Đến với bài thơ “Cung đường mùa xuân” của tác giả Triệu Đức Thanh

Thứ năm - 18/12/2014 03:38 993 0
Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc với phong cảnh hùng vĩ; với những con đường uốn lượn quanh co dài bất tận, những phiên chợ vùng cao đầy sắc màu… Đã có rất nhiều tác phẩm được các nhà văn, nhà thơ sáng tác để ca ngợi không gian văn hóa của vùng đất này. Một trong số những tác phẩm đó phải kể đến bài thơ “Cung đường mùa xuân” được sáng tác vào năm 1996 của tác giả Triệu Đức Thanh (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang). Bài thơ như một hành khúc rộn ràng mang âm hưởng tự hào, tha thiết nhằm ngợi ca con đường Hạnh Phúc - con đường huyền thoại về sức trẻ của thanh niên các dân tộc thuộc sáu tỉnh ở Khu tự trị Việt Bắc và hai tỉnh Nam Định, Hải Dương trong suốt 6 năm ròng lao động quên mình để mở ra cuộc sống mới cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang thân yêu.
Tác giả Triệu Đức Thanh là người gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người Hà Giang. Vì vậy, các tác phẩm của ông luôn thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước và được ông viết lên bằng cả tấm lòng mình. Tiêu biểu là tập thơ “Cung đường mùa xuân” gồm ba mươi tư bài, trong đó có năm bài thơ đã được phổ nhạc. Đến với bản tình ca “Cung đường mùa xuân” nằm trong tập thơ cùng tên, người đọc được cảm nhận những cảm xúc dạt dào với một niềm tin phơi phới ngợi ca con đường Hạnh Phúc - con đường được làm nên bằng sự nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ cùng sự lao động cần mẫn, kiên cường, sáng tạo của lực lượng thanh niên xung phong và dân công với những dụng cụ lao động thủ công; con đường đã góp phần làm cho đất nước thêm nhiều mùa xuân tươi đẹp.
    Tác giả đã dùng hình ảnh rất sáng tạo để đặt nhan đề cho bài thơ như muốn nhắn gửi tới bạn đọc một con đường ngập tràn ánh sáng và bừng bừng sức sống của mùa xuân giữa Cao nguyên lộng gió; ngút ngàn đá xám mênh mông nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Đó chính là Quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang qua Cao nguyên đá Đồng Văn đến huyện Mèo Vạc của tỉnh nhà, mang tên gọi rất thân thương và ngọt ngào: “Đường Hạnh Phúc”! Con đường đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định cho khởi công từ năm 1959, nhưng đến năm 1965 mới hoàn thành với những cung đèo quanh co, uốn lượn trên lớp lớp dãy núi đá tai mèo dựng đứng; trùng trùng, điệp điệp, vời vợi mây trời. Con đường mang ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó đã mở ra một chân trời mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã gợi lại những kỉ niệm đẹp, đáng nhớ của một thời oanh liệt:
              Ta gặp nhau hôm nay
              Giữa Hà Giang lung linh điện sáng.
              Ta gặp nhau hôm nay
              Giữa Đồng Văn Cao nguyên lộng gió.
              Cùng nhớ về bao kỉ niệm năm xưa,
              Cùng nhớ về bao kỉ niệm năm nào,
              Tay chung tay mở đường lên Hạnh Phúc.
    Hai từ láy “lung linh” diễn tả ánh điện chiếu sáng đến các bản làng như làn gió mới thổi vào miền đất còn nghèo nàn, lạc hậu nơi địa đầu của Tổ quốc. Điện về khiến người dân mừng vui khôn xiết và cuộc sống mới của nhân dân các dân tộc Hà Giang tưng bừng như ngày hội. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng cùng nhớ về những tháng năm mở đường với biết bao vất vả, gian nan và những dấu ấn lịch sử khó quên.
              Tuổi trẻ bên nhau bạt núi ngăn sông,
              Tuổi trẻ mang theo bao ngàn mơ ước,
              Tuổi trẻ chúng ta từ Cao Bắc Lạng Thái Tuyên Hà.
    Hai từ “tuổi trẻ” đứng ở đầu câu được lặp ba lần nhằm nhấn mạnh, ca ngợi ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng cao cả, sẵn sàng xả thân mình vì nghĩa lớn, quyết tâm mở con đường huyết mạch với sự tham gia của hàng ngàn thanh niên xung phong cùng dân công sáu tỉnh Khu tự trị Việt Bắc “Cao Bắc Lạng Thái Tuyên Hà” và hai tỉnh Hải Dương, Nam Định.
Đọc thơ của tác giả Triệu Đức Thanh, chúng ta có cảm giác như đang thưởng thức một khúc nhạc ngân vang réo rắt lòng người, ngập tràn niềm tin tưởng, niềm tự hào vô bờ bến của ông vào thế hệ trẻ. Điều đó giúp người đọc hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của họ trong cuộc chiến đấu đầy gian truân, thử thách “bạt núi ngăn sông”, với một thời tuổi trẻ mang theo “bao ngàn mơ ước”… Chính sự quyết tâm của Trung ương Đảng và Bác Hồ cùng với sức mạnh đoàn kết toàn dân đã biến giấc mơ bao đời của đồng bào vùng cực Bắc thành hiện thực; giúp nhân dân các dân tộc Hà Giang xóa đi cuộc đời đói nghèo, tăm tối; hướng tới cuộc sống mới, hòa với nhịp sống chung của đất nước.
Ở đoạn thơ tiếp theo, tác giả còn suy ngẫm, gợi nhớ lại những kỉ niệm in đậm sự gian khổ trong công cuộc mở đường. Ông so sánh, ví những Cổng trời đá như những người mẹ đang dang tay che chở cho đàn con thân yêu:
              Từng giọt mồ hôi thấm vào đá núi
              Cổng trời hiên ngang mang dáng mẹ Cao nguyên.
              Mã Pì Lèng xưa núi đá xưa
             Nay đã thành những con đường lớn.
    Là người thường xuyên đi công tác trên con đường Hạnh Phúc vượt qua bao núi cao, vực thẳm nên ông rất khâm phục công cuộc mở đường của lớp lớp thanh niên đầy ý chí, kiên cường. Tác giả hiểu hơn ai hết sự cống hiến, nỗi vất vả, cực nhọc của những con người “gang thép”. Từng phút, từng giây chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với mưa rừng suối lũ, với thú dữ rình rập ngày đêm, với mùa đông lạnh đến thấu xương … họ vẫn quyết tâm “từng giọt mồ hôi thấm vào đá núi” chung sức, chung lòng để “tay chung tay mở đường lên Hạnh Phúc”. Nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn nhớ ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhớ mãi những con người dũng mãnh, phi thường đã làm lên “dáng mẹ Cao nguyên” ở chốn rừng thiêng nước độc, nơi biên cương lộng gió, thưa dấu chân người:
                      Đường lên phía Bắc, đường sang phía Tây
                      Là con đường ý Đảng lòng dân
                      Đường Bác Hồ đưa ta tới mùa xuân.
    Lời thơ giàu nhạc điệu khiến người nghe như được trực tiếp chứng kiến cảnh những ngày mở đường đầy khó khăn, thậm chí hi sinh cả tính mạng. Hai từ “mùa xuân” kết lại thể hiện giấc mơ hạnh phúc của nhân dân các dân tộc Hà Giang trở thành sự thật. Con đường Hạnh Phúc mở ra là con đường đến với ấm no, trẻ em được biết cái chữ; là không gian văn hóa được mở rộng; là cuộc sống mới nhộn nhịp trên khắp các bản làng xa xôi, hẻo lánh. Và hôm nay đây, Hà Giang đang bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, du lịch… đáp ứng niềm mong mỏi của Đảng và Bác Hồ kính yêu; mãi mãi xứng đáng với vai trò người giữ vững chắc phên giậu điểm cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam.
Con đường Hạnh Phúc nay đã trở thành một phần của di sản Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Không gian và con người Hà Giang luôn hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm để được tận hưởng vẻ đẹp như tiên cảnh, nên thơ mà hùng vĩ của một chân trời đá; để thể hiện sự ngưỡng mộ trước những con người quả cảm. Có thể nói, tình yêu quê hương tha thiết đã giúp tác giả Triệu Đức Thanh thổi hồn vào thơ ca những giai điệu uyển chuyển mà cháy lên niềm tự hào; những bản tình ca mang âm hưởng êm dịu mà quyến rũ như hương chè, hương lúa thơm nồng và lắng đọng sự ngọt ngào, tình tứ. Vì vậy, tác giả đã tạo nên những khúc tình ca về Hà Giang làm say đắm lòng người, trong đó nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Bài thơ “Cung đường mùa xuân” được nhạc sĩ Trùng Thương phổ nhạc năm 1996.       
    Mỗi du khách khi bước chân trên con đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với các huyện vùng cao phía Bắc, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ... lại nhớ về giai điệu ngọt ngào, sâu lắng cùng khí thế hào hùng trong bài hát này. Còn người dân vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc luôn tự hào khi hat vang những bài ca ngợi ca mảnh đất, con người nơi đây để giới thiệu, quảng bá với du khách hiểu thêm về một Hà Giang đầy thân thiện và mến khách, ngập tràn trong tia nắng ban mai của “mùa xuân mới” với Cao nguyên đá Đồng Văn hiên ngang, sừng sững, oai nghiêm cùng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì rực rỡ trong mùa lúa chín và con đường Hạnh Phúc đẹp đến mê hồn…
    Với những hình ảnh đầy sức gợi cảm, tác giả Triệu Đức Thanh như truyền ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ tới độc giả từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đến nay, bài thơ đang được các giáo viên, giảng viên nghiên cứu, giới thiệu cho học sinh, sinh viên hiểu sâu hơn về giá trị văn học và ý nghĩa lịch sử mở con đường Hạnh Phúc của tỉnh Hà Giang
Bài thơ “Cung đường mùa xuân” đã thể hiện một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một hành khúc rộn ràng, sôi nổi, mang âm hưởng thiết tha, truyền cảm, làm lay động trái tim người đọc. Có lẽ, tình yêu quê hương đất nước khắc sâu trong trái tim và tâm hồn nhà thơ đã biến thành sức mạnh, giúp tác giả vượt qua mọi thử thách chông gai, bước đi trên con đường cách mạng với một niềm tin sáng ngời. Điều đó đã thôi thúc ông cống hiến hết mình cho cuộc đời, để cuộc đời ngày càng đơm hoa, kết trái.

Tác giả bài viết: ThS Lê Thị Kim Dung - Phó Trưởng khoa Tiểu học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,039
  • Tháng hiện tại19,760
  • Tổng lượt truy cập3,946,378
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây