Hiện tượng đánh trống ngực xuất hiện khiến bạn cảm thấy lo lắng, tim có thể đập nhanh hoặc chậm, đập mạnh một cách bất thường. Đây thường là dấu hiệu cho thấy bạn làm việc quá sức, bị mệt mỏi. Nhưng đôi khi nó có thể là biểu hiện về một bệnh lý khác, ví dụ như bệnh tim mạch. Do đó, việc tìm hiểu về nguyên nhân, cách phòng ngừa là cần thiết, để tránh trường hợp đánh trống ngực cảnh báo bệnh lý nguy hiểm.
Đánh trống ngực là gì?
Đánh trống ngực là thuật ngữ chỉ nhận thức của cơ thể về nhịp tim. Khi có sự bất thường của chuyển động tim trong lồng ngực, người bệnh thường có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, đập thình thịch hoặc bị bỏ nhịp. Một số trường hợp còn cảm thấy khó chịu, lo lắng. Đây là một triệu chứng phổ biến, không nghiêm trọng và hiếm khi cần điều trị.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan với tình trạng đánh trống ngực mạnh. Bởi nó cũng có thể là triệu chứng đáng báo động liên quan đến bệnh lý về tim mạch. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp. (1)
Đánh trống ngực là biểu hiện bệnh gì?
Đánh trống ngực là một triệu chứng khá phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, đánh trống ngực là lành tính, không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh bạn cần chú ý như:
- Vấn đề liên quan đến tâm lý: Khi hoảng loạn, cảm xúc mãnh liệt sẽ kích thích tiết ra các hormon làm tăng tốc độ của nhịp tim. Một số người có thể cảm thấy khó thở, hụt hơi, thậm chí đau thắt ngực. Trường hợp bị rối loạn lo âu thì triệu chứng đánh trống ngực rất thường xuất hiện, kèm theo đó là sợ hãi, lo lắng quá mức.
- Bệnh tim: Đánh trống ngực nguy hiểm khi có liên quan đến vấn đề ở tim, thường là rối loạn nhịp tim. Đối với ngoại tâm thu nhĩ/thất, tim sẽ đập bị bỏ nhịp. Nhịp nhanh trên nhĩ/thất, tim đập nhanh bất thường. Block nhĩ thất, người bệnh có cảm giác hồi hộp, kèm theo đó là chóng mặt, có thể ngất. Nếu bạn được chẩn đoán có bất thường ở tim, khi cơn đánh trống ngực xuất hiện, cần được can thiệp điều trị nhanh chóng để tránh các biến chứng.
>> Xem thêm: Hồi hộp đánh trống ngực: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Triệu chứng đánh trống ngực thường gặp
Các triệu chứng thường gặp khi đánh trống ngực xuất hiện, người bệnh có thể cảm nhận được bao gồm:
- Bị khó thở;
- Cảm thấy tim đập rất nhanh và không đều nhịp;
- Bị hụt nhịp;
- Có cảm giác đau tức ở ngực;
- Người vã mồ hôi;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Đánh trống ngực có thể xuất hiện khi bạn đang hoạt động hoặc nghỉ ngơi;
- Khả năng chịu nhiệt giảm;
- Mệt mỏi;
- Khó tập trung;
- Cảm thấy khó chịu trong người. (2)
Một số triệu chứng khác cho thấy đánh trống ngực là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm, người bệnh cần chú ý là: Bị choáng váng hoặc ngất, nhịp tim >120 lần/phút hoặc <45 nhịp/phút nghỉ ngơi, tập luyện gây đánh trống ngực hoặc ngất xỉu, tiền sử gia đình có ngất nhiều lần hoặc tử vong đột ngột.
Nguyên nhân đánh trống ngực
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh trống ngực, có thể là nguyên nhân do căng thẳng hay vấn đề liên quan thể chất, hoặc cũng có thể là nguyên nhân do bệnh lý liên quan tim mạch hay bệnh lý ngoài tim.
1. Các nguyên nhân thường gặp
Nhiều trường hợp bị đánh trống ngực xảy ra trong cuộc sống hằng ngày do các nguyên nhân thường gặp như:
- Do căng thẳng và lo lắng quá mức khiến tim đập nhanh, gây ra cảm giác đánh trống ngực, hồi hộp, có thể bị khó thở.
- Tập luyện với cường độ mạnh: Khi đó, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn nên tim phải co bóp, bơm máu nhiều hơn. Hoặc trong trường đã lâu ngày bạn không vận động mạnh, khi bắt đầu tập luyện lại với các bài tập nặng có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực.
- Lạm dụng các chất kích thích: Caffeine có trong cà phê, chất nicotin trong khói thuốc lá, xì gà là các tác nhân khiến bạn bị tăng nhịp tim, đánh trống ngực.
- Thay đổi hormone do đang mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
- Bị sốt, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn nên tim đập nhanh và dễ bị đánh trống ngực;
- Sử dụng một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ không mong muốn. (3)

2. Do các bệnh lý khác ngoài tim
Đánh trống ngực có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác mà người bệnh cần lưu ý đến như: Bệnh về tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), u tủy thượng thận, bị hạ đường huyết,…
Các rối loạn chuyển hóa thường gặp có biểu hiện là đánh trống ngực như: Bị thiếu máu, hạ oxy máu, rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn,…
3. Đánh trống ngực gây ra bởi bệnh tim
Nguyên nhân gây đánh trống ngực đáng lo ngại nhất là khi nó xuất phát từ các vấn đề có liên quan đến tim mạch bao gồm:
- Rung nhĩ: Nhịp tim đập không đều, hỗn loạn ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
- Nhịp tim nhanh trên thất: Nhịp tim đập với tần số nhanh hơn bắt nguồn từ các bất thường ở tâm nhĩ.
- Nhịp nhanh thất: Rối loạn nhịp tim nhanh do tín hiệu bất thường ở tâm thất.
- Ngoại tâm thu thất: Khiến người bệnh cảm giác tim đập mạnh và loạn xạ trong lồng ngực do sự xuất hiện của những nhịp tim phụ.
- Bị bệnh tim bẩm sinh: Gồm bệnh cơ tim thất phải, hội chứng Brugada, hội chứng QT dài bẩm sinh.
- Các bất thường ở van tim: Như hẹp van, hở van, sa van tim.
- Hạ huyết áp thế đứng: Người bệnh thường có cảm giác đánh trống ngực khi đứng dậy do nhịp nhanh xoang.
Hiện tượng đánh trống ngực được chẩn đoán như thế nào?
Để xác định triệu chứng đánh trống ngực có liên quan bất thường của hệ tim mạch không, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng bao gồm:
1. Điện tâm đồ
Thông qua việc thăm dò bằng phương pháp điện tâm đồ, các tín hiệu điện bất thường gây rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực được phát hiện. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ biết được khả năng tống máu của tim, tốc độ nhịp tim có bất thường hay không, giúp chẩn đoán các bệnh lý về tim.
2. Nghiệm pháp bàn nghiêng
Nghiệm pháp này được áp dụng để xác định nguyên nhân gây ngất do tụt huyết áp, hội chứng nhịp nhanh thế đứng, rối loạn hệ thống thần kinh tự động. Đồng thời, tái hiện lại các triệu chứng cơ năng và thực thể đi kèm với ngất phế vị.
3. Holter ECG
Nếu chưa có chẩn đoán rõ ràng và các triệu chứng của đánh trống ngực vẫn xuất hiện thường xuyên, người bệnh cần được theo dõi bằng Holter ECG. Bệnh nhân sẽ đeo thiết bị này trong khoảng 24-48 giờ để giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim bất thường trong suốt thời gian đeo máy. Holter ECG được sử dụng chủ yếu trong trường hợp tình trạng bệnh kéo dài, có nghi ngờ rối loạn nhịp tim.
4. Xét nghiệm máu
Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim đều cần được chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả của phương pháp này sẽ giúp bác sĩ có cơ sở chẩn đoán liệu tình trạng đánh trống ngực có liên quan đến các bệnh lý ở tim hay các bệnh về máu hay không.
5. Dấu ấn tim (Troponin và Creatinine kinase)
Xét nghiệm dấu ấn tim là phương pháp chẩn đoán nên được áp dụng ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim liên tục, bị đau tức ngực hoặc các triệu chứng gợi ý khác. Ngoài ra, bệnh nhân bị đánh trống ngực có tiền sử bệnh mạch vành, bệnh viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim cũng cần được tiến hành xét nghiệm này.
6. Kiểm tra gắng sức
Ở những bệnh nhân tình trạng đánh trống ngực thường xuất hiện khi hoạt động gắng sức, thực hiện kiểm tra gắng sức là phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh động mạch vành hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim cũng nên được kiểm tra gắng sức.
7. Siêu âm tim
Phương pháp thăm dò chẩn đoán này sử dụng sóng siêu âm tần số cao để cho ra kết quả về hình ảnh động của tim, các cấu trúc liên quan đến tim. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện được các bất thường ở cấu trúc tim hoặc van tim, nguyên nhân gây đánh trống ngực.

8. Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng (MRI) tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao, giúp bác sĩ có thể nhìn rõ hơn các cơ quan, mô và hệ thống xương bên trong cơ thể. Đặc biệt là trong chẩn đoán các bệnh lý về tim, giúp đánh giá được kích thước, chức năng của buồng tim, mức độ tổn thương, các bất thường về cấu trúc ở tim.
Hiện tượng đánh trống ngực đập mạnh có đáng lo ngại?
Đánh trống ngực là một tình trạng rất thường xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả những người khỏe mạnh vẫn có thể gặp phải. Trong hầu hết những trường hợp này, đánh trống ngực không quá nguy hiểm, bạn không cần phải quá lo lắng nếu xác nhận được nguyên nhân. Khi đó, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, ổn định lại tinh thần, hít thở sâu để cải thiện, cân bằng lại nhịp tim.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy đánh trống ngực đập mạnh, xuất hiện nhiều lần, thời gian kéo dài thì nó thật sự đáng lo ngại. Bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo triệu chứng có liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm hơn, điển hình như bệnh về tim mạch. Khi đó, bạn cần đến bệnh viện, thực hiện khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây đánh trống ngực và có biện pháp điều trị tốt.
Phương pháp điều trị tình trạng đánh trống ngực
Việc điều trị tình trạng đánh trống lồng ngực tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Nếu bạn bị đánh trống ngực do hoạt động thể chất quá mức hoặc do yếu tố về tâm lý gây ra, thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn để ổn định nhịp tim, giảm tình trạng trống ngực đập nhanh. Bên cạnh đó, bạn cũng nên điều chỉnh lại mức độ, tần suất cũng như bài tập luyện thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, không nên tập luyện hoặc vận động quá sức. Nếu trong thời gian dài bạn không tập luyện, khi bắt đầu tập trở lại, cần chú ý mức độ tập phải từ nhẹ, sau đó tăng dần dần.
- Đánh trống ngực có thể xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh như: Sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá thì cách điều trị tốt nhất là bạn dần tránh xa chúng. Hạn chế sử dụng cà phê, rượu, bia và không hút thuốc lá.
- Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ làm tim đập nhanh, bị đánh trống ngực. Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc khuyên bạn tạm ngưng hoặc dùng một loại thuốc thay thế khác để khắc phục tình trạng đánh trống lồng ngực.
- Đối với các bệnh lý về tim có biểu hiện đánh trống ngực, người bệnh cần được thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nặng hơn có thể cần đến can thiệp phẫu thuật. (4)

Biện pháp phòng ngừa và cải thiện tình trạng đánh trống ngực
Nhiều khi trống ngực đập nhanh chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc do vận động, lo lắng quá mức. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cải thiện đánh trống ngực vẫn cần thiết. Một số biện pháp bạn có thể vận dụng như:
- Cố gắng giữ bình tĩnh khi gặp vấn đề nghiêm trọng nào đó trong cuộc sống. Bạn có thể ngồi xuống, hít thở sâu để giảm lo lắng;
- Cần tập luyện thể thao ở mức độ phù hợp với thể trạng, tránh tập luyện quá sức;
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch;
- Kiểm soát tốt mức độ huyết áp;
- Không hút thuốc lá, tránh xa những đồ uống có chứa chất kích thích;
- Giữ tinh thần thoải mái, không nên làm việc quá căng thẳng, áp lực;
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định mà bác sĩ đưa ra. Nếu nhận thấy có tác dụng phụ không mong muốn, nên trao đổi lại với bác sĩ để được điều chỉnh phù hợp;
- Đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi nhận thấy triệu chứng đánh trống ngực trở nên nghiêm trọng, kèm theo với các biểu hiện bất thường khác.
>> Xem thêm: Đánh trống ngực khi nằm: Nguyên nhân, triệu chứng và ngăn ngừa
Câu hỏi thường gặp về đánh trống ngực
1. Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh và tình trạng đánh trống ngực ít khi xuất hiện, triệu chứng chỉ thoáng qua thì bạn không cần phải quá lo lắng. Nhưng bạn cần đến bệnh viện sớm nếu đánh trống ngực có đi kèm với các biểu hiện sau:
- Xuất hiện cơn đau tức, khó chịu ở vùng ngực;
- Chóng mặt, hoa mắt, ngất;
- Khó thở nghiêm trọng;
- Cơn đau xuất hiện lan ra cả phần cánh tay, cổ, ngực, hàm hoặc phần lưng trên;
- Đổ quá nhiều mồ hôi;
- Người mệt lả;
- Nhịp tim 100 nhịp/phút khi bạn nghỉ ngơi.
Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử bệnh tim xuất hiện cơn đánh trống ngực liên tục và thường xuyên hoặc đánh trống ngực có diễn tiến xấu, cần gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm.
2. Tình trạng đánh trống ngực kéo dài bao lâu?
Triệu chứng đánh trống ngực có thể chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài giây đối với người khỏe mạnh. Hoặc căng thẳng, vận động mạnh gây đánh trống ngực cũng sẽ dần hết khi bạn dần ổn định lại tinh thần, được nghỉ ngơi. Trong trường hợp đánh trống lồng ngực là triệu chứng của bệnh lý khác, có liên quan đến tim hoặc không liên quan đến tim, có thể kéo dài hơn. Khi đó, tốt nhất bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Khi cần khám, điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, lồng ngực, mạch máu, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, không chỉ quy tụ đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, mà còn trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị có kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Đánh trống ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Do đó, bạn nên đến bệnh viện để được khám, thực hiện xét nghiệm, siêu âm tim, chụp MRI… tìm nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn về cách điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả.