Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 5-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 5-1
Sự kiện trong nước
- Ngày 5-1-1977: Tạp chí Học tập - cơ quan lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được đổi tên thành Tạp chí Cộng sản theo Quyết định số 01/NQ/TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương. Trong lịch sử tạp chí Đảng, đây là lần thứ năm tạp chí Đảng lấy tên là Tạp chí Cộng sản. Việc lấy tên đó là để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và phù hợp với việc đổi tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua những chặng đường phát triển hơn 90 năm qua, Tạp chí Cộng sản không ngừng trưởng thành, đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền, vận dụng, phát triển, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Ðảng. Tạp chí luôn đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh tư tưởng, chống các quan điểm sai trái, thù địch; chống chủ nghĩa xét lại hiện đại và chủ nghĩa giáo điều; chống tư tưởng phản động của chủ nghĩa thực dân mới; chống hệ tư tưởng tư sản cùng các trào lưu tư tưởng phi vô sản khác; qua đó góp phần tích cực và hiệu quả bảo vệ bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ đường lối, quan điểm của Ðảng ta.
Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Ðảng và Nhà nước đã tặng thưởng Tạp chí Cộng sản các phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; hai lần Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều huân, huy chương khác. Ðảng, Nhà nước Lào đã tặng tạp chí Huân chương Ít-xa-la.
- Ngày 5-1-1968: 4 giờ sáng ngày 5-1-1968, quân và dân Ninh Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.700 trên miền Bắc. Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi thư khen và đăng trang trọng trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-1-1968.

Sự kiện quốc tế
- Ngày 5-1-1762: Ngày mất của nữ hoàng Nga Elizaveta.
- Ngày 5-1-1896: Một tờ báo của Áo đăng tin Wilhelm Röntgen đã khám phá ra 1 loại bức xạ mà ngày nay được biết đến với cái tên tia X-quang.
- Ngày 5-1-1933: Bắt đầu khởi công xây dựng Cầu Cổng Vàng tại Vịnh San Francisco.
- Ngày 5-1-2005: Từ bức ảnh chụp từ năm 2003, một nhóm nhà khoa học phát hiện Eris, hành tinh lùn lớn nhất được biết đến trong Hệ Mặt Trời.
Theo dấu chân Người
- Ngày 5-1-1925, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang làm phiên dịch cho Bôrôđin - cố vấn của Liên Xô, đã gửi một bức thư cho Quốc tế Cộng sản báo tin rằng “Quốc dân đảng Đông Dương vừa được thành lập vào ngày 3 tháng này” .
16 năm sau đó, cũng ngày này năm 1941, Nguyễn Ái Quốc lại có mặt ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) đã gặp Hoàng Văn Thụ - người được Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang báo cáo công việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 để quyết định những vấn đề trọng đại cho công cuộc giải phóng .
Và cũng chỉ 5 năm sau, ngày 5-1-1946, nước Việt Nam độc lập đó bước vào ngày hôm trước của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Sáng hôm đó, báo chí nhất loạt đăng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó viết “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

Chiều hôm đó, tiếp xúc với 2 vạn cử tri tại khu Việt Nam học (nay thuộc khu vực Đại học Bách khoa - Hà Nội), ứng cử viên Hồ Chí Minh tuyên bố: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai bán, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
Rời cuộc tiếp xúc, Bác đến thăm chùa Bà Đá và trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc đặt tại chùa Quán Sứ và trịnh trọng tuyên bố: “Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.
- Ngày 5-1-1958, “Lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông Xuân” 20 được đăng trên các báo và trong ngày hôm đó Bác Hồ về Hưng Yên động viên nhân dân đang chống hạn và tặng bức trướng thêu 4 chữ: Chống hạn giỏi nhất.

Nhân dân Hưng Yên hân hoan đón Bác về thăm ngày 5-1-1958 (Ảnh: Hungyen.gov.vn)
- Ngày 5-1-1959, Bác đến khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, viết lời đề từ: "Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta", và tặng bảo tàng một kỷ vật riêng của mình: một chiếc lược làm bằng đồi mồi cất trong một túi vải.

- Ngày 5-1-1960, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (thời đó xác định là ngày 6-1-1930), Bác đã đọc lời khai mạc và kết thúc bằng lời thơ: Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho sử vàng.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1 - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa. Bức thư có đoạn: “Gửi anh chị em họa sĩ, biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được. Tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952, trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong thư năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những lực lượng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Lời dạy nhanh chóng được anh chị em họa sĩ cả nước đón nhận, hun đúc tinh thần thi đua yêu nước, hăng say, sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Lời của Bác được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ-người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Để góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới, hội nhập, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đội ngũ làm công tác văn hóa, văn hóa nghệ thuật - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, hơn bao giờ hết phải tự nâng cao nhận thức về sứ mệnh vẻ vang của người cầm bút, cần phản ánh chân thật, đúng giá trị, ý nghĩa các cuộc đấu tranh yêu nước, những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta; đây không chỉ là trách nhiệm cao cả, mà là lương tâm của văn nghệ sĩ.
Điều đó đã thôi thúc giới văn nghệ sĩ đến với những người nông dân ở vùng đất miền Trung, một trong những chiến trường ác liệt năm xưa, hôm nay đang gồng mình chống chọi với bão lũ, thiên tai nghiệt ngã, nghị lực vượt khó, thoát nghèo. Hãy đến với người lính nơi biên giới, các đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa đang đối diện với gian nan, thử thách để hiểu thêm về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”… Cứ đi, cứ đến những nơi khó khăn nhất để có “chất liệu” sáng tạo những tác phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống, phục vụ đất nước trước yêu cầu mới đối với văn nghệ sĩ!
Hiện nay, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang rất cam go; một cuộc chiến liên biên giới, liên lãnh thổ, không một ai đứng ngoài cuộc. Văn nghệ sĩ cần nhạy bén bám sát hiện thực để khắc họa bức tranh sinh động về những bác sĩ - chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu ngày đêm kiên cường chống dịch, sáng tạo những tác phẩm có sức lan tỏa, có giá trị thẩm mỹ cao, tác động làm thay đổi nhận thức xã hội...
Văn hóa - văn nghệ luôn là một mặt trận. Trên mặt trận không tiếng súng mà nóng bỏng này, văn nghệ sĩ đang là, phải là những người chiến sĩ kiên trung, dũng cảm, tài ba trên mặt trận ấy như Bác Hồ đã dạy.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Ngày 5-1-1988, trên trang 2 báo Quân đội nhân dân số 9560, có đăng bài: "Bác Hồ nói về việc xây dựng Đảng, chính quyền, quân đội"

- Ngày 5-1-1990, trên trang nhất báo Quân đội nhân dân số 10282 có đăng bài viết của đồng chí Phạm Văn Đồng với tiêu đề: "Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp".

- Ngày 5-1-1995, trên trang nhất báo Quân đội nhân dân số 12082 có trích lời Nguyễn Ái Quốc: "Đảng phải đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa bè phái và phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lê-nin để nâng cao trình độ văn hóa và chính trị cho các đảng viên. Phải giúp đỡ cán bộ không đảng phái nâng cao trình độ".
- Ngày 5-1-1996, trên trang 3 báo Quân đội nhân dân số 12442, trong bài kỷ niệm 50 năm Quốc hội có trích lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945 và đăng trang trọng bức ảnh của Người khi ký sắc lệnh công bố Hiến pháp tháng 1-1960.
THANH HƯƠNG (tổng hợp)