Kỹ thuật trồng hoa ly lùn trong chậu

So với nhóm giống hoa ly cao trồng chậu thì nhóm hoa ly lùn có ưu điểm vận chuyển dễ dàng hơn do chậu cây nhỏ gọn và hoa có thể dùng để trang trí trên bàn hoặc ghép chậu to để sảnh trông rất đẹp mắt. Thậm chí đối với những người chơi có điều kiện thì có thể trồng ly lùn để trang trí khuôn viên trước cửa nhà hoặc các không gian khác trong ngày Tết.

Hoa ly lùn hiện có 2 nhóm chính:

+ Nhóm ly lai có hương thơm: Có thời gian sinh trưởng từ 85-95 ngày, chiều cao cây từ 40-50cm. Ví dụ như: giống ‘After Eight’, ‘Entertainer’.

Giống lily lùn ‘After Eight’ và ‘Entertainer’

+ Nhóm ly lai không có hương thơm: Có thời gian sinh trưởng từ 55-65 ngày, chiều cao cây từ 25-50cm. Ví dụ như: giống ‘Matrix’, ‘Golden Matrix’, ‘Orange Matrix’, ‘Tiny Ghost’, ‘Tiny Bearl’…

Từ trái sang phải: giống ‘Matrix’, ‘Golden Matrix’ và ‘Orange Matrix’

Hoa ly lùn dễ trồng, không yêu cầu điều kiện chăm sóc khắt khe. Tuy nhiên để có những chậu hoa ly đẹp chơi Tết thì người trồng cũng cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

1. Chọn giống

Đối với những người mới trồng thì nên chọn những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, cây khỏe, số nụ/cây nhiều, ít mẫn cảm với hiện tượng rụng nụ hoa và chu vi củ giống từ 12-14cm. Ví dụ: Giống Orange Matrix cỡ củ 12/14cm cho 6-9 nụ hoa/cây.

2. Chọn giá thể trồng phù hợp

Giá thể trồng hoa ly lùn thường là hỗn hợp của đất, phân hữu cơ (phân chuồng hoai hoặc phân trùn quế), trấu hun, xơ dừa (hoặc mùn cưa) với pH=5,5-6,5, EC<1,5. Tuyệt đối không dùng phân vô cơ hay phân chuồng chưa hoai mục để trộn làm giá thể. Có thể trộn giá thể theo tỷ lệ: 1/4 đất: 1/4 phân hữu cơ: 1/4 trấu hun: 1/4 xơ dừa (mùn cưa) hoặc đơn giản hơn là: 1/3 đất: 1/3 phân hữu cơ: 1/3 xơ dừa (mùn cưa).

3. Vị trí đặt chậu trồng hoa

Hoa ly lùn ưa ánh sáng tán xạ do vậy nếu trồng chơi thì nên đặt chậu hoa ở vị trí tránh ánh sáng trực xạ có thể là ban công, hiên nhà. Nếu trồng để sản xuất, kinh doanh thì nên trồng hoa ly lùn trong nhà lưới (có mái che nilon và lưới đen che giảm ánh sáng). Giai đoạn từ lúc trồng cho đến 15 ngày sau trồng, cây cần điều kiện tối để thúc đẩy quá trình nảy mầm nên cần che giảm 60% ánh sáng cho cây.

4. Kích thước chậu trồng

Hoa ly lùn yêu cầu dinh dưỡng đầy đủ, do vậy cần trồng số lượng cây phù hợp với kích thước của chậu. Việc trồng quá nhiều cây trong một chậu nhỏ sẽ khiến cho cây không hút đủ nước và chất dinh dưỡng dẫn đến bị rụng nụ hoa.

Thông thường, chậu có kích thước 14x16cm thì trồng 3 cây/chậu; kích thước chậu 18x23cm thì trồng 5 cây/chậu. Chậu trồng ly lùn có thể là chậu nhựa, bầu nilon hoặc chậu sứ nhưng cần phải có lỗ thoát nước bên dưới.

5. Kỹ thuật trồng

Cho giá thể vào 2/3 chiều cao chậu trồng. Đặt củ vào trong chậu sao cho mầm hướng thẳng lên trên, rồi cho nốt giá thể còn lại vào phủ kín mặt chậu. Trồng xong tiến hành tưới nước ngay để giữ ẩm cho củ.

Lưu ý: Củ ly lùn khi mua về nếu đã lên mầm dài ≥ 1cm thì có thể trồng ngay. Trong trường hợp củ chưa nhú mầm thì để củ ở chỗ mát, tưới ẩm cho củ lên mầm rồi mới đem trồng. Ngoài ra, giá thể cần được làm ẩm trước khi trồng. Nếu giá thể khô, khi tưới nước vào sẽ khó thấm hút xuống bên dưới làm củ bị khô nhanh và nảy mầm chậm.

6. Kỹ thuật tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh

- Tưới nước: Số lần tưới tùy thuộc vào độ ẩm giá thể và thời tiết trong ngày. Thông thường tưới nước 1 lần/ngày. Nếu trời hanh khô có thể tưới 2 lần/ngày. Khi thấy giá thể hơi se bề mặt thì phải tưới nước ngay. Không để quá khô rồi mới tưới, đặc biệt là vào giai đoạn ra nụ sẽ làm cây bị rụng nụ hoa.

Giai đoạn ra nụ hoa cần chú ý tưới nước, bón phân và chiếu sáng bổ sung cho cây

- Bón phân: Tương tự như với với các nhóm giống hoa ly cao trồng đất hoặc chậu.

Thời kỳ đầu bổ sung thêm đạm Ure, Supe lân pha cùng với NPK với lượng: 0,2 kg đạm Ure + 0,8 kg Supe lân + 1 kg NPK/200 lít nước. Thời kỳ cây ra nụ, ngừng tưới đạm Ure, bổ sung thêm Kai sunphat với lượng: 0,1 kg Kali sunphat + 0,7 kg Supe lân + 1,2 kg NPK/200 lít nước.

Trường hợp không có điều kiện bổ sung các loại phân trên thì có thể sử dụng 1 loại phân tổng hợp NPK Vinaf 16-16-16 hoặc Đầu Trâu 15-15-15, pha lượng 1kg/100 lít nước, tưới cho cây, định kỳ 7 ngày/lần trong suốt quá trình trồng cây.

Ngoài ra, cần phun bổ sung thêm các loại phân bón lá như: Vinaf 30-20-10+TE hoặc Đầu Trâu 501. Giai đoạn ra nụ cần phun bổ sung phân bón lá có chứa Bo (để chống rụng nụ) như Bortrat, Siêu Kali-Bo, Đầu Trâu 701…Phun sau mỗi đợt tưới phân 2-3 ngày.

Lưu ý: Cần hòa tan phân rồi mới tưới. Chỉ tưới vào gốc, không tưới lên thân lá và nụ hoa. Tưới hoặc phun phân bón lá vào buổi sáng, những ngày khô ráo.

- Phòng trừ sâu bệnh: Có 3 đối tượng chính gây hại là ốc sên, chuột và bệnh rụng nụ hoa. Ốc sên và chuột thường gây hại vào giai đoạn mới trồng. Chúng cắn củ và mầm củ, làm củ không mọc thành cây. Do đó cần đánh bẫy, bả chuột và ốc sên bằng các loại thuốc chuyên dụng trên thị trường như Racumin 0,75TP, Rat-Kill 2%DP, Passport 150gr…

Đối với bệnh rụng nụ hoa: Hiện tượng xảy ra khi nụ cây có chiều dài khoảng 1cm thì ở cuống nụ sẽ hình thành tầng rời, nụ chuyển sang màu trắng, teo lại và bị rụng. Đây là loại bệnh sinh lý bị gây ra bởi một số yếu tố như giống cây mẫn cảm, giá thể trồng quá khô hoặc quá ẩm, thiếu chất dinh dưỡng, ánh sáng yếu vào thời kỳ ra nụ. Vì vậy, để khắc phục hiện tượng này cần lưu ý chăm sóc cây tốt, đặc biệt là vào thời kỳ ra nụ cần giữ ẩm cho cây, phun bổ sung các loại phân bón lá có chứa Bo, thắp đèn chiếu sáng bổ sung cho cây vào những ngày trời âm u.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền

(Bài viết đã được đăng trên TCVNHS tháng 11/2019)

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/ly-lun-a56022.html