Điểm số là kết quả đánh giá cả quá trình học tập của các bạn, nhưng nó thực sự không phải là con đường đưa bạn đến thành công. Một bảng điểm cao chưa chắc tỉ lệ thuận với kỹ năng giỏi trên thực tế. Và một vài điểm số thấp cũng không hẳn là kém cỏi, bỏ đi. Quan trọng là năng lực của bạn đến đâu. Vậy điểm số có quan trọng hay không?
Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới hiện nay, trong quan niệm về giáo dục truyền thống, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên bằng điểm số là một cách thức phổ biến nhất, được áp dụng ở tất cả các cấp bậc học.
Ở Việt Nam, điểm số phản ánh rõ ràng kết quả học tập của những học sinh, sinh viên ở một thời điểm nhất định như giữa kỳ, cuối kỳ hay kết thúc một môn học, một học phần, một chuyên ngành… Và các trường học sẽ sử dụng điểm số để đánh giá thực lực hay năng lực, trình độ và đem kết quả xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, kém.
Điểm hình như trong kỳ thi quốc gia, điểm số quyết định sự thành bại của một học sinh khi dự tuyển vào trường Đại học, Cao đẳng… Khi các bạn trẻ mong muốn được du học nước ngoài, một bảng điểm đẹp sẽ giúp bạn trong hàng ngàn hồ sơ du học vào các trường top đầu.
Vì vậy, trong tâm lý của các bạn học sinh và đặc biệt là phụ huynh, điểm số ở đây chính là “thước đo” năng lực chính yếu. Đây là chỉ số rất là rõ ràng để đánh giá được năng lực, khả năng thành công của một người ở trong tương lai và tạo nên sự khác biệt về trình độ giữa học sinh này và học sinh khác.
Không ai có thể phủ nhận vai trò của điểm số trong việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế đã và đang phản ánh rằng một học sinh đạt điểm cao không có nghĩa bạn trẻ đó đã biết vận dụng linh hoạt kiến thức để giải quyết tình huống thực tiễn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, sở hữu bảng điểm xuất sắc nhưng khả năng ứng dụng trong công việc lại bằng không. Trong khi đâu đó, những sinh viên được bằng khá thì lại được đánh giá cao về khả năng, kỹ năng thực thi, tìm giải pháp hiệu quả cho vấn đề…
Thay vì đề cao điểm số, kỷ nguyên 4.0 hiện đại ngày nay lại đề cao khả năng thực hành ứng dụng ngoài thực tiễn, vượt ra khỏi khuôn khổ lý thuyết khô cứng. Các kỹ năng mềm rất rất quan trọng ( tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, kỹ năng tự học,hợp tác, giao tiếp, khả năng học tập suốt đời…) và trí tuệ cảm xúc (EQ). Đây mới chính những yếu tố kỹ năng quan trọng và bền vững, tạo nền tảng để đạt được thành công ở trong tương lai đầy bất định này.
Khi đi làm, bạn hoàn thành dự án cũng có bao giờ được xếp cho điểm đâu, nhưng người ta vẫn đánh giá được năng lực của mình đấy thôi! Chủ yếu chính là năng lực, kỹ năng của bản thân mình.
Điểm số ở đây không phải hoàn toàn vô dụng, nhưng nó phải áp dụng đúng lúc và đúng chỗ. Vì thực tế ta thấy được rằng, điểm kém không có nghĩa là phải do kém cỏi, mà chỉ là chưa hoàn hảo ở 1 lĩnh vực nào đó. Chưa hoàn hảo thì chắc chắn vẫn có thể thành công. Vấn đề đặt ra ở đây là bạn đã cố gắng hết sức để làm chưa, nên không có gì phải hối tiếc hay chán nản vì kết quả mà bản thân đã nỗ lực đạt được. Bạn luôn có cơ hội để hoàn thiện bản thân miễn là bạn vẫn còn niềm tin vào bản thân mình.
Người thực hiện: Đỗ Thị Hoàng Vân
Nguồn tin: hcct.edu.vn
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/diem-so-khong-phai-la-tat-ca-a44041.html