"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se sẽ thổi về. Mùa thu vẽ nên bức tranh tuyệt vời với những gam màu rực rỡ. Từ những con đường làng quê yên bình đến phố thị nhộn nhịp, đâu đâu cũng thấy mùa thu gửi hương sắc của mình ở lại. Mùa thu chạm nhẹ vào những điều đơn sơ, giản dị như là giậu hoa mướp cuối mùa trải một màu vàng rực, đến những trái cam, trái bưởi trong vườn vàng mọng. Xa xa cánh đồng quê vàng ruộm màu lúa chín. Nền trời cao, thỉnh thoảng đây đó một vài làn mây mỏng tang nhẹ nhàng bay trong nắng chiều vàng tuyệt đẹp. Những cơn gió heo may nhẹ thổi, thoang thoảng hương lúa nếp tỏa ra từ những mẻ cốm xanh mượt, len lỏi trong từng con ngõ, để chào đón mùa thu.
Hương cốm, thứ mùi hương không thể lẫn với bất kỳ sắc hương nào, là hương thơm mà phải dùng đầy đủ tất cả giác quan mới có thể cảm nhận trọn vị. Hương thơm của cốm là mùi hương man mát của nếp non tan ra từ đầu lưỡi, nhón tay không dính nhưng dẻo quẹo trong miệng. Hạt cốm tròn, mẩy, xanh xanh pha chút vàng rơm, dẻo ngọt, cái ngọt thanh thanh như còn sữa lúa. Bởi vậy, cốm được xem là thức quà gói trọn mùa thu, chỉ xuất hiện vào mùa thu và cũng chỉ mùa thu mới có cốm.
Mùa thu có rất nhiều thức quà nhưng không có món ăn nào thơm thảo, đậm chất đồng quê như hương cốm xanh. Qua tay người làm, hạt cốm mỗi nơi lại có một hương vị khác nhau nhưng dù là hương vị gì thì cốm vẫn là thứ quà mùa thu gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Làm cốm thì không khó nhưng để có được một mẻ cốm đượm chất hương quê, đạt chuẩn thì cũng không dễ chút nào.
Còn nhớ hồi bé, khi bông lúa ngoài đồng chín độ ngả bóng cần câu, tôi lại cùng bà và mẹ ra đồng cắt lúa đem về. Công đoạn đầu tiên để cho ra những nắm cốm thơm ngon là phải chọn những hạt mẩy căng, tuốt thủ công bằng tay rồi đem rang. Thường thì rang thóc làm cốm phải dùng củi và phải rang bằng chảo gang để giữ nhiệt, lửa phải nhỏ và tay khuấy đều thóc rang trong chảo. Rang cốm là công đoạn quan trọng nhất, vì nếu đun lửa to, không khuấy đều sẽ làm hỏng cả mẻ cốm.
Khi hạt thóc bắt đầu tái trắng thì giảm lửa tối đa bằng cách rút củi đang cháy ra khỏi bếp, vì nếu quá lửa hạt cốm hay bị gãy. Lúc thóc còn nóng, cần đem giã ngay bằng cối đá, vừa giã vừa đảo cốm cho đều. Giã xong lại đem sàng sảy cho hết vỏ thóc. Cốm trên miền non cao sau khi giã xong sẽ được bọc lại với lá chuối để giữ được trọn vẹn hương vị cũng như giúp cốm có màu sắc xanh hơn.
Mỗi mùa cốm về, lòng người cũng rộn lên những gợn sóng cảm xúc khó tả. Người ta tìm mua cốm, say mê với cốm và giữ nếp làm cốm như một thói quen cần phải thực hiện. Cốm không phải là thức quà để ăn no mà là ăn lấy thơm tho, là thức quà quê nhà mộc mạc, giản dị, bình dân mà tao nhã, sang trọng. Cốm có nhiều cách thưởng thức nhưng đơn giản nhất là ăn cốm kèm theo chuối tiêu. Những quả chuối chín, vỏ lấm chấm trứng cuốc bóc ra chấm cốm, ăn vào ta hiểu thêm món quà mùa thu ban tặng thi vị thế nào.
Cùng với sắc trời trong veo, nắng vàng dịu ngọt, mùa thu như gọi lòng người lắng lại để cảm nhận những thanh âm đa sắc thật khẽ. Hương cốm mới cũng dịu dàng gói trọn mùa thu ở lại, chầm chậm gọi mùa về.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/thu-ve-a70818.html