Tôn giáo tại Singapore đặc trưng bởi sự đa dạng về tôn giáo và tín ngưỡng do tính đa dạng và khác biệt của những sắc tộc đến từ những đất nước và nền văn hóa khác nhau. Hầu hết các tôn giáo và tín ngưỡng lớn đều có ở Singapore. Một phân tích năm 2014 do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy rằng Singapore là quốc gia có Chỉ số Đa dạng Tôn giáo (tiếng Anh: Religious Diversity Index) cao nhất thế giới.
CÁC TÔN GIÁO TẠI SINGAPORE
Tại Singapore có đến 10 tôn giáo, trong đó các tôn giáo chính là Phật giáo, Đạo lão, Hindu giáo, Hồi giáo, Kitô giáo gồm Tin lành và Công giáo. Còn lại 0,6% dân số theo tôn giáo khác và 14,8% dân số không theo tôn giáo nào.
* Phật giáo
Phật giáo là tôn giáo được thực hành phổ biến nhất tại Singapore, với 33% số cư dân tuyên bố bản thân họ là tín đồ trong cuộc điều tra dân số gần đây nhất.
Tại Singapore có các chùa và trung tâm Phật pháp từ cả ba tông phái truyền thống chính của Phật giáo: Thượng tọa bộ, Đại thừa, và Kim cương thừa. Hầu hết tín đồ Phật giáo tại Singapore là người Hoa và theo truyền thống Đại thừa. Đại thừa Trung Hoa là tông phái Phật giáo chiếm ưu thế nhất tại Singapore, với các hòa thượng truyền giáo đến từ Đài Loan và Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, Phật giáo Thượng tọa bộ từ Thái Lan ngày càng phổ biến trong cư dân đảo quốc (không chỉ người Hoa) trong thập niên qua. Học hội Sáng giá Quốc tế là một tổ chức Phật giáo của Nhật Bản, hiện được nhiều người thực hành theo tại đảo quốc, song hầu hết họ là người gốc Hoa. Phật giáo Tây Tạng cũng xâm nhập chậm vào quốc đảo trong những năm gần đây.
* Đạo giáo (Đạo Lão)
Những người theo Đạo giáo tôn thờ những giáo lý triết lý tôn giáo Trung Hoa cổ xưa của Lão Tử. Tôn giáo này tin tưởng vào đấng tối cao trên trời, thờ cúng tổ tiên và thương xót cho những người phàm trần. Những người theo tín ngưỡng của Đạo Lão thường cúng đồ ăn và đốt những đồ vàng mã, được coi là gửi cho người đã khuất. Khái niệm Âm-Dương (Yin Yang) có nguồn gốc chính từ tôn giáo này. Thian Hock Keng, được biết đến là Ngôi đền Thiên đường Hạnh phúc, được xây dựng từ năm 1842 để thờ Nữ thần Biển Mazu là một trong những ngôi đền thờ Đạo Lão lâu đời nhất ở Singapore.
Mặc dù số lượng Đạo quán tại Singapore khá nhiều, con số thống kê về số lượng tín đồ chính thức cho thấy trong giai đoạn 1990 đến 2000, số người dân theo đạo giảm đáng kể, từ 22.4% xuống còn 8.5%. Tuy vậy, điều này có thể được giải thích bởi lằn ranh nhận thức giữa Đạo giáo và Phật giáo khá mờ nhạt trong công chúng. Tổng điều tra của hai năm 2010 và 2015 cho thấy tổng số tín đồ đã tăng vọt lên lại và chiếm khoảng 11% dân số Singapore.
* Hindu giáo
Những người theo Hindu giáo - tôn giáo lâu đời nhất có nguồn gốc từ Ấn Độ, tin rằng có Đấng Tối cao dưới nhiều trạng thái khác nhau, như thần sáng tạo "Brahma", thần bảo hộ "Vishnu" và "Shiva" là kẻ hủy diệt.
Những nơi thờ cúng Hindu giáo phổ biến ở Singapore có Ganesha, Rama, Krishna, Murgan, Hanuman, Durga, Mariamman, Lakshmi. Hơn 30 nơi thờ cúng tín ngưỡng được quản lý bởi Ban Quản lý và Cố vấn Đạo Hindu ở Singapore. Đền Sri Mariamman, được thành lập vào năm 1827, là ngôi đền cổ nhất ở Singapore. Mỗi ngày, các linh mục thánh thiện thực hiện các nghi lễ tại đền thờ và hát kinh thánh cổ Vedic. Các lễ hội chính của Hindu là lễ hội Deepavali, Thaipusam, Navratri và Tamil năm mới.
* Hồi giáo
Những người theo Hồi giáo tuyên xưng lời dạy của thánh Allah được nhà tiên tri Muhammad truyền đạt thông qua kinh Qur’an, mang những trí tuệ của quá khứ và lời tiên đoán với tương lai. 16% dân số Singapore tin vào Đạo Hồi, trong đó phần lớn dân số có nguồn gốc từ Malaysia. Majlis Ugama Islam Singapore (MUIS) là cơ quan tôn giáo Đạo Hồi ở Singapore. Ngoài việc xây dựng, quản lý các nhà thờ Hồi giáo và thực hiện các cuộc hành hương đến Mecca hàng năm, cơ quan này xem xét mọi nhu cầu về tôn giáo, xã hội và phúc lợi của người Hồi giáo ở Singapore. Masjid Sultan là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Singapore.
* Kitô giáo
Kitô giáo theo lời dạy của Chúa Giê-su, con của Đức Chúa trời. Cuộc đời của Chúa Giê-su, sứ mệnh và thông điệp của Người, sự đau khổ, cái chết trên thánh giá và phục sinh đều được ghi lại trong kinh thánh.
Các nhà thờ Kitô giáo của hầu hết các giáo phái đều có tại Singapore. Chúng được xây dựng với sự xuất hiện của những nhà truyền giáo sau khi Sir Stamford Raffles đặt chân đến đây. Cùng với Phật giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo, đạo Kitô được coi là một trong bốn nền đạo lớn ngày nay.
Ngày 20/11/1986, Giáo hoàng Gioan Phaolô II của Giáo hội Công giáo Rôma đã đến Singapore. Giáo hội này hiện có một Tổng giáo phận duy nhất tại Singapore, trùng với tên quốc gia này, do Tổng giám mục William Goh Seng Chye quản lý.
Các tín đồ Kitô giáo chiếm 18.8% dân số Singapore.
* Bahá'í giáo
Những người đầu tiên phổ biến tôn giáo Bahá'í tại Singapore là K. M. Fozdar (1898 - 1958) và Shirin Fozdar (1905 - 1992), khi họ định cư tại đây năm 1950. Shirin Fozdar nổi tiếng khắp Singapore và cả Châu Á với sự nghiệp đấu tranh cho phụ nữ của bà. Việc Shirin Fozdar đến Singapore đã được dự báo trước bởi một bài báo của The Straits Times ngày 15/9/1950 với tiêu đề "A Woman with a Message" ("Người phụ nữ với một thông điệp"). Thông qua các nỗ lực của vợ chồng Fozdar, năm 1952 số tín đồ theo đạo Baha'i ở Singapore vừa đủ để thành lập Hội đồng Tín ngưỡng địa phương (hay Hội nghị Tôn giáo Địa phương) đầu tiên tại quốc gia này. Từ đó cộng đồng đã phát triển được hơn 2.000 thành viên.
* Hỏa giáo
Có khoảng 4,500 tín đồ đạo thờ lửa sinh sống tại Singapore. Nhờ chính sách khoan dung tôn giáo của chính phủ Singapore, số lượng tín đồ tăng nhanh.
* Sikh giáo
Những tín đồ theo đạo Sikh đầu tiên xuất hiện và định cư tại Singapre năm 1849. Năm 2011, có 10,744 tín đồ tại Singapore.
* Do Thái giáo
Những tín đồ Do Thái đầu tiên ở Singapore đến từ Ấn Độ năm 1819. Năm 2008, có khoảng 1.000 người theo đạo Do Thái tại Singapore. Số lượng tín đồ hiện tại ở vào khoảng 800 đến 1.000 người.
QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở SINGAPORE
Chính phủ đã dựa vào những nhận thức về sự quan trọng của tôn giáo để định ra chính sách tôn giáo đa dạng ở Singapore, lấy đó để làm quy phạm, chỉ đạo, quản lý hoạt động tôn giáo ở nước này. Trong đó:
- Mọi người đều có quyền tôn thờ tôn giáo mà mình tin theo. Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn bao gồm việc Chính phủ Singapore đối xử bình đẳng với các tôn giáo, cho phép các đoàn thể tôn giáo xây dựng tổ chức giáo hội, mở trường học tôn giáo, xuất bản báo chí.
- Duy trì sự hài hoà, dung nhận và tiết chế giữa các tôn giáo.
- Nguyên tắc tách biệt giữa chính trị và tôn giáo. Trong Hiến pháp, các luật khác liên quan và trong các bài nói chuyện của các nhà lãnh đạo chính phủ nhiều lần nhấn mạnh “Giữa tôn giáo và chính trị cần có sự khu biệt rạch ròi”, “Các đoàn thể tôn giáo không nên cuốn vào chính trị”.
Trên đây là một số thông tin về các tôn giáo của Singapore, mong rằng những thông tin này hữu ích đối với các du khách yêu thích văn hóa Singapore và có dự định du lịch Singapore.