Tiếng tăm của ngôi chùa là không quan trọng
Có lẽ bước đầu tiên của việc đi lễ chùa chính là lựa chọn địa điểm một ngôi chùa nào đó mà chúng ta thực sự muốn đi. Điều này nghe sẽ có vẻ khó hiểu, nhưng chúng ta không nên lựa chọn chùa theo tiêu chí 'có linh thiêng' hay không. Bởi lẽ theo các sư thầy, thì linh thiêng hay không tùy thuộc vào tâm chân thành của người cầu nguyện.
Trang phục chỉnh tề, trang trọng
Đền, chùa là chốn trang nghiêm. Vì thế, người đi lễ chùa cần phải biết cách thể hiện sự tôn trọng của mình với các bậc thánh thần, trước hết là qua trang phục. Khi đi lễ chùa, tốt nhất là chúng ta nên tránh các trang phục như áo sát nách, quần lửng cùng các loại hình 'thời trang mát mẻ' khác.
Những trang phục có màu sắc quá sặc sỡ (đỏ, cam, xanh chuối...) chúng ta cũng nên tránh. Các loại trang phục quá trang nghiêm như sơ mi, áo vest...cũng không cần thiết. Chỉ cần lịch sự là được.
Sắm sửa lễ vật
Người đi chùa nên chuẩn bị các loại lễ vật chay như hương (nhang), hoa quả, bánh oản (bánh in - gần giống một loại bánh nếp, bánh đậu xanh), xôi, chè...Chốn chùa linh thiêng, chúng ta cần hạn chế sử dụng đồ mặn làm lễ, nhằm tránh mang theo oán niệm từ các sinh linh động vật bị giết hại.
Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè... không được sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả...
Sắm sửa lễ mặn chỉ được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.
Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu... không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Đi qua tam quan đúng thứ tự
Đối với các ngôi chùa có cửa tam quan (3 cửa xếp cạnh nhau, với ô cửa lớn nhất ở giữa), thì chúng ta nên bước vào qua cửa Giả Quan (tức cửa bên phải) và bước ra qua cửa Không Quan (tức cửa bên trái). Cửa Trung Quan (ở giữa) chỉ dành cho các bậc cao tăng, khoa bảng, Thiên tử; người bình thường nên tránh bước qua cửa này.
Lễ ban phải đúng thứ tự
Sau khi bước qua cửa chùa, chúng ta nên hành lễ theo thứ tự từ gian bên trái của chùa trước tiên, sau đó đến các gian ở giữa rồi đến các gian bên phải, đúng một vòng chùa. Thứ tự này tượng trưng cho đạo lý thuận lẽ tự nhiên (chiều kim đồng hồ) trong Phật Giáo.
Ngoài ra, rất nhiều các ngôi chùa tại Việt Nam không chỉ thờ Phật, mà còn thờ các vị nhân thần khác, ví dụ như các vị thánh trong đạo Mẫu. Khi lễ ban ở các ngôi chùa như vậy, chúng ta nên hành lễ trước các bức tượng Phật tổ và Tam bảo trước, sau đó mới hành lễ trước các vị thánh của các tín ngưỡng khác.
Vị trí đứng khi hành lễ
Trong khi hành lễ, thắp hương, chúng ta cần lưu ý không đứng ngay chính giữa điện, ngay trước tượng Phật hoặc Tam bảo, mà nên đứng chếch sang một bên. Việc này cũng thể hiện sự tôn kính của người hành lễ đối với Phật tổ và các vị thánh thần.
Khi vào chùa, lễ bái tốt nhất là lễ 3 ngôi Phật, Pháp và Tăng nên người đi lễ nên quỳ xuống, năm vóc gieo đất (trán, 2 khuỷu tay, 2 đầu gối sát xuống đất) và cầu khấn mong ước trong tâm trí, sau khi khấn xong thì lạy 3 lạy.
Tâm từ bi, vì mọi người, không vì bản thân
Khi vào chùa lễ Phật, mọi người nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không nên mang quá nhiều mưu cầu về công danh và tài lộc. Riêng suy nghĩ đến chùa cúng nhiều đồ lễ để đức Phật phù hộ là sai, không đúng với giáo lý đạo phật.
Khi thắp hương cầu nguyện, tốt nhất là chúng ta nên cầu bình an cho toàn bộ chúng sinh, không chỉ cho riêng bản thân hoặc gia đình mình. Bởi lẽ Phật Giáo luôn đề cao tâm từ bi của người học, nên không chỉ khi đến hành lễ trong chùa mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng cần phải thực hành nó, ngay cả trong tư tưởng, suy nghĩ.
Cuối cùng, sau khi hành lễ, chúng ta cần lưu ý bỏ tiền và lễ vật tại khu vực hòm công đức (tiền bỏ vào trong hòm). Cần tránh bỏ tiền tại hương án ở chính điện, khiến cho cảnh quan trong chùa trở nên bừa bộn và dung tục.
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, phó Chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các phật tử và người dân đi lễ chùa thì số tiền công đức ít hay nhiều cũng không quá quan trọng, miễn sao giữ tâm trong sáng là được. Tuy nhiên, tiền công đức cũng nên đặt đúng vào hòm công đức, nơi để tiền công đức để chúng được bảo quản và sử dụng đúng mục đích. Việc đặt tiền, nhét tiền lẻ lên tay của tượng phật sẽ khiến nơi thờ cúng mất đi sự tôn nghiêm, không thể hiện được sự thành kính, hoặc đơn giản là số tiền đó dễ bị thất lạc, không được sử dụng đúng mục đích.
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/index.php/di-le-chua-the-nao-cho-dung-a70950.html