Sửng sốt kho báu chôn giữa đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Sửng sốt kho báu chôn giữa đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có hàng nghìn binh sĩ đất nung canh gác. Ảnh: Xinhua

Quan tài đầy báu vật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng nặng 16 tấn. Các nhà khảo cổ Trung Quốc đang phân tích để xác định xem liệu đây có phải là nơi an nghỉ cuối cùng của Công tử Cao - con trai hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.

Mộ cổ chứa kho báu nằm trong khuôn viên lăng mộ của Tần Thủy Hoàng cùng với 8 ngôi mộ khác được phát hiện trong năm 2011. Mộ cổ này cũng được hàng nghìn binh sĩ của đội quân đất nung canh gác.

Thông thường, việc khai quật không được triển khai ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ Trung Quốc bắt đầu khai quật sau khi thấy ngôi mộ ngày càng có nguy cơ bị hư hại do mưa.

Chiếc quan tài và những báu vật bên trong dường như chưa bị những kẻ trộm mộ cướp phá. Thay vào đó, các cổ vật bên trong bị thời gian hủy hoại đáng kể.

The Times thông tin, nhiều cổ vật cũng được khai quật bên trong mộ cổ này, gồm áo giáp và vũ khí, cũng như 6.000 đồng xu và ngọc bích.

Cuộc khai quật khảo cổ còn tìm thấy một cặp lạc đà bằng vàng và bạc cùng nhiều đồ dùng và đồ sành sứ để sử dụng ở thế giới bên kia.

Các chuyên gia nhận định, cách chôn cất xa hoa trong mộ cổ cho thấy chủ nhân là một chiến binh nổi bật.

Các binh sĩ đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Xinhua

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, con trai út của ông là Hồ Hợi lên ngôi. Sau khi hầu hết các anh chị em bị sát hại, anh trai của Hồ Hợi, Công tử Cao đã cân nhắc xem có nên chạy trốn khỏi cuộc đổ máu hay không. Tuy nhiên, Công tử Cao nhận ra rằng, nếu bản thân trốn chạy, gia đình ông sẽ bị săn lùng. Cuối cùng, khi đối mặt với Hồ Hợi, Công tử Cao bị ban chết và an nghỉ trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

Chia sẻ với Telegraph, Hui Ming Tak Ted - nhà sử học về triều đại nhà Tần, phó giáo sư của Đại học Oxford - cho biết, cuộc khai quật mộ cổ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng mang đến cơ hội để xác thực những câu chuyện được kể trong truyền thuyết. “Lần đầu tiên sau 2.000 năm, chúng ta có cơ hội tìm hiểu xem những gì Tư Mã Thiên viết có đúng hay không” - ông nói.

Jiang Wenxiao - người đứng đầu cuộc khai quật mộ cổ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng - nói: "Sau khi vị hoàng đế đầu tiên qua đời, các con trai của ông ấy đều có kết cục tồi tệ. Do vậy, tôi vẫn nghiêng về khả năng ngôi mộ này thuộc về một nhà quý tộc hoặc tướng cấp cao".

"Mộ cổ này được xây dựng rất chính xác, rất sâu và có quy mô rất lớn. Hầu hết những ngôi mộ ở đây đều bị trộm mộ nên chúng tôi không có nhiều hy vọng vào cỗ quan tài. Nhưng điểm khiến chúng tôi bất ngờ là hóa ra ngôi mộ không hề bị trộm" - ông nói thêm.

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-a52013.html