Để theo kịp những xu hướng mới, các “tín đồ” thời trang và mua sắm luôn ưu tiên những lựa chọn thuận tiện và tiết kiệm ngân sách nhất, đó chính là thời trang nhanh.
Các cửa hàng, nhà bán lẻ trực tuyến thường xuyên cập nhật và cho ra mắt những bộ sưu tập “hợp thời” với mức giá phải chăng.
Mô hình sản xuất này tạo ra một lượng lớn sản phẩm, với tần suất cập nhật nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc sản xuất quá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng, gây ra sự lãng phí và vấn đề về quản lý rác thải.
Sự lên ngôi của thời trang nhanh
Theo Tiến sỹ Preeti Arya, trợ lý giáo sư về phát triển và tiếp thị dệt may tại Viện Công nghệ Thời trang ở New York, thời trang nhanh là mô hình kinh doanh tập trung vào sản xuất hàng may mặc với số lượng lớn và nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu “đu trend” của người tiêu dùng.
Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu trong một bài báo trên New York Times vào năm 1989, viết về cửa hàng đầu tiên mở ở thị trường Mỹ của Zara. Mục tiêu của thương hiệu bán lẻ lớn này là mang tới sản phẩm mới cho khách hàng chỉ trong vòng 15 ngày.
Nói chung, các thiết kế thời trang nhanh đều là bản “dupe,” tức những bản sao của những mẫu thiết kế xa xỉ, được mặc bởi người nổi tiếng, hay những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội….
Mục tiêu của các thương hiệu và nhà sản xuất là đưa những thiết kế “thời thượng” này đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý.
Zara và H&M là hai trong số những thương hiệu lớn nhất trong ngành thời trang nhanh. Tuy nhiên, hiện nay cũng xuất hiện nhiều nhãn hàng hoạt động trên các sàn thương mại điện tử (Shein, Temu, Boohoo, ASOS, PrettyLittleThing, Fashion Nova…).
Các nhà bán lẻ này đã tận dụng lợi thế của mô hình kinh doanh trực tuyến và trở thành những đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành thời trang nhanh.
Với vòng sản xuất cực kỳ nhanh chóng - chỉ mất khoảng 3 ngày cho toàn bộ công đoạn, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể tung ra hàng trăm, hàng nghìn thiết kế trong thời gian ngắn thần tốc.
Những hệ lụy từ thời trang nhanh
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tháng 3/2023, ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm.
Theo ước tính, số lượng quần áo được sản xuất ngày nay đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Số lượng người tiêu dùng ngày nay mua quần áo tăng 60%, tuy nhiên thời gian mặc chúng giảm chỉ còn một nửa.
Để giữ chi phí sản xuất ở mức thấp, các sản phẩm thời trang nhanh thường được làm từ chất liệu polyester - một loại sợi tổng hợp và rẻ làm từ dầu mỏ (loại nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo). Polyester có thể mất khoảng 200 năm để phân hủy.
Ngoài ra, theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Earth.org, các nguyên liệu may chỉ có thể sử dụng được từ 7-10 lần mặc.
Không những vậy, ngành công nghiệp thời trang nhanh còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động giá rẻ. Theo số liệu từ Đại học George Washington (Mỹ), hiện có khoảng 75 triệu công nhân may mặc trên khắp thế giới nhưng chỉ 2% trong số đó có mức lương đủ sống.
Các công ty may mặc có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Theo Humanium, một Tổ chức quốc tế chuyên hỗ trợ quyền trẻ em, công nhân làm trong các nhà máy, xí nghiệp may mặc phải làm trong điều kiện nguy hiểm với mức lương rất thấp và trong số họ có nhiều người là trẻ em.
Beth Osnes, Giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Colorado và là chuyên gia về vai trò của thời trang nhanh trong nền kinh tế cho biết: “Nói cách khác, mặc dù sản phẩm thời tranh nhanh có thể rẻ đối với người tiêu dùng, nhưng môi trường và công nhân tạo ra chúng thì phải trả giá đắt.”
Thời trang nhanh đáp ứng 4 tiêu chí: “thiết kế nhanh, sản xuất nhanh, tiếp thị nhanh, bán lẻ nhanh” nhưng lại bỏ qua những vấn đề lớn chẳng hạn như đạo đức và quyền của người lao động.
“Nhiên liệu hóa thạch không chỉ thúc đẩy máy móc sản xuất, mà theo đúng nghĩa đen, đây còn là chất liệu để làm ra những sản phẩm may mặc ‘nhanh.’”
Nhà văn và nhà tạo mẫu Aja Barber bày tỏ sự lo ngại về tốc độ sản xuất và tiêu thụ trong ngành công nghiệp thời trang nhanh ngày nay: “Trái đất của chúng đang ngày càng nóng lên, và thời trang nhanh là một trong những tác nhân gây ra biến đổi khí hậu.”
Liệu “thời trang bền vững” có phải là một giải pháp thay thế khả thi?
Theo Good on You, một bảng xếp hạng uy tín về tính bền vững của các thương hiệu quần áo, “thời trang bền vững” được dùng để chỉ các sản phẩm được thiết kế và sản xuất thân thiện với môi trường, ví dụ như quần áo làm từ sợi tự nhiên (bông, sợi gai dầu, vải lanh, len, lụa).
Tổ chức UNEP liệt kê những ưu tiên mà ngành công nghiệp thời trang có thể thực hiện để hướng tới mô hình kinh doanh bền vững hơn, bao gồm việc thay đổi mô hình tiêu thụ để tạo ra sự thay đổi tích cực trong quy trình sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, ngành công nghiệp thời trang cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung để giảm thiểu tác động môi trường.
Ngoài ra, việc cải thiện các hoạt động môi trường và xã hội như thông báo cho người tiêu dùng về tác động môi trường của sản phẩm, ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế và nguyên liệu địa phương trong thiết kế.
Mặc dù những thay đổi này có thể mất thời gian để trở thành thông lệ tiêu chuẩn, nhưng người tiêu dùng có thể thực hiện một số bước để giảm lượng khí thải carbon của chính mình và đưa ra quyết định chủ động để mua thời trang ít nhanh hơn.
Bằng cách lựa chọn sản phẩm may mặc sử dụng ít hơn 20% polyester, người tiêu dùng có thể có ý thức hơn về môi trường với thói quen mua sắm của mình. Arya cho biết những món đồ làm từ sợi tự nhiên có thể tồn tại được tới ba thế hệ.
“Không ai ngăn cản bạn chuyện mua sắm, nhưng hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, chi tiêu vào những món đồ thực sự chất lượng thay vì các sản phẩm thời trang nhanh không tốt cho môi trường,” cô nói. /.