TS. HÙNG THỊ HÀ
Trường CĐSP Hà Giang
1. Vài nét về vấn đề tộc danh và lịch sử dân tộc Mông
Nghiên cứu vấn đề ngôn ngữ một dân tộc, không thể tách rời vấn đề lịch sử, văn hóa hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc đó. Sự tồn tại và phát triển của dân tộc Mông có một hoàn cảnh khá đặc biệt. Trước hết về vấn đề tộc danh, do những cơ sở lịch sử văn hóa và xã hội của dân tộc Mông chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống nên đến nay vẫn tồn tại những tên gọi và cách viết khác nhau như: Mèo, H’mông, Hmôngz, Mông... Về lịch sử dân tộc Mông cũng chưa có các công trình nghiên cứu mang tính qui mô. Đó là một thử thách với các nhà nghiên cứu khi muốn khám phá về văn hóa của một cộng đồng dân tộc thiểu số sống vùng núi cao Việt Nam và các quốc gia khác.
Là một dân tộc thiểu số có lịch sử và truyền thống văn hóa, phong tục tập quán riêng, dân tộc Mông từng là mối quan tâm của các nhà dân tộc học trên thế giới, thể hiện qua các công trình khảo cứu về lịch sử, nhân chủng học, văn hóa học. Cụ thể, Công trình Lịch sử người Mèo- (History of the Meo, 1924) của Savina F.M, Hồng Kông (bản dịch của Trương Thị Thọ và Đỗ Trọng Quang. Phòng Tư liệu - Viện Dân tộc học); Trung tâm nghiên cứu về người di cư ở Niu Oóc (The Research Center for refugees in New York City, 1986) của các tác giả Glenn L.Hendricks, Bruce T.Downing, Amos S. Deinard (The H’Mong intransition. Ed.by Glenn L.Hendricks, Bruce T.Downing, Amos S. Deinard. – New York: Center for migration studies of New York, 1986); Công trình Người Hmông- Lịch sử một dân tộc- (Hmong people - a people’s history, 1988) của K.Quincy (Trường Đại học Tổng hợp Oasinh tơn, Hoa Kỳ); Văn hóa Dân tộc Lào- (The ethnic culture of Laos) của Tiến sĩ Yang Dao Trung tâm nghiên cứu cộng đồng Đông Nam Á xuất bản năm 1992 tại California, Hoa Kỳ... Qua các công trình, khảo sát dân tộc học của các học giả nước ngoài cho thấy, về nguồn gốc lịch sử người Mông đều có điểm chung: Đây là một cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở vùng núi cao thuộc các nước Đông Nam Á, có ngôn ngữ và tập quán du cư, nhưng vấn đề tộc danh vẫn chưa có sự thống nhất trong cách phiên âm theo hệ thống chữ cái la tinh..
Vấn đề xác định tộc danh và vị trí dân tộc của đồng bào Mông đã được đặt ra từ trước 1945, nhưng còn đơn lẻ.
Trên báo Đông Pháp số 3043 năm 1935, Lâm Tuyền Khách (Lan Khai) là cây bút đầu tiên có bài khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Mông nhan đề “Mán Mèo”, tác giả cho biết nguồn gốc tên gọi và gốc tích dân tộc Mông có từ Trung Hoa di cư sang Việt Nam dựa vào những căn cứ lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa. Đồng thời tác giả cũng cho biết về đặc điểm của cộng đồng dân tộc Mông khác với các dân tộc khác như Đeo Tiền, Tài Bản (Đại Bản), Quần Trắng, Cao Lan. Người Mông có tập quán di cư và sinh sống trên đỉnh núi cao: “Nguyên khi xưa người Trung Quốc thường đem chữ Miêu để chỉ một giống rợ lúc ấy đang chiếm cứ vùng sông Hoàng Hà. Có lẽ lúc ấy có vài ba giống khác nhau, người ta gọi chung cả lại là giống Tam Miêu. Sau người Tam Miêu bị người Hán tộc đánh đuổi phải vào ở núi cao rừng rậm rồi tràn xuống phía Nam, đến cả đất Việt Nam ta bây giờ…. Một bằng cớ chắc chắn là người Tàu kiều cư ở Thượng du Bắc Kỳ hiện nay cũng dùng chữ “Miêu” để chỉ giống người ấy, và lại cũng chia làm nhiều thứ như Hắc Miêu, ta gọi là Mèo đen, Bạch Miêu, ta gọi là Mèo trắng, còn giống “Miêu thứ ba” nữa thì người ta ngờ nó là giống Lô Lô bây giờ vậy. Một bằng cớ nữa là hầu hết người Mèo từ già đến trẻ đều có thể nói được tiếng Xã Phang, thứ tiếng rất thông dụng ở miền Nam nước Tàu. Vậy thuật giả có thể tin chắc chắn được rằng người Mèo là dòng giống “Tam Miêu” từ Trung Quốc sang… Có lẽ giống rợ ấy khi xưa lúc bị người Hán tộc đánh đuổi, đã biết trồng lúa hay làm hay ăn, bận đồ xanh trên người ta đem chữ “Miêu” mà tặng. Người Việt Nam vì nhận lầm tiếng “Miêu”, nên gọi ngay là “Mèo”.
Là một dân tộc có nguồn gốc lịch sử, nhưng người Mông xưa không có chữ viết, họ dùng truyền thuyết và thơ ca dân gian để ghi nhớ lịch sử và văn hóa của mình. Trong một bài dân ca Mông được nhà văn Lan Khai sưu tầm, dịch ra Tiếng Việt trong tiểu thuyết LôHNồ (1932) trên báo Đông Pháp đầu thế kỉ XX, do tác giả am hiểu Tiếng Mông nên cách phiên âm của ông đã sát với cách phát âm về tộc danh của người Mông (HMồng), tộc danh đó được gọi là: “Mèo” theo quán ngữ của người Kinh.
Ở Việt Nam, người Mông sống rải rác trên các triền núi cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một số đồng bào di cư vào sinh sống tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắk Nông. Hà Giang là nơi có cộng đồng người Mông lớn nhất trong cả nước. Vùng đất Mèo Vạc được coi là cội nguồn của người Mông Việt Nam.
Ngày 02/3/1979, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê ký văn bản quy định Danh mục thành phần dân tộc Việt Nam gồm 54 dân tộc. Cũng văn bản này có thay đổi một số tộc danh, trong đó dân tộc “Mèo” đổi thành “Hmông”. Từ đó, danh từ Hmông được dùng chính thức. Song đến nay, cách viết, đọc và gọi tên dân tộc Mông vẫn chưa thống nhất, kể cả trong các văn bản hành chính, văn học, báo chí. Khi thì viết là H’mông”, một số viết là “Hmông” hoặc “Hmôngz” nhưng lại đọc là “Hơ mông”. Tại Thông báo số 02/TB ngày 03/9/1992 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về kết luận của Chủ tich Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại Hội nghị vùng cao và dân tộc Mông cũng viết là Mông; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) cũng đã ghi: “Chỉ thị về một số công tác ở vùng dân tộc Mông”; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khoá X đã có công văn số 09-CV/HĐDT ngày 05/12/2001 nêu rõ: “ Tên gọi dân tộc Mông, nếu viết bằng chữ phổ thông là ngôn ngữ chính thức của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì viết là Mông”. Mặc dù đã có những văn bản có tính pháp qui như trên, nhưng chưa có một công trình nào giải thích tộc danh của dân tộc này một cách sát hợp.
Theo chúng tôi việc xác định tộc danh phải lấy tên gọi của của chính cộng đồng Mông tự đặt cho mình và ý thức cộng đồng sắc tộc về tộc danh đó dựa trên cơ cấu về ngữ âm học lịch sử và triết học về vấn đề dân tộc chứ không thể lấy tên gọi từ bên ngoài để áp vào tộc danh của đồng bào. Bản thân người Mông cũng tự gọi tên dân tộc mình là “Mông”. Qua việc thực địa khảo sát tộc danh người Mông ở 3 miền đất nước, vùng biên giới Việt - Trung và Lào, những nơi có người Mông sinh sống cũng như việc tiếp xúc với các nhóm Mông (Mông Hoa, Mông trắng, Mông Đen....) ở Hà Giang và các tỉnh phía Bắc qua cách phát âm ghi chép được, chúng tôi đều nhận thấy đồng bào thống nhất đọc là “Hmôngz” (Mông) theo phiên âm kí tự la tinh. Mặt khác đồng bào cũng tự nhận Mông chính là tộc danh của tổ tiên mình. Vì vậy cách phát âm “Mông” bằng Tiếng Việt hiện nay là phù hợp nhất.
2. Đặc điểm ngôn ngữ
Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, tiếng Mông thuộc họ Nam Á, ngữ hệ Mèo – Dao (hay Mông – Miền). Người Mông có 5 ngành, tương ứng là 5 phương ngữ. Tiếng Mông là ngôn ngữ thuộc loại hình đơn âm tiết, bao gồm 58 phụ âm, 25 vần; âm chính gồm có 11 nguyên âm đơn và 5 nguyên âm đôi. So với tiếng Việt, tiếng Mông ít hơn về số lượng âm cuối(chỉ có bán nguyên âm u, I và phụ âm nh, ng giữu vai trò âm cuối), Tiếng Mông có 8 thanh điệu (sử dụng chữ cái để ghi thanh điệu). Về cơ bản, tiếng Mông là một ngôn ngữ thống nhất. Sự thống nhất của tiếng Mông thẻ hiện rõ nhất ở ngữ pháp. Giữa các ngành Mông khác nhau sự khác biệt về vốn từ chỉ khoảng 4-7% (duy chỉ có ngành Mông Xanh là có sự khác biệt lớn khoảng 21,3%)(4). Cơ cấu phụ âm, thanh điệu của các ngành Mông nhìn chung là thống nhất, vì thế người Mông các vùng, trên thế giới có thể giao tiếp với nhau một cách bình thường. So với tiếng Mông thuộc các ngành khác, tiếng Mông trắng phát âm nhẹ hơn, do đó dễ nói và dễ nghe hơn.
Tiếng Mông là một ngôn ngữ không có chữ viết. Năm 1961, phương án chữ Mông được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn (theo Nghị định số 206/CP ngày 27/11/1961 về việc phê chuẩn phương án chữ Thái, Tày, Nùng, Mèo), đưa vào sử dụng thống nhất trong cả nước. Chữ Mông ở Việt Nam là bộ chữ dựa trên hệ thống kí tự latin theo nguyên lý ghi âm, trên cơ sở ngữ âm của ngành Mông Lềnh Sa Pa (Lào Cai), có bổ sung thêm một số âm vị của các ngành Mông khác. Hiện nay do sự phát triển bùng nổ của thông tin, người Mông trên khắp thế giới (Mỹ, Pháp, Úc, Thái Lan, Lào…) đều thống nhất sử dụng tiếng Mông Quốc tế (Chữ Mông Latin ra đời năm 1953 tại Lào) làm âm chuẩn để phiên âm, đó là tiếng Mông trắng(Hmôngz đươz). Nguyên nhân là do đội ngũ trí thức người Mông tập trung chủ yếu ở các nước trên thế giới đều là người Mông trắng; đồng thời, người Mông ở các nước nói trên cũng có đời sống kinh tế phát triển, nên việc sản xuất và phổ biến các ấn phẩm văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng rộng rãi hơn(6). Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới tiếng Mông trắng được sử dụng phổ biến nhất.
Ngôn ngữ Mông không chỉ chiếm một vị thế đặc biệt trong đời sống đồng bào Mông mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển đời sống văn hóa xã hội ở các khu vực miền núi phía Bắc. Nó là phương tiện lưu giữ lại những phong tục tập quán, những tác phẩm văn học dân gian phản ánh quan niệm vũ trụ, nhân sinh của người Mông từ xa xưa; đồng thời là công cụ để những trí thức Mông bước đầu biểu hiện đời sống tâm hồn, phản ánh cuộc sống thực tại qua những sáng tác thơ văn bằng tiếng dân tộc. Ngôn ngữ chính là những công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta. Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bởi nó bảo đảm sự đa dạng về văn hóa và giúp các nền văn hóa có thể giao thoa, trao đổi với nhau.
3.Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Mông ở Hà Giang
Tại Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi tập trung đông nhất đồng bào Mông ở Việt Nam, “nơi còn lưu giữ được những yếu tố văn hoá cổ truyền nhất xứng đáng được coi là trung tâm văn hoá truyền thống của người Mông ở Việt Nam và Đông Nam Á”(2), người Mông sống tập trung đông nhất ở các huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên Đá Đồng Văn, và hai huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Tuy sống xen kẽ với rất nhiều dân tộc khác như Dao, Lô Lô, Pà Thẻn... nhưng người Mông vẫn có ý thức quần tụ thành những vùng nhỏ đồng tộc (bản, xóm) gọi "giao"(jaol). Dân cư trong mỗi bản thuộc nhiều dòng họ, trong đó thường có một họ đông nhất hoặc có khi chỉ có một họ. Với tính cách mộc mạc chân chất, "nói ít làm nhiều", người Mông rất coi trọng tín nghĩa tình cảm cộng đồng thể hiện ở câu nói cửa miệng: "người Mông ta" (pêz Hmôngz), "Ta cùng một giống lanh với nhau". Có thể hiểu lý do khiến tình cảm cộng đồng ngày càng sâu đậm là sự gắn bó với nhau trong hoạn nạn "khi thiên di lang thang"và một quá khứ tự ti bị kém cỏi so với nhiều dân tộc khác khiến đồng bào Mông sống khép kín, ít giao lưu(4).Tuy nhiên, chính có cuộc sống sống khép kín mà người Mông bảo lưu được trọn vẹn nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, ở Hà Giang, trong xu thế một số dân tộc (Bố Y, Cờ Lao đỏ…) có nguy cơ gần như mất tiếng nói thì người Mông vẫn bảo lưu được tiếng nói của dân tộc mình. Ngôn ngữ Mông vẫn là phương tiện giao tiếp quan trọng bậc nhất trong cộng đồng dân cư.
- Việc sử sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp gia đình
Trong giao tiếp gia đình, người Mông ở Hà Giang vẫn ưu tiên sử dụng ngôn ngữ của họ. Đối với những trường hợp giao tiếp với người lớn tuổi hơn (như ông, bà, cha, mẹ), giao tiếp với những người ngang hàng (vợ, chồng, anh, chị, em) hầu hết người dân chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ.
Nói về năng lực tiếng mẹ đẻ,100% người dân tộc Mông (sống ở nông thôn) khi được phỏng vấn đều biết sử dụng ngôn ngữ dân tộc của họ ở mức độ nói thạo và đều khẳng định rằng trong gia đình hay bản làng của mình không có ai là không biết nói tiếng dân tộc mình. Họ có thể hiểu rõ nội dung khi nghe đài phát thanh hay xem truyền hìnhtiếng Mông. Còn với người Mông sống ở thị trấn, thành phố thì kết quả gần như ngược lại (đến 80% số các bạn trẻ dân tộc Mông không biết nói, nghe tiếng mẹ đẻ và giao tiếp trong gia đình hoàn toàn bằng tiếng Việt). Dù đã có chữ viết riêng nhưng đa số người Mông cũng chỉ sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình với chức năng khẩu ngữ giao tiếp hàng ngày mà không biết đọc, viết. Tỉ lệ biết chữ viết dân tộc mình là rất ít ( khoảng 3 - 4 %).
- Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Mông trong giao tiếp ở cộng đồng
Khi thực hiện các nghi lễ trong cộng đồng như: cưới hỏi, tang ma, cầu cúng…người Mông sử dụng hoàn toàn tiếng mẹ đẻ của mình. Trong các hoạt động mang tính văn hóa văn nghệ như hát hò, kể chuyện thì sự tham gia của tiếng Việt nhiều hơn.Việc sử dụng tiếng dân tộc mình ở trong bản làng được người dân rất thích, và kể cả khi nói tiếng dân tộc mình ở nơi có nhiều dân tộc khác thì người dân đa số đều cảm thấy bình thường.
Đối với những trường hợp có khách đến nhà hay đến nhà người khác cùng dân tộc thì số người Mông ưu tiên sử dụng tiếng dân tộc của họ gần như tuyệt đối (đối với các gia đình ở vùng sâu, vùng xa).
Có thể nói, trong giao tiếp ngôn ngữ, ngoài tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, người Mông ở Hà Giang hầu như không sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc khác. Ở môi trường giao tiếp trong gia đình, với người thân, tiếng mẹ đẻ luôn là lựa chọn ưu tiên. Ở môi trường giao tiếp cộng đồng, tiếng mẹ đẻ cũng được ưu tiên sử dụng trong giao tiếp với người cùng dân tộc, những hoàn cảnh mang tính lễ nghi. Đặc biệt, tiếng Mông còn được các dân tộc khác sử dụng như một phương tiện chung trong giao lưu mua bán tại các chợ phiên vùng tập trung đông đồng bảo Mông (Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ).
Phần lớn số người dân khi được phỏng vấn đều mong muốn con cái mình thành thạo ngôn tiếng mẹ đẻ, không chỉ để giao tiếp mà còn để bảo tồn bản sắc dân tộc. Điều đó cho cho thấy người dân ý thức rất cao về việc lưu giữ bản sắc dân tộc của họ trong đó có ngôn ngữ đồng thời cũng là một sự khẳng định vai trò và sức sống của những ngôn ngữ này trong cộng đồng.
5. Tình hình người Mông sử dụng tiếng Việt
Tiếng Việt có vai trò như một ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ quốc gia và được sử dụng nhiều trong các phạm vi giao tiếp mang tính quy thức hay những tình huống giao tiếp giữa những người khác dân tộc. Trong khi đó, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số được sử dụng nhiều trong phạm vi giao tiếp gia đình hay các tình huống giao tiếp mang tính chất suồng sã, tự nhiên hay nghi lễ, cúng bái trong cộng đồng giữa những người cùng dân tộc. Tiếng dân tộc chủ yếu được sử dụng ở kênh nói trong khi tiếng Việt được sử dụng ở cà kênh nói và viết.
Trước hết bàn về Thái độ ngôn ngữ đối với tiếng Việt
Ý thức của đồng bào đối với vai trò của tiếng Việt, chữ Quốc ngữ rất cao. 100% số người được hỏi đều khẳng định cần phải biết tiếng Việt. Tuy nhiên, đối với mục đích của việc học tiếng Việt thì phần lớn số người được phỏng vấn học tiếng Việt chỉ để giao tiếp; số người lựa chọn lý do học hành lên cao là mục đích của việc học tiếng Việt chủ yếu là ở nhóm đối tượng người trẻ tuổi, học sinh, giáo viên, người làm việc hành chính – những người được học hành và nhận thức đầy đủ.
Xét mối tương quan giữa năng lực tiếng Việt và giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn,qua khảo sát cho thấy có sự chênh lệch trình độ về khả năng tiếng Việt giữa nam giới và nữ giới; những người trẻ có khả năng tiếng Việt cao hơn so với nhóm đối tượng lớn tuổi.Những người có trình độ học vấn cao thì năng lực tiếng Việt cũng tốt hơn so với những người có trình độ học vấn thấp.
Tiếng Việt cũng được sử dụng với tỉ lệ cao khi giao tiếp với người khác dân tộc hay người Kinh.Trong giao tiếp hiện nay, đa số người dân tộc Mông đều là những cá thể song ngữ. Trạng thái song ngữ tiếng Mông– Việt đối với người dân tộc Mông ở Hà Giang là một trạng thái song ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, vẫn còn những người không biết nói và viết tiếng Việt, chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng không bao giờ ra khỏi làng hoặc chỉ thỉnh thoảng ra khỏi làng và đi trong thời gian ngắn.
5. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Trong nhiều năm qua, việc triển khai, quán triệt những văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thồng, trong đó có việc học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được thực hiện nhất quán và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh đãchỉ đạo các ngành chức năng chủ động phối hợp với các cục, vụ, viện của các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức nhiều đợt kiểm kê, nghiên cứu, tìm hiểu và phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo; đồng thời hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật"...Chính nhờ thực hiện chủ trương đó mà, vốn tiếng nói và chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mông nói riêng ở Hà Giang được phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát triển.
Là tỉnh miền núi với 87% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 37%; đồng bào sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế. Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định: Dạy chữ và tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên công tác tại vùng đồng bào Mông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh.
Việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc tại vùng đồng bảo để vận động đồng bào chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật cả Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo; nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... là yêu cầu cơ bản, thiết yếu đối với mỗi cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi của Hà Giang hiện nay. Ngoài mục đích phục vụ công tác vận động quần chúng, dạy và học tiếng Mông còn nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Hà Giang chú trọng việc dạy chữ và tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ công chức thường xuyên công tác tại vùng đồng bào Mông. Tỉnh đã biên soạn giáo trình giảng dạy chữ và tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, công chức tỉnh Hà Giang, xuất bản năm 2008. Đây là bộ giáo trình có nội dung rất phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ vùng dân tộc Mông ở Hà Giang và được đưa vào giảng dạy đầu năm 2009. Từ năm 2006 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng mở được 6 lớp bồi dưỡng chương trình học tiếng Mông cho trên 3.000 cán bộ, công chức đang công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh. Đây là điều kiện tốt để mỗi cán bộ công chức của Hà Giang khi đi công tác ở cơ sở trực tiếp giao tiếp, trao đổi công việc cụ thể với bà con dân tộc Mông. Từ đó mỗi cán bộ công chức của Hà Giang sẽ thực hiện tốt hơn công tác dân tộc với phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào.
Những việc làm thiết thực trên không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn mà còn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang hiểu rõ giá trị, trân trọng và tự hào bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của dân tộc mình, từ đó ra sức bảo vệ, phát huy trong đời sống cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như các Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra.
Một số hạn chế trong công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mông ở Hà Giang:
Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho việc giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng dân tộc, song nó cũng khiến cho việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc nói chung gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thấp. Những tập tục mê tín dị đoan cùng với sự xuyên tạc dụ dỗ lôi kéo của các thế lực thù địch đã tác động rất xấu đến đời sống của đồng bào. Trong khi đó, thế hệ trẻ tiếp thu cái mới chưa đầy đủ. Còn cái cũ của dân tộc hầu như không biết: Nội dung thơ ca không biết làn điệu thể hiện không thuộc, nghệ thuật cấu trúc vần luật không nắm. Kho tàng thơ ca dân gian các dân tộc dần bị mai một. Nét sinh hoạt văn hoá độc đáo như tổ chức hát đối đáp trong ngày lễ tết, ngày hội chưa được quan tâm đúng mức. Những người thuộc nhiều bài dân ca vẫn chỉ là các thế hệ lớn tuổi. Hình thức sinh hoạt như hát dân ca trong ngày lễ tết, ma chay, cưới xin không còn duy trì được nữa, nếu không nói là mất đi. Trang phục dân tộc bị pha tạp... Người ta thường chỉ thấy việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong những người già ở cộng đồng làng bản, trong gia đình; còn với thế hệ trẻ dân tộc Mông (đặc biệt là các bạn trẻ sống và làm việc tại thành phố, thị trấn) lại rất ít sử dụng, thậm chí không biết nói tiếng mẹ đẻ, họ chủ yếu là nói tiếng dân tộc đa số để giao tiếp; một số ít còn có tâm lý tự ti, xấu hổ khi mình là người dân tộc thiểu số. Cả đến ngôn ngữ dân tộc cũng không biết thì không thể nói gì đến tìm hiểu hay gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông. Chính điều này dẫn đến sự mai một các giá trị văn hóa một cách nghiêm trọng. Việc dạy tiếng Mông, chức Mông còn mang nặng tính hình thức.Đây là điều đáng lo ngại, là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Vậy nguyên nhân của những hạn chế đó là do đâu?
Thứ nhất,ngôn ngữ của dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc thiểu số khác nói chung đã, đang chịu một sức ép rất lớn trước ngôn ngữ dân tộc đa số để tồn tại. Tiếng Việt có sự tác động mạnh (được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, tại các trường học, trong sách giáo khoa, tài liệu nghiên cứu và trong các văn bản hành chính của chính quyền)trở thành ngôn ngữ chính thức tại các vùng có nhiều dân tộc thiểu số... Trong khi đó ngôn ngữ của dân tộc Mông dù được công nhận và cũng đã được sử dụng trên một số phương tiện truyền thông, nhưng phổ biến nhất vẫn là trong phạm vi làng mạc, gia đình và các buổi lễ cổ truyền...
Thứ hai, có thể nói nguyên nhân lớn nhất làdo từ gia đình cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu.Trong khi đó, một bộ phận những người dân tộc Mông (phần lớn là thế hệ trẻ) cũng từ bỏ hoặc không tha thiết gì với phong tục của mình nên họ càng ít có cơ hội để sử dụng tiếng mẹ đẻ. Khi ngôn ngữ không còn được coi là niềm tự hào thì việc duy trì và gìn giữ ngôn ngữ trong cộng đồng là vô cùng khó khăn.Kết quả là ngôn ngữ của họ dần bị quên lãng và biến mất theo mức độ và thời gian hội nhập.
Thứ ba, đối với công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy vốn ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Mông một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Mông, chữ Mông, phần lớn cho cán bộ, viên chức đăng ký theo học chỉ với mục đích thuận lợi cho việc thi nâng ngạch.
Một số đề xuất kiến nghị:
1. Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng các cấp quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tộc thiểu số hiểu rõ được vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn giữ gìn tiếng nói riêng của dân tộc mình.
2. Khảo sát, điều tra nhu cầu, nguyện vọng học tiếng dân tộc thiểu số của đồng bào về nội dung, hình thức, chương trình và loại chữ đưa vào giảng dạy (đối với đồng bào có nhiều loại chữ viết) cũng như việc sử dụng chữ viết đó sau khi được đào tạo, đảm bảo nội dung và hình thức đào tạo hợp lý, hiệu quả.
3. Đẩy mạnh việc khảo sát, kiểm kê, phục hồi các phong tục truyền thống mang đậm văn hóa dân tộc, các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa, thể thao dân gian… tạo được không gian cộng đồng để mọi người cùng sử dụng ngôn ngữ dân tộc, khuyến khích tạo điều kiện để các nghệ nhân, người cao tuổi truyền dạy lại ngôn ngữ dân tộc, khuyến khích các văn nghệ sĩ người dân tộc viết, sáng tác bằng tiếng dân tộc, xuất bản các ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, đĩa CD, video, lập các trang tin điện tử bằng chính chữ viết dân tộc thiểu số để tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của họ.
4. Có chính sách ưu tiên bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu đối với giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số, có kiến thức nhất định, hiểu biết về chữ viết của dân tộc mình. Sau khi đào tạo nâng cao và chuyên sâu, những giáo viên này được bố trí giảng dạy môn tiếng dân tộc phù hợp tại các trường sẽ triển khai dạy tiếng dân tộc.
5. Chính các dân tộc thiểu số phải giữ vai trò chủ thể trong việc nâng cao vị thế của chính dân tộc mình. Bắt đầu từ ý thức coi trọngviệc truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình. Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu thì không chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ được.
---------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Duy Đại, Triệu Đức Thanh (2003), Các dân tộc Hà Giang, Nxb Thế giới, H.
2. Vương Duy Quang, Văn hóa tâm linh của người Mông ở Việt nam: Truyền thống và hiện đại, NXB Văn hóa Thông tin. 2005.
3. Trường Lưu - Hùng Đình Quý (chủ biên) (1996), VHDT Mông Hà Giang, sở VHTTT Hà Giang,.
4. Trần Hữu Sơn (1996), Văn hóa Hmông, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, H.
5. Trần Mạnh Tiến, Những phiên bản lịch sử dân tộc Mông trong thơ ca dân gian, Diễn đàn trí thức dân tộc thiểu số, ra ngày 1/3/2013.
6. Nguyễn Kiến Thọ, Vấn đề lựa chọn chữ Mông trong đào tạo, bồi dưỡng tiếng Mông hiện nay (nhìn từ thực tiễn hai tỉnh Bắc Cạn và Thái nguyên), daihoctantrao.edu.vn, 17/11/2016.