Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật phản ánh cuộc sống thông qua hành động của các nhân vật được diễn viên thể hiện trực tiếp trên sàn diễn, trước sự chứng kiến của đông đảo người xem. Tuỳ thuộc vào các phương tiện biểu diễn khác nhau (nói, hát, múa...), nghệ thuật sân khấu được chia thành nhiều hình thức: kịch nói, kịch hát, kịch múa, kịch câm,.v.v.
Hiện nay, các sân khấu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức. Ngoài tác động của những yếu tố khách quan khiến cho sân khấu vắng khách, hiện nay, sân khấu đang trong tình trạng thiếu kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên giỏi, thiếu kinh phí… Với hàng chục đơn vị nghệ thuật sân khấu, nhưng đội ngũ tác giả quá ít, nên tìm được kịch bản hay rất khó khăn. Hằng năm, mỗi đơn vị dàn dựng từ 1-2 vở mới, không ít vở sau khi tổng duyệt đã lập tức chết yểu, song nhiều đơn vị vẫn phải dựng hoàn thành kế hoạch. Xa rời những câu chuyện thời sự, những đề tài hiện đại, những vấn đề đang diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày, nhiều vở diễn cũng mất đi sức hút với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ không dành nhiều sự quan tâm với bộ môn nghệ thuật này.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo điều kiện cho khán giả có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn hình thức giải trí, điều này cũng có nghĩa là ngày nay, chất lượng nghệ thuật luôn phải đặt lên hàng đầu, các đơn vị phải có cách tiếp cận mới, có sự cách tân để hướng tới thế hệ trẻ.
Nhận ra được thực trạng nghệ thuật sân khấu ngày càng nhận được ít sự quan tâm, hiểu biết của các bạn trẻ, một nhóm học sinh đến từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã quyết tâm thành lập dự án Trường Ca Kịch Viện lan tỏa sự quan tâm và niềm yêu mến đối với cái đẹp, cái hay của nghệ thuật truyền thống. Trường Ca Kịch Viện bắt đầu khởi động từ năm 2020, dù đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát nhưng nhóm đã tìm mọi cách để vận hành và tiếp cận đông đảo người trẻ cùng yêu thích sân khấu. Những bạn trẻ này đã ứng dụng sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật trong thời đại số vào việc bảo tồn, lưu giữ và tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể thấy, thế hệ trẻ đã và đang từng bước đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu, chính tầng lớp này sẽ là người lưu giữ và lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật truyền thống trong nước và quốc tế. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nghệ thuật sân khấu cũng đã và đang khẳng định mình là một trong những môn nghệ thuật giải trí mang đậm truyền thống, bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Các trang fanpage được sử dụng như một kênh thông tin chính thức của các đoàn nghệ thuật với các nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả. Phương pháp này đang chứng minh nhiều ưu điểm vượt trội so với các website truyền thống, và trước mắt đã mang lại hiệu quả tích cực về doanh thu.
Để tồn tại, nghệ thuật sân khấu Việt Nam buộc phải vươn lên, khẳng định mình bằng chất lượng nghệ thuật mang tầm khu vực và quốc tế. Mỗi tác phẩm sân khấu cần được quan tâm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, cần hướng đến những giá trị hiện thực xã hội và cần “trẻ hóa” kịch bản để thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên.
Vì vậy, các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên cần nỗ lực trở mình hơn nữa để đem đến làn gió mới, vừa không làm mai một các giá trị truyền thống, vừa đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt. Thường xuyên bám sát đời sống và nhu cầu của khán giả trẻ để kịp thời có những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống đương đại./.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/nghe-thuat-san-khau-a44102.html