Khánh Linh, 23 tuổi, ở Hà Nội, trở thành thủ khoa ngành Đông Phương học sau bốn năm học ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và một năm học ở Đại học Tokyo (chương trình trao đổi sinh giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tokyo) với kết quả 3.83. Ngoài thạo tiếng Anh, Nhật, Pháp, Linh còn biết tiếng Trung vì từng giành giải ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung.
Linh chia sẻ để học ngoại ngữ không chán đầu tiên cần tìm được động lực, lý do học, sau đó thử nghiệm nhiều phương pháp để xem cái gì phù hợp với mình. Không cố định thời gian học mỗi ngày, Linh kết hợp học với chơi, thường đọc báo, sách, truyện, xem phim bằng ngôn ngữ mình đang học. Lúc làm việc nhà như rửa bát, Linh bật radio, nhạc tiếng Nhật hoặc tiếng Pháp để nghe coi như một công đôi việc nên hiếm khi có cảm giác đang học.
Trong giai đoạn tập trung vào một ngôn ngữ nào đó, Linh sẽ cố gắng "chìm đắm" trong ngôn ngữ ấy cả ngày bằng cách xem phim, nghe nhạc, bật radio, đọc sách truyện... và chuyển toàn bộ ứng dụng, thiết bị điện tử sang thứ tiếng đang học. Xác định muốn nói giỏi thì phải nghe tốt, muốn viết hay thì phải đọc nhiều, Linh thường ưu tiên hai kỹ năng nghe và đọc trước khi chuyển sang luyện nói, viết.
Phạm Khánh Linh thành thạo tiếng Anh, Pháp và Nhật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nữ thủ khoa cho rằng học ngoại ngữ cần gắn với văn hóa nước sở tại. Việc biết tất cả cấu trúc ngữ pháp hay từ vựng của một ngôn ngữ được liệt kê trong từ điển sẽ không đảm bảo người học có khả năng giao tiếp tự nhiên với người bản xứ nếu không hiểu biết về văn hóa của họ.
Ví dụ, người học tiếng Nhật phải hiểu về văn hóa phân chia cấp bậc của người Nhật thì mới có thể xác định được chính xác nên sử dụng thể thường, thể lịch sự, tôn kính ngữ hay khiêm nhường khi nói chuyện với người đối diện. Hoặc như trong tiếng Trung, khi gặp nhau người ta không phải lúc nào cũng nói câu "Xin chào" giống mình học trong sách giáo khoa, mà thay vào đó lại hỏi: "Đã ăn cơm chưa?" để thay lời chào.
Linh học từ vựng bằng cách đọc tài liệu về chủ đề mình quan tâm và phù hợp với trình độ, tức hiểu được khoảng 70-80% nếu không sử dụng từ điển, có thể là sách truyện, báo chí hay blog cá nhân. Linh chia làm hai bước, bước một tập trung vào "lượng", tức là đọc càng nhiều và càng liền mạch càng tốt, không ngắt quãng giữa chừng để tra cứu, mục tiêu là hiểu được nội dung chính của văn bản.
Bước hai Linh tập trung vào "chất", tức là đọc để hiểu nghĩa nên cần sử dụng từ điển để tra cứu. Ví dụ khi đọc một chương sách, Linh sẽ đọc lướt lần một để lấy ý chính, gặp từ mới thì đánh dấu rồi dựa vào bối cảnh để đoán nghĩa; sau đó quay lại đọc lần hai, tra từ điển để xác nhận lại nghĩa của từ mà mình đã đoán, ghi lại từ mới vào sổ kèm theo câu ví dụ, cách phát âm, lưu ý (nếu có)...
Cứ khoảng 3-5 ngày, Linh sẽ xem lại sổ ghi từ mới một lần và đánh dấu những từ mình đã quên để ôn tập lại trong 1-2 ngày (tùy thuộc vào số lượng từ), và tiếp tục phương pháp học "cuốn chiếu" kiểu vậy.
Linh cho rằng nếu đã học vững từ nền tảng thì việc ôn thi chứng chỉ sẽ không quá mệt nhọc. Điểm mấu chốt lúc này chỉ còn là luyện đề nhiều để làm quen với dạng bài, cấu trúc đề thi và áp lực về thời gian. Việc lên thời gian biểu ôn tập hàng ngày và theo sát là cần thiết.
Ngoài ra, khi làm phần nói, viết, thí sinh cần lên dàn ý, sử dụng nhiều từ nối liên kết giữa các ý, có ví dụ cụ thể, đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của đề thi về thời gian và độ dài của bài. Với phần trắc nghiệm nghe và đọc hiểu, Linh cũng sử dụng một số chiến lược như: đọc thật kỹ câu hỏi rồi đoán câu trả lời trước khi xem các đáp án cho sẵn; loại bỏ đáp án sai rõ ràng; trả lời câu dễ trước, và nếu kẹt ở câu nào quá lâu thì nên bỏ qua và quay lại làm sau để tiết kiệm thời gian.
Với bài đọc, trước hết Linh đọc lướt một lượt tiêu đề, câu chủ đề từng đoạn (thường nằm ở đầu hoặc cuối mỗi đoạn), đánh dấu từ khóa cùng các từ nối quan trọng như "tuy nhiên", "mặc dù... nhưng...", "bên cạnh đó", "ngoài ra"..., sau đó mới bắt đầu đọc câu hỏi và quay lại xem kỹ từng phần trong bài tương ứng với câu hỏi đề ra. Thí sinh nên dành ra khoảng 5-7 phút cuối giờ để kiểm tra lại bài.
Biết bốn thứ tiếng, sở hữu ba chứng chỉ ngoại ngữ, Linh chia sẻ chỉ bắt đầu học một ngoại ngữ mới sau khi thứ tiếng mình học trước đó đã vững (trình độ trung cấp trở lên). "Điều này đặc biệt quan trọng, chẳng hạn tiếng Trung và tiếng Nhật đều sử dụng chữ Hán, nếu không học vững hoặc học cả hai cái đồng thời từ con số 0, bạn rất dễ nhầm lẫn cách đọc, cách viết", Linh giải thích.
Linh thường đầu tư trung bình 2,5 đến 3 năm cho mỗi thứ tiếng trước khi học thêm một ngôn ngữ mới.
Hiện Linh làm biên dịch tư liệu cho thư viện Nguyễn Văn Hưởng, Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông. Cô gái Hà Nội dự định nộp hồ sơ du học về một ngành văn hóa, nghệ thuật.
Theo VNExpress
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/cach-hoc-ngoai-ngu-cua-thien-tai-a59431.html