ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT
Một chương trình đào tạo - Hai định hướng nghề nghiệp
Chương trình Truyền thông quốc tế được xây dựng theo hai định hướng nghề nghiệp chuyên sâu: Truyền thông quốc tế chuyên nghiệp và Truyền thông marketing quốc tế. Định hướng Truyền thông quốc tế chuyên nghiệp trang bị các kiến thức về truyền thông đại chúng, về các quy trình và chiến lược trong lĩnh vực truyền thông quốc tế, về môi trường quốc tế, về ngoại giao văn hóa và văn hóa đối ngoại, các kỹ năng báo chí và quan hệ công chúng. Định hướng Truyền thông marketing quốc tế tập trung vào các nội dung như các nguyên lý và kỹ thuật marketing, quảng cáo, tiếp cận thị trường quốc tế, xây dựng chiến lược tiếp thị và phát triển thương hiệu trên phạm vi toàn cầu. Từ hai định hướng cơ bản, sinh viên có thể phát triển nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Báo chí - Truyền thông, Văn hóa đối ngoại, Quan hệ công chúng, Truyền thông Marketing tích hợp, Quảng cáo, …
Tính quốc tế hóa
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Truyền thông quốc tế được thiết kế theo chuẩn quốc tế, trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa đối ngoại của các trường đại học có uy tín trên thế giới. Một số học phần chuyên ngành được tiến hành giảng dạy trực tiếp bằng bằng tiếng Anh, giúp sinh viên nắm vững và trau dồi kỹ năng giao tiếp và kỹ năng viết bằng ngoại ngữ. Trong quá trình đào tạo, sinh viên có nhiều cơ hội để tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế; giao lưu gặp gỡ với các nhà ngoại giao, các chuyên gia truyền thông quốc tế; có cơ hội thực tập tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam; được tham gia các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học trên thế giới như: Đại học Monash (Úc), Đại học Macquarie (Úc), Đại học Victoria Wellington (New Zealand).
Phát triển kỹ năng toàn diện
Việc phát triển kỹ năng toàn diện cho sinh viên là một mục tiêu quan trọng của chương trình đào tạo cử nhân Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Chương trình chú trọng kết hợp lý thuyết với thực hành. Song song với các giờ học trên lớp, sinh viên được tham gia các dự án nghiên cứu về truyền thông và văn hóa đối ngoại, được kiến tập, thực tập tại các tổ chức truyền thông, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các sự kiện truyền thông, các chương trình truyền hình. Từ đó, sinh viên được phát triển nhiều kỹ năng đa dạng, từ kỹ năng chuyên môn (viết bài, thuyết trình, dẫn chương trình, sản xuất sản phẩm truyền thông, quản lý khủng hoảng, phân tích sự kiện trên truyền thông) đến các kỹ năng mềm quan trọng (làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, giao tiếp liên văn hóa). Những kỹ năng này giúp sinh viên có đủ năng lực để thực hiện các công việc trong ngành truyền thông sau khi tốt nghiệp, đồng thời, dễ dàng hòa nhập và thành công hơn trong môi trường làm việc đa văn hoá.
Mạng lưới liên kết với nhiều đối tác đa dạng
Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại có mạng lưới liên kết với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước: các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, các cơ quan thông tín báo chí (Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, Báo Thế giới và Việt Nam, Báo Giao thông…), các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp xã hội (UNDP, Khau Phạ Friends…), các doanh nghiệp truyền thông - marketing (Le Bros, Golden Bee, Sao Tháng Tám…), các trường đại học uy tín trên thế giới (Đại học Monash, Úc, Đại học Macquarie, Úc, Đại học Victoria Wellington, New Zealand). Mạng lưới liên kết đa dạng giúp sinh viên ngành truyền thông có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa đối ngoại cả ở trong và ngoài nước, đồng thời tạo cho sinh viên nhiều cơ hội thực hành và phát triển sự nghiệp trong tương lai.
CÁC HỌC PHẦN TIÊU BIỂU
Khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành chung:
- Đại cương Truyền thông quốc tế
- Đại cương quan hệ công chúng quốc tế
- Ngoại giao Văn hoá
- Xây dựng chiến lược Truyền thông
- Sản xuất Sản phẩm Truyền thông Quốc tế
- Toàn cầu hóa và giao tiếp liên văn hóa
- Truyền thông mạng xã hội
- Truyền thông hội tụ và đa phương tiện
Các học phần gắn với định hướng chuyên sâu:
(i) Định hướng Truyền thông quốc tế chuyên nghiệp
- Phân tích sự kiện quốc tế trên truyền thông
- Truyền thông và phát triển xã hội
- Tôn giáo và Quan hệ quốc tế
(ii) Định hướng Truyền thông Marketing quốc tế
- Truyền thông Marketing
- Marketing số
- Quảng cáo
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Với kiến thức, kỹ năng và thế mạnh ngoại ngữ tốt, sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân ngành Truyền thông quốc tế có khả năng hòa nhập và thích ứng nhanh chóng với các môi trường nghề nghiệp đa dạng, bao gồm: các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế… và có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc cụ thể như:
- Biên tập viên, phóng viên chuyên về mảng quốc tế và văn hóa đối ngoại; chuyên viên làm công tác quan hệ công chúng, thông tin đối ngoại hoặc hợp tác quốc tế tại các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
- Chuyên viên truyền thông, marketing cho các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế, công ty cung cấp dịch vụ truyền thông, quảng cáo hoặc tự tạo lập doanh nghiệp cá nhân.
- Chuyên viên truyền thông và điều phối dự án trong các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận.
- Giảng viên, nghiên cứu viên về các lĩnh vực thuộc khối ngành báo chí - truyền thông, văn hóa, đối ngoại và liên ngành tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu trong và ngoài nước.
CƠ HỘI HỌC TẬP Ở BẬC CAO HƠN
Trên nền tảng kiến thức về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng thích ứng và kỹ năng nghiên cứu, sinh viên tốt nghiệp ngành Truyền thông quốc tế có thể học lên bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ các môn thuộc khối ngành Báo chí - Truyền thông tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Xem chương trình đào tạo chi tiết TẠI ĐÂY.