Di chúc là gì? Di chúc hợp pháp là gì? Di chúc văn bản, di chúc miệng là gì? Hồ sơ, thủ tục lập di chúc thừa kế tài sản. Quy định cách lập bản di chúc hợp pháp.
I. Di chúc là gì? Có mấy loại di chúc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, di chúc có thể được thể hiện dưới dạng di chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng.
1. Nội dung di chúc
Để đảm bảo giá trị pháp lý, di chúc phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Thời gian (ngày, tháng, năm) lập di chúc;
- Thông tin pháp lý (họ tên, nơi cư trú…) của người lập di chúc và cá nhân/tổ chức được hưởng di sản;
- Thông tin di sản để lại và nơi có di sản;
- Các nội dung thể hiện tại di chúc không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, nội dung di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, phải được đánh số trang và bắt buộc có chữ ký/điểm chỉ của người lập di chúc.
2. Các hình thức của di chúc
Di chúc có 2 hình thức, cụ thể là:
- Di chúc miệng (di chúc bằng miệng): Là sự thể hiện ý chí bằng lời nói của người lập di chúc. Việc lập di chúc miệng chỉ được thực hiện trong trường hợp người lập không có đầy đủ điều kiện để thể hiện ý chí của mình bằng văn bản;
- Di chúc bằng văn bản, bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng/chứng thực.
II. Thế nào là di chúc hợp pháp? Các điều kiện để di chúc hợp pháp
Để đảm bảo tính hợp pháp, ngoài việc di chúc phải thoả mãn các điều kiện về nội dung và hình thức tại mục I nêu trên, di chúc còn phải có đầy đủ các điều kiện cụ thể như sau:
- Chủ thể lập di chúc trong tinh thần trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa/cưỡng ép;
- Người lập di chúc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì di chúc bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý;
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất/không biết chữ bắt buộc phải được lập thành văn bản và có công chứng/chứng thực;
- Đối với di chúc miệng phải có sự chứng kiến của ít nhất 2 người làm chứng và được ghi chép lại, sau đó người làm chứng cùng ký tên/điểm chỉ.
Lưu ý:
Kể từ thời điểm lập di chúc miệng, trong thời hạn 5 ngày làm việc, di chúc phải được công chứng viên/cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng thì mới được coi là hợp lệ.
>> Xem chi tiết quy định: Thừa kế theo di chúc.
III. Thủ tục lập di chúc thừa kế (cách lập di chúc hợp pháp)
1. Cách lập di chúc bằng miệng
Di chúc miệng chỉ được thực hiện khi người lập di chúc không thể lập di chúc bằng văn bản do tính mạng đang bị đe dọa. Cụ thể là:
- Người để lại di chúc tuyên bố ý nguyện cuối cùng của mình về việc định đoạt tài sản trước mặt ít nhất 2 người làm chứng;
- Người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên và điểm chỉ vào bản di chúc;
- Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày lập, bản di chúc phải được công chứng/chứng thực theo quy định.
Lưu ý:
Di chúc miệng đã lập mặc nhiên bị hủy bỏ nếu sau 3 tháng kể từ ngày lập, người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt.
2. Cách lập di chúc hợp pháp bằng văn bản không có người làm chứng
Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Như vậy, tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc phải trong tình trạng hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt và nội dung di chúc thể hiện đúng ý nguyện của người này.
Trong trường hợp này, bản di chúc của người lập phải thoả mãn các điều kiện về nội dung và hình thức theo đúng quy định đã nêu trên.
3. Cách lập bản di chúc hợp pháp bằng văn bản có người làm chứng
Vì lý do khách quan, khi người lập di chúc không tự mình viết được thì có thể đánh máy hoặc nhờ người khác viết, nếu là đánh máy thì phải đảm bảo có ít nhất 2 người làm chứng.
Trong bản di chúc thể hiện rõ nội dung:
- Người lập di chúc ký/điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng;
- Người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Để đảm bảo giá trị pháp lý, người làm chứng phải là người không thuộc các trường hợp sau:
- Là người thừa kế của người lập di chúc;
- Là người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;
- Là người chưa thành niên/mất năng lực hành vi dân sự/có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
4. Cách lập di chúc thừa kế bằng văn bản có công chứng, chứng thực
Trình tự, thủ tục lập di chúc, làm bản di chúc hợp pháp có công chứng/chứng thực cụ thể như sau:
➤ Bước 1. Chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ để lập di chúc
➤ Bước 2. Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền công chứng/chứng thực
- Thẩm quyền công chứng: Phòng/Văn phòng công chứng;
- Thẩm quyền chứng thực: Ủy ban nhân dân cấp xã.
➤ Bước 3. Công chứng, chứng thực bản di chúc đã lập
Quá trình công chứng, chứng thực bản di chúc đã lập như sau:
- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên/công chức tư pháp xã;
- Công chứng viên/công chức tư pháp xã ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố;
- Người lập di chúc ký/điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình;
- Công chứng viên/công chức tư pháp xã ký vào bản di chúc.
Trường hợp người lập di chúc không đọc được/không nghe được/không ký được hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên/công chức tư pháp xã.
IV. Quy định về di chúc - các vấn đề cần lưu ý
1. Hiệu lực của di chúc, di chúc có hiệu lực từ thời điểm nào?
- Bản di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế;
- Di chúc bị vô hiệu toàn bộ/một phần nếu xảy ra 1 trong 2 trường hợp sau:
- Người thừa kế di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Người thừa kế được chỉ định không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Trường hợp di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế thì di chúc không có hiệu lực;
- Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực;
- Bản di chúc sau cùng có hiệu lực trong trường hợp một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản.
Lưu ý: Phần nội dung di chúc bị vô hiệu không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại.
2. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, những đối tượng sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Tuy nhiên, điều khoản nêu trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc với những người không có quyền hưởng di sản theo quy định.
Có thể bạn quan tâm:
>> Chia thừa kế theo di chúc;
>> Cách tính thừa kế không có di chúc (chia thừa kế theo pháp luật).
V. Các câu hỏi thường gặp khi thực hiện thủ tục làm di chúc
1. Di chúc có bắt buộc phải công chứng không?
Di chúc chỉ bắt buộc phải công chứng trong trường hợp đó là di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ.
Đối với các trường hợp khác, di chúc không bắt buộc phải công chứng hay chứng thực, miễn đó là bản di chúc hợp pháp, tức là đáp ứng đủ các điều kiện về nội dung và hình thức theo quy định. Tuy nhiên, việc công chứng di chúc vẫn được khuyến khích để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc.
>> Tìm hiểu thêm: Các loại văn bản bắt buộc công chứng.
2. Tài liệu, giấy tờ, hồ sơ lập di chúc gồm những gì?
Để làm di chúc, người lập cần chuẩn bị các loại giấy tờ, tài liệu sau:
- Giấy tờ pháp lý cá nhân: CMND/CCCD/hộ chiếu của người lập di chúc và người thừa kế, hộ khẩu/xác nhận thông tin cư trú, giấy đăng ký kết hôn/xác nhận tình trạng hôn nhân…;
- Giấy tờ pháp lý về tài sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận cổ phần/phần vốn góp…
>> Tham khảo thêm: Thủ tục lập di chúc.
3. Người nhận di sản thừa kế theo di chúc phải đáp ứng điều kiện gì?
Người nhận di sản thừa kế theo di chúc phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Phải là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế, trường hợp là thai nhi thì phải được sinh ra và tiếp tục sống sau thời điểm mở thừa kế;
- Không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản như:
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc…
Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha