Có bao giờ chị phải bị động bỏ thứ gì?
Là những gì tôi đang buông bỏ ngay lúc này đây. Cái trận đại dịch chết tiệt này đến khiến cuộc sống của bao nhiêu người đảo lộn, và tôi cũng không ngoại trừ.
Cuối năm ngoái tôi viết xong một cuốn sách, được nhiều đồng nghiệp trong nghề đánh giá là có tính khai phá, nhà xuất bản đã sắp xếp khá nhiều chuyến giao lưu. Con đường thăng tiến cũng mở rộng, thậm chí ngày bảo vệ chức danh giáo sư đã định sẵn. Ba hội thảo khoa học đã mời tôi làm diễn giả chính. Tiền tài trợ nghiên cứu cũng có dấu hiệu dồi dào. Và còn rất nhiều cơ hội riêng tư khác nữa.
Thế rồi đùng một cái, tất cả trôi tuột đi. Những tháng đầu đại dịch, tôi nhấp nhổm không yên. Vừa phải làm việc gấp nhiều lần để dạy online, vừa thấy bao cố gắng của mình tuột khỏi tay. Cảm giác ấy thật là tan nát.
Thế rồi tôi quyết định bỏ. Không phải bỏ việc, bỏ kế hoạch, bỏ định hướng, bỏ ước mơ... mà là bỏ sự cáu bẳn, dấm dứt, tiếc nuối, giận giữ vì cuộc sống tự nhiên trở mặt không sòng phẳng. Cùng với bao nạn nhân khác, tôi nhận ra sự bất định của cơn đại dịch này. Chúng ta không biết cái gì sẽ xảy ra, mọi thứ hoang mang và mất phương hướng.
Trong tình trạng đó, điều dở nhất là tiêu phí năng lượng có hạn vào việc nuối tiếc những gì đã mất. Buông bỏ một suy nghĩ có lẽ là sự buông bỏ khó nhất, chắc chắn là khó hơn bỏ người yêu (cười). Vì người yêu bằng xương bằng thịt, chia tay là ai đi nẻo nấy. Nhưng sự nuối tiếc thì chỉ cần nghĩ đến là lù lù quay về. Điều này giải thích tại sao thiền định là một phương thuốc kỳ diệu. Nó khiến ta tách bản thân mình ra khỏi suy nghĩ, cho phép ta nhìn và quan quan sát suy nghĩ như thể một kẻ đến rồi đi. "Tôi giận dữ" khác với "Tôi thấy có sự giận dữ trong lòng" rất nhiều. Cả một quá trình đấy, để bỏ được vế đầu và chuyển được sang vế sau, để suy nghĩ không trở thành một nguyên liệu cấu thành bản thân, mà đơn giản chỉ là một thứ tôi "có" trong phút chốc, rồi "buông" để nó chán phải tự bỏ đi.