ĐẶC ĐIỂM PHÂN HÓA THẢM THỰC VẬT TỰ NHIÊN
Ở HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG
Ts. Đỗ Khắc Hùng
Khoa Trung học cơ sở
Tóm tắt
Trong những năm gần đây, dân số tăng nhanh, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá khả năng phục hồi, môi trường suy thoái nghiêm trọng… là nguy cơ đe dọa đời sống dân cư ở nhiều vùng. Trước tình hình đó, việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường đang là mối quan tâm của nhiều ngành, nhiều địa phương trên đất nước ta.
Vị Xuyên là huyện miền núi của tỉnh Hà Giang. Huyện Vị Xuyên có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc thù. Huyện Vị Xuyên chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng đông bắc với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đó là những điều kiện thuận lợi cho thảm thực vật của huyện Vị Xuyên phát triển đa dạng và phong phú.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến đặc điểm phân hóa thảm thực vật tự nhiên khu vực huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự phân hóa thảm thực vật tự nhiên. Đó sẽ là cơ sở để sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ khoá: rừng thứ sinh, thảm thực vật, huyện Vị Xuyên.
1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Đối tượng
Các kiểu thảm thực vật rừng của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
1.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau:
- Phương pháp điều tra tổng hợp.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp khảo sát thực địa.
Trong đó, phương pháp điều tra tổng hợp và thống kê được sử dụng kết hợp với việc nghiên cứu, phân tích trong phòng, thu thập các dữ liệu liên quan để chỉ ra sự phân hóa lãnh thổ về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực nghiên cứu. Phương pháp khảo sát thực địa nhằm minh chứng và đính chính cho những nghiên cứu trong phòng.
2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
2.1. Các điều kiện sinh thái phát sinh thảm thực vật tự nhiên
* Địa hình:
Huyện Vị Xuyên nằm trong vùng núi thấp của tỉnh Hà Giang, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh. Dãy núi chạy dài từ Tây sang Đông, nổi tiếng với đỉnh Tây Côn Lĩnh, từ đó phát triển thành một dãy núi khác chạy xuống phía Nam. Độ cao trung bình của huyện trên 500m so với mực nước biển, độ dốc lớn tạo ra các tiểu vùng mang đặc điểm riêng biệt:
- Tiểu vùng núi cao có độ cao trên 1600m.
- Tiểu vùng núi trung bình có độ cao trung bình từ 700-1600m.
- Tiểu vùng thung lũng và núi thấp, có độ cao trung bình dưới 700m.
Do địa hình hiểm trở cho nên trong huyện vẫn còn giữ được những khu rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới với diện tích liền vùng khá lớn.
* Khí hậu:
Khu vực nghiên cứu có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu núi cao phía Bắc Việt Nam.
Mùa hè có gió Đông Nam, Tây Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10.
Mùa đông có gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Chế độ nhiệt:
+ Nhiệt độ trung bình năm: 22,6 - 23oC.
+ Nhiệt độ trung bình cao nhất: 27,2 - 27,5oC.
+ Nhiệt độ thấp nhất: 1,5oC.
* Thổ nhưỡng:
Những loại đất chủ yếu phân bố trên khu vực nghiên cứu:
- Đất mùn alít trên núi cao phát triển trên đá Gralít và đá hỗn hợp, phân bố ở độ cao trên 1.000m.
- Đất Feralit mùn xám vàng phát triển trên đá Macma axít và đá hỗn hợp, phân bố ở độ cao từ 700m - 1.700m.
- Đất Feralit vàng xám núi thấp được hình thành trên đá mẹ hoặc mẫu chất nghèo kiềm, phân bố ở điều kiện nhiệt đới.
- Đất Feralit xám núi trung bình phát triển trên đá sa thạch.
- Đất phát triển trên đá vôi.
* Tác động của con người:
Thảm thực vật ở khu vực nghiên cứu đã bị con người khai thác từ lâu với cường độ mạnh. Hình thức tác động chủ yếu là khai thác lấy gỗ, củi, làm nương... do đó rừng có cấu trúc không hoàn chỉnh. Rừng chủ yếu là rừng thứ sinh đang được phục hồi.
2.2. Các kiểu thảm thực vật rừng ở khu vực nghiên cứu
a. Kiểu rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới
Kiểu rừng này thường gặp ở những nơi có độ cao từ 700m trở xuống. Rừng đã bị khai thác một số cây gỗ quý hiếm nhưng cơ bản vẫn giữ được tính nguyên sinh.
Hầu hết đại diện các họ thực vật nhiệt đới Việt Nam đều có mặt ở đây, song rất khó xác định loài ưu thế bởi tính đa dạng, phong phú của chúng. Các họ thường gặp là Moraceae, Euphorbiaceae, Fabaceae, Burseraceae, Symplocaceae, Meliaceae, Rubiaceae, Fagaceae, Lauraceae, Magnoliaceae, Annonaceae, Juglandaceae…
Cấu trúc tầng thứ của rừng được chia thành 4 tầng:
- Tầng vượt trội: Thường có chiều cao khoảng 25 - 30m, đường kính có khi đạt 50 - 60m như Canarium album, một số loài trong Fagaceae, một số loài trong chi Ficus, Aglaia gigantea, Gmelia arborea
- Tầng rừng chính: Đây có thể xem là tầng ưu thế sinh thái, có rất nhiều loài tham gia tạo thành một tầng tán khá liên tục, điển hình là Syzygium wightianum, Litsea glutinosa, Symplocos tonkinensis, Ormosia balansae, Gironniera subaequalis, Cassia alata, Michelia balansae, Pentophorum tonkinensis, Lysidice rhodostegia, Castanopsis indica, Manglietia dandyi, Dipterocarpus retusus… Chiều cao trung bình 18 - 20m và đường kính đạt 30 - 40cm.
- Tầng dướt tán: Những loài tham gia tầng tán này thường tán nhỏ, nhọn và chịu bóng, ngoài ra còn những cây nhỡ của 2 tầng trên, điển hình là Randia oxydonta, Polyanthia cerasoides, Garcinia oblongifolia, Knema costicosa, Sterculia lanceolata và một số loài trong Euphorbiaceae, Rutaceae, Rubiaceae… Chiều cao trung bình từ 5 - 15m và đường kính đạt từ 15 - 20cm.
- Tầng cây bụi thảm tươi: Thành phần thực vật chủ yếu là các taxon thuộc họ Myrsinaceae, Poaceae, Cyperaceae, Zingiberaceae, Melastomataceae, Lamiaceae…
Hiện nay, diện tích rừng này còn rất ít, chỉ còn phân bố nơi dốc hiểm, lấy gỗ và lâm sản khác là rất khó khăn. Cùng với những tác động của con người một cách mạnh mẽ đã dần hình thành các kiểu rừng phụ khác nhau:
+ Kiểu phụ Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới phục hồi sau khai thác:
Đây là kiểu phụ thứ sinh nhân tác có nguồn gốc từ kiểu rừng trên. Do bị tác động mạnh qua khai thác chọn lấy đi những cây gỗ lớn, gỗ tốt, quý hiếm phục vụ cho mục đích xây dựng và thương mại, điển hình các loài trong chi Mechelia, Manglietia dandyi, Cinamomum parthenoxylon.
Trong lâm phần chỉ còn lại những cây gỗ chất lượng kém như Gironniera subaequalis, Ficus championii, Ormosia balansae, một số loài trong chi Castanopsis (Fagaceae)…
Tán rừng bị phá vỡ, có nhiều khoảng trống tạo điều kiện cho một số loài cây ưa sáng mọc nhanh phát triển như Gmelia arborea, Macaranga balansae, Saraca divespierra, Dillenia heterosepala… Ở những nơi ẩm thấp ven suối có loài Indosasa gassiflora, Neohuzeana dullova. Các tầng tán thể hiện không rõ ràng, liên tục, độ tán che thấp tạo điều kiện cho dây leo và thực vật phụ sinh phát triển nhanh.
+ Kiểu phụ Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới phục hồi sau nương rẫy:
Kiểu rừng này được hình thành sau canh tác nương rẫy. Rừng đơn tầng, đường kính bình quân 10 - 15cm và chiều cao bình quân 6 - 7m.
Thành phần thực vật chủ yếu là các cây tiên phong ưa sáng, sinh trưởng nhanh như Trema orentalis, Litsea cubeba, Macaranga trichocarpa, Styrax tonkinensis, Microcos paniculata, Cratoxylon ligustrinum, Sapium concolor, Litsea monocepala, Canarium album và một số loài Neohuzena dullova mọc xen kẽ.
Bước đầu đã xuất hiện các cây gỗ tốt, tái sinh dưới tán rừng như Quercus myrsinaefolia, Castanopsis indica, Pentophorum tonkinensis, Machilus bonii, Duabanga grandifolia, Syzygium wightianum, Schima wallichii.
Kiểu rừng này nếu được bảo vệ nghiêm ngặt, không bị tái phát nương làm rẫy thì trong tương lai sẽ trở thành rừng tốt, tạo thành sinh cảnh cho các loài chim, thú… Đây cũng là đối tượng cần quan tâm trong công tác bảo tồn.
+ Kiểu phụ Rừng tre nứa:
Kiểu rừng này có nguồn gốc từ kiểu Rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm, song do sự phá rừng bừa bãi và hoạt động canh tác nương rẫy dẫn tới những cây gỗ không còn, tạo điều kiện cho tre, nứa phát triển, chúng thường phân bố ở độ cao dưới 1000m.
Loài Indosasa crassiflora chiếm ưu thế, chúng mọc tản và thuần loài thành từng đám rộng, những nơi lập địa còn tốt, có độ dốc trung bình và thấp xuất hiện loài Indosasa shibatreoides, Neohuzeana dullosa, Bambusa sp, Bambusa multiplex, Ampelocalamus patellaris. Trên đất bồi tụ ven suối vùng thấp có loài Dendrocalamus latiflorus, Bambusa vulgaris var. striata.
Kiểu rừng này cũng là sinh cảnh tốt cho các loài thú gặm nhấm, chim và các loài côn trùng sinh sống.
+ Kiểu phụ Rừng cây gỗ hỗn giao với tre nứa:
Kiểu rừng này có nguồn gốc từ kiểu Rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm, song do sự khai thác kiệt và hoạt động canh tác nương rẫy thiếu kiểm soát.
Kiểu rừng này có cấu trúc 2 tầng rõ rệt: cây gỗ tầng trên và tre nứa tầng dưới. Tầng tán cây gỗ không liên tục, điển hình là các loài Syzygium wightianum, Canarium album, Mechelia balansae, Mechelia faveolata, Gmelina arborea, Aglaia glubosus, Symplocos yunnaensis, Gironniera subbaequalis, Canarium album, Ormosia pinnata, Schima wallichii, Endospermum sinensis, một số loài trong họ Fagaceae, Lauraceae… Đường kính bình quân từ 25 - 30cm, cao khoảng 20 - 25m, đôi khi gặp những cây có đường kính 50 - 60cm. Tầng dưới là tre nứa chủ yếu là Indosasa crassiflora, Indosasa shibatreoides, Neohuzeana dullosa, Bambusa sp, Bambusa multiplex, Ampelocalamus patellaris.
b. Kiểu rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới núi cao
Kiểu rừng này phân bố ở độ cao từ 700m đến 2000m. Đây là kiểu rừng nguyên sinh tuy có tác động chút ít nhưng không đáng kể, còn giữ được tính nguyên sinh cơ bản.
Thành phần thực vật ở đây cho thấy các họ nhiệt đới vẫn còn thể hiện rõ như họ Fagaceae, Caesalpiniaceae, Clusiaceae, Sapindaceae, Elaeocarpaceae. Tuy nhiên, vai trò của các họ á nhiệt đới chiếm ưu thế Fagaceae, Lauraceae, Euphorbiaceae, Theaceae, Aceraceae, Betulaceae… Tính chất á nhiệt đới còn thể hiện rõ sự xuất hiện những họ lá kim Pinaceae, Cupressaceae, Podocarpaceae.
Qua đợt khảo sát vừa qua chúng tôi thấy từ độ cao 1200m trở lên, các loài cây lá kim bắt đầu xuất hiện, mọc xen kẽ với các loài cây lá rộng nhưng tỉ lệ tổ thành của chúng rất nhỏ. Đến độ cao 1800m trở lên, các loài cây lá kim xuất hiện nhiều hơn.
Cấu trúc tầng thứ của rừng chủ yếu chia làm 4 tầng:
- Tầng vượt trội: Phần lớn là cây ưa sáng có chiều cao trung bình 25 - 30m, đường kính trung bình 50 - 60cm, đại diện là
Aglaia globosus, Chukrasia tabularis, Toona sureni, Canarium album, Endospermum sinensis, Aphanamixis grandifolia,, Amesiodendron chinensis…ở vùng cao có thêm
Podocarpus neriifolius, Pinus kesyia.
- Tầng tán chính: Chiều cao trung bình 20 - 22m, đường kính trung bình 30 - 40cm, đại diện là Castanopsis indica, Quercus helferiana, Quercus fleuryi, Beilschmiedia percoriacea, Cinnamomum parthenoxylon, Litsea glutinosa, Canarium tramdenum, Pentophorum tonkinensis, Ormosia pinnata, Engelhardtia chrysolepis, Syzygium wightianum, Betula alnoides, Schima superba, Eberhardtia aurata, Acer wilsonii, Alnus nepalensis, Podocarpus pingeri, Fokienia hodginsii.
- Tầng dưới tán: Chiều cao từ 10 - 15m, chủ yếu là các loài Knema pierrei, Garcinia oblongifolia, Polyanthia ceraoides, Ardisia sp, Acer flabellatum, Euria acuminata.
- Tầng cây bụi, thảm tươi: Chủ yếu đại diện các họ Myrsinaceae, Rutaceae, Pteridaceae, Lygodiaceae, Araceae, Zingiberaceae, Annonaceae, Fabaceae… Càng lên cao, ta sẽ gặp đại diện của Orchidaceae, Ericaceae.
Tuy rừng đang ở trạng thái diễn thế ổn định, song việc người dân vào rừng khai thác song mây, mở rộng diện tích trồng thảo quả sẽ là nguy cơ mất diện tích rừng này. Do các tác động tiêu cực của con người mà đã hình thành nên các kiểu phụ khác nhau:
+ Kiểu phụ Rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới núi cao phục hồi sau khai thác:
Đây là kiểu phụ thứ sinh nhân tác, phân bố rộng, có nguồn gốc từ kiểu rừng trên, do bị khai thác chọn với cường độ mạnh nên thiếu vắng nhưng loài cây gỗ quí như Mechelia balansae, Manglietia dandyi, Parashorea chinensis, Excentrodendron hsienmu, Cinnamomum balansae, Cinnamomum parthenoxylon, Fokiennia hodginsii, Podocarpus neriifolius. Đặc biệt ở đỉnh 1600m, Fokiennia hodginsii chỉ còn lại những cây có đường kính 12 - 15cm.
Tán rừng bị phá vỡ nghiêm trọng tạo điều kiện cho dây leo và những cây tiên phong chất lượng thương phẩm kém xâm nhập như Gironniera subaequalis, Ormosia balansae, Elaeocarpus thorellii, Castanopsis chapanensis…
+ Kiểu phụ Rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới núi cao phục hồi sau nương rẫy:
Đây là kiểu rừng đơn tầng, chiều cao trung bình 10 - 12m, đường kính dưới 10cm. Các loài chiếm ưu thế như Styrax tonkinensis, Litsea cubeba, Trema orientalis, Alangium chinensis, Shefflera octophylla, Schima wallichii, Alnus nepalensis, Ormosia balansae, Lithocarpus echinocarpa, Engelhardtia spicata… Dưới tán rừng đã xuất hiện cây tái sinh của các loài gỗ tốt như Mechelia balansae, Mechelia faveolata, Parashorea chinensis, Cinnamomum balansae…
Kiểu rừng này cũng là sinh cảnh tốt cho các loại động vật. Nếu không bị phát nương làm rẫy trở lại thì trong tương lai sẽ trở thành kiểu rừng tốt, bảo vệ môi trường, đất đai trong khu bảo tồn.
c. Rừng hỗn giao cây lá rộng, lá kim
Kiểu rừng này phân bố ở độ cao từ 1800m trở lên. Thảm thực vật mang tính chất á nhiệt đới điển hình, đại diện là các họ Fagaceae, Lauraceae, Juglandaceae, Aceraceae, Theaceae, Cupressaceae, Pinaceae, Podocarpaceae.
Theo quan sát của chúng tôi, kiểu rừng này có cấu trúc:
- Tầng vượt trội: Tầng này cây thường có chiều cao 20 - 25m, đường kính 35 - 40cm, cá biệt có cây đạt đường kính 50 - 60cm, đại diện là chi Quercus (Fagaceae), Machilus (Lauraceae), Michelia balansae, Acer wittsonii, Podocarpus fleuryi, Podocarpus neriifolirus, Fokienia hodginsii, Cupressus torulosa, Pinus kesyia.
- Tầng tán chính: Tầng này cây thường có chiều cao khoảng 12 - 15m, đường kính bình quân khoảng 25 - 20cm, đại diện là Acer oliverianum, Lithocarpus corneus, Quercus pseudosundaicus, Castanopsis lecomtei
- Tầng cây bụi và thảm tươi: Đại diện các họ chiếm ưu thế như Rubiaceae, Theaceae, Ericaceae, Euphorbiacee, Orchidaceae, Pteridaceae, Lygopodaceae.
Nhìn chung, kiểu rừng này còn giữ được tính nguyên sinh, song một số cây gỗ quý hiếm có số lượng cá thể rất ít, hoặc chỉ còn lại những cây có đường kính nhỏ.
d. Rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng nhiệt đới núi cao trên đất đá vôi
Đây là kiểu rừng đặc biệt phát triển trên đất do đá vôi phong hoá. Rừng không còn tính chất nguyên sinh do tầng tán không còn rõ ràng:
- Tầng vượt trội: Cây có đường kính trung bình 50 - 60cm, chiều cao trung bình 25 - 30m, thực vật đặc trưng là Excentrodendron hsienmu, Aglaia globosus, Dipterocarpus tonkinensis, Parashorea chinensis, Podocarpus fleuryi, Garcinia fagraeoides, Chukrasia tabularis, Toona sureni.
- Tầng tán chính: Chiều cao trung bình từ 20 - 25m, đường kính trung bình 30 - 40cm. Các loài thường gặp như Eberhartia tonkinesis, Pentophorum tonkinensis, Castanopsis indica, Cinnamomum parthenoxylon, Quercus fleuryi, Canarium tramdenum, Aphanamixis grandifolia, Pometia pinnata, Nephelium chryseum.
- Tầng dưới tán: Là những cây chịu bóng, mọc chậm, rải rác không thành tầng, đại diện là Dyospyros eriantha, Helicia balansae, Streblus ilivifolius, Prunus sp.
- Tầng cây bụi thảm tươi: Đại diện là Caryota mitis, Colocasia antiquorum, Aglaomena brevispathum, Arisaema balansae, Homanolema occulta, Begonia aptera, Begonia baviensis, Begonia edulis.
3. KẾT LUẬN
Huyện Vị Xuyên thuộc vùng núi thấp của tỉnh Hà Giang nhưng có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn đã tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc thù. Huyện Vị Xuyên chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng đông bắc với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đó là các điều kiện thuận lợi cho thảm thực vật nói chung và rừng nói riêng phát triển đa dạng, phong phú.
Các nhân tố sinh thái phát sinh thảm thực vật chủ yếu trong khu vực là địa hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là hoạt động của con người. Thảm thực vật trong khu vực nghiên cứu được phân hóa theo các đai độ cao khác nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tiến Bân và CS (2003 - 2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam (tập 2, 3), Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2000), Tên cây rừng Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
3. Viện Thổ nhưỡng Nông hoá (2008), Báo cáo đề tài khoa học Nghiên cứu tài nguyên đất vùng kinh tế trọng điểm, đề xuất giải pháp sử dụng hợp lí để phát triển vùng cây hàng hoá và cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, giấy ở Hà Giang.
4. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang (2011), Báo cáo đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh.