Cùng Phượt - Tà Đùng là một hồ nước ngọt trên núi, nằm gọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng của tỉnh Đắk Nông. Với diện tích hơn 3000 ha cùng khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ giữa hồ, địa điểm này được ví như một Vịnh Hạ Long trên cạn của mảnh đất Tây Nguyên. Du lịch Tà Đùng trên thực tế chưa được tỉnh Đắk Nông đầu tư, phát triển một cách bài bản. Hầu hết các dịch vụ được cung cấp hiện nay như lưu trú, ăn uống, du lịch lòng hồ đều do người dân tự phát dưới sự hỗ trợ của địa phương. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản được du khách từ khắp mọi nơi đổ về đây để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ trên núi.
Tà Đùng là vùng đất có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn của 2 con sông lớn Serepok và sông Đồng Nai. Đây là nguồn cung nước chính cho sinh hoạt, sản xuất của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Vào năm 2011, với việc 2 nhà máy thuỷ điện trên sông Đồng Nai ngăn dòng, tích nước đã khiến một vùng đất rộng lớn của Tà Đùng ngập trong biển nước. Những ngọn đồi núi cao trước kia giờ phần lớn đã chìm sâu dưới hồ, phần đỉnh núi nổi lên giữa màu xanh của nước biến nơi đây thành một vùng đặc biệt với cảnh quan hùng vỹ và kỳ thú. Từ trên cao nhìn xuống, các hòn đảo lớn nhỏ trông không khác gì một Vịnh Hạ Long thu nhỏ.
Tà Đùng đang là điểm đến hấp dẫn của du lịch Đắk Nông (Ảnh - cungphuot.info)Hồ Tà Đùng thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, vốn trước đây là Lâm trường Đắk P’lao, sau chuyển thành Khu bảo tồn Thiên nhiên rồi tiếp tục được nâng lên thành Vườn Quốc gia. Địa điểm này cách Thành phố Gia Nghĩa khoảng hơn 40km, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Som của huyện Đắk G’long. Tổng diện tích của hồ vào khoảng hơn 3000 ha, độ sâu trung bình của lòng hồ trên 20m.
Tà Đùng cũng được xem là dãy núi lớn nhất tỉnh Đắk Nông với độ cao 1982m so với mực nước biển. Vườn Quốc gia Tà Đùng có diện tích hơn 23.000 ha với hệ động thực vật phong phú, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như báo hoa mai, vượn má hung, mang lớn, gà lôi….
Tà Đùng nằm ở vị trí mà vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Vùng đất này có khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt với mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 11, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm mát mẻ với khoảng nhiệt từ 21-22ºC.
Từ Hà Nội, nếu có ý định lái xe thẳng tới Tà Đùng thì chắc phải nằm trong kế hoạch lái xe xuyên Việt bởi quãng đường lên tới gần 1500 km. Nếu xuất phát từ Hà Nội, khoảng ngày thứ 8 hoặc 9 các bạn sẽ có mặt được ở Tà Đùng. Hãy tham khảo lịch trình tự lái Hà Nội Đà Nẵng rồi tiếp tục đi theo lịch trình tự lái Đà Nẵng Tây Nguyên các bạn sẽ có một chuyến đi tương đối ổn, với Tà Đùng nằm trên hành trình đó.
Đi từ trung tâm Sài Gòn, quãng đường sẽ ngắn hơn với khoảng cách chỉ chừng 250 km. Với khoảng cách này chỉ mất chừng 6 tiếng các bạn sẽ có mặt ở đây với 2 lựa chọn về đường đi
Nếu đi từ Sài Gòn, các bạn có thể bắt các tuyến xe giường nằm đi Đắk Nông, hầu hết điểm đến sẽ là thành phố Gia Nghĩa. Từ đây các bạn có thể thuê xe máy rồi chạy thẳng đến Tà Đùng. Cũng có một số nhà xe chạy qua Đắk Som, Quảng Khê rồi mới tới Gia Nghĩa nên những nhà xe này cũng đi qua khu vực hồ Tà Đùng, có điều thời gian đi qua đây thường là đêm muộn nên cũng không thuận tiện lắm.
Với những bạn không có nhiều thời gian rong ruổi chạy xe, và những bạn từ nơi xa đến thì phương án tối ưu nhất sẽ là sử dụng máy bay. Để tới được Tà Đùng, các bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 sân bay là Buôn Ma Thuột hoặc Đà Lạt (sân bay Liên Khương) với khoảng cách tương ứng khoảng 180 km và 120 km. Nếu chọn điểm đến là Buôn Ma Thuột khoảng cách di chuyển 180 km gần như chính xác, nếu chọn điểm đến là Đà Lạt thì khoảng cách 120 km được tính từ sân bay Liên Khương, di chuyển ngược về trung tâm Tp Đà Lạt rồi mới đi Tà Đùng thì khoảng cách cũng tương đương đi từ Buôn Ma Thuột.
Sau khi tới được 1 trong 2 thành phố trên, các bạn có thể lựa chọn thuê xe máy ở Đà Lạt rồi đi theo tuyến QL 20, tới Di Linh các bạn chuyển sang QL 28. Đoạn QL 28 đường không quá xấu nhưng cũng không phải là đẹp, đoạn giáp ranh địa phận Lâm Đồng và Đắk Nông các bạn có thể ngắm hồ từ xa. Đoạn đường này cũng hơi vắng vẻ, thưa dân nên các bạn tính toán đổ xăng cho phù hợp.
Phương án còn lại cũng tương tự, các bạn chọn thuê xe máy ở Buôn Ma Thuột rồi đi theo tuyến QL 14, điểm cuối của tuyến QL 14 này ở Tp Gia Nghĩa của Đắk Nông. Tới đây các bạn cứ bám theo QL 28 là sẽ tới được điểm cần đến.
Từ Thành phố Buôn Ma Thuột có chuyến xe của nhà xe An Khang 0915 868 779 khởi hành lúc 13h đi Đắk Som, các bạn nếu bay đến buổi sáng có thể sử dụng xe này để di chuyển thẳng tới Tà Đùng. Thời gian di chuyển chắc vào khoảng 4 tiếng.
Tương tự, nếu di chuyển từ Đà Lạt cũng có một số phương tiện công cộng đi ngang qua Tà Đùng. Các bạn có thể lựa chọn các tuyến xe đi Gia Nghĩa có đi ngang qua QL 28 (đoạn xã Đắk Som) thì gần như chắc chắn có thể xuống ở khu vực hồ Tà Đùng.
Nếu không có khả năng lái xe máy đường dài hoặc đi theo nhóm đông người, các bạn có thể lựa chọn thuê xe riêng (có lái) để làm phương tiện di chuyển. Các bạn cứ tính bình quân khoảng 10k/ 1km thì tính ra chi phí cho mỗi bạn cũng không quá cao (với nhóm bạn từ 4-5 người).
Phương án này chi phí sẽ thấp nhất nhưng sẽ mất tương đối thời gian di chuyển, nếu các bạn muốn tiết kiệm có thể lựa chọn theo cách này. Phương án này cũng chỉ sử dụng được nếu các bạn từ nơi khác lựa chọn sân bay đến là Buôn Ma Thuột.
Sau khi xuống sân bay Buôn Ma Thuột các bạn hỏi cách bắt tuyến xe buýt 24 từ Đắk Lắk đi Tp Gia Nghĩa của Đắk Nông, tiếp đến bắt tuyến xe buýt số 02 từ Gia Nghĩa đi xã Quảng Khê. Tới được xã Quảng Khê bắt tiếp xe ôm để tới Tà Đùng.
Trước đây, khi mà số lượng du khách biết đến Tà Đùng chưa nhiều, chỉ có một vài homestay ở Tà Đùng được xây dựng với số lượng phòng cũng rất hạn chế. Hiện nay, tuy đã có nhiều hơn nhưng nếu định đi vào các dịp lễ hay cuối tuần, các bạn cũng nhớ liên hệ đặt phòng sớm. Giá phòng ở đây cũng sẽ cao hơn một chút so với nhiều nơi khác.
Xem thêm bài viết: Homestay ở Tà Đùng (Cập nhật 10/2024)
Trong trường hợp không có phòng nghỉ hoặc muốn tiết kiệm chi phí, các bạn có thể mang theo lều để dựng ngủ. Ngủ lều sẽ phù hợp với đoàn đông, vừa vui mà cũng sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Gạo được cho vào ống lồ ô, tre, dùng nước ở con suối, vách đá chảy ra nấu thành cơm ngay tại rừng. Cách làm cơm này vô cùng đặc sắc vì gạo được nấu trong ống cây bịt kín, giữ nguyên mùi hương và không mất đi chất dinh dưỡng. Món cơm lam này được người Mạ sử dụng thường xuyên trong quá trình đi nương rẫy, đến Tà Đùng các bạn có thể thưởng thức cơm lam ở các homestay của người dân địa phương.
Với những vùng núi như Tà Đùng, lợn thường là giống lợn nhỏ (mà ngoài Bắc hay gọi là lợn cắp nách) được người dân địa phương nuôi thả tương đối tự nhiên. Thịt lợn sẽ rất thơm và ngọt, một con lợn thường chỉ khoảng hơn chục kg. Nếu đi theo nhóm đông các bạn có thể đặt người dân chế biến cả con, nếu đi ít người có thể gọi những phần ăn nhỏ hơn.
Những con gà chín vàng, thơm ngào ngạt quyện cùng lá chanh, ăn cùng với cơm lam thì quả là xuất sắc. Nếu không ở trong homestay mà tự cắm trại ngủ khi đến Tà Đùng, các bạn có thể mua gà ở chợ và tự nướng. Nhóm lửa nướng gà và quây quần thưởng thức quanh lều với bạn bè cũng khá vui.
Cá kìm có thể sống ở nhiều môi trường nước khác nhau như lợ, mặn và ngọt. Loài cá này khi sống ở môi trường khác nhau, sẽ có các điểm đặc trưng khác nhau. Loại cá này được gọi theo tên một loại dụng cụ, bởi hình dạng hàm dưới dài hơn hàm trên và giống như cái kìm sắc nhọn. Loại cá này còn có tên gọi khác là lìm kìm. Tuy nhiên, dù sống ở môi trường nào, chúng vẫn mang một chiếc kìm ở phần đầu mõm với chiều dài khoảng 3 - 5 cm. Thân cá được bao phủ bởi lớp da mỏng với lớp vảy tròn mỏng và mềm.
Tại hồ Tà Đùng, có một số hộ dựng nhà bè để ở, sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại cá. Riêng đối với cá kìm thì người dân chỉ thả lưới đánh bắt chứ không nuôi được. Cá kìm thường được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc và dễ thực hiện. Trong đó, món cá kìm khô thường được dân nhậu ưa thích bởi vị ngọt, bùi, béo khi chiên giòn, uống với bia rượu đều rất ngon.
Nếu có đầy đủ lều và các dụng cụ bổ trợ, các bạn không nên bỏ lỡ cơ hội dựng lều cắm trại ở một vùng đất đẹp như Tà Đùng. Tối nhóm lửa ăn BBQ, sáng ngủ dậy làm ly cà phê ngắm cảnh đẹp của hồ trong yên bình.
Các bạn yêu thích leo núi, trekking có thể lựa chọn các tuyến đi bộ trong Vườn Quốc gia hoặc khám phá đỉnh núi Tà Đùng. Với những hoạt động này, các bạn nên liên hệ với Bản quản lý Vườn Quốc gia hoặc bên kiểm lâm để được hướng dẫn chi tiết.
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, việc lênh đênh trên lòng hồ ngắm cảnh khá thích. Các bạn di chuyển đến bến thuyền Tà Đùng rồi thuê thuyền của người dân địa phương để tham gia hoạt động này, tuỳ vào thời gian chuyến đi cũng như số người mà giá thuê thuyền dao động trong khoảng 500-1000k.
Trong chuyến đi của mình, các bạn cứ chủ động mang theo đồ bơi bởi biết đâu nếu thời tiết đẹp và nóng các bạn có thể thoải mái tung tăng trong làn nước mát lạnh. Có thể là hồ bơi của nơi lưu trú (Tà Đùng Topview hiện có bể bơi), những dòng suối trên hành trình khám phá thác hay ngay trên lòng hồ Tà Đùng (cái này cần áo phao nhé).
Với đa số diện tích là rừng xanh đại ngàn và những hồ có diện tích lớn cùng hơn 36 đảo lớn nhỏ, vườn quốc gia có hệ động thực vật đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại với hơn 1000 loài động thực vật, nhiều loài có trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Nằm trong tuyến du lịch “Âm vang từ Trái đất”, thác đá Granite (điểm số 43) hay còn gọi là thác Trượt thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng ở xã Đắk Som. Từ quốc lộ 28 (ngay cạnh Cầu Đắk BLao, đường đi bến thuyền Tà Đùng) đi vào khoảng 1 km là tới chân thác. Do dòng thác chảy bao trùm lên những khối đá granite nên các nhà khoa học đặt tên là thác đá Granite.
Thác đá granite khá rộng với những tảng đá to xếp chồng lên nhau nhấp nhô, rải rác trên đỉnh thác và ở dưới chân thác. Hai bên dòng suối đầy ắp những cây lồ ô cao to, thẳng tắp, xếp hàng đan xen nhau như những tấm lưới khổng lồ xanh ngắt. Bên cạnh đó là những cây cổ thụ cao lớn, tán cây rộng như những cánh tay vươn dài ra ôm lấy cả dòng suối cùng với những chùm dây leo phủ xuống đung đưa trong gió khiến cho không gian vừa mát mẻ lại vừa nên thơ.
Từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào miền đất Tây Nguyên Đắk Nông từ năm 2000, đến nay hầu hết các gia đình đồng bào H’Mông ở Đắk Som đều đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả. Các phiên chợ người Mông nơi đây cũng chính là nơi để gìn giữ các nét đẹp, đặc trưng của văn hóa truyền thống góp phần giúp làng H’Mông ở Đắk Som tạo nên điểm nhấn trong nền văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông.
Cây đa bon B’ Srê B ở xã Đăk Som, huyện Đăk Glong đã hơn 200 tuổi, cao 30m, có chu vi gốc thân chính là 15m, tán rộng che phủ hơn hơn 1.000 m². Cây đa này từ lâu đã trở thành nơi diễn ra mọi sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, là biểu tượng đẹp về giá trị văn hóa tự nhiên và cũng là những nhân chứng lịch sử.
Thác Liêng Nung, còn gọi là thác Diệu Thanh, là thác nước trên dòng suối Đắk Ninh nằm ở buôn N’Jriêng, xã Đắk Nia, Thành phố Gia Nghĩa. Thác có độ cao khoảng 30m,thượng nguồn của thác là hồ Đắk Nia bắt nguồn từ sông Đắk Tit, nhánh của sông Đồng Nai đổ đến. Hồ Đắk Nia rộng chừng 12ha. Xung quanh thác là các buôn làng của đồng bào dân tộc M’nông và Mạ. Nếu tuyến đường của bạn qua Gia Nghĩa bạn có thể ghé thăm thác này.
Đây là homestay thuộc dạng đầu tiên và khá hoành tráng ở Tà Đùng. Ngoài dịch vụ lưu trú thì ở đây cũng bán vé cho khách vào tham quan chụp ảnh.
Đây là một vườn hoa với nhiều giống hoa được trồng kết hợp cùng một số tiểu cảnh đẹp, view thẳng hướng hồ Tà Đùng. Bạn nào thích chụp ảnh hoa hoét sặc sỡ thì ghé đây.
Ngày 1: Sài Gòn - Gia Nghĩa
Ngày này các bạn xuất phát thật sớm từ Sài Gòn, đi theo QL13 đến Đồng Xoài (Bình Phước), từ đây tiếp tục theo QL14 để tới Đắk Nông. Trên đường đi có thể dừng chân khám phá một số địa điểm nổi tiếng như Sóc Bom Bo, Bù Đăng.
Nếu đi từ sớm thì khoảng trưa các bạn có mặt ở Tp Gia Nghĩa. Về khách sạn nhận phòng, cất đồ rồi tiếp tục di chuyển đi theo QL 14 về phía Khu bảo tồn Nam Nung, rẽ vào khám phá Thác Lưu Ly, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên nằm giữa rừng.
Từ đây quay ngược lại Tp Gia Nghĩa nghỉ ngơi
Ngày 2: Gia Nghĩa - Tà Đùng
Sáng dậy sớm dạo quanh Tp Gia Nghĩa, thủ phủ của Đắk Nông, ăn sáng uống cafe xong thì khởi hành đi Thác Liêng Nung. Đây là một con thác rất đẹp giữa rừng cách trung tâm thành phố khoảng chục km.
Sau khi chơi ở thác xong, các bạn tiếp tục hành trình về phía Hồ Tà Đùng. Nếu đến vào đúng thời điểm nhận phòng thì về nơi lưu trú cất đồ, đặt trước đồ ăn cho bữa tối rồi đi chơi. Có thể ghé xuống bến thuyền đi một vòng trên hồ, khám phá thác Granite.
Tối quay lại homestay nghỉ ngơi, ăn uống.
Ngày 3: Tà Đùng - Bảo Lộc - Sài Gòn
Sáng dậy sớm ngắm cảnh Tà Đùng (tuỳ vị trí homestay các bạn sẽ có những view ngắm cảnh khác nhau). Ăn sáng uống cafe xong thì di chuyển theo QL 28 về thành phố Bảo Lộc.
Có thể khám phá một vài địa điểm ở Bảo Lộc (tuỳ thời gian rảnh của bạn) rồi sau đó theo QL 20 về lại Sài Gòn.
Lịch trình này bay đến Buôn Ma Thuột và bay về từ Đà Lạt. Nếu đi nhóm đông người thì các bạn cứ liên hệ taxi mà di chuyển cho thoải mái, đi ít người mà không tìm được xe di chuyển thì các bạn có thể đi và về tại 1 thành phố thôi (nên chọn Buôn Ma Thuột vì dễ tìm xe đi lại hơn)
Ngày 1: Hà Nội - Buôn Ma Thuột
Từ Hà Nội bắt các chuyến bay đi Buôn Ma Thuột, về trung tâm thành phố nghỉ ngơi. Nếu bay các chuyến bay chiều hoặc tối thì sau khi nhận phòng chỉ đi loanh quanh thôi, dành sức cho hôm sau nhé.
À, nhớ đặt phòng khách sạn ở Buôn Ma Thuột trước nhé.
Ngày 2: Buôn Ma Thuột - Buôn Đôn
Sáng dậy ăn sáng, cafe ở thành phố thủ phủ của vùng Tây Nguyên rồi bắt đầu hành trình khám phá Buôn Ma Thuột.
Đến Buôn Đôn tham quan du lịch quanh buôn, đi bộ trên mạng lưới cầu treo bắc qua sông Serepok, nhà sàn cổ người Lào, khu nhà mồ người Ê Đê, thăm mộ và nghe kể chuyện về vua săn voi.
Ăn trưa thưởng thức đặc sản Buôn Đôn như gà nướng, cá sông, cơm lam
Chiều quay lại Buôn Ma Thuột tham quan bảo tàng dân tộc Đắk Lắk, chùa Sắc Tứ Khải Đoan, bảo tàng cà phê Trung Nguyên, buôn Akô D’hông… và một số địa điểm du lịch khác ở Buôn Ma Thuột.
Tối vẫn ngủ ở Buôn Ma Thuột.
Ngày 3: Buôn Ma Thuột - Tà Đùng
Từ Buôn Ma Thuột, nếu muốn đi thẳng Tà Đùng các bạn có thể đi bằng xe khách. Nếu muốn kết hợp tham quan thêm một số điểm các bạn có thể thuê taxi.
Trên đường từ Buôn Ma Thuột sang Tà Đùng có một số điểm có thể dừng như cụm thác Dray Nur, Dray Sap ở đoạn giáp Đắk Lắk và Đắk Nông. Khu bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung, Thác Lưu Ly, Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên. Qua thành phố Gia Nghĩa có thác Liêng Nung rất đẹp, cuối cùng là chạy thẳng đến Tà Đùng nghỉ đêm.
Ngày 4: Tà Đùng - Đà Lạt
Từ Tà Đùng, có một vài tuyến xe khách đi Lâm Đồng ngang qua, các bạn có thể liên hệ tìm xe trước để sắp xếp thời gian của ngày 4 này.
Tối ngủ ở Thành phố Đà Lạt
Ngày 5++
Tuỳ thời gian muốn ở lại khám phá Đà Lạt bao lâu, kết thúc chuyến đi các bạn bay trở lại Hà Nội từ Đà Lạt luôn chứ không cần quay lại Buôn Ma Thuột nữa.
Tìm trên Google:
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/ta-dung-co-gi-choi-a58873.html