Hình ảnh ông đồ trong bài thơ “Ông đồ” là một thành tựu vừa như đột xuất vừa là tất yếu của chất tâm hồn Vũ Đình Liên. Hình ảnh ông đồ mang tính đột xuất, vì vào năm 1936 ấy, thơ Việt Nam đang ồn ào trong cách tân hình thức và nồng nhiệt trong tình cảm yêu đương thì bài thơ “Ông đồ” lại rất bình đạm, cổ điển trong thể thơ năm chữ. “Ông đồ” giản dị trong lời thơ, lại nói một đề tài xưa cũ nhưng ai đọc một lần thì đọng lại cả đời nỗi ám ảnh, xót thương hình ảnh ông đồ.
Tên thật được lấy làm bút danh, sinh ngày 12-11-1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18-1-1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần thắng lợi cho phong trào Thơ mới bằng một bài thơ (chỉ một thôi) xuất sắc: Ông đồ, in lần đầu trên báo Tinh Hoa năm 1936. Trước và sau Ông đồ, ông có viết một số bài thơ khác, nhưng chất lượng không bằng Ông đồ. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”. Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên đã quá khiêm nhường, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau lòng của Vũ Đình Liên. Quả vậy, suốt năm sáu chục năm ấy, nói tới Vũ Đình Liên là người ta nhớ ngay đến Ông đồ và chỉ Ông đồ đã đủ tôn vinh một nhà thơ.
Từ kháng chiến chống Pháp cho đến khi tạ thế, Vũ Đình Liên dồn sức lực vào công việc sư phạm: viết giáo trình, dạy tiếng Pháp và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ Bô đơ le (Beaudelaire, nhà thơ Pháp),đến nỗi người ta gọi ông là Bô đờ Liên. Thỉnh thoảng có làm thơ, thơ như ghi chép chuyện đời, như thù tạc với bạn bè, không mang đăng báo. Vũ Đình Liên lúc sinh thời vẫn tới gặp gỡ bạn thơ ở Hội nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã là người thơ của quá khứ rồi. Hình như ông không đọc và không trao đổi gì về thơ đương đại. Buổi tang lễ Xuân Diệu ở trụ sở Ủy ban Liên hiệp Văn Nghệ 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, sau điếu văn trang trọng, khi bạn văn sắp sửa động quan đưa Xuân Diệu đi, bỗng nghe gào lên thóng thiết một tiếng gọi. Tiếng gọi như tiếng thét, như tiếng khóc, như tiếng kêu giời: Diệu ơi! Mọi người quay lại, ông già Vũ Đình Liên đầm đìa nước mắt, đứng bất động, u mê ở cuối phòng. Tôi là kẻ hậu sinh cảm như vừa nghe tiếng nấc tủi thân tử biệt sinh ly của cả một thời đại thi ca.
Vũ Đình Liên, ngay từ buổi đầu làm thơ, đã tự nhận là nhà thơ của những người lao khổ. Trên báo Phong Hoá, số ngày 18-8-1934, ông ao ước: “Tôi muốn hát những bài ca thảm thiết/ Như những tiếng kêu than của người đói rét: “Tôi muốn ru những trẻ con côi cút/ Không chốn nương thân, không người chăm chút/ Tôi muốn an ủi những người nghèo khổ/ Thiểu não bơ vơ, không họ hàng nhà cửa”.
Bốn mươi ba năm sau, 1977, khi ngoài đời đã bao nhiêu đổi thay: cách mạng thành công, nhà nước nhân dân thành lập, người lao động thành người làm chủ...Vũ Đình Liên vẫn nguyên vẹn lòng thương xót, nỗi chia xẻ tê tái với những người thất thiệt. Bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá là một ví dụ. Người đàn bà điên ấy xơ xác, rách rưới, bẩn thỉu, mọi người trên toa tầu xa lánh, chỉ có ông nhà thơ có cái nhìn xót thương: “Tôi với người điên ngồi không nói/ Dưới sàn trên ghế vẫn nhìn nhau”. Nhà thơ nhận ra giữa mình và người điên kia như được trời xếp đặt để cùng thương cảm: “Ai xui khiến và ai xếp đặt/ Một nhà thơ với một người điên”
Quả là lời thơ Vũ Đình Liên lúc này không diễn được hết ý ở lòng ông. Nhưng vấn đủ để ta nhận ra chất tâm hồn ấy. Thương người nghèo khổ không chỉ là việc trong thơ mà là cách sống của đời ông. Ông sống như thơ ông. Nhiều năm, cứ sáng mồng một tết, ông gói đôi bánh chưng ra bến tàu xe ăn tết cùng với những người thân tàn ma dại, tứ cố vô thân. Người nhà cho ông là trái nết, nhưng các bạn văn chương khâm phục ông. Ông ăn uống kham khổ, mặc áo vải thô, đi bộ...dành tiền tặng những người nghèo khó. Tiền thưởng danh hiệu Giáo viên nhân dân, ông san sẻ cho sinh viên nghèo. Một chiếc áo dạ con trai học ở nước ngoài vừa biếu, ông tặng ngay cho người bạn có con là liệt sỹ. Ông như người không có nhu cầu vật chất. Tiêu pha cho bản thân chả tốn kém bao nhiêu. Đến ốm đau ông cũng tự chữa, không phiền đến bệnh viện. Thậm chí ông xin không tăng lương liền hai mươi năm.
Có thời gian ông tá túc ở chùa Bộc, ngôi chùa gần gò Đống Đa, hồi ấy còn gần với quần thể lăng tẩm ấp Thái Hà. Ông dễ động lòng trắc ẩn với cảnh cũ người xưa. Ông là người bạn thầm lặng và có tình nhất với gia đình Vũ Trọng Phụng. Miệng thế sớm nắng chiều mưa, riêng ông, vẫn nguyên tấm lòng thương, tin, nể, phục tài năng và đức độ ông Phụng. Ông coi đứa con gái mồ côi của ông Phụng như con mình, còn thương hơn cả hai người con trai của ông, bởi khi ông Phụng mất (1939), chị Vũ Mỹ Hằng mới đầy tuổi tôi. Tôi không có ý định viết người tốt việc tốt về Vũ Đình Liên, nhưng muốn cùng các bạn khám phá vào cái cội nguồn làm ra những câu thơ thương cảm và bao giờ cũng thoáng chút ân hận mà bài thơ Ông đồ là một ví dụ. Vũ Đình Liên sống như muốn đền bù cho xung quanh. Ông giản lược đến tột cùng nhu cầu vật chất của mình cũng để xẻ chia cho người khác.
Với Vũ Đình Liên, thơ không chỉ là chữ trên giấy mà còn là chính cuộc đời ông. Nó tràn vào cách sống, cách xử thế của ông. Ngay sau ngày thống nhất đất nước, ông lặn lội vào tận Bến Tre, viếng mộ cụ Đồ Chiểu, mang một nắm đất ra Hà Nội chia tặng bạn văn thơ. Không biết đến nay ai còn giữ được? Ai kính phục? Ai mỉm cười? Những năm ấy, thế giới phương Tây còn cách bức vơi ta, người mê thơ Pháp ấy đã cố tìm một bạn văn đi Pháp để gửi một chai nước lấy tự sông Hồng Hà Nội, nhờ sang đổ vào sông Xen ở Paris. Không biết đã có ai giúp ông việc ấy? Ông sống thơ hơn các nhà thơ là ở chỗ này và ông khó hài lòng được với chính thơ ông cũng là từ chỗ ấy. Nhiều câu thơ trong bài “Ông đồ” như vận vào đời ông. Ông cũng ngơ ngác như lạc trong cuộc đời hiện đại. Ông yêu thơ đến mức không dám làm thơ. Ông nổi tiếng mà không có tập thơ riêng.
Ông đồ, ngưòi theo đòi nghiên bút không thành danh, phải xoay ra bán chữ nuôi thân: viết câu đối thuê trên vỉa hè Hà Nội vào những ngày năm hết tết đến. Lúc câu đối đắt hàng, người đời trầm trồ ông đồ tốt chữ, nghe cũng đã thảm, kẻ sỹ mà phải bán chữ đã là cực lắm. Ấy thế mà bài thơ lại dắt ta vào thời đạo Nho mạt vận, đến chữ đem bán mà không còn ai mua. Chưa thấy cảnh bán hàng nào thê thảm bằng cảnh ông đồ bán chữ không đắt: “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi bay”
Hiện thực trong thơ Vũ Đình Liên là hiện thực của nỗi lòng. Một nỗi lòng hoài cổ thấm thía, sâu thẳm, rất dễ tủi thân. Lúc ông đồ đắt hàng đâu có thấy gió mưa. Bây giờ hết thời: trời thì đầy mưa bụi, rồi gió thổi, lá bay. Lá vàng cuối đông rơi trên mặt giấy điều, rơi và nằm lại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối cũng bất động của ông đồ ngồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời, không những thấy ông đồ mà còn thấy cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ.
Tác giả có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là giấy mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ. Cách đối chiếu chi tiết ở đoạn này với đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta thấy nỗi thảng thốt xót xa của đổi thay sa sút. Hai câu hàm súc nhất của bài là hai câu kết: “Những ngưòi muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”?
Chúng ta đọc được ở đây số phận của ông đồ, đúng hơn số phận của một thời đại, và cả thái độ, tình cảm của lớp người tân thời khi chợt nhận ra những gì thuộc hồn xưa dân tộc mà ta đã chót thờ ơ, nay quay lại tìm thì không còn nữa. Mới có mấy năm (từ lúc ông đồ đắt hàng đến lúc ông ế hàng rồi biến mất) mà thời ông đồ đã thành xa lắc. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ ở câu dưới rất gợi bâng khuâng. Dư âm câu thơ như tiếng thở dài ân hận khôn nguôi.
Một ngày áp tết Bính Tý 1996, khi những cành đào Nhật Tân, hồi ấy Nhật Tân còn đông hoa đào, đang dần dần xuống phố. Và cũng đã lác đác những ông đồ phục chế, áo chùng khăn xếp, bày mực tàu giấy đỏ viết những chữ vuông Hán tự Phúc, Nhẫn, Lộc, Thọ và Nôm quốc ngữ Năm mới thắng lợi mới nơi nách tường Văn Miếu rêu phong và đầu dốc Bà Triệu nhìn sang sứ quán Pháp, thì Hội nhà văn VN cáo phó: Nhà thơ Vũ Đình Liên tạ thế. Con người đang sinh thời thì như đã khuất vào cổ tích. Vậy mà tin cụ ra đi lại làm giới văn chương thảng thốt. Gió sáng ngày cuối năm như lạnh hơn nhiều.
Tôi lặng lẽ qua căn nhà nhỏ phố Trần Nhân Tông, nơi đôi lần tôi đã vào thăm cụ.. Cụ thì vui, sôi nổi chuyện thơ, mà tôi, lần thăm nào về, cũng nghe trong lòng như có gì vừa tiễn biệt. Hôm ấy, tôi đứng lại nhìn mà không vào. Vào thì chuyện với ai. Những câu thơ Ông đồ như vận vào đời cụ. Nói như Hoài Thanh: Ông đồ, cái di tích tiều tụy của một thời tàn ấy, không còn nữa. Nhưng mỗi khi nhớ lại, những thế hệ sau mãi mãi vẫn bâng khuâng lưu luyến: Hồn ở đâu bây giờ?
Tôi chắc không chỉ riêng tôi, những ai yêu văn chương nước nhà, buổi sáng tất niên tê lạnh 18/1/1996 ấy, đều nhắc đến Vũ Đình Liên, và chắc hẳn đều hỏi vào trời đất đang mù sương, bằng chính câu thơ của cụ Hồn ở đâu bây giờ?
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/hinh-anh-ong-do-a70765.html