Tháng cô hồn là cách gọi dân gian chỉ tháng 7 Âm lịch hằng năm, được quan niệm là khoảng thời gian trong năm mà các vong hồn được phép trở lại trần gian.
Với người theo đạo Phật, tháng 7 âm lịch cũng được biết đến là tháng Vu lan - ngày lễ báo hiếu, nhấn mạnh lòng hiếu thảo và tưởng nhớ đến công ơn của cha mẹ, tổ tiên.
Trong năm 2024, tháng cô hồn kéo dài từ ngày 4/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 2/9 (tức 30/7 Âm lịch).
Được biết đến như khoảng thời gian "mở cửa âm phủ', tháng cô hồn mang nhiều nghi thức và tập tục để tưởng nhớ những người thân đã khuất, cầu siêu cho linh hồn họ, thể hiện lòng từ bi với những linh hồn không nơi nương tựa, cầu mong họ được yên bình ở thế giới bên kia, đồng thời cầu cho gia đình được bình an.
Chọn ngày, giờ cúng Rằm tháng 7
Cúng Rằm tháng 7 có thể chia làm ba loại: cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn). Mỗi loại cúng có những ngày giờ và cách thức khác nhau.
Cúng thần linh: cúng Phật, Bồ tát, các vị Thánh Thần trong Phật giáo và các đạo khác. Cúng thần linh có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, nhưng thường được chọn vào ngày rằm (15/7 âm lịch). Giờ cúng thường là vào buổi sáng hoặc trưa 10-12h.
Cúng gia tiên: cúng tổ tiên, cha mẹ và các bậc sinh thành của mình. Cúng gia tiên nên được làm vào ngày 13/7 âm lịch, nên được thực hiện vào ban ngày 10-12h.
Cúng xá tội vong nhân (cúng chúng sinh, cô hồn): cúng cho những vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng.
Cúng chúng sinh nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Lý do là vì các cô hồn thường sợ ánh sáng, bắt đầu cúng khi tắt nắng thì họ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng.
Lưu ý, khi cúng chúng sinh vào Rằm tháng 7, phải đặt mâm cỗ ở ngoài sân, ngoài đường, tuyệt đối không đặt ở bậu cửa.
Dù chọn giờ nào thì việc cúng chúng sinh phải được thực hiện trước 12h ngày 15/7 Âm lịch vì sau thời gian đó cửa địa ngục đóng lại. Do đó, cúng chúng sinh Rằm tháng 7 vào ngày nào hoàn toàn phụ thuộc vào từng gia đình, miễn là trước thời gian trên là được.
Lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng
Tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương mà mâm cúng có chuẩn bị các lễ vật khác nhau.
Tuy nhiên, mâm cúng thường bao gồm các món ăn truyền thống, trái cây và các vật dụng như giấy tiền, vàng mã.
Mâm cúng Phật: Đối với những gia đình theo đạo Phật, rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ.
Vào ngày lễ Vu Lan, các gia đình chỉ cần sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Mâm cúng thần linh và gia tiên: thường là mâm cỗ mặn có đủ các món như: xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho…
Mâm cúng cô hồn ngoài trời: Muối, gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hoa quả (5 loại 5 mầu);
Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, bánh, kẹo... 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ...
Món cháo loãng không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn. Dân gian tin rằng, món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp, không thể nuốt được thức ăn thông thường.
Kết thúc lễ, gạo, muối được vãi ra sân, đường...
Trên đây là cách thức nghi lễ dân gian, chúng ta tìm hiểu để biết phong tục xưa. Ngày nay sự thay đổi nếp sống, sinh hoạt theo nhịp sống đô thị, việc cúng lễ tháng 7 âm lịch nhiều gia đình cũng không còn quá cầu kỳ, có thể chỉ thắp hương, hoa quả, chút lễ mặn như bao rằm thông thường khác.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/thoi-gian-cung-ram-thang-7-a46178.html