Ngày 29/9, Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác.
Các chuyên gia tiếp tục cảnh báo người Việt đang ăn quá mặn. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng muối trong một gói mì ăn liền trung bình đạt 4,2g, tương ứng với 5-7g muối trong mỗi 100g sản phẩm. Trong 100g xúc xích chứa 1,5-2,3g muối. Như vậy, chỉ ăn một gói mì ăn liền đã đủ lượng muối nạp vào cơ thể trong cả ngày.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cũng cho thấy trong đại dịch Covid-19, đa số những người tử vong do Covid-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
Chính vì vậy phòng, chống bệnh tim mạch là một chương trình y tế ưu tiên của các quốc gia, trong đó kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là một nội dung quan trọng, đặc biệt là nguy cơ do ăn thừa muối.
Theo bà Hằng, mặc dù muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày , suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác.
Tại Việt Nam, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy hiện nay ở nước ta cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do các bệnh tim mạch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên hiện nay, mỗi người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp 2 lần so với khuyến nghị.
Trong khi đó hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn rất hạn chế.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để giảm mức tiêu thụ muối, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Trong thời gian tới, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ tiềm tàng của việc tiêu thụ quá nhiều muối đối với sức khỏe sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và tại các địa phương trên toàn quốc.
Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Để giảm ăn muối:
- Hãy giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn.
- Hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn.
- Hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tươi.