Đến sáng 29/1, hàng trăm cây Hoàng Mai Huế đã được các nghệ nhân, người chơi mai, chủ vườn cây kiểng ở Huế đưa đến khu vực Công viên Thương Bạc (đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Ba, TP Huế) để tham gia Ngày hội Hoàng mai Huế lần thứ II - 2024 nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Ông Hồ Thắng- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế (đơn vị phối hợp tổ chức) cho biết, đến chiều cùng ngày, việc tiếp nhận cây sẽ kết thúc để chính thức khai mạc ngày hội vào sáng 1/2 (nhằm ngày 22 tháng Chạp Âm lịch).
Sự kiện kéo dài từ ngày 28/1 đến ngày 8/2 (ngày 18 đến 29 tháng Chạp), góp phần tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật của người Huế trên vùng đất Cố đô và thương hiệu Hoàng mai Huế trong dịp Tết đến xuân về.
Dự kiến sẽ có khoảng 20-30 tác phẩm Hoàng mai Toà cổ thụ, 50-70 tác phẩm Hoàng mai lớn và 250-300 tác phẩm Hoàng mai bonsai cùng nhau thi tài khoe sắc.
Giống như nhiều nghệ nhân, người chơi Hoàng mai khác ở Huế, anh Nguyễn Khoa Vui (đội mũ vành, ở phường An Tây, TP Huế) mang đến Ngày hội một số cây mai có giá trị cao, dáng độc, lạ, trong đó có cây mai bonsai dáng thác đổ, khoảng 65 năm tuổi.
Anh Vui tiết lộ, cây mai này anh đã từng bán cho một khách hàng với giá 250 triệu đồng. Sau khi bán cây, anh rơi vào cảnh mất ăn, mất ngủ vì tiếc nuối cây mai quý, nên phải gọi cho người mua để xin chuộc lại với giá 260 triệu đồng.
Tại Ngày hội Hoàng mai Huế năm nay, nghệ nhân Nguyễn Khoa Vui còn mang đến dự thi một cây Hoàng mai cổ thụ, dáng bay. Anh Vui cho biết, cây mai này đã có người đặt giá mua 1,4 tỷ đồng nhưng anh chưa đồng ý bán.
Độc, lạ không kém và được nhiều người chơi mai ở Huế mê mẫn là 2 cây mai bonsai cỡ trung, dáng trực huyền của nghệ nhân Nguyễn Văn Hiền, Chi hội phó Chi hội Hoàng Mai Bắc sông Hương.
Theo nghệ nhân Ngô Văn Đức, Chi hội trưởng Chi hội Hoàng Mai Bắc sông Hương, 2 cây mai của ông Đức có tuổi đời cỡ 40-50 năm.
Người tham quan trầm trồ, thán phục trước những cây Hoàng mai có dáng độc đáo, hiếm gặp.
Gốc Hoàng mai cổ được uốn, tạo dáng ngai vàng của nghệ nhân Nguyễn Đắc Hùng, Chi hội phó Chi hội Hoàng Mai An Đông, TP Huế.
Cây Hoàng Mai cổ dáng trực, được định giá lên đến 4 tỷ đồng của Chi hội trưởng Chi hội Hương Thuỷ. Cây mai này đã giành được giải Vàng tại cuộc thi Ngày hội Hoàng mai Huế lần thứ I - năm 2023 và hiện đang được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Ở một vị trí khác, gốc mai cổ thụ được chủ nhân tạo dáng “văn nhân” cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người vì sự độc, lạ của nó.
Đặc biệt, với những người chơi mai cảnh ở Huế, việc sở hữu trong tay một cây mai Ngự là niềm mơ ước. Anh Trí, một người chơi mai lâu năm cho biết, mai vàng hay Hoàng mai Huế được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc Xuân thiên nhiên và con người Huế.
Riêng Ngự mai là “Nữ hoàng” của tất cả các loại mai có ở Huế ngày xưa như Thủy Xuân, Hoàng Mai, Bạch Mai, Tứ Quí Mai… “Nữ Hoàng” rất hiếm, ngày xưa rất ít người dân trồng.
Trồng Ngự Mai, phải có tấm lòng, phải bỏ rất nhiều công sức, chăm bón cây chu đáo giúp Ngự Mai cho hoa đúng hạn, đẹp, sắc sảo, độc đáo để tiến cung vào dịp tết Nguyên Đán.
Những cây mai dáng đẹp, hoa đẹp sẽ dự thi tại ngày hội năm nay.
Theo ông Hồ Thắng, Ngày hội Hoàng mai nhằm góp phần khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân Huế, từ đó đưa phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình “Huế - Thành phố bốn mùa hoa”.
Chuỗi hoạt động của Ngày hội Hoàng mai Huế hứa hẹn là sân chơi ý nghĩa giúp bảo tồn, lưu giữ, phát triển và nâng cao vị thế của Hoàng mai trong dịp Tết cổ truyền, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Hoàng mai Việt Nam.
Thảo Vi