1. Một vài nguyên nhân có thể gặp ở trẻ 4 tuổi biếng ăn
Tình trạng trẻ 4 tuổi biếng ăn chậm lớn cần được xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân gây ra để tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời. Một trong những nguyên nhân hay gặp đối với trẻ biếng ăn bao gồm:
- Trẻ gặp vấn đề bệnh lý như rối loạn tiêu hoá hoặc bị nhiễm khuẩn hay viêm đường hô hấp;
- Trẻ gặp tình trạng biếng ăn sinh lý hoặc biếng ăn tâm lý.
Với những trẻ biếng ăn bệnh lý, cha mẹ cần tìm hiểu rõ để điều trị tận gốc giúp trẻ tiêu hoá và hấp thu thức ăn được tốt nhất, đồng thời giúp trẻ tìm lại được cảm giác thèm ăn. Cha mẹ cần tránh tình huống khi thấy trẻ không chịu ăn thì gây áp lực hoặc ép buộc trẻ phải ăn khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, đặc biệt là mỗi khi đến giờ ăn. Lâu dần sẽ gây ra những ảnh hưởng, làm cho trẻ mất cảm giác muốn ăn.
2. Chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ 4 tuổi biếng ăn, chậm lớn
“Trẻ 4 tuổi lười ăn phải làm sao” là thắc mắc chung của nhiều bậc phụ huynh có con gặp tình trạng này. Khi trẻ bước vào giai đoạn 4 tuổi, cha mẹ cần thay đổi chế độ ăn của trẻ một cách linh hoạt hơn giai đoạn trước. Bởi lúc này trẻ đã nhận thức được sự vật, biết yêu thích cũng như không thích những loại thực phẩm hay lựa chọn thức ăn mà trẻ muốn ăn. Nếu cha mẹ thực hiện việc ủng hộ hoàn toàn ý muốn hay sở thích của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, nhưng ngược lại nếu cha mẹ yêu cầu trẻ phải theo ý muốn chủ quan của cha mẹ thì sẽ khiến cho trẻ có những phản ứng không tích cực, lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng cho trẻ 4 tuổi để phát triển tốt cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Bữa ăn của trẻ phải bao gồm cả 4 nhóm thực phẩm như protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng.
- Số lượng bữa ăn của trẻ có thể thực hiện với 3 bữa chính cùng với 2 bữa phụ mỗi ngày.
- Ngoài ra, trẻ vẫn nên duy trì khoảng 500 ml sữa mỗi ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm hiểu và thực hiện bữa ăn sao cho dễ hấp thu và tiêu hoá. Bởi vì trong trường hợp trẻ bị bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá thì sẽ giúp trẻ hấp thu chất dinh dưỡng được tốt hơn. Thêm vào đó, cha mẹ có thể lựa chọn một vài sản phẩm bổ sung có chứa vi chất dinh dưỡng để cung cấp đủ cho trẻ theo nhu cầu khuyến nghị.
Men vi sinh có thể được xem như chế phẩm sinh học, bao gồm các lợi khuẩn giúp trẻ cân bằng được hệ vi sinh vật đường ruột, giảm thiểu tình trạng táo bón hay các bệnh liên quan đến tiêu hoá. Không những thế, men vi sinh còn giúp trẻ hấp thụ được thức ăn dễ dàng hơn, khiến cho trẻ cảm thấy ngon miệng và muốn ăn nhiều hơn.
3. Xây dựng thực đơn cho trẻ 4 tuổi biếng ăn
Thực đơn cho trẻ 4 tuổi chậm tăng cân hay thực đơn cho trẻ 4 tuổi biếng ăn được xem như chuyên đề khá khó đối với các bậc cha mẹ. Vì vậy, dựa theo khuyến nghị và tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ có thể áp dụng một số gợi ý sau để trẻ có một thực đơn hợp lý và phù hợp với trẻ:
Với những trẻ biếng ăn thì giai đoạn này chăm sóc trẻ khá vấn vất vả. Nhu cầu ăn uống ở thời điểm này cũng khác. Tuy nhiên cha mẹ nên chú ý bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ.
- Kẽm: Khi thiếu vi chất kẽm có thể sẽ làm cho trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng, lười ăn. Vì vậy khi bổ sung đủ dưỡng chất này sẽ giúp kích thích vị giác, tăng hệ miễn dịch và tốt cho cả não bộ của trẻ. Những loại thực phẩm giàu kẽm thường có trong thịt gà, hải sản, thịt bò, các loại họ đậu, các loại hạt...
- Omega 3 được cho rằng rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ biếng ăn, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ sẽ bị thiếu hụt. Việc bổ sung omega 3 cho trẻ ở thời điểm này sẽ giúp cho bộ não của hoạt động tốt hơn, cải thiện tình trạng ăn uống.
- Vitamin B: Nhóm chất này có chức năng quan trọng trong cơ thể giúp chuyển hoá chất béo thành protein mang lại nhiều tác dụng hỗ trợ chức năng thần kinh. Khi bổ sung vitamin này cho trẻ cần sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau có màu lá xanh đậm hay măng tây, đậu nành, trứng gà...
- Lysin thuộc nhóm acid amin quan trong với cơ thể của trẻ, giúp tổng hợp protein, chuyển hóa chất béo thành năng lượng, đồng thời giảm thiểu hàm lượng cholesterol trong máu. Những thực phẩm có nhiều hàm lượng lysine bao gồm thịt đỏ, đậu nành, trứng và thịt gà.
- Sắt: Thường rất dễ bị thiếu hụt khi trẻ biếng ăn. Thiếu vi chất này sẽ khiến trẻ có thể gặp tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy bổ sung những loại thực phẩm giàu sắt cung cấp đủ sắt cho trẻ.
- Canxi và vitamin D: Có chức năng giúp xương chắc khỏe và cao lớn. Ngoài ra, vitamin D còn giúp chuyển hóa canxi trong cơ thể.
- Probiotic thường bao gồm hệ sinh vật lợi khuẩn cho đường ruột, giúp trẻ có khả năng tiêu hoá tốt và ăn ngon miệng hơn....
Các món ăn thường được thực hiện cho trẻ 4 tuổi biếng ăn, chậm lớn:
- Các món rau sẽ giúp trẻ dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng và các dưỡng chất quan trọng khác bao gồm: Cải bó xôi, rau xào thập cẩm, rau muống xào tỏi, mướp xào gan gà, rau của luộc, măng tây xào thịt bò,...
- Các món thịt: Thường sử dụng thịt làm món trứng cuộn, tôm rim thịt, thịt kho trứng cút...
- Các loại canh như canh khoai tây hầm xương, canh rau ngót nấu thịt bằm, canh cải nấu thịt,....
4. Gợi ý thực đơn 1 tuần cho trẻ 4 tuổi biếng ăn
Thứ 2: Bữa sáng của trẻ bao gồm bánh cuốn nóng, bữa phụ cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa. Buổi trưa trẻ được ăn cơm với cá kho, canh đậu hũ nấu cà chua, rau luộc thập cẩm, chiều ăn sữa chua. Bữa tối ăn cơm với canh rau ngót nấu thịt bằm. Bữa phụ tối cho trẻ uống 300ml sữa.
Thứ 3: Bữa sáng của trẻ bao gồm bánh mì kẹp xúc xích, bữa phụ cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa. Buổi trưa trẻ được ăn cơm với canh chua thập cẩm và tôm rim với thịt, chiều uống nước ép trái cây. Bữa tối ăn cơm với cá om dưa, củ quả luộc. Bữa phụ tối cho trẻ uống 300ml sữa.
Thứ 4: Bữa sáng của trẻ bao gồm phở bò, bữa phụ cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa. Buổi trưa trẻ được ăn cơm với rau cải luộc, thịt kho trứng cút, dưa hấu, chiều ăn sữa chua và bánh bông lan. Bữa tối ăn cơm với canh cua rau đay, giò kho, hồng xiêm. Bữa phụ tối cho trẻ uống 300ml sữa.
Thứ 5: Bữa sáng của trẻ bao gồm bún riêu cua và nho, bữa phụ cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa. Buổi trưa trẻ được ăn cơm với canh cá nấu khế, mực xào thập cẩm, chuối, chiều ăn sữa chua và dâu tây. Bữa tối ăn cơm với cá nục kho nhừ, canh rong biển, đỗ xào, măng cụt. Bữa phụ tối cho trẻ uống 300ml sữa.
Thứ 6: Bữa sáng của trẻ bao gồm xôi gấc, bữa phụ cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa. Buổi trưa trẻ được ăn cơm với canh đậu hũ, cà chua, thịt luộc, quýt, chiều ăn chè thập cẩm. Bữa tối ăn cơm với canh su su hầm xương, thịt quay, bơ. Bữa phụ tối cho trẻ uống 300ml sữa.
Thứ 7: Bữa sáng của trẻ bao gồm bún bò Huế, chuối, bữa phụ cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa. Buổi trưa trẻ được ăn cơm với canh chua tôm, thịt bò xào khoai tây, măng cụt, chiều ăn váng sữa. Bữa tối ăn cơm với canh mướp, cá bống kho tiêu, xoài. Bữa phụ tối cho trẻ uống 300ml sữa.
Bên cạnh đó, bé cũng cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.