giới trẻ - vốn dĩ là những người bản chất có nhiệt huyết dấn thân, khát khao cống hiến và thích phiêu lưu.
“Đặc thù công việc của nghề báo luôn đề cao cái mới và sự sáng tạo. Môi trường làm việc luôn là một trải nghiệm mới mẻ bởi không đóng khung cố định trong không gian, thời gian, và nhờ vậy, luôn hấp dẫn giới trẻ”, tiến sĩ Hạ nói.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ trong buổi lễ
HÀ ÁNH
Thứ hai, theo tiến sĩ Hạ, báo chí và truyền thông đại chúng là một định chế phổ biến và là một ngành công nghiệp quan trọng của xã hội hiện đại, với phổ nghề nghiệp rộng và vị trí công việc hết sức đa dạng. Trong đó, những hiểu biết và năng lực thực hành có được từ chương trình đào tạo ngành báo chí có thể giúp người học dễ dàng tìm thấy cơ hội và thích ứng nhanh chóng trong thị trường lao động vốn dĩ hết sức phong phú, đa dạng của ngành truyền thông. Do đó, những người trẻ, với tính nhạy bén thông tin của mình, đã chủ động tìm đến những ngành học phù hợp sở thích và giúp nâng cao cơ hội cạnh tranh như báo chí là điều tất yếu có thể hiểu được.
Phó hiệu trưởng Phạm Tấn Hạ nhấn mạnh điều thứ ba: “Số lượng đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí luôn đông đảo kéo theo điểm chuẩn luôn nằm trong tốp đầu các ngành tuyển sinh cho thấy một sự tin tưởng của các thí sinh và cộng đồng xã hội vào uy tín và năng lực đào tạo nhân lực ngành báo chí truyền thông của khoa và nhà trường, tin tưởng vào chất lượng chương trình đào tạo được xây dựng và vun đắp từ tâm huyết của đội ngũ sư phạm và các chuyên gia hàng đầu ngành báo chí truyền thông của khoa và nhà trường trong 30 năm qua”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, sự phát triển của ngành đào tạo này cũng có những thách thức của thời đại. Trong đó, thách thức cơ bản nhất chính là những biến đổi vô tận, gần như mỗi ngày, trong lĩnh vực công nghệ truyền thông. Các nghiên cứu đã chỉ ra bối cảnh chuyển đổi số đang tạo ra hẳn hệ sinh thái truyền thông mới với rất nhiều cách chuyển tải thông tin mới. Những người làm báo đang đứng trước cả cơ hội để học hỏi, thử nghiệm, phát triển những năng lực mới mẻ lẫn những thách thức để tìm ra một phong cách tác nghiệp, một lối tường thuật tin tức mới chinh phục những công chúng mới.
“Song tôi tin rằng, hình thức thì có thể thay đổi song bản chất thì không, đặc biệt là với ngành báo chí. Trong hệ sinh thái truyền thông mới này, duy trì và đảm bảo một nền báo chí chuyên nghiệp vẫn hết sức cần thiết. Đào tạo nguồn nhân lực thích ứng hiệu quả môi trường làm báo thời chuyển đổi số và đảm bảo những giá trị cốt lõi của nghề báo vẫn sẽ là những yêu cầu quan trọng mà khoa báo chí và truyền thông cần phải thực hiện”, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nói thêm.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/khoa-bao-chi-va-truyen-thong-a43382.html