>>Tâm linh Việt
Ngày giỗ thường hay còn được gọi là "Cát Kỵ" - là ngày giỗ của người quá cố kể từ năm thứ ba trở đi. Ngày giỗ này của người quá cố sẽ được duy trì đến hết năm đời. Ngoài năm đời, người ta tin rằng vong linh người quá cố đã siêu thoát hay đã đi đầu thai trở lại nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa.
Nếu như giỗ Tiểu Tường và giỗ Đại Tường là lễ giỗ trong vòng tang, còn mang nặng những xót xa, tủi hận, bi ai thì ngày giỗ thường lại là ngày của con cháu nội ngoại sum họp tưởng nhớ người đã khuất. Đây là dịp để con cháu hai họ nội, ngoại tề tựu họp mặt đông đủ. Những dịp như thế cũng là dịp để mọi người trong gia đình, dòng họ gặp nhau thêm phần thăm viếng sức khỏe cộng đồng gia đình, dòng họ.
Phong tục cổ truyền của người Việt Nam luôn coi trọng ngày cúng giỗ Tổ Tiên. Ngày giỗ thường là ngày kỷ niệm người chết qua đời. Đây là điều quan trọng nhất trong việc phụng sự Tổ Tiên. Con cháu phải ghi nhớ ngày này để làm trọn bổn phận với người mất. Suốt từ lúc cáo giỗ cho đến hết ngày giỗ, bàn thờ lúc nào cũng có thắp hương.
Khách tới ăn giỗ có thể mang đồ lễ là vàng hương, trầu rượu, trà nến, hoa quả. Khi khách tới, con cháu phải đón đồ lễ đặt lên bàn thờ trước khi khách cúng giỗ. Khách lễ trước bàn thờ theo nghi thức bốn lạy ba vái. Gia chủ đứng đáp lễ. Lễ bàn thờ xong, khách quay vái người đáp lễ.
Sau khi bày cỗ bàn, thắp hương, gia chủ khăn áo chỉnh tề bước vào chiếu trải trước bàn thờ, chuẩn bị lễ. Gia chủ đứng thẳng, chắp hai tay giơ cao lên ngang trán, cong mình cúi xuống, đặt hai bàn tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống hai tay đang chắp (Thể thủ phục), cất đầu và mình thẳng lên, đồng thời co chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên.
Sau khi gia chủ, con cháu, bạn bè thân hữu, khách khứa khấn lễ xong. Đợi hết ba tuần hương thì gia chủ lễ tạ, hóa văn khấn, hóa vàng, rồi xin lộc hạ lễ. Cuối cùng gia chủ bày bàn, bày mâm cỗ mời họ tộc, khách khứa ăn giỗ, cùng ôn lại những kỷ niệm về người đã khuất và thăm hỏi lẫn nhau.
Theo truyền thống của người Việt Nam, việc cúng giỗ là điều rất tốt, nhưng nên được xem như là ngày tưởng niệm, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành.
Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ tại nhà, hoặc tại chùa chỉ với mục đích tưởng niệm, không thiết lễ cầu siêu dâng sớ và đốt vàng mã theo văn hoá Trung Hoa (vì tin chắc là ông bà hoặc đã lên các cõi Tịnh hay đã tái sanh làm người ngay từ lúc nhắm mắt lìa đời).
(Trích cuốn "Tìm hiểu văn hóa tâm linh của người Việt"
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/ngay-gio-goi-la-gi-a56943.html