Sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường bưu chính và thương mại điện tử (TMĐT) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành bưu chính cần có những định hướng chiến lược mới.
Trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin, bưu chính - viễn thông luôn được coi là một ngành đặc biệt quan trọng góp phần tích cực trong tăng trưởng kinh tế của vùng, khu vực và Quốc gia. Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại tạo nên sự thay đổi rõ rệt cả về chất và lượng, góp phần đảm bảo liên lại thông suốt trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Trong đó, Bắc Ninh từng bước xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho mọi đối tượng, đảm bảo an toàn. Sử dụng hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước, các chương trình ứng dụng dùng chung chia sẻ kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.
Với mục tiêu hình thành và phát triển công nghiệp CNTT; phát triển nguồn nhân lực CNTT đảm bảo về số lượng, chất lượng để phục vụ tốt công tác triển khai ứng dụng CNTT của các cấp, các ngành, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính chuyển phát đảm bảo kịp thời, hiệu quả, chất lượng cao để phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động là Viễn thông Bắc Ninh (mạng Vinaphone), Viettel Bắc Ninh (mạng Viettel), Mobifone Bắc Ninh (mạng Mobifone), Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile (mạng Vietnamobile) và Công ty Cổ phần Viễn thông toàn cầu (mạng Gtel).
Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, không những mở rộng về quy mô mà còn cung cấp ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ, mạng điện thoại di động đã phủ sóng đến tất cả các xã trong tỉnh với chất lượng tốt và trở thành một phương tiện thông tin liên lạc thiết yếu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.
Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 1.056 trạm thu phát sóng di động BTS (loại A1a, A1b, A2a, A2b), 2.564 trạm BTS (trạm 2G, 3G, 4G), phục vụ cho hơn 1,5 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong thời gian tới tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai mạng di động với công nghệ 5G băng thông rộng với nhiều ứng dụng sẽ khẳng định ý nghĩa thiết thực của mạng di động.
Việc sớm triển khai 5G sẽ là một bước quan trọng và hỗ trợ tốt cho hành trình xây dựng TP. Bắc Ninh thành đô thị thông minh. Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ quốc tế, với ưu điểm có tốc độ nhanh, độ trễ thấp nhờ vào mật độ trạm BTS dày đặc hơn, băng thông nhiều hơn, hạ tầng 5G chính là nền tảng cho việc phát triển các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong đô thị thông minh.
Một trạm BTS xanh tại TP. Bắc Ninh.
Khi 5G được triển khai tạo nền tảng kích thích phát triển những ứng dụng mới. 5G với những tính năng vượt trội về tốc độ lên tới 10 Gpbs - gấp 10 lần mạng 4G LTE, độ trễ nhỏ hơn 1ms và hỗ trợ kết nối tới 1 triệu thiết bị trên 1 km2… là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa. Đồng thời, khi hạ tầng kỹ thuật đã có, Bắc Ninh sớm xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng 5G trong quá trình triển khai đô thị thông minh, mở ra những giải pháp tối ưu hơn trên các lĩnh vực như giao thông thông minh, hành chính công, y tế và nhiều dịch vụ mới phong phú hơn. Ngoài ra, công nghệ 5G có thể tạo ra nhiều việc làm mới, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ.