Di tích Chiến thắng Tầm Vu, cách thành phố Vị Thanh 42 km trung tâm của tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ 17 km về hướng Tây Nam, theo Quốc lộ 61 tuyến đi Cần Thơ - Vị Thanh, thuộc địa phận xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Khu Di tích rộng trên 02ha, gồm các hạng mục như: Tượng đài chiến thắng cao sừng sững trên 20m , mảng phù điêu hoành tráng, nhà trưng bày, khẩu pháo Đại bác 105 ly trong khuôn viên vườn cây xanh rợp bóng mát.
Quân dân Sài Gòn - Gia Định nổ súng chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối tháng 9 năm 1945, mở đầu cho cuộc kháng chiến Nam Bộ, một tháng sau đó quân dân Cần Thơ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm Cần Thơ.
Từ năm 1946 - 1948, trên Quốc lộ 61, đoạn Cái Tắc - Rạch Gòi không đầy 5km đã diễn ra 4 trận đánh lớn làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, chiến công đẹp đẽ và oai hùng này đã khắc sâu vào ký ức của mọi người dân Cần Thơ, Hậu Giang cũng như nhân dân cả nước.
Với lòng quả cảm, ngày 20 tháng 10 năm 1946 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đăng đã đánh bật đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, diệt 2 xe quân sự, giết chết một số tên địch, trong đó có tên đại tá Dessert, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây, là một trong 5 tên sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Ta thu 10 súng, trong đó có 2 trung liên. Đây là trận thắng đầu tiên của đơn vị vũ trang đánh xe cơ giới địch, mở màn cho những trận chiến đấu tiếp theo trên chiến trường Cần Thơ, Hậu Giang.
Chưa đầy 1 năm sau, quân dân cần Thơ tiếp tục đánh thắng trận Tầm Vu II, vào ngày 12-11-1946 do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy, phục kích đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, thiêu hủy 3 xe, diệt 60 tên lính Pháp Lê Dương, thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác.
Sau ngày “Toàn quốc kháng chiến”, thực hiện chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (19-12-1946) và lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu (20-12-1946). Trận đánh Tầm Vu III diễn ra ngày 03-5-1947, do Khu Bộ trưởng Huỳnh Văn Hộ chỉ huy, cũng trên tuyến lộ Tầm Vu, quân dân ta đã diệt 6 xe quân sự, làm chết và bị thương gần 200 lính Pháp, thu được 8 đại liên, nhiều súng đạn các loại và quân trang, quân dụng. Sau trận chiến, bài hát “Chiến thắng Tầm Vu” ra đời (nhạc: Đắc Nhẫn; lời: Quốc Hương), đã đi vào tâm khảm của mọi người và còn vang mãi đến hôm nay.
Chiến công nối tiếp chiến công, sự phối hợp tuyệt đẹp của ba thứ quân (quân chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích) đã tạo nên kỳ tích oai hùng, chiến thắng trận Tầm Vu IV, diễn ra chiều ngày 19-4-1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ Trưởng Trần Văn Giàu, bằng chiến thuật vận động, chiếm đánh đã tiêu diệt 14 xe quân sự địch, giết chết gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là thu được khẩu pháo Đại bác 105 ly lần đầu tiên trong cả nước, làm vang dội khắp chiến trường Đông Dương.
Với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc chiến thắng của 4 trận Tầm Vu năm xưa, đã điểm tô vào trang sổ vàng truyền thống cách mạng chống quân xâm lược của dân tộc ta càng thêm sáng chói. Chính ý nghĩa đó, ngày 25-10-1990 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 154.VH/QĐ công nhận địa điểm Chiến thắng Tầm Vu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngày nay, mỗi khi du khách đến thăm Hậu Giang đều không thể bỏ qua điểm tham quan Di tích nổi tiếng này./.
Trần Xuân Diễm, Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Trích lược trong Danh nhân và di tích lịch sử văn hóa tỉnh Cần Thơ, do Sở Văn hóa thông tin Cần Thơ thực hiện năm 2003)
(ngày 12/01/2015)